Thể thao Việt Nam: 50 năm nhìn lại

HUY ĐĂNG 28/04/2025 08:52 GMT+7

TTCT - Mất 14 năm sau ngày thống nhất, thể thao Việt Nam mới tham dự trở lại đấu trường thể thao quốc tế, với cột mốc là SEA Games 1989. Và 36 năm tiếp đó là một hành trình dài với những bài học lớn.

Để minh họa cho hành trình đó, người hâm mộ có thể nhìn vào 2 biểu tượng của làng bơi qua 2 thế hệ - Nguyễn Kiều Oanh và Nguyễn Thị Ánh Viên.

Thễ thao Việt Nam  - Ảnh 1.

Những VĐV gắn bó với một thời vang bóng của thể thao TP.HCM, từ trái qua: Đặng Trần Chỉnh (bóng đá), Trương Hoàng Mỹ Linh (điền kinh), Nguyễn Kiều Oanh (bơi lội), Nguyễn Hoàng Thủy (điền kinh) trong buổi tập dượt chuẩn bị cho cuộc diễu hành 30-4-2025. Ảnh: NVCC

Khoảng cách của những tấm huy chương

Ở SEA Games 1989, nữ kình ngư Kiều Oanh nằm trong thế hệ VĐV đầu tiên của VN được cử đến sân chơi này trong ngày hội nhập trở lại. Và qua chị, các lãnh đạo ngành thể thao thấy rõ nền thể thao nước nhà đã tụt hậu đến mức nào sau quãng thời gian dài bế quan tỏa cảng.

"Ấn tượng đầu tiên là thể hình của họ, những nữ VĐV đến từ Indonesia, Malaysia, Philippines… Hầu như điểm nào cũng vượt trội tôi, họ cao hơn, sải tay dài hơn, thân hình nảy nở hơn… Chỉ mới nhìn họ tập thôi là biết thua rồi", chị Kiều Oanh, nay đã là phó giám đốc trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu, hồi tưởng. Kết quả là chị tay trắng trong lần góp mặt SEA Games đầu tiên.

Ông Đỗ Trọng Thịnh, HLV khi đó và cũng là phu quân của chị Kiều Oanh sau này, đã tốn rất nhiều tâm huyết để đưa cô học trò sang Matxcơva tập huấn một thời gian dài. Đó là cả một giai thoại mang tính biểu tượng của làng thể thao Việt Nam. 

Những ngày đầu, gia đình nữ kình ngư Sài Gòn rất hạnh phúc vì cô con gái nhỏ nhận được sự đầu tư lớn lao. Mãi đến sau này họ mới vỡ lẽ, toàn bộ chuyến tập huấn kéo dài tận 6 tháng ở nước Nga đắt đỏ hoàn toàn từ tiền túi của ông Thịnh. Tất nhiên, nhân vật chính chỉ tiết lộ sự thật khi đã trở thành người một nhà.

Thể thao Việt Nam của những năm thập niên 1980-1990 là thế. Xoay chỗ này đắp chỗ kia, và còn một chặng đường rất dài để có thể chạm thật sự đến khái niệm "quốc tế". 

Một năm sau chuyến tập huấn, chị Kiều Oanh bước vào SEA Games 1991 với quyết tâm giành huy chương, nhưng rồi lại thua cuộc, dù khoảng cách vỏn vẹn 0,01 giây so với người về ba, một VĐV người Indonesia. 

Rốt cuộc, nữ hoàng bơi lội đời đầu của VN đã giải nghệ mà không có chiếc huy chương SEA Games nào. Dù trong nước chị hoàn toàn không có đối thủ, đến độ hồi ấy làng báo thể thao nói vui: Kiều Oanh xuống nước là vớt vàng!

3 thập niên sau, một nữ hoàng bơi lội khác của VN giải nghệ, nhưng là vì… phát chán với việc giành HCV SEA Games. Đó là Nguyễn Thị Ánh Viên. "Tiểu tiên cá" quê Cần Thơ sở hữu tổng cộng 35 tấm huy chương SEA Games, và 25 trong số đó là HCV.

Hai, ba thập niên, một hành trình dài với rất nhiều thay đổi về công nghệ, phương pháp huấn luyện, cách thức đầu tư, cũng như cả tư duy của ngành thể thao lẫn người hâm mộ ở bơi lội - một trong hai môn thể thao cơ bản nhất (cùng điền kinh) của phong trào Olympic.

Nếu chỉ nhìn ở SEA Games, thể thao Việt Nam ngày nay đã phát triển vượt trội so với những ngày đầu hội nhập trở lại. Nhưng nếu nhìn nhận ở cấp độ cao hơn, câu chuyện của Kiều Oanh như đang lặp lại với Ánh Viên, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Huy Hoàng… Ở SEA Games, họ chiến thắng áp đảo. Nhưng khi ra đấu trường thế giới, Olympic, đến việc có mặt tại vòng thi chung kết cũng là nhiệm vụ quá sức.

Ở Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam hoàn toàn tay trắng, không một tấm huy chương nào. Trong khi đó, 5 nước Đông Nam Á Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore đều gặt hái huy chương, riêng Indonesia và Philippines còn đoạt 2 HCV.

Phản chiếu nơi sân bóng

Thật ra, để có cái nhìn tổng quát về một nền thể thao, những tấm huy chương Olympic cũng chưa nói lên tất cả. Đó đơn giản chỉ đại diện cho tính mũi nhọn trong đầu tư thể thao. Novak Djokovic giúp Serbia có HCV ở Olympic Paris, nhưng không phải vì vậy mà cho rằng quần vợt của quốc gia Đông Âu này hùng mạnh hơn Mỹ.

Đối chiếu từ đó, việc thể thao Việt Nam giành hàng trăm huy chương SEA Games cũng có giá trị nhất định. Từ những nỗ lực tuyệt vọng của Kiều Oanh cho đến cảm giác đoạt HCV… phát chán của Ánh Viên là bước tiến không thể phủ nhận với thể thao Việt Nam.

Ở một sân chơi nữa, sự tiến bộ của người Việt được thể hiện rõ ràng là bóng đá, môn thể thao vua, cũng là môn thể thao phổ biến nhất Đông Nam Á.

Năm 1995, tuyển bóng đá Việt Nam lần đầu tiên lọt vào trận chung kết SEA Games kể từ sau ngày thống nhất đất nước. Nhưng đó lại không phải một kỷ niệm đẹp trọn vẹn. 

Ở vòng bảng, Việt Nam thua chủ nhà Thái Lan 1-3, rồi khi tái ngộ ở chung kết lại thua tan tác 4 bàn không gỡ. Cũng từ kỳ SEA Games đó, lãnh đạo bóng đá và thể thao Việt quyết tâm mời về các chuyên gia ngoại, bắt đầu từ HLV người Brazil Edson Tavares.

Những ngày đầu của bóng đá cũng chẳng khác là bao so với những ngày đầu của điền kinh, bơi lội… Chúng ta thua kém các đối thủ khu vực và châu lục mọi mặt, trong đó câu chuyện thể hình là vấn đề đau đáu hơn cả.

Chẳng cần phải nói đến Hàn Quốc, Nhật Bản hay Iran, bóng đá Việt Nam những năm đó cứ mỗi khi đụng độ Tajikistan, Turkmenistan hay các đối thủ Trung Á tầm trung là thua thê thảm. Nhiều nước này vốn cũng chẳng mạnh gì về bóng đá, và mê bóng đá thì thua xa Việt Nam. 

Nhưng đá làm sao được khi đối thủ nhiều người cao đến 1,9m, còn tuyển Việt Nam chẳng mấy ai cao được 1,7m. Bóng đá của những năm đó đơn giản vô cùng, cứ tạt rồi đánh đầu… Bơi lội, điền kinh cũng thế, cứ sải tay, sải chân dài là áp đảo…

Hành trình 30 năm, nói ra thật dài, là hành trình của sự đầu tư, đổi mới tư duy và học hỏi không ngừng. 

Những chuyên gia ngoại, thiết bị, công nghệ tốt hơn, những phương pháp đào tạo mới mẻ, theo chân sự đi lên của đất nước, đưa thể thao Việt Nam từ chỗ vắt kiệt sức một Kiều Oanh vẫn chưa có tấm huy chương nào cho đến một Ánh Viên, một Huy Hoàng tiệm cận trình độ châu lục. Những tấm huy chương chỉ là hình ảnh phản chiếu của một dân tộc cao hơn, nhanh hơn, khỏe hơn sau 50 năm.

Trình độ thế giới vẫn còn là điều xa vời với thể thao Việt. Nhưng ít nhất ngày nay, người hâm mộ đã được chứng kiến bóng đá Việt tranh chấp sòng phẳng với các đối thủ Trung Á, Trung Đông trong một trận cầu. 

Đã xa rồi cái thời bóng đá Việt phải kinh hãi bài tạt cánh đánh đầu, chỉ vì thua đối phương tận… một cái đầu theo nghĩa đen. 7 năm qua, cầu thủ Việt Nam, thuộc mọi độ tuổi, đã khiến làng bóng đá phải nhìn bằng ánh mắt khác, từ vị trí á quân giải U23 châu Á đầy cảm xúc ở Thường Châu đến hành trình vào bán kết ở Asiad 2018, cùng các chức vô địch SEA Games và AFF Cup.

Đó là thành quả tất yếu khi cầu thủ Việt không còn thấp bé nhẹ cân, VĐV trẻ không còn thiếu sữa, và những yếu quyết thể thao Tây phương cũng không còn quá xa lạ.

Thể thao là lĩnh vực dễ dàng đưa ra kết luận nhất, vì có thắng có thua, có thông số, có thước đo rõ ràng. Nhưng Abe Isoo, nhà giáo dục nổi tiếng của Nhật Bản những năm sau Thế chiến II, từng nhận định: "Thi đấu thể thao là để thắng, nhưng cũng đừng quá xem trọng nó. Thể thao là để nuôi dưỡng, mài giũa tinh thần. Điều quan trọng nhất là phải cam kết sự nỗ lực đến tận cùng".

Cả Kiều Oanh, cả Ánh Viên và những chàng trai U23 Việt Nam trong đêm Thường Châu tuyết trắng đều đã nỗ lực đến tận cùng, dù thành tích có ra sao.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận