TTCT- Hãy nhìn cận cảnh vào một TP hiện đại như Paris, để coi họ ứng xử ra sao với mô hình chợ và sử dụng không gian đô thị công cộng như thế nào nhằm giúp chợ tồn tại sinh động và hiệu quả. Khu vực nội thành của các đô thị đương đại Việt Nam mang đậm dấu ấn của cấu trúc đô thị Pháp với những thích ứng phù hợp với khí hậu nhiệt đới, trong đó Sài Gòn - TP.HCM là một điển hình tiêu biểu. Với nền tảng vật chất gần gũi như vậy, kinh nghiệm sử dụng không gian đô thị công cộng - cụ thể là quảng trường, vỉa hè và đường giao thông - cho các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa của một TP quy mô lớn như Paris có thể cung cấp những gợi ý tích cực cho các vấn đề tương tự của TP.HCM hiện nay. Chợ phiên ngoài trời là một ví dụ. Thương mại lưu động Chợ phiên ngoài trời là thành phần chính của thương mại lưu động - lĩnh vực thương mại lâu đời từng giữ vai trò kinh tế rất quan trọng ở châu Âu cho đến trước thời kỳ bùng nổ của xã hội tiêu thụ vào nửa sau của thế kỷ 20. Mặc dù bị áp đảo về doanh số bởi nhiều mô hình thương mại mới, từ trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đến thương mại điện tử..., thương mại lưu động vẫn tiếp tục tồn tại, giữ vị trí đáng kể về mặt bán lẻ. Nó cung cấp cho người tiêu thụ các mặt hàng có chất lượng tốt, kể cả ở các đô thị lớn như Paris, nơi mà mọi hoạt động kinh tế - xã hội đang tiến dần từ kỷ nguyên cơ khí hóa sang số hóa. Trong thực tế, ngoài các chợ nhà lồng cố định, mà số lượng đã giảm mạnh trong vài thập niên vừa qua (như ở Paris, khoảng 25 đơn vị đã bị phá dỡ, 11 đã được chuyển đổi công năng), hoạt động mua bán chủ yếu diễn ra ở các không gian giao thông công cộng: quảng trường, vỉa hè rộng của một tuyến đường, dải đất trống nằm giữa các đại lộ, con phố nhỏ được cấm xe lưu thông khi họp chợ..., với chợ phiên ngoài trời chiếm đại đa số. Ngoài ra, còn có các hình thức mua bán ngoài trời khác như hội chợ (các nhà sản xuất cùng một loại mặt hàng, ví dụ như rượu vang, họp lại để trực tiếp giới thiệu bán sỉ và lẻ sản phẩm); chợ tết (tổ chức vào dịp Giáng sinh và Tết dương lịch); chợ đồ cũ giá trị cao (với các nhà sưu tầm chuyên nghiệp mua bán các vật dụng có giá trị tuổi đời dưới 100 năm, chủ yếu là lĩnh vực trang trí nội thất), chợ gia đình (các gia đình tự bán đồ gia dụng cũ không dùng nữa)... Tuy nhiên các hoạt động này có tần suất thấp, chỉ được tổ chức một hai lần ở một vị trí được chọn, vào mỗi tháng hay trong năm. Các hình thức xe tải - cửa hàng bán lẻ lưu động, xe hàng ăn (food truck), cửa hàng phù du (pop-up retail) bổ sung cho sự đa dạng phong phú của thương mại lưu động. Như bao đô thị lịch sử khác, chợ là một nét văn hóa đại chúng lâu đời quan trọng góp phần hình thành cá tính riêng của Paris. Hệ thống chợ của Paris gồm ba loại: chợ truyền thống có mái che trong các nhà lồng lớn; chợ ngoài trời với thực phẩm (chế biến và chưa chế biến) là thành phần chủ đạo; chợ đặc thù chuyên về một sản phẩm nào đó (như hoa, cây cảnh, chim, đồ cũ các loại, sản phẩm sạch...). Trong báo cáo năm 2015, Phòng thương mại và công nghiệp Paris khẳng định thương mại lưu động là linh hồn của một đô thị sống động, đầy sức thu hút, đáp ứng tốt các nhu cầu của người tiêu thụ về mặt chất lượng hàng hóa, sự tiện lợi gần gũi và quan hệ nhân bản. Loại hình này còn bổ sung tốt cho các hạn chế của thương mại cố định. Trong thực tế, các chợ phiên ngoài trời mang lại nguồn thu trực tiếp và gián tiếp về kinh tế cho các TP lớn, đối với TP quy mô nhỏ thì chủ yếu là các lợi ích về văn hóa (duy trì một cội rễ lịch sử), xã hội (giải quyết việc làm cho thành phần lao động) và đô thị (sự năng động, hấp dẫn tiện ích dịch vụ, hòa hợp xã hội). Loại hình thương mại lâu đời này là một yếu tố rất cần thiết cho các TP về nhiều mặt và sẽ còn tiếp tục tồn tại, do đó việc có thái độ ứng xử hợp lý về mặt quản lý nhà nước là quan trọng và không nên tránh né. Chợ phiên trên đường Montmartre, quận 1, Paris sôi động kẻ bán người mua -Projet des Halles Sức hấp dẫn Chợ phiên ngoài trời Chính trong bối cảnh cần lập lại trật tự buôn bán vỉa hè, bảo đảm an toàn thực phẩm, quản lý các hộ kinh doanh mà chợ phiên ngoài trời của Paris được tổ chức lần đầu tiên bởi chính quyền vào năm 1844 với 18 chợ được khai trương. Từ năm 1873 - 1901, khi các đại lộ mới được mở trong chiến lược cải tạo đô thị và hiện đại hóa sâu rộng cho thủ đô, có mặt cắt đường tối thiểu là 30m và vỉa hè rộng lớn đã cho phép lập thêm... 21 chợ. Các nhà quản lý thời đó đã không quên vai trò của người nghèo. Đến nay đã có bốn thế hệ kinh doanh ở các chợ phiên ngoài trời của Paris, với các tổ chức, nguyên tắc, luật lệ nội bộ được chuẩn hóa theo dòng thời gian. Nếu thế hệ đầu tiên là những người nghèo buôn gánh bán bưng trên đường thì thế hệ cuối cùng đã có rất nhiều tích lũy về tư bản và đã tin học hóa trong công việc. Từ thập niên 1970, một loại hình người nghèo mới gia nhập hoạt động kinh doanh của chợ, đó là người nhập cư gốc Trung Đông và Đông Nam Á, ban đầu chủ yếu ở các khu vực ngoài rìa thủ đô, nơi tập trung người nhập cư với thu nhập rất hạn chế, rồi phát triển vào các chợ ở trung tâm và thay thế dần người bán gốc Pháp. Ngày nay, một phần lớn người bán hàng ở các chợ phiên ngoài trời là nhập cư. Về khách hàng, dù không còn đông đảo như thập niên 1960 - 1970, nhưng thành phần “cổ cồn trắng” của xã hội, những người có thu nhập cao giờ vẫn lại giữ tỉ trọng lớn. Họ đến chợ phiên không chỉ để mua sắm mà còn để thư giãn, tìm kiếm sự thay đổi không khí, tạm thoát khỏi một xã hội bận rộn luôn cảm thấy thiếu thời gian. Loại khách hàng này thường chi tiêu hào phóng hơn, giúp doanh số bán hàng tăng lên. Nếu các chợ truyền thống có mái che hay các chợ đặc thù đều mở cửa sáu ngày trong tuần, với người bán có sạp ở vị trí cố định, các chợ ngoài trời tổng hợp chỉ tổ chức theo phiên. Hơn một nửa chỉ họp hai ngày/tuần, các chợ trong cùng khu vực được tổ chức phiên họp lệch ngày và lệch giờ với nhau để bảo đảm luôn có chợ mở trong cả tuần. Các phiên có thể từ sáng sớm đến giữa chiều hoặc từ trưa đến tận 20h30 tối để tăng khả năng đón khách đến sau giờ làm việc. Tuy nhiên, doanh số chủ yếu sẽ tập trung vào khoảng 12h-13h, là giờ nghỉ trưa của nhân viên văn phòng. Hiển nhiên những chợ mở phiên vào các ngày cuối tuần sẽ thu hút được nhiều người bán và mua hơn các ngày còn lại. Người bán hàng thường tham gia ở vài chợ phiên cho đủ một tuần làm việc. Họ có thể chọn lựa, hoặc bán cố định tại một vài chợ và trả phí thuê bao chỗ cho một thời hạn xác định thường từ 3 - 6 tháng (dù sử dụng hay không), hoặc đến thẳng các chợ phiên trước giờ khai mạc để chờ đợi được phân bổ một chỗ (nếu có) và trả phí cho ngày đó theo hình thức vãng lai. Phí này dao động từ 0,7 - 15 euro/mét/ngày, gồm cả điện, nước, dọn dẹp... tùy chợ và TP. Tuy nhiên, phí được áp dụng là như nhau cho toàn bộ địa phương và cho mọi người bán không phân biệt ngành hàng, được công bố công khai tại mỗi chợ. Chi phí này là khá rẻ nếu so sánh với giá thuê cửa hàng đắt đỏ ở Paris. Việc tổ chức chợ phiên thuộc về chính quyền với hai cấp độ khác nhau. Chính quyền cấp châu Âu và cấp trung ương ban hành các luật và văn bản dưới luật để đưa hoạt động mua bán này vào trong các khuôn khổ pháp lý trên phạm vi cả châu Âu. Bán hàng ở chợ mà không có thẻ hành nghề được coi là phạm pháp. Chính quyền địa phương có toàn quyền quyết định chọn lựa vị trí của chợ mới hay chuyển dời chợ cũ, số lượng sạp, số phiên trong tuần và giờ hoạt động của phiên, đơn giá thuê chỗ theo mét chiều dài sạp, quy định về đậu và di chuyển xe của người bán, những điều được cho phép, nội quy yêu cầu chất lượng cho từng chợ, về thanh toán giữa người mua và bán, chuẩn bị cần thiết về hạ tầng như cấp điện, nước, bảo đảm an ninh trật tự và hạn chế lưu thông nếu cần trong thời gian họp chợ... Ở Paris, 82% số chợ được chính quyền TP giao khoán cho các đơn vị tư nhân quản lý, còn lại là các bộ phận liên quan của tòa thị chính. Họ có trách nhiệm vận chuyển, dựng và dỡ mái che các sạp, dọn dẹp rác, rửa sạch các không gian công cộng trả lại cho TP, người đi bộ và xe cơ giới trong vòng một hai giờ ngay sau khi phiên chợ kết thúc. Gần đây đã xuất hiện thêm hình thức tự quản chợ bởi các hội đoàn người bán hàng, để giảm chi phí và tăng tính hiệu quả. Một nhân viên phụ trách phiên, gọi là người thầu chỗ, có trách nhiệm phân bổ vị trí sạp đã được thuê bao, chia các sạp không có người sử dụng theo hình thức rút thăm hay thứ tự xếp hàng cho người bán dạng vãng lai, thu phí sử dụng chỗ, theo dõi hoạt động chung của chợ, kiểm tra tình trạng an toàn thực phẩm của các gian hàng bán đồ ăn nấu sẵn... Thông thường khu thực phẩm là quan trọng nhất, chiếm khoảng 50 - 90% số lượng sạp. Các gian bán món ăn và khẩu phần ăn sẵn để dùng trong ngày thường rất đa dạng và mới, nên thu hút nhiều nhân viên văn phòng đến ăn trưa hay mua mang về. Các cơ quan có trách nhiệm về an toàn thực phẩm thường xuyên đến chợ để kiểm tra các xe vận chuyển thực phẩm cũng như các quầy hàng liên quan. Mọi thứ đều có quy định Theo nguyên tắc tự do thương mại ở Pháp, thành phần xã hội nào cũng có thể đăng ký bán tại các chợ phiên ngoài trời. Tuy nhiên cơ cấu xã hội chủ yếu là người nhập cư nước ngoài, người thất nghiệp, người làm công thu nhập thấp, người về hưu. Không có bất kỳ yêu cầu nào về bằng cấp, đào tạo hay vốn kinh doanh cũng như thời hạn kinh doanh. Người bán hoàn toàn tự do trong việc chọn lựa chủng loại hàng, vị trí chợ, thời lượng bán và số phiên trong tuần. Tuy nhiên việc đăng ký các mặt hàng thực phẩm sẽ được xem xét kỹ hơn bởi các cơ quan của Bộ Nông nghiệp vì lý do an toàn thực phẩm. Kinh doanh thức uống có cồn cần một giấy phép đặc biệt, nhưng các loại rượu mạnh bị cấm hoàn toàn. Riêng Paris cấm bán thức uống, cả tại chỗ hay mang về, ở chợ phiên ngoài trời. Cách đơn giản nhất là mua các loại trái cây rau tươi tại chợ đầu mối và bán lẻ ở các chợ. Trang thiết bị rất đơn giản: một xe tải nhỏ dưới 3,5 tấn với bằng lái xe phổ thông, hàng hóa, vài bàn ghế xếp để bày hàng, các dụng cụ cần thiết khác là có thể kinh doanh. Do đó có thể nói chợ phiên ngoài trời là một phương tiện cứu tinh quan trọng cho người nghèo để tự chủ kinh tế. Vì kinh doanh trên đất công, nên thủ tục đầu tiên cần tiến hành là xin giấy phép sử dụng không gian công cộng tại tòa thị chính hoặc sở cảnh sát địa phương. Giấy phép có phạm vi trên toàn quốc, thể hiện danh mục tối đa năm loại nhóm mặt hàng dự trù, cũng như cho phép người bán kinh doanh tại trụ sở các công ty, cơ quan, tổ chức. Giấy phép này được cấp trong vòng một tháng với lệ phí hơn 100 euro. Riêng ở Paris, người bán còn phải có thêm một thẻ đặc biệt ghi rõ thuê bao chỗ bán định kỳ hay chỉ bán vãng lai theo ngày tự chọn. Tiếp theo, người bán hàng cần đăng ký ở phòng thương mại và công nghiệp (nếu tự chọn nghề nghiệp là tiểu thương) hoặc phòng quản lý ngành nghề tiểu thủ công (nếu tự chọn nghề nghiệp là thợ thủ công) để nhận được giấy phép kinh doanh ở chợ phiên ngoài trời. Nếu dự định bán ở các địa điểm nằm ngoài địa phương đăng ký cư trú của mình, thì cần yêu cầu được cấp thêm một thẻ đặc biệt có giá trị mỗi bốn năm với lệ phí 15 euro. Cuối cùng, việc đăng ký nhận chỗ đặt sạp được thực hiện tại tòa thị chính hoặc đơn vị tư nhân đã được nhường quyền quản lý hoạt động của chợ. Về mặt quản lý thuế và các phí an sinh xã hội, người bán hàng được tự do chọn hình thức pháp lý phù hợp nội dung và quy mô kinh doanh của mình: doanh nghiệp (DN) cá nhân hay DN tổ chức, trong đó hình thức đầu được sử dụng rộng rãi bởi sự nhanh chóng trong thủ tục đăng ký, các ưu đãi và đơn giản về thuế, phí an sinh xã hội (tỉ lệ, cách thức tính toán, nộp thuế), trách nhiệm dân sự, trụ sở DN... Về cơ bản, tất cả các DN ở Pháp tự xuất hóa đơn và không sở hữu con dấu đỏ công ty trong quá trình hoạt động. Một mũi tên, hai đích Với hệ thống thủ tục hành chính “một cửa, một lần, một hồ sơ”, chỉ sau hai tuần đăng ký qua mạng, người bán sẽ nhận được mã số DN cũng là mã số thuế, thủ tục này hoàn toàn miễn phí. Thuế DN cũng đồng thời là thuế thu nhập cá nhân và các loại phí về an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hưu trí, trợ cấp gia đình, đào tạo nghề...) được tính theo doanh thu do người bán tự khai báo, nếu không có doanh thu thì không phải đóng bất kỳ khoản nào. Việc khai nhận và đóng các loại thuế và phí nêu trên có thể hằng tháng hoặc theo quý. Trong đó, mức thuế phải đóng được tính trên tổng thu nhập hộ gia đình, bao gồm doanh thu bán hàng của người liên quan, cũng như tình trạng gia đình: độc thân, đã kết hôn, số lượng con chưa đi làm, số người phải trợ cấp nuôi dưỡng... Mức phí an sinh xã hội phải đóng cho đối tượng người bán hàng là 13,4% doanh thu. DN cá nhân không nhận và hoàn thuế giá trị gia tăng để giảm bớt các thủ tục về hóa đơn và kế toán. Với hình thức DN cá nhân, người bán hàng không được vượt quá doanh thu là khoảng 82.000 euro/năm. Nếu vượt quá hai năm, họ phải chuyển sang hình thức DN tổ chức (ví dụ công ty TNHH). Ngoài ra, còn một số phí nhỏ phải đóng hằng năm như lệ phí đất DN nộp cho địa phương (tùy mỗi vùng, ở Paris là 65 euro/năm), đóng góp vào quỹ đào tạo ngành nghề, phí cho phòng thương mại và công nghiệp... Người bán hàng cũng cần mua bảo hiểm nghề nghiệp như các ngành kinh doanh tự do khác. Cơ cấu này rất mềm dẻo và phù hợp với người nghèo không có vốn lớn, nếu so với tất cả các loại thuế và phí mà một DN tổ chức phải đóng cho nhà nước dù có doanh số hay thu nhập DN hay không. Tuy nhiên vì một phần quan trọng của thanh toán mua bán là bằng tiền mặt với số lượng nhỏ, người mua có thể yêu cầu nhận hóa đơn hoặc không, nên việc khai báo chính xác doanh thu và thu thuế đầy đủ là một vấn đề đối với chính quyền. Tương tự, việc thuê nhân viên không có hợp đồng lao động và trả lương bằng tiền mặt là một thực tế tồn tại. Nhưng nhìn trên bình diện kinh tế nói chung, việc người nghèo tự tạo ra việc làm và tự mang lại thu nhập cho chính mình sẽ hạn chế các khoản chi trợ cấp xã hội. Hơn nữa, có thu nhập thì sẽ dẫn đến có chi tiêu và mang lại các lợi ích khác nhau cho xã hội. Về mặt trách nhiệm dân sự, người bán hàng có thể tuyên bố các tài sản cá nhân của mình nằm ngoài các trách nhiệm bồi thường của DN cá nhân mà mình là người duy nhất chịu trách nhiệm. Họ có thể dùng nhà ở gia đình để làm trụ sở DN, kể cả trong các nhà ở xã hội, trong khi các loại hình DN tổ chức khác hoàn toàn không được phép, như vậy người nghèo có thể tiết kiệm được một khoản đầu tư ban đầu rất lớn. Tuy là chợ được tổ chức ở không gian công cộng ngoài trời nhưng số lượng sạp cũng có giới hạn, vì vậy điều kiện đầu tiên trước khi tham gia thị trường là phải kiểm tra khả năng về chỗ bán. Các chợ ở vị trí tốt hoặc của các TP lớn với sức mua lớn như Paris thường có nhu cầu được tìm kiếm cao, do đó thời gian chờ đợi từ vài tháng đến một vài năm để nhận được một chỗ, thông thường là sáu tháng, việc này cũng phụ thuộc mặt hàng dự định kinh doanh vì các chợ luôn khuyến khích những mặt hàng còn thiếu. Điều này phản ánh nhu cầu thực sự của người tiêu dùng ở các đô thị lớn như Paris đối với loại hình thương mại này, đồng thời là cơ hội kinh tế cho người nghèo làm chủ vận mệnh của mình. Về phía chính quyền TP, việc chủ động coi các hoạt động kinh tế - xã hội dẫn dắt bởi người nghèo gắn với các không gian giao thông công cộng là một vấn đề đô thị hiện thực và phức tạp với nhiều lớp cắt chi phối (cân bằng và hòa hợp xã hội, phát triển đô thị hiện đại, sản phẩm thu hút du lịch, di sản văn hóa, nguồn thu kinh tế, giao thông đô thị, an toàn thực phẩm...) đã giúp Paris và nhiều TP khác của Pháp duy trì được chợ phiên ngoài trời như một giải pháp cơ bản và thành công.■ Nguồn: tác giả tổng hợp - Đồ họa: Thế Thông Theo định nghĩa của Phòng Thương mại và công nghiệp Paris, thương nghiệp lưu động là ngành kinh doanh chịu sự kiểm soát về mặt luật pháp, với hoạt động mua bán diễn ra ở: - Các không gian giao thông công cộng. - Trong giới hạn được xác định của chợ nhà lồng, chợ phiên ngoài trời, khuôn viên hội chợ. - Trong các công ty nhà nước hay tư nhân với sự chấp thuận của lãnh đạo đơn vị. Người bán hàng được phân thành hai loại: có nơi cư ngụ cố định từ ít nhất sáu tháng và không có nơi cư ngụ cố định (sinh hoạt và nghỉ ngơi trên ôtô, khách sạn, nhà trọ, ở nhờ...), tuy nhiên sự phân loại này chỉ có tính chất hành chính. Tags: Chợ phiênChợ phiên ParisChợ phiên cho người nghèoGiải pháp cho người nghèo
Cuộc 'lột xác' ngoạn mục bờ Thủ Thiêm sông Sài Gòn chỉ sau một năm LÊ PHAN 26/01/2025 Chỉ hơn một năm trước, đôi bờ sông Sài Gòn qua trung tâm TP.HCM vẫn còn bên hiện đại, bên bờ lau lách mà giờ đây hoa đã nở, đèn rực sáng, nhạc đã hòa ca đón xuân về.
Elon Musk sẽ phá vỡ quy tắc vàng khi mua Liverpool thay vì Manchester United QUỐC THẮNG 26/01/2025 Tỷ phú công nghệ Elon Musk sẽ phá vỡ nguyên tắc vàng nếu ông quyết định mua CLB Liverpool thay vì Manchester United.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.