Khi cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton phát biểu tối 2-7 ở Hà Nội, nhắc tới ngày 11-7-1995 “là một ngày độc lập khác” của nước Mỹ, một người trong khán phòng rất xúc động. Đó là ông Desaix Anderson, đại biện lâm thời đầu tiên được tổng thống Clinton cử tới Việt Nam 20 năm trước để thực hiện việc lập ra sứ quán Mỹ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. TTCT có cuộc trao đổi với ông Anderson. Ông Desaix Anderson (trái) - Ảnh: Ảnh do nhân vật cung cấp Ông được chọn là đại biện lâm thời đầu tiên tới Việt Nam như thế nào? Tôi biết ông có tham gia các hoạt động với Việt Nam từ trước, nhưng vấn đề Việt Nam khi đó vẫn còn rất phức tạp trong nội bộ Mỹ. Đó có phải là quyết định khó cho ông? - Ông Desaix Anderson: Tôi có khoảng sáu lần thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới Việt Nam, khởi đầu từ giai đoạn 1965-1967. Từ năm 1980-1984, tôi là người phụ trách Việt Nam, Lào và Campuchia của Cục Đông Á Bộ Ngoại giao và từng thúc đẩy không thành việc tái khởi động đàm phán bình thường hóa Mỹ - Việt. Từ năm 1989-1992 tôi làm phó trợ lý thường trực phụ trách Cục Đông Á và tiếp tục theo dõi sát diễn biến ở Đông Dương. Tới năm 1993-1994, tôi được cử làm cố vấn cao cấp về châu Á cho Hội đồng kế hoạch chính sách (PPC), nơi tôi có đề nghị phải bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Khi ngoại trưởng Warren Christopher cho tôi lựa chọn giữa một vị trí đại sứ và cơ hội được mở và điều hành sứ quán ở Việt Nam vào tháng 8-1995 với tư cách là đại biện lâm thời cho đến khi có đại sứ mới đến, tôi đã nhanh chóng chọn Hà Nội. Một cơ hội đầy thách thức khi đó để bắt đầu và xây dựng lại quan hệ với Việt Nam - đất nước mà Mỹ từng có chiến tranh và không có quan hệ trong 50 năm. Cơ hội đặc biệt để bắt đầu hàn gắn với một cựu thù cũ. Với tất cả nghi kỵ giữa hai bên vào lúc đó, việc lập sứ quán khi đó thách thức như thế nào? - Thách thức khi đó là làm thế nào để thiết lập quan hệ bình thường sau thời gian dài chiến tranh và thù địch kể từ năm 1945. Tôi quyết định ngay khi đó là phải cố gặp được càng nhiều người Việt trong chính quyền và ngoài xã hội càng tốt, để khẳng định với tất cả rằng tôi ở đó để xây dựng mối quan hệ mới mang tính xây dựng với Việt Nam, như tổng thống Clinton trước đó tuyên bố. Thách thức là phải chứng minh với những nhóm xã hội rất khác nhau khi đó (về thiện ý của Mỹ). Nhưng khi bắt đầu, mọi thứ đều dễ dàng vì tôi thường gặp được sự thân thiện, hỗ trợ và tiếp ứng của mọi người tôi gặp. Tôi chưa bao giờ gặp bất cứ sự thù địch nào. Nên như tôi từng nói với cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng trong chuyến thăm ngày 7-5-1997, trước khi tôi về nước, thì công việc tôi khi đó vừa dễ và vừa hứng khởi. Kỷ niệm nào mà ông còn nhớ? - Tôi đặc biệt ấn tượng về thái độ của người trẻ đối với nước Mỹ. Tôi không hề thấy sự thù địch, thay vào đó là sự quan tâm lớn đối với xã hội và văn hóa Mỹ, cũng như mong muốn tìm hiểu thêm về Mỹ. Tôi nghĩ điều này có lợi cho tương lai quan hệ hai nước. Có điều gì trong những năm 1990 đó khiến ông ngạc nhiên về Việt Nam? - Sau khoảng 23 năm vắng mặt tại Việt Nam và 50 năm thù địch giữa hai nước, tôi luôn ngạc nhiên về sự nồng hậu và ấm áp mà tôi được tiếp đón cũng như mong mỏi của người Việt Nam muốn phát triển quan hệ song phương khi đó. Tôi đặc biệt nhớ cuộc gặp của tôi với ông Đào Duy Tùng, người đứng thứ tư trong hệ thống chính trị Việt Nam khi đó và nổi tiếng là người cứng rắn với quan điểm về ý thức hệ. Trong cuộc gặp đó, tôi nhắc lại vài lời đồn ở Hà Nội khi đó nói Chính phủ Mỹ âm mưu phá hoại chính quyền và xã hội Việt Nam... rồi cố gắng giải thích để bác bỏ từng lời đồn một. Đến cuối buổi thì ông Tùng gọi vài ly rượu nhỏ để chúc mừng quan hệ Việt - Mỹ. Tôi nghĩ buổi gặp đó đã rất hữu ích trong việc bác bỏ những lời đồn và khẳng định với ông Tùng về ý định tốt của Mỹ. Sau này tôi biết rằng cuộc gặp đó thật sự có những thành công nhất định. Ông đánh giá sao về chuyến thăm của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Mỹ? - Tôi kỳ vọng nhiều vào sự phát triển quan hệ và hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ và rất quan trọng để lãnh đạo hai nước biết nhau, hiểu mục đích và ý định của nhau để có thể biết đâu là phát triển thêm quan hệ đôi bên cùng có lợi. Nghĩ lại toàn bộ quá trình bình thường hóa, ông có điều gì muốn chia sẻ? - Quá trình bình thường hóa đã mất quá nhiều thời gian. Nhưng lịch sử quan hệ của chúng ta là rất phức tạp nên cần nhiều thời gian, nỗ lực để có thể đem lại kết quả đúng. Khi quyết định được đưa ra, quan hệ giữa chúng ta đã phát triển rất nhanh. Thomas Vallely, người đưa Chương trình Fulbright đến Việt Nam, nói rằng Ted Osius có thể là một trong những đại sứ tốt nhất của Mỹ ở Việt Nam nhờ vào sự dìu dắt của ông trước kia? - Khi Osius làm việc với tôi trong những ngày đầu của sứ quán Mỹ ở Hà Nội, tôi đã biết ông ấy có sự hiểu biết sâu, sự trân trọng và thậm chí là tình cảm đối với Việt Nam. Từ lâu tôi đã hi vọng một ngày nào đó ông ấy có thể trở thành đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Vì vậy tôi rất mừng khi ông được giao nhiệm vụ đó. Tôi biết ông ấy có thể đóng góp tích cực trong thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ, điều luôn là mục tiêu chính của tôi. Tôi coi trang web của ông và thấy có những bức vẽ về Hội An và Hạ Long. Việt Nam có ý nghĩa thế nào với ông? - Việt Nam là đất nước tươi đẹp với những con người thú vị. Điều này khiến tôi tham gia nghệ thuật khi tới Hà Nội trong những năm 1995-1997. Nhưng sự cuốn hút của Việt Nam đối với tôi không chỉ là vẻ đẹp. Tôi đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam và viết một cuốn sách hi vọng có thể xuất bản năm tới với tiêu đề An American diplomat’s journey through Vietnam’s history (Hành trình của một nhà ngoại giao Mỹ qua lịch sử Việt Nam). Sức mạnh của người Việt là rất ấn tượng. Cuộc đấu tranh lâu dài trong lịch sử định hình lên đất nước các bạn là một điều kỳ thú của lịch sử. Tôi có sự tôn trọng rất lớn với Việt Nam. Một trong những khoảnh khắc rất đẹp của sự nghiệp ngoại giao của tôi là dịp được gặp cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng trước khi tôi rời Hà Nội vào tháng 5-1997. Chúng tôi nói chuyện về lịch sử và chuyện mọi việc có thể khác đi thế nào nếu như các sự kiện và các quyết định không đẩy chúng ta vào hướng không may như vậy. Nhưng quan trọng nhất là tôi nói với ngài thủ tướng giờ không còn mâu thuẫn nữa trong lợi ích quốc gia của chúng ta và tôi hi vọng Việt Nam và Hoa Kỳ có thể xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Ngài thủ tướng mỉm cười đồng ý. Việc tôi có thể đóng vai trò trong sự thay đổi này là điều tôi cực kỳ hài lòng. Chân thành cảm ơn ông. NHỮNG PHÁT TRIỂN TÍCH CỰC VÀ THỰC CHẤT Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại cuộc hội đàm chính thức ở Nhà Trắng ngày 7-7-2015 - Ảnh: Reuters Việt Nam và Hoa Kỳ ghi nhận những phát triển tích cực và thực chất trên nhiều lĩnh vực hợp tác trong 20 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là sự phát triển trong hợp tác kinh tế và thương mại, hợp tác trong việc xử lý các vấn đề hậu quả chiến tranh cũng như trong khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh, quyền con người và tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trên những vấn đề cùng quan tâm. Việt Nam và Hoa Kỳ đã thu được nhiều thành tựu có ý nghĩa kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2013. Đặc biệt, thương mại và đầu tư song phương tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng; Hiệp định “123” về hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình đã có hiệu lực; Việt Nam đã thông qua Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt; Hoa Kỳ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương; Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng được ký kết; hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương được tăng cường. Các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam và các viện của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ của Hoa Kỳ cũng đã lần đầu tiên tiến hành các hoạt động đối thoại và trao đổi, như đã đề ra trong quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013. Các hiệp định và thỏa thuận dưới đây có đóng góp vào việc phát triển quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và tạo cơ sở vững chắc cho sự hợp tác trong tương lai mà hai nước sẽ tiếp tục xây dựng, bao gồm: Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và nghị định thư của hiệp định; Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc; Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ về Chương trình các mối đe dọa đại dịch mới nổi và Chương trình an ninh y tế toàn cầu; Thỏa thuận tài trợ giữa Cơ quan Phát triển và thương mại Hoa Kỳ và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam; Việt Nam cấp giấy phép thành lập Trường đại học Fulbright Việt Nam mới. Trích Tuyên bố về Tầm nhìn chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được thông qua sau cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 7-7-2015 (nguồn: TTXVN) Tags: 20 năm quan hệ Việt – MỹDesaix Anderson
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.