TTCT - Một cái nhìn vào những danh mục video đình đám của năm 2018 và một thế giới hậu - âm nhạc... Ảnh: The Verge Từ điển Oxford chọn “post-truth” (hậu - sự thật) là “Từ của năm 2016”, mô tả việc đắc cử của đương kiêm Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi mà “những tình huống trong đó thực tế khách quan không còn sức ảnh hưởng trong việc hình thành quan điểm của tập thể bằng những kêu gọi đánh vào cảm xúc và niềm tin của mỗi cá nhân”. Nói cách khác, đây là các thủ pháp chính trị của Trump để giành được lá phiếu, sử dụng chính những cảm xúc sợ hãi, lo âu của cử tri, để họ tin theo, bất kể những sai lệch trong phát ngôn của mình. Các khái niệm “hậu” như vậy trong văn hóa đại chúng có nguồn gốc còn lâu đời hơn, với những phân tích thuộc những độ sâu khác nhau từ phía giới chuyên gia quan sát, thường nằm ngoài các dòng chảy văn hóa, hơn là chính những đối tượng bên trong dòng chảy đó. Đó đây đã có những định nghĩa xem nghệ thuật đại khái như một thứ năng lượng vừa tạo sức bẩy cho nền văn hóa và đẩy tập thể về phía trước, nhưng cũng chính nó có thể trì kéo chính nền văn hóa, tập thể đấy ở lại lâu hơn với thực tại. Năm 2018 có thể là một năm có nhiều biểu hiện như vậy, nhưng sự phân mảnh của ý thức tập thể thể hiện rõ hơn ngay tại những điểm chung của những gì “cư dân mạng” thưởng thức trong suốt một năm qua: nếu không phải những bản nhạc Latin trữ tình vô thưởng vô phạt, rốt cuộc chúng ta đang quan tâm gì? Cơn cuồng say dễ dãi Video chiếm vị trí số 1 trong danh mục Video nổi bật nhất thế giới 2018 (thu hút sự quan tâm, bình luận và chia sẻ nhiều nhất) mà YouTube Rewind công bố ngày 6-12 là To Our Daughter của Kylie Jenner (một nhân vật truyền hình thực tế và mạng xã hội, người mẫu người Mỹ) tung ra ngày 4-2-2018, thu hút 53 triệu lượt xem trong 7 ngày đầu, và 25 triệu lượt xem nữa trong thời gian còn lại của năm. Trong video đó, cô chia sẻ việc mang thai bí mật và hành trình sinh con của mình. 10 video đứng đầu năm 2018 có tổng cộng 673 triệu lượt xem, cao hơn năm 2017 40 triệu lượt, tương ứng khoảng 50 triệu giờ xem... Video phim ca nhạc Người trong giang hồ - phần 6 của Lâm Chấn Khang nằm trong danh sách top 10 đó, như một báo hiệu cho hàng loạt những web-drama về giang hồ đã và sẽ còn chiếm sóng tại Việt Nam, tập trung vào giới khán giả bình dân. Số người truy cập Internet tại Việt Nam là 64 triệu, tỉ lệ thâm nhập 67% (2018) nhưng lại đứng chễm chệ vị trí thứ 7 về lượng truy cập Facebook toàn cầu, và 57 triệu người dùng mạng xã hội, với thời gian truy cập hằng ngày gần 7 tiếng, trong đó có 2,5 tiếng sử dụng mạng xã hội, 71% tiêu thụ các sản phẩm video hằng ngày. Thử so sánh: số người truy cập Internet tại Kenya là 48 triệu, tỉ lệ thâm nhập 89,4% (2017). Những video âm nhạc có nhiều lượt xem nhất ở Kenya là Kwangwaru (33,6 triệu), Short and Sweet (11 triệu), Chaguo la Moyo (10 triệu), Bebi Bebi (3,3 triệu) và Lamba Lolo (2.7 triệu). Do đặc thù ngôn ngữ không phải tiếng Anh, các sản phẩm âm nhạc, tương tự là video và phim ảnh, từ Việt Nam, Thái Lan, hay Kenya sẽ ít vấp phải cạnh tranh hơn so với các sản phẩm khác mang tính toàn cầu. Trong khi tại các thị trường như Philippines, Indonesia, thậm chí Malaysia, với số đông dân có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo như ngôn ngữ thứ hai, sự thống trị của văn hóa phương Tây gần như tất yếu. Ở Malaysia và Singapore, phiên bản tiểu phẩm hài phát triển theo mô hình College Humor hay Comedy Central lâu đời phát triển và thu hút người xem, với thời lượng dao động trong 5 phút. Ở Việt Nam, các tiểu phẩm tình huống hài phát triển trong vài năm qua giống một bước đệm để chuyển sang các kiểu nội dung dài tập (“phim bộ”, web-drama) liền mạch nhất định. Sự lên ngôi của công nghệ ghi hình, cắt dựng rõ ràng có sức sát thương cao hơn nhiều so với sự phát triển của công nghệ phòng thu tại nhà, và sự ham mê âm nhạc và trình diễn nhạc cụ: lượng video âm nhạc trong năm 2018 kém năm 2017 gần 3 lần (1.816 video năm 2018, theo thống kê của trang Internet Music Video Database, so với 5.441 năm 2017 và 6.527 năm 2016). Nội dung của web-drama xoay quanh - và hạn chế đến đáng sợ - đời sống tuổi học trò, thầy cô, trường lớp (lồng game), và đời sống giang hồ. Những nhà sản xuất âm nhạc và nghệ sĩ từ chỗ tìm chỗ đứng qua các nhãn hàng, nay chuyển sang một vị trí giữa những nhà làm phim mạng và nhãn hàng, như Thập Tam Muội của bộ đôi triệu view Huỳnh James & Pjnboys (chủ nhân của bản hit 152 triệu view Mình cưới nhau đi). Ảnh: Integral Life BuzzzTube ở ngoài đời thực Bất cứ ai cũng có thể trở thành những nhà bình luận tỏ ra hài hước, bỗ bã, có quan hệ mật thiết với cộng đồng game, có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các nhà sản xuất game (trước), và các tập đoàn lao vào khai thác như kênh marketing “tiếp nối” (sau đó), như Grab. Vua của YouTube, Felix Kjellberg, “Tube quốc” hiện nay của anh có hơn 75 triệu người đăng ký (tháng 12-2018). Khi một người bình thường nhận được sự hậu thuẫn của cỗ máy truyền thông nhãn hàng - thương hiệu và buộc phải “phát huy tiềm năng” ở những môi trường ngoài những hiểu biết hạn chế vốn có của cá nhân, chúng ta tốt hơn hết chỉ nên có những nhận xét hài hước, bỗ bã, vô thưởng vô phạt thay vì những điều nghiêm túc, trầm trọng. Những video nhại (parody), từ các bản hit âm nhạc tới các bộ phim truyền hình, nếu không có sự đầu tư nhất định (từ nguồn tài chính của nhãn hàng hoặc nhà đầu tư thức thời, nhưng bất chấp), chỉ cho thấy sự nghèo nàn và dễ dãi, hơn là sáng tạo. Trong thế giới của sức tập trung siêu ngắn, cái gì cũng trở thành thức ăn. Cùng một tư duy, chỉ cần mở quán trà sữa, đương nhiên sẽ có khách. Năm 2018 có thể nói là một trong những năm sôi động nhất của âm nhạc Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, và đương nhiên không phải từ hiện tượng lấn sân của Chi Pu. Quãng giữa năm trở về sau xảy ra cuộc đại chiến giữa các rapper Việt mà “beef Northside đụng độ Southside” là một điển hình, với gần 30 tác phẩm, trong đó có những bài lượt view hàng triệu, chưa kể những video đăng lại hưởng ứng và chọn phe. Không bị hút vào chuỗi parody hưởng sái và đa phần kém sáng tạo, những rapper Việt đang trở thành những thế lực sân khấu - YouTube mới, kể cả khi tác phẩm của họ chưa xuất hiện trên Spotify (người dùng Việt Nam chưa sâu đậm với nền tảng nghe nhạc này). Ở ta, những game show truyền hình do các diễn viên hài - vốn ít biến chuyển về nhân sinh quan - thống trị tuyệt đối. Phải chăng điều đó đang đều đặn khiến chúng ta tiến xa hơn, nhưng hóa ra lại gần hơn, với sự bất an ngự trị trong bản thân? Chúng ta đang dùng chung một ngôn ngữ, một khối từ vựng, và những trải nghiệm giống nhau một cách thụ động, hệt như cách chúng ta ăn mừng và hưởng thụ một trận cầu AFF mà không phải một lần đặt chân vào sân cỏ. Miễn chính chúng ta không phải là diễn viên, người tạo nội dung, không cần phải tham dự, mọi thứ khác đều được chấp nhận. Cũng rất nhanh chóng, những tên tuổi nhất định của văn hóa ngầm - không chính thống (underground), vốn có một đặc điểm tự nhiên là ít nhiều tránh xa đại chúng, lại cũng xuất hiện trên sân khấu truyền hình, game show, tương tự những streamer, vlogger đình đám. Miễn là có vùng trũng, nước rồi sẽ chảy. Trong phim Ralph Breaks the Internet, đế chế BuzzzTube, một nền tảng tưởng tượng ghép giữa Buzzfeed và YouTube, thu hút hàng triệu hàng triệu người xem bằng một cỗ máy quảng cáo hiệu quả, rộng khắp, thức thời, cực kỳ sôi động, tương phản tuyệt đối với những cú nhấp chuột hững hờ của thế giới bên ngoài, tại văn phòng làm việc. Những háo hức, sôi hoạt nhất, thật dễ đoán, đến từ những đứa trẻ đang hăng tiết chơi game giành phần thưởng, hoặc những bé gái đang đặt những câu hỏi về chính mình cho những cô công chúa có những câu trả lời không thể tồi tệ hơn. Bộ phim khắc họa Internet là một thế giới ngập tràn sự tự ti, bất an về bản thân, có thể bị khai thác bất cứ lúc nào, và đánh sập theo đúng “nghĩa đen”. Mua sắm, tiêu thụ, mua sắm, rồi lại tiêu thụ vô độ, và những quảng cáo phục vụ đúng những nhu cầu như thế, đang vận hành cỗ máy Internet, và mọi thứ khác dù tinh vi cầu kỳ đến đâu đều được duy trì để vắt kiệt nguồn tài nguyên “sự quan tâm của người dùng” này. Blogger kiêm nhà phân tích Mark Fisher (qua đời năm 2017) viết rằng “một bản nhạc không bao giờ đơn thuần là một bản nhạc, dù đó là một track nhạc trong Disintergration Loops của William Basinski (vốn lặp lại không ngừng một môtip âm thanh) hay một bản ballad của The Temptations; âm nhạc luôn là một chốn để thấu hiểu sự phi lý của chủ nghĩa tư bản và hình dung về một thế giới tốt đẹp hơn”. Trong thế giới hậu - âm nhạc, trong một nền văn hóa phương Tây đang chao đảo hơn bao giờ hết, với sự thăng tiếng chóng vánh của những Black Panther về quyền lực đen, Crazy Rich Asians về sức mạnh châu Á, âm nhạc Latin thống trị, liệu những điều ngớ ngẩn, tầm thường của chủ nghĩa tiêu thụ phương Tây, so với quan điểm cánh tả cấp tiến cũng của chính phương Tây, có thể trở thành một sự kế thừa đáng tin cậy hay không? Trong một bình luận mới đây trên The Late Show, Stephen Colbert nói rằng cư dân mạng kêu gào vì series Những người bạn (Friends) bị rút khỏi Netflix trong khi chính chúng ta đang đánh mất những người bạn ngoài đời. Và hài hước hơn, việc xóa và ngăn cấm nội dung khiêu dâm trên Tumblr chỉ làm Internet mất đi vỏn vẹn một website chứa nội dung khiêu dâm mà thôi. Ai đó đã nói rằng “thống kê chính là con người bằng xương bằng thịt đã lau khô nước mắt”. Tương lai sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời. ■ “Thuốc chữa tất yếu cho những khiếm khuyết trầm trọng về tính người trong một xã hội công nghệ cao chính là giáo dục...: cung cấp cho người học những công cụ tư duy tối quan trọng giúp họ nắm bắt được thế giới hiện đại và khác xa những công cụ tư duy mà mỗi con người chúng ta được trang bị khi sinh ra trên cõi đời […] Rủi thay, hầu hết các học trình hiếm có thay đổi kể từ thời Trung Cổ, và khó có thể thay đổi được vì không một ai muốn trở thành kẻ ngoại giáo, kẻ có vẻ tuyên bố rằng việc học một ngoại ngữ, văn chương Anh, lượng giác, các tác phẩm kinh điển không hề quan trọng. Nhưng cho dù môn học ấy có quan trọng đến đâu đi chăng nữa, mỗi người chúng ta chỉ có 24 giờ một ngày, và dạy một môn đồng nghĩa với việc loại đi một môn khác. Câu hỏi không còn là tầm quan trọng của môn lượng giác, mà là liệu lượng giác có quan trọng hơn thống kê; không phải là liệu một người học thức có phải hiểu biết về các tác phẩm kinh điển thế giới hay không, mà là liệu hiểu biết về kinh tế vỡ lòng có quan trọng hơn hiểu biết về các tác phẩm kinh điển. Trong một thế giới mà sự phức tạp của nó thường trực đánh đố trực giác của mỗi chúng ta, những so sánh như thế không thể nào tránh được”. Steven Pinker (Phiến đá trắng: Sự từ khước bản chất con người của hiện đại, 2003). Tags: YouTube RewindYouTube hậu sự thậtVideo nổi bật nhấtTo Our DaughterBuzzzTube
Bí thư Nguyễn Văn Nên thăm hỏi, lì xì gia đình công nhân THẢO LÊ 26/01/2025 Sáng 26-1 (27 Tết), Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức chương trình 'Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, tặng quà công nhân, lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025' cho hơn 200 gia đình công nhân.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Sếp người Thái nhận lương khủng ở công ty nhựa lớn nhất miền Nam BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Ông Chaowalit Treejak - thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc Nhựa Bình Minh - nhận tiền lương, thù lao năm 2024 gần 6,2 tỉ đồng. Mức này cao gấp gần 4 lần thu nhập bình quân lãnh đạo doanh nghiệp sàn chứng khoán 2023, theo dữ liệu của Fiingroup.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.