TTCT - Các quốc gia cần làm gì để hạn chế tối đa mất mát ở một tương lai đầy sóng gió, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng? "Cảnh báo sóng thần. Hãy nghe thông tin trên đài" - tận dụng bảng thông báo điện tử để phát cảnh báo ở New Zealand. Ảnh: ReutersTrong vòng 50 năm, mặc dù số ca tử vong trung bình được thống kê sau mỗi trận thiên tai đã giảm 1/3, nhưng nhân loại đã ghi nhận số lượng thảm họa tăng lên gấp 5 lần, mà một phần xúc tác đến từ biến đổi khí hậu. Với xu hướng này, chỉ trong thập niên tới, số người cầu cứu hệ thống cứu trợ nhân đạo toàn cầu được dự đoán sẽ tăng thêm gần 50%, so với năm 2018.Làm thế nào để các quốc gia chuẩn bị cho những sóng gió đó? Những hệ thống cảnh báo sớm là chìa khóa mở ra câu trả lời, và đặc biệt cần được quan tâm ở các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ, theo báo cáo State of Climate Services 2020 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), vừa được công bố vào Ngày quốc tế giảm thiểu rủi ro thiên tai 13-10.Nhóm tác giả đến từ 16 tổ chức quốc tế đã báo động rằng hiện nay, cứ ba người trên thế giới thì có một người vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các hệ thống cảnh báo sớm. Báo cáo nhấn mạnh: các nước cần phải chuyển sang kiểu dự báo gắn với tác động - từ câu hỏi “thời tiết sẽ như thế nào?” sang “thời tiết này sẽ gây ra điều gì?”. Từ đó, người dân và doanh nghiệp có thể xác định những việc cần làm và hành động thật sớm.Sớm đến đâu?Câu trả lời là có thể từ vài giây đến một hoặc vài phút, hay từ vài tiếng đến vài ngày.Trong trường hợp của động đất, tuy ngắn ngủi, nhưng vài giây đến một hoặc vài phút trước khi những rung chuyển dữ dội ập đến mang tính sống còn, vừa đủ để ta chui xuống gầm một chiếc bàn chắc chắn, tấp xe vào lề đường, ra khỏi thang máy hoặc tạm ngưng một cuộc phẫu thuật. Nhưng với lũ lụt, hạn hán hay nạn châu chấu, người dân cần được cảnh báo trước vài tiếng đến vài ngày để có thêm thời gian sơ tán con người, gia súc, thậm chí thu hoạch sớm nông sản.Để làm được như vậy, một quốc gia cần đầu tư nhiều thời gian hơn thế gấp trăm ngàn lần. Hệ thống cảnh báo sớm là “tập hợp các năng lực cần thiết để kích hoạt và lan tỏa thông tin cảnh báo kịp thời và dễ hiểu”, theo Chiến lược quốc tế về giảm nhẹ thiên tai của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Mục đích là để cho phép các cá nhân, cộng đồng và tổ chức đang bị đe dọa có thể chuẩn bị và hành động thích hợp, đúng lúc, từ đó giảm thiểu khả năng thiệt hại hoặc mất mát.Hệ thống cảnh báo sớm có thể được phát triển cho một tập hợp nhiều mối đe dọa và các hậu quả có liên quan với nhau. Khi đó ta sẽ có “hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai” - đích đến tiếp theo mà các quốc gia cần hướng tới.Cần nhớ rằng, hành động là một phần thiết yếu của bất kỳ hệ thống cảnh báo nào. Nếu cảnh báo được phát đi, mà không ai hành động theo kế hoạch cảnh báo, thì hệ thống coi như thất bại.Theo báo cáo State of Climate Services 2020, châu Á có số lượng hiểm họa và tử vong cao nhất khi so với các khu vực khác trên thế giới, nhưng cũng nằm trong số những nơi có năng lực cao trong việc triển khai hệ thống cảnh báo sớm. Bão là thiên tai chết người nhất ở châu Á, trong khi lũ lụt gây tốn kém nhất. Bài học từ IndonesiaVào cuối tháng 9-2018, một trận động đất 7,5 độ Richter đã kéo theo một cơn sóng thần lớn tấn công thành phố Palu, tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia. Thảm họa giết chết gần 2.000 người, và 75.000 người mất chỗ ở. Khoảng 3 tháng sau, vào ngày 22-12, một trận lở đất ở sườn núi lửa bất thường đã gây ra sóng thần ở eo biển Sunda. Nhiều người trong số hàng trăm người thiệt mạng được tìm thấy cách xa nơi trú ẩn. Rất đơn giản, họ đã không biết chuyện gì sẽ đến.Trong cả hai thảm họa, đã không có cảnh báo nào được đưa ra. Hệ thống cảnh báo sớm của nước này đã ngừng hoạt động do công nghệ lỗi thời hoặc trục trặc kỹ thuật. Hậu quả là đã làm vụt mất vài phút cứu rỗi vô giá để người dân có thể chạy đến vùng đất cao hơn. Indonesia vốn đã có kế hoạch cập nhật hệ thống cảnh báo sóng thần - một số bộ phận trong đó đã bị đánh cắp hoặc hư hại từ năm 2012 - nhưng quá trình này bị đình trệ do các cuộc xung đột liên ngành, theo AP.Tuy nhiên, một hệ thống siêu xịn cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không gắn liền với nhận thức của cộng đồng về các cảnh báo hoặc tín hiệu thời tiết. Trong thảm họa của Indonesia, vấn đề không phải là cộng đồng khoa học địa phương hoặc cơ quan khí tượng quốc gia chưa nắm rõ về địa chất và địa chấn dưới chân họ, mà là khoảng cách giữa thông tin từ các nhà khoa học - như bản đồ rủi ro chẳng hạn - và những người có thể sử dụng thông tin đó để đưa ra hành động.Người dân Ấn Độ băng qua bờ sông Ganga ngày 3-5-2019 giữa ảnh hưởng của bão Fani. Ảnh: IANSPeeranan Towashiraporn, chuyên gia về động đất và đánh giá rủi ro thiên tai cho Trung tâm Ứng phó thảm họa châu Á, nói với trang Devex: “Nhiều người cứ nghĩ rằng công nghệ sẽ giải quyết được mọi vấn đề, song cũng có rất nhiều trường hợp bạn sở hữu công nghệ tân tiến, nhưng mọi người không thể hiểu được nên không thể sử dụng. Vậy thì nó vô ích”. Đầu tư vào việc rút ngắn những khoảng cách trên, và định hướng ứng phó theo tinh thần “bà con xa không qua láng giềng gần” nên được ưu tiên hàng đầu trong toàn khu vực.Sau khi một trận động đất và sóng thần xảy ra, có thể mất hàng giờ để huy động lực lượng tìm kiếm và cứu nạn. Trong thời gian quan trọng đó, theo Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Indonesia, sự hiểu biết tại địa phương và sự tương trợ từ hàng xóm láng giềng là hữu ích nhất. Cơ quan này cho biết tại các quốc gia như Nhật Bản và Nepal những năm gần đây, khi có động đất lớn xảy ra, phần lớn các cuộc giải cứu người mắc kẹt là do hàng xóm của họ thực hiện.Hãy hỏi một bang nghèo nhất ở Ấn ĐộVới lịch sử đầy những thiên tai tái diễn, một số quốc gia và cộng đồng có thu nhập thấp đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc phát triển các hệ thống cảnh báo sớm cho lốc xoáy, mưa bão và lũ lụt.Cuối tháng 4-2019, bão Fani đã trút xuống Odisha, một trong những bang nghèo nhất của Ấn Độ với dân số khoảng 46 triệu người, tương đương với dân số của Tây Ban Nha, nhưng nghèo hơn gấp nhiều lần. Đây không phải là công việc trong một ngày hay một tháng, mà trong 20 năm.Bishnupada Sethi(ủy viên cứu trợ đặc biệt bang Odisha, Ấn Độ) nói về quyết tâm nâng cao năng lực cảnh báo thảm họa.Nhưng các nhà chức trách ở Odisha, dọc theo sườn phía đông của Ấn Độ, đã không thể đứng yên, theo tường thuật trên New York Times. Để cảnh báo người dân về thảm họa sắp xảy đến, họ đã sử dụng mọi nguồn lực họ có: 2,6 triệu tin nhắn, 43.000 tình nguyện viên, gần 1.000 lực lượng khẩn cấp, quảng cáo trên truyền hình, còi báo động ven biển, xe buýt, cảnh sát và hệ thống truyền thanh công cộng. Tất cả lặp đi lặp lại cùng một thông điệp, bằng ngôn ngữ địa phương, với các thuật ngữ rõ ràng: “Một cơn bão đang đến. Hãy đến những nơi trú ẩn”.Chỉ có một vài trường hợp tử vong được ghi nhận; những người dễ bị tổn thương nhất đã thoát ra khỏi đường đi của thảm họa - một câu chuyện thành công về hệ thống cảnh báo sớm. Theo New York Times, các chuyên gia đánh giá đó là một thành tựu đáng kể của một bang còn nghèo khó ở một quốc gia đang phát triển, là thành quả của một kế hoạch sơ tán tỉ mỉ để 1 triệu người dân đến được nơi an toàn trong thời gian ngắn.Năm 1999, một cơn bão đầy kinh hãi đã tấn công cùng khu vực này, và phá hủy các ngôi làng, cướp đi hàng ngàn mạng sống. Nhiều người mắc kẹt ở nhà của họ. Một số người chết đã được tìm thấy cách xa nhà hàng dặm. Sau đó, chính quyền Odisha thề sẽ không để một thảm họa tương tự ập xuống đầu họ nữa. “Chúng tôi có một cam kết rất nghiêm túc về điều này, sẽ không có bất kỳ thiệt hại nào về nhân mạng. Đây không phải là công việc trong một ngày hay một tháng, mà trong 20 năm” - Bishnupada Sethi, ủy viên cứu trợ đặc biệt của bang, cho biết.Quả vậy, sau 20 năm, lần này các nhà khí tượng đã dự đoán chính xác đường đi của cơn bão 2019. Việc quan trọng nhất là đưa mọi người đến nơi trú ẩn. Vì Odisha thường hứng chịu nhiều cơn bão chết người, kế hoạch sơ tán là chuyện đã phải được tập dượt nhiều lần. Khách du lịch tại các khách sạn ven biển được khuyến cáo nên rời đi.Một lượng lớn thiết bị đã được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với hậu quả của cơn bão, bao gồm 300 thuyền điện, hai máy bay trực thăng và nhiều máy cưa xích để đốn hạ cây cối. Cùng lúc đó, xe tải chở thực phẩm và nước đóng chai nối đuôi nhau đến các nơi trú ẩn.Krishan Kumar, một quan chức ở quận Khordha của Odisha, nói trên New York Times rằng thành công của chính phủ phản ánh sự khôn ngoan mà họ đã tích lũy trong hai thập niên. “Mỗi cơn bão hoặc sóng thần nhỏ đều dạy bạn cách đối phó với những cơn bão lớn hơn. Nếu bạn không học hỏi từ những kinh nghiệm trong quá khứ, bạn sẽ chết đuối”.■Thế nào là một hệ thống cảnh báo hiệu quả?WMO gọi các hệ thống cảnh báo sớm là công cụ cứu mạng quan trọng, bất kể trong thiên tai hay nhân tai, trước sóng thần, cháy rừng hay các hiểm họa dịch bệnh. Theo tổ chức này, một hệ thống hiệu quả cần có đủ 4 yếu tố.Đầu tiên là hiểu biết về rủi ro, bao gồm mối quan hệ giữa các nguồn đe dọa và những điểm dễ tổn thương ở một khu vực nhất định, đặt giữa các bối cảnh cụ thể, như đô thị hóa hay biến đổi khí hậu. Lấy ví dụ từ hệ thống cảnh báo sớm động đất ở bờ Tây nước Mỹ, theo National Geographic, người dân ở bang California có thể được cảnh báo trước tối đa 1 phút, trong khi người dân Seattle (bang Washington) có thể có đến 5 phút để hành động. Nguyên nhân là do Seattle ở xa tâm chấn hơn, có nhiều thời gian cảnh báo hơn, nhưng đồng thời có nguy cơ hứng chịu những rung chuyển mạnh mẽ hơn.Thứ hai là kỹ thuật giám sát và cảnh báo, đảm bảo có cơ sở khoa học vững chắc và hoạt động liên tục. Đôi khi, những thiết bị đơn giản vẫn có thể thay thế cho những công nghệ tân tiến nhất. Ở khu vực Caribê và Trung Mỹ, người dân có thể tham gia vận hành hệ thống cảnh báo ngập lụt bằng những chiếc máy đo mực nước giá rẻ. Chúng được liên kết với một còi hoặc đèn tự động đặt tại nhà của người dân, cho phép họ theo dõi tình hình 24/24h.Thứ ba là việc truyền thông và phát đi các cảnh báo. Sử dụng dấu hiệu, từ ngữ, âm thanh hoặc hình ảnh, cảnh báo là một thông điệp về mối nguy hiểm sắp xảy ra và phải lan tỏa đến được những người đang có nguy cơ.Cuối cùng là khả năng phản ứng của cộng đồng - kết quả của quá trình tích lũy lâu dài, như diễn tập tình huống sơ tán, giáo dục kỹ năng thoát hiểm… Trong khuôn khổ Chương trình ứng phó bão, từ năm 2007 - 2017, Bangladesh, quốc gia Nam Á đang đợi ngày rời khỏi danh sách các nước kém phát triển nhất của LHQ, đã xây dựng thêm 2.000 nơi trú ẩn, mỗi nơi có sức chứa tối đa 5.000 người, theo tạp chí The Diplomat. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Đối mặt thiên tai Tiếp theo
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.