TTCT - Nguyễn Phương Văn, Phương Cẩm Sa, blogger 5xu, tác giả của Thời tiết đô thị, Ai và Ky... (viết cùng giáo sư Ngô Bảo Châu)... đều là một người. Tự nhận mình đã có nhiều năm “lúc nhập sách, lúc bán sách, lúc in sách, lúc làm tác giả”, Nguyễn Phương Văn chia sẻ cùng TTCT góc nhìn riêng về câu chuyện làm sách và đọc sách bây giờ... Nguyễn Phương Văn - Ảnh nhân vật cung cấp* Vậy sau "hơn mười năm, lúc nhập sách, lúc bán sách, lúc in sách, lúc làm tác giả", anh thấy văn hóa đọc thời nay ra sao?- Tôi nghĩ nên hạn chế sử dụng cụm từ "văn hóa đọc" vì nó có thể làm người ta có suy nghĩ thiên lệch về việc đọc sách, nhất là có cảm giác đọc sách là một việc sang, còn cuốn sách ắt phải có hàm lượng tri thức - thẩm mỹ cao, người đọc cũng phải là người "cao" hơn bình thường. Nên đơn giản gọi việc đọc sách là đọc sách, cũng nên coi sách như một sản phẩm tiêu dùng bình thường. Còn cứ nâng mãi cái việc đọc lên thành "văn hóa đọc" thì cũng sẽ còn mãi những phàn nàn rằng "văn hóa đọc" đi xuống nhiều lắm.Và khi coi sách là một sản phẩm tiêu dùng bình thường với các chủng loại hoặc hạng mục sản phẩm khác nhau, từ sách văn học, lịch sử hay triết đến vô vàn các loại sách giải trí, bồi dưỡng tâm hồn, dạy kỹ năng cho thanh niên… thì ta sẽ thấy một thực trạng khá thú vị. Nếu như ai đó cho rằng "việc đọc" đang đi xuống thì sẽ lý giải làm sao khi thị trường hàng giả (sách giả) vẫn tồn tại mạnh mẽ, sách bản mềm miễn phí có thể tìm và sao chép đầy rẫy trên mạng? Nếu "việc đọc" không có sức sống tự thân mạnh mẽ, chắc hẳn sẽ không tồn tại thị trường sách lậu và sách sao chụp miễn phí trên mạng.Và đặc biệt hơn nữa, sản phẩm sách dường như chỉ có thị trường và kênh phân phối ở các đô thị, còn vắng bóng ở tỉnh nhỏ và nông thôn. Phải chăng không có "người tiêu dùng sách" trong số hàng chục triệu người dân sống ở nông thôn? Hay không có kênh phân phối hữu hiệu nào để mang sách đến cho người tiêu dùng ở nông thôn? Hay giá sách quá cao so với thu nhập của họ? Các nhà xuất bản lớn của VN trước đây rất lâu đều có những “con mắt xanh”, tìm kiếm tài năng viết, nuôi nấng hỗ trợ tài năng ấy phát triển, nên mới có những cây bút riêng, dòng sách riêng. Những nhà văn hàng đầu của VN một thời đều có thể nương tựa vào một nhà xuất bản để yên tâm viết, vì có nhà xuất bản đằng sau. Các nhà xuất bản hiện nay rất ít nơi có cây viết riêng của mình, thứ nhất vì hiếm “mắt xanh”, thứ hai cũng hiếm ai can đảm “nuôi” người viết, can đảm làm bàn đạp cho họ.* Hoặc tệ hơn nữa: không có sản phẩm sách phù hợp với những người tiêu dùng ấy?- Cũng với câu hỏi này, chúng ta có thể tiếp tục tò mò: ngay ở những đô thị lớn, phát hành sách có thể hiện diện đến tận địa bàn quận, sao vẫn thiếu vắng những người tiêu dùng sách trong giới tiểu thương, công nhân…? Họ không sẵn lòng chi tiền để mua mỗi năm một, hai cuốn sách mỏng cho mình hoặc con mình? Hay không có sản phẩm đọc phù hợp với họ?Tại những kỳ hội sách đầu tiên hoàn toàn thiếu vắng các công ty tư nhân làm sách, truyền thông. Những kỳ sau thì xuất hiện rất nhiều công ty làm sách và họ đều theo đuổi những dòng sản phẩm riêng rất thú vị. Hội sách năm nay lại khác, các công ty làm sách bắt đầu chuyển sang làm thêm các dòng sản phẩm của nhau. Công ty trước đây chuyên sách văn học nay làm thêm sách quản trị kinh doanh, công ty làm sách quản trị kinh doanh giờ lại làm cả sách kỹ năng…Về lý thì một nhà sản xuất được quyền và rất nên đa dạng hóa sản phẩm của mình để khách hàng của họ có thêm lựa chọn. Nhưng đó phải là một thị trường đủ lớn, và sự đa dạng hóa không có nghĩa là "cắn" vào thị phần của nhau. Nhưng thị trường sách vẫn quẩn quanh ở đô thị lớn, lượng khách hàng mua sách thường xuyên tăng trưởng rất chậm so với tăng trưởng dân số trong suốt mấy chục năm qua.Có vẻ như các công ty xuất bản nhảy qua làm các dòng sách của nhau chẳng qua vì lười và sợ mạo hiểm, không dám khai phá thị trường mới, khách hàng tiềm năng mới. Không lo tìm sản phẩm mới cho người ta mà cứ thấy mảng nào sẵn ngon ăn là nhảy vào làm. Thanh niên ở nông thôn, tiểu thương ở thành thị hiện nay muốn đọc gì và hiện phải đọc cái gì, những người làm xuất bản có biết không?* Ðiều gì khiến anh nghĩ thị trường sách đang quẩn quanh?- Lượng sách xuất bản và phát hành đang tăng lên về số lượng. Các số liệu từ Cục Xuất bản, Fahasa và các nhà sách cho thấy có sự tăng trưởng về số tựa sách và tổng số lượng bản sách được tiêu thụ. Nhưng các nhà phát hành hình như đang thu nhỏ thị trường về mặt địa lý, họ dồn sức vào khu vực đô thị. Các nhà xuất bản không phát triển được thêm đối tượng khách hàng mới. Thậm chí như tôi quan sát ở hội sách và các cửa hàng sách, người đi mua sách hầu hết là người trẻ và là học sinh, sinh viên. Những người mua sách ở độ tuổi trên 35 có vẻ ít dần đi. Những người lao động, công nhân viên chức, thậm chí cả giảng viên, cũng mua ít sách đi so với trước đây. Ít đi, ở đây tôi muốn nói là số lượng người mua sách, chứ không phải số sách một người mua hằng năm.* Anh có nghĩ vấn đề nằm ở giá của sách?- Tất nhiên với bất kỳ sản phẩm nào thì giá bán cũng là vấn đề. Nhưng với sản phẩm sách thì giá bán không phải là yếu tố ảnh hưởng lớn đến quyết định của người mua. Nếu người tiêu dùng thấy cuốn sách tốt, có ích, người ta sẽ mua, lúc đó giá bán chỉ là một phần. Có nhiều lý do quyết định việc mua một cuốn sách, ví dụ nhà sách gần, tiếp cận thuận tiện. Hoặc đơn giản là vì thói quen, người ta từng một lần mua được một cuốn mà về nhà đọc thấy có ích hoặc thích, họ sẽ tìm cuốn thứ hai.* Theo anh, thị trường sách của VN đang thiếu gì?- Quay lại việc coi sách như sản phẩm tiêu dùng bình thường, bạn đọc là những khách hàng tiêu dùng bình thường, thay vì phát triển các dòng sản phẩm cao cấp như triết, lịch sử, văn học quốc tế đoạt giải… thì có thể làm sách dạy người ta kiếm sống, dạy người ta cách tồn tại thích nghi khi thay đổi từ nông thôn ra thành thị. Cuốn sách mà làm một người thợ cắt tóc đọc xong thấy vui, cô công nhân may đọc xong thấy cuộc đời này đáng sống, cuốn sách ấy là một sản phẩm tốt. Khi người ta còn thấy vui, thấy buồn là người ta vẫn còn lương thiện.Tìm ra sản phẩm phù hợp cho những khách hàng có khả năng tham gia thị trường luôn là một việc khó. Để có những thể loại sách mới, dành cho đối tượng mới là việc rất quan trọng và rất khó khăn, đòi hỏi người làm sách phải tìm tòi suy nghĩ. Một sản phẩm nước ngọt khi vào Việt Nam gặp khó khăn như thế nào để trụ lại và có thị phần thì sách cũng sẽ gặp những khó khăn như thế khi đi về nông thôn, hay đi vào các đối tượng khách hàng không truyền thống ở đô thị. Nhưng tôi tin rằng nếu các nhà xuất bản chịu khó tìm tòi, đầu tư và kiên nhẫn thì thời gian sẽ trả lại cho họ kết quả ngọt ngào.Có lẽ phải nghĩ nhiều hơn đến các dòng sách bình dân, đừng nghĩ sách phải dày cộp, in đẹp, bìa cứng mới là sách hay. Sách in giản dị, giá tương đương một, hai chai nước ngọt ai cũng mua được. Sản phẩm phù hợp, có ích, tự khắc người ta mua, tự khắc người ta mượn nhau và phát sinh nhu cầu muốn tìm kiếm để đọc thêm. Từ đấy dần dần thị trường sách sẽ lớn lên.* Vậy theo anh, các nhà làm sách cần cải thiện điều gì trước hết?- Làm một cuốn sách đủ thân thiện với người mua là rất quan trọng, có khi họ cũng chưa biết nó nói về cái gì, nhưng trước hết họ bị thuyết phục bởi sự thân thiện của cuốn sách. Cuốn sách cầm lên dày cộp, ghi lằng nhằng đây là cuốn sách bán chạy ở Mỹ, đây là cuốn sách đỉnh cao trí tuệ, tác giả là nhà văn hàng đầu, chứa đầy tư tưởng nhân sinh quan, thế giới quan kỳ bí thì bạn đọc nhìn vào chắc phát hãi.Tôi thấy mấy người làm xuất bản hay có những niềm tự hào như: tôi chỉ làm các cuốn kinh điển, các cuốn đỉnh cao, các cuốn làm thay đổi thế giới. Tôi thì nghĩ làm một cuốn sách mà tác giả đoạt giải Nobel hay một cuốn sách "sến bình dân" thì cũng phải trân trọng như nhau, làm cẩn trọng như nhau. Và quan trọng hơn là phải trân trọng người mua các cuốn sách ấy như nhau. Tâm lý làm sách "sang" và đọc sách "sang" đang rất phổ biến trong khi thật ra cuốn sách nào cũng có độc giả của nó. Một cuốn sách bình dân, đi vào cuộc đời bình thường của người đọc rất có thể sẽ để lại những điều đẹp đẽ mà họ mang theo suốt cuộc đời.* Cảm ơn anh."Tôi đã có hai cuốn sách, cuốn đầu là cuốn sách của tình bạn: tôi viết blog cho bạn bè đọc, người chọn các bài viết đấy để in thành sách là bạn tôi, rồi người in cuốn sách ấy cũng là bạn tôi. Nhiều người mua sách về đọc rồi tìm đến tôi và dần dần thành bạn. Cuốn Ai và Ky... thì một người bạn lớn, giáo sư Ngô Bảo Châu, rủ viết. Cuốn sách này hai anh em bọn tôi chỉ dám coi là "á văn học", nên mới gọi cuốn sách đấy là "toán hiệp".Viết trên blog và viết một cuốn như Ai và Ky... khác nhau nhiều lắm. Viết sách để in ra giấy rõ ràng cần chỉn chu hơn. Có thể vẫn là người đọc ấy, nhưng mình phải tôn trọng người mua ở công đi mua, bỏ tiền ra mua sách. Chưa kể sách in ra được là do bao nhiêu cây trên rừng phải chặt xuống để làm giấy, in ấn cũng tốn hóa chất gây ô nhiễm môi trường. Sách viết để in ra mà không cẩn trọng thì khác gì gián tiếp phá rừng và gây ô nhiễm môi trường". Tags: Đọc sáchNgô Bảo ChâuNGUYỄN PHƯƠNG VĂNSản phẩm tiêu dùngLàm sách
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.