TTCT - Một trong những status Facebook khó quên năm 2015 - với tôi - là của một bạn trẻ 24 tuổi hai ngày sau vụ tấn công khủng bố tại Paris: “Hay tin Chính phủ Pháp quyết định không kích (tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - NV), có gì đó trong lòng tôi chết đi một ít”. Một trong “Những bức họa chiến tranh” của Jenny Holzer-correr.visitmuve.it Bạn trẻ này đang học ở Pháp và là một trong những người đầu tiên đổi avatar của mình sang hình cờ Pháp để bày tỏ sự đoàn kết với nhân dân Pháp trong những ngày đau thương. Tôi không hỏi bạn du học sinh đó chính xác điều gì chết đi trong lòng bạn. Bởi dường như tôi hiểu cảm giác đó và có thể gọi được tên của nó: sự thất vọng, nỗi buồn cho một thế giới thiếu tầm nhìn hướng đến ngày mai. Vẫn hiểu 224 mạng người trên chiếc máy bay Nga bị tước đoạt trên bầu trời Ai Cập hôm 7-10, hay 130 con người bị sát hại vào ngày thứ sáu đen tối 13-11 ở Paris, là không cách nào bù đắp được, nhưng còn những mạng người khác - không ai biết rõ bao nhiêu và chết chỉ vì nói theo các bộ phim Hollywood máu lạnh là do “ở không đúng nơi, đúng lúc” - thì không đáng được nhắc nhở và tính đến hay sao? Chúng ta đang đưa thế giới của mình đi về đâu bởi lòng tham, bởi vòng luẩn quẩn “ai động đến công dân tôi, người đó phải trả giá”? Những cuộc “trừng phạt” thế này liệu có ít vô tình và tàn bạo hơn không? Liệu chúng có giúp chấm dứt những cuộc tấn công khủng bố sắp tới hay không? Liệu chúng có giúp giảm bớt dòng người dắt díu nhau tìm đến những miền đất hứa chỉ để thế giới rối ren thêm? Có những giải pháp nào, phương thức nào tốt hơn không? Những tác phẩm chống chiến tranh của nữ nghệ sĩ Mỹ Jenny Holzer tại Triển lãm Venice Biennale lần thứ 56-correr.visitmuve.it Một trật tự đang chuyển động Có nhiều sự kiện giúp khẳng định 2015 là năm mà theo lời cựu giám đốc Cơ quan mật vụ Israel Nativ Yakov Kedmi: “dàn nhạc đã đổi nhạc trưởng, thế giới đơn cực đã kết thúc ở Syria”. Với việc Tổng thống Nga V. Putin ngày 30-9-2015 tuyên bố không kích chống IS ở Syria, quyền lực Hoa Kỳ thật sự đã bị thách thức: Nga không tham gia liên minh chống khủng bố gồm 65 nước do Hoa Kỳ thành lập từ tháng 9-2014, mà xây dựng liên minh của mình gồm Nga, Iraq, Syria và Iran. Lý do hành động này của Nga là cuộc chiến chống IS của liên minh Hoa Kỳ không hiệu quả. Theo đó, một mặt tuyên bố chống khủng bố nhưng mặt khác Hoa Kỳ và Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar bị Nga cáo buộc đã đào tạo và tài trợ các “nhóm đối lập ôn hòa” chống chế độ Assad, trong số đó có không ít tổ chức Hồi giáo cực đoan. Để rồi nhận lại hiệu ứng boomerang! Một con số năm qua được các phương tiện truyền thông nhắc tới nhiều về “hiệu quả” công tác đào tạo này: Trong số 250 tay súng được Hoa Kỳ huấn luyện để về chiến đấu chống IS, chỉ 70 người đồng ý trở về Syria chống IS. Số còn lại tuyên bố sẽ chống chính quyền Assad. Nếu đo bằng số máy bay chiến đấu tham gia không kích chống IS, Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với hơn 150 máy bay, tiếp đó là Pháp (38) rồi mới đến Nga (34). Tuy nhiên, chính những cuộc không kích của Nga mới làm thay đổi cục diện. Theo công bố của tổ chức IHS, cho đến tháng 12-2015, IS đã mất đi 14% lãnh thổ chiếm giữ. Còn theo Bộ quốc phòng Nga, nguồn thu của IS từ buôn lậu dầu khí, sau hai tháng không kích của Nga, đã giảm từ 3 triệu USD/ngày xuống còn 1,5 triệu USD ngày. (Nguồn Kommersant). Không còn khăng khăng đòi thay đổi chế độ ở Syria như trước, Hoa Kỳ đã chấp nhận giải pháp của liên minh Nga: tương lai Syria phải do người Syria quyết định, theo tinh thần nghị quyết HĐBA Liên Hiệp Quốc về Syria hôm 18-12. Nhưng không chỉ có hai “trung tâm” Hoa Kỳ - Nga chi phối Cận Đông. Vụ máy bay Su-24 của Nga bị máy bay F16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngày 24-11 đã trình diện một yêu sách nữa. Yêu sách đó là gì? Lo ngại sự lớn mạnh của phe người Kurd ở Syria được Hoa Kỳ hậu thuẫn sẽ tác động đến Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có gần 20% dân số là người Kurd? Là thêm con bài cho Thổ Nhĩ Kỳ - đang được EU “nhờ cậy” dung chứa dòng người tị nạn thay vì để họ tràn vào EU - mặc cả trong cuộc thương lượng gia nhập EU?... Và như chưa hết bất ngờ, ngày 15-12 Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman triệu tập các nhà báo để thông báo về sự ra đời của Liên minh chống khủng bố thứ ba. Điều thú vị là một số trong 34 thành viên của liên minh mới cũng nằm trong liên minh do Mỹ dẫn đầu (như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar), cho thấy liên minh mới không thỏa mãn với chương trình nghị sự của liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu. Nhưng liên minh thứ ba này muốn gì? Trước tiên, liên minh gồm các thành viên đến từ Trung Đông, châu Phi, châu Á (Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Bangladesh, Malaysia...). Đặc biệt, một số nước trong liên minh Hồi giáo này khó thể gọi là quốc gia Hồi giáo (như Nigeria có 40% dân Thiên Chúa giáo và 10% theo những tín ngưỡng bản địa khác; hay Togo có 51% dân theo tín ngưỡng bản địa và 29% dân Cơ Đốc giáo) dù tổng cộng thì liên minh này quả có đông tín đồ Hồi giáo (Sunni) hơn các tôn giáo khác. Liên minh cũng không cho biết sẽ thực hiện những chiến dịch chống khủng bố nào. New Yorker: Hôm thứ ba, ông Donald Trump nói thỏa thuận hạt nhân là “một thỏa thuận kinh khủng, nhục nhã, xấu xa tuyệt đối ” với một “đất nước khủng bố”? - Ông Javad Zarif: Đó không phải là tuyên bố thú vị đầu tiên ông ấy đưa ra, cũng chẳng phải cuối cùng, có lẽ. Nhưng tôi nói là “tuyên bố thú vị” nhé. Tôi không sử dụng một nhận xét xúc phạm nào. (Trích trả lời phỏng vấn của ngoại trưởng Iran cho New Yorker) (2) Dẫn lời Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Al Jubeir ngày 15-12, CNN (1) chỉ ra hai hướng hoạt động chính của liên minh này: 1/ An ninh và quân sự, chủ yếu trao đổi thông tin, đào tạo, cung ứng trang thiết bị và lực lượng khi cần thiết; 2/ Đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, sử dụng các học giả, nhà giáo dục, các lãnh đạo chính trị để lấn át thông điệp của những kẻ cực đoan, bảo vệ giới trẻ. Tuy nhiên hai ngày sau đó, thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Tanju Bilgiç tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 17-12 ở Ankara nói lại: “Liên minh chống khủng bố Hồi giáo không phải là liên minh quân sự, mà là một sự gắn kết tư tưởng... Sự hợp tác quân sự và tình báo trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố IS là quan trọng, nhưng còn có khía cạnh tư tưởng của cuộc chiến chống khủng bố. Cuộc đấu tranh này phải được phối hợp sao cho Hồi giáo không bị đồng nhất với khủng bố”. Rõ ràng nếu là một liên minh thì những tiêu chí ban đầu còn rối rắm. Nhưng những nỗ lực của Saudi Arabia liên kết các phe đối lập Syria để ngồi vào bàn đàm phán hòa bình Syria nói riêng và với các quốc gia Hồi giáo nói chung cho thấy Saudi Arabia muốn tiếng nói của Hồi giáo Sunni không bị bỏ quên trên bàn cờ địa chính trị thế giới. Trên bàn cờ đó không chỉ có hai “trung tâm” Hoa Kỳ và Nga, đó là thực tế liên minh Saudi Arabia muốn được thừa nhận. “Hãy tỉnh dậy và ngửi cà phê” Thế giới năm 2015 đang xoay chuyển trong vòng biến động đó, với những “trung tâm” đang tìm cách nối mạng những vệ tinh của nó. Cuộc chiến địa chính trị này có khiến thế giới cân bằng hơn không, với những nền văn minh được tôn trọng như nhau không, sẽ tùy vào những tầm nhìn và phương thức tranh đấu. Cách trả lời phỏng vấn của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho tờ New Yorker số ra ngày 18-12 đã giới thiệu một trong những phương thức ôn hòa nhưng không kém sắc sảo này. Trước những câu hỏi dồn dập của nhà báo Robin Wright về một “Iran xấu xí” - dẫn lời từ ứng viên tổng thống của phe Cộng hòa Donald Trump gọi Iran là “nhà nước khủng bố”, của thống đốc New Jersey Chris Christie cho rằng Iran “có dính líu với IS” đến thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz kêu gọi phải thay đổi chế độ ở Iran, ông Zarif nhã nhặn kêu gọi người Mỹ hãy “tỉnh dậy và ngửi cà phê”. Bằng phương thức ôn hòa và kiên trì, thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được trong năm qua là một trong những điểm sáng của thế giới 2015 ảm đạm này. Ghê tởm bởi chiến tranh thời mình đang sống có nghệ sĩ khái niệm Jenny Holzer (Mỹ), người suốt 10 năm qua sáng tạo trên nền những “văn kiện nhạy cảm” được Hoa Kỳ giải mật. Đó là những tài liệu liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ theo sau sự kiện 11-9 cũng như cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Holzer đã vẽ tranh trên vải lanh từ những biên bản, kế hoạch, các thông báo ngoại giao, hồ sơ thẩm vấn, báo cáo khám nghiệm tử thi, kể cả những lời khai viết tay của các tù nhân. Những bức họa chiến tranh của bà đã được giới thiệu suốt nửa năm qua ở Triển lãm nghệ thuật quốc tế Venice Biennale (Ý, kết thúc ngày 22-11-2015), cùng với nhiều họa sĩ trong một chủ đề cảm động: “Cái còn lại là ngày mai” (What remains is tomorrow) (3). Chính là vì ngày mai mà hôm nay chúng ta phải sống sao cho tử tế. Một trong “Những bức họa chiến tranh” của Jenny Holzer-correr.visitmuve.it Và cuối cùng, có lẽ cần trở lại với nỗi buồn của bạn du học sinh tại Pháp. Sau vụ tấn công khủng bố Pháp, các diễn đàn ở mạng xã hội trên thế giới cũng như Việt Nam bùng nổ bởi làn sóng chỉ trích khủng bố, kêu gọi báo thù. Nhưng cũng có những tiếng nói tỉnh táo của chính các bạn trẻ Việt kêu gọi nhau hãy tự giáo dục mình, tự tìm hiểu thấu đáo vấn đề để có chính kiến của mình và không bị người khác thao túng (TTCT đã giới thiệu trong bài viết “Những câu hỏi 36 giờ sau khủng bố” của facebooker Nguyễn Vũ Phúc Thụ và “Đừng để nhiệt tình biến thành phá hoại” của Tôn Nữ Tường Vy trên các số báo ngày 22-11 và 29-11). Đó phải chăng cũng là những điểm sáng của một năm 2015 ảm đạm? Giáo sư xã hội học Florida William Rowe trong bài viết cuối năm 2015 “Hạt mầm hỗn loạn - cội rễ khủng bố” kêu gọi đưa ra giải pháp bằng cách lần ngược lại lịch sử mọi vấn đề, tìm căn nguyên xung đột thay vì lao vào “máu trả máu”: “Hiểu biết sâu sắc hơn về những yếu tố cơ bản gây nên bạo lực điên rồ đang phủ bóng đêm lên thế giới hiện đại, kể cả sự thừa nhận đớn đau rằng những hành động hiếu chiến của Hoa Kỳ và các chính phủ khác đã tạo ra và nuôi dưỡng sự điên rồ này, hi vọng sẽ dẫn chúng ta thoát khỏi bóng tối để hướng tới một thế giới tỉnh thức hơn, khai sáng hơn cho thế hệ tương lai” (4).■ Nguồn: (1): edition.cnn.com/2015/12/14/middleeast/islamic-coalition-isis-saudi-arabia/ (2): www.newyorker.com/news/news-desk/irans-javad-zarif-on-syria-russia-and-donald-trump#utm_sguid=155260,e30c098c-a09f-80f2-c02c-be61888c2888 (3): correr.visitmuve.it/en/mostre-en/archivio-mostre-en/holzer-exhibition-correr/2015/03/11491/war-paintings-jenny-holzer/#utm_sguid=155260,3d14cafe-bdf1-bb66-9e15-de9447158642 (4): www.informationclearinghouse.info/article43746.htm Tags: Chống khủng bốISLiên minh chống ISCòn lại của ngày mai
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.