TTCT - Bởi các điều kiện khí hậu và địa lý rất phức tạp cùng diện tích rộng lớn, Trung Quốc là một trong những nước gặp nhiều thiên tai và chịu nhiều thiệt hại do thiên tai nhất thế giới. Tham gia ứng phó thiên tai là nhiệm vụ bắt buộc của quân đội Trung Quốc. Ảnh: Global TimesSuốt từ tháng 6, Trung Quốc đã phải đối phó với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng trên diện rộng khắp vùng lưu vực các sông Dương Tử và Hoài Hà. Lũ lụt gây ra thiệt hại rất lớn về kinh tế, đến mức Quốc vụ viện Trung Quốc mới đây tuyên bố một gói hỗ trợ phục hồi và tái thiết lên đến 100 tỉ nhân dân tệ (14,53 tỉ đôla). Nhưng quan trọng không kém là những bài học rút ra về năng lực quản trị thiên tai, ngay cả với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.Bởi các điều kiện khí hậu và địa lý rất phức tạp cùng diện tích rộng lớn, Trung Quốc là một trong những nước gặp nhiều thiên tai và chịu nhiều thiệt hại do thiên tai nhất thế giới. Ngoại trừ núi lửa, mỗi năm Trung Quốc đều ít nhiều phải hứng chịu gần như mọi loại tai họa tự nhiên khác, bao gồm động đất, hạn hán, bão, lũ, sạt lở đất, bão tuyết, bão cát, cháy rừng, và dịch bệnh. Sự mở rộng nhanh chóng các vùng định cư và phục vụ cho định cư của con người cùng quá trình đô thị hóa ồ ạt khiến ước tính 74% các thành phố tỉnh lỵ nước này và hơn 62% thành phố huyện lỵ hiện nằm ở những khu vực bị thiên tai đe dọa. Hơn 50% dân số cũng sống trong những vùng dễ tổn thương bởi thiên tai.Bởi diện tích và quy mô dân số, không ngạc nhiên khi Trung Quốc là nơi trải qua nhiều thiên họa bi thảm nhất trong lịch sử hiện đại: năm 1931, lũ lụt khắp một vùng rộng 110.000 km2 sau khi mực nước ở Hoài Hà, Dương Tử và Hoàng Hà đều vượt mốc lịch sử, khiến khoảng 3,7 triệu người thiệt mạng; năm 1959, lũ ở sông Dương Tử và nạn đói sau đó giết chết 2 triệu người; năm 1976, trận động đất Đường Sơn xảy ra giữa đêm ở thành phố khai thác than và công nghiệp Đường Sơn, Hà Bắc giết chết 242.000 người gần như ngay lập tức, là trận động đất cướp đi nhiều sinh mạng nhất trong thế kỷ 20. Từ năm 1960 tới 2016, Trung Quốc đã phải hứng chịu hơn 800 thiên tai lớn, gây thiệt hại kinh tế ước tính hơn 480 tỉ đôla (tương đương 8,5 tỉ đôla bình quân mỗi năm).Có thể thấy thiên tai và quản trị thiên tai đã trở thành một thách thức lâu dài và sống còn với đất nước này.Cơ cấu mới, nguồn lực mớiCách tiếp cận của Trung Quốc trong đối phó thiên tai là một hệ thống tập quyền từ trên xuống, được quyết định tất cả ở chính quyền trung ương. Chính quyền trung ương đảm nhận trách nhiệm trong chuẩn bị, ứng phó, và cả tái thiết khi thiên tai xảy ra. Sau khi lập quốc năm 1949, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có một ủy ban trung ương điều phối quản trị thiên tai có trách nhiệm phối hợp công tác của nhiều bộ và cơ quan thuộc chính phủ. Nhưng trong cuộc Đại nhảy vọt, ủy ban này bị giải tán, do giới cầm quyền lúc bấy giờ tin rằng thiên tai không còn là mối đe dọa nữa.Chính sách và hoạch định quản trị thiên tai chỉ bắt đầu được ưu tiên trở lại sau cải cách mở cửa. Năm 1989, chính quyền thủ tướng Lý Bằng tái lập Ủy ban quốc gia về giảm nhẹ thiên tai (NCDR), với người đứng đầu là một ủy viên Quốc vụ viện, và năm 2018, Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp (MEM) ra đời, với trách nhiệm “quản lý những vấn đề cấp bách, an toàn, lẫn cứu hộ khẩn cấp”.Đây là một phần kết quả cuộc cải cách Quốc vụ viện Trung Quốc năm 2018, trong đó có việc sáp nhập các bộ phận quản lý khẩn cấp ở nhiều bộ khác nhau thành MEM (cũng sẽ đảm nhiệm luôn cơ quan cứu hỏa bán quân sự, vốn trước đây thuộc Bộ Công an).Trung Quốc cũng đã ban hành hàng trăm đạo luật và quy định liên quan tới quản trị rủi ro thảm họa. Trước khi MEM ra đời, một vấn đề với hệ thống này là các chức năng nhiệm vụ bị phân mảng vào từng bộ, ban, ngành trong phòng chống - ứng phó thiên tai. Lấy ví dụ, Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm phân phối nguyên vật liệu nông nghiệp như phân bón cho nông dân vùng bị thiên tai, Bộ Giao thông đảm trách sửa chữa cầu đường, Bộ Nguồn nước chịu trách nhiệm ngăn lụt và tháo nước... Sự phân mảng này khiến thiếu một sự điều phối mang tính hệ thống giữa các cơ quan chính quyền, điều gây tác động tiêu cực lên các biện pháp phòng ngừa thiên tai cũng như giảm hiệu quả của công tác ứng phó.Trước cải cách, nguyên tắc quản trị rủi ro thảm họa của Trung Quốc là “lãnh đạo tập trung, trách nhiệm phân cấp”. Lãnh đạo tập trung có nghĩa là chính quyền trung ương đưa ra quy định và phương hướng, chỉ huy cũng như giám sát các biện pháp khẩn cấp. Trách nhiệm phân cấp chỉ là một uyển ngữ để chính quyền trung ương “ôm hết” phần ra quyết định, trong khi chính quyền địa phương chỉ thực thi.Nhưng tình hình đã và đang thay đổi kể từ Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 - 2015), trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ phòng chống thiên tai. 18 trung tâm phòng chống thảm họa cấp vùng đã được lập, mọi tỉnh lỵ và khoảng 93% các đô thị giờ đã có các kho dự trữ khẩn cấp với nhu yếu phẩm và trang thiết bị sẵn sàng.Nhà nước Trung Quốc cam kết mọi nạn nhân của thiên tai sẽ nhận được nhu yếu phẩm cần thiết trong vòng 12 tiếng đồng hồ kể từ khi thảm họa xảy ra. Để làm được điều đó, chính quyền đã tuyển dụng mới hơn 2,7 triệu chuyên gia về phòng chống thiên tai và lập 5.000 cơ sở phòng chống thiên tai địa phương - nhằm đảm bảo mỗi vùng đô thị và nông thôn cơ bản (cấp xã, phường) đều có một chuyên gia chuyên trách về quản trị thiên tai.Kết quả: mặc dù số lượng thiên tai ở Trung Quốc cũng như hậu quả kinh tế tăng mạnh trong giai đoạn 1995 - 2016 so với 1960 - 1994, thiệt hại về nhân mạng đã giảm chỉ còn 40%.Hơi 2 tháng sau trận lũ lịch sử gần 20 năm mới thấy một lần ở Trung Quốc, đến nay công tác khắc phục hậu quả vẫn đang tiếp diễn. Theo kết quả tổng kết thiệt hại đầu tháng 9 của Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, lũ đã tràn về 28 tỉnh thành, với hơn 70 triệu người bị ảnh hưởng và gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp là hơn 214 tỉ nhân dân tệ (1 nhân dân tệ = 3.500 đồng). Số người dân phải di dời tăng 47,3% so với trung bình 5 năm gần nhất, lên đến gần 4,7 triệu người, song số tử vong giảm 49,8%, với 271 người chết và mất tích. Vai trò của quân độiNhững nỗ lực đó cho thấy tiến bộ thực sự trong năng lực chuẩn bị và đối phó thiên tai của Trung Quốc, với vai trò của một lực lượng đặc biệt: Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Ngay từ năm 1998, Sách trắng quốc phòng Trung Quốc đã nhấn mạnh nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và phòng chống thiên tai như một trụ cột của quân đội. Theo đó, PLA có trách nhiệm “giải cứu và sơ tán dân chúng mắc kẹt vì thiên tai; đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạ tầng quan trọng; bảo đảm tài sản và trang thiết bị; tham gia vào các chiến dịch đặc biệt như sửa chữa cầu, đường, hầm khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn trên biển, kiểm soát dịch bệnh, và hỗ trợ y tế; loại bỏ và kiểm soát các mối đe dọa lớn; và hỗ trợ chính quyền địa phương tái thiết hậu thiên tai”.Các chiến dịch quân sự không phục vụ chiến tranh được quy định thành trách nhiệm bắt buộc với PLA và đưa vào đánh giá năng lực tác chiến. PLA cũng đã điều chỉnh chương trình huấn luyện, cơ chế chỉ huy - mệnh lệnh và quy trình triển khai quân tương ứng theo đó, tăng cường chuyên môn phòng chống thiên tai cho các lực lượng chuyên trách, và đẩy mạnh những hoạt động nhân đạo/đối phó thiên tai.Trong những năm gần đây, PLA tham gia hầu hết các chiến dịch giải cứu và đối phó thiên tai lớn của Trung Quốc, với tần suất ngày càng dày đặc. Ví dụ, trong hai năm 2009 và 2010, PLA đã triển khai hơn 1,8 triệu binh sĩ và 790.000 xe cơ giới tới các vùng bị nạn, giải cứu và sơ tán cho 1,7 triệu dân và hỗ trợ vận chuyển 303.000 tấn tài sản. Năng lực ngày một gia tăng của PLA vượt ra khỏi các trách nhiệm quân sự truyền thống cũng là điều khiến họ tự tin tham gia các hoạt động tương tự ở nước ngoài, với các cuộc cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ đối phó thiên tai ở Algeria, Iran, Indonesia, Pakistan, Haiti, New Zealand, Nhật Bản... Trong khi giúp đỡ các nước gặp nạn, đó cũng là cơ hội để PLA rèn giũa năng lực hòng vận dụng trong nước khi hữu sự.Kết hợp tất cả những điều đó, các chuyên gia về quản trị thiên tai đánh giá Trung Quốc hiện là một trong số ít các nước trên thế giới, cùng Mỹ, Nhật Bản và Úc, sở hữu năng lực đối phó với thảm họa diện rộng và quy mô lớn.■Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp (MEM) được coi là một “siêu bộ” trong Quốc vụ viện Trung Quốc (bộ trưởng hiện là ông Vương Ngọc Phổ, người Liêu Ninh), với nguồn lực và quyền lực tập hợp từ 13 cơ quan thuộc các bộ khác nhau trước đó. Chức năng quyền hạn của MEM ghi rõ bộ có quyền “xử lý và làm rõ mối quan hệ giữa ứng phó và giảm nhẹ thiên tai”, và “chỉ huy công tác giảm nhẹ thiên tai trong hỏa hoạn, lũ lụt, hạn hán, động đất, và các thiên tai khác”. Bộ cũng sẽ có quyền hạn xem xét các rủi ro mang tính tương thuộc của thiên tai trong một tầm nhìn dài hạn, điều luôn tối quan trọng với công tác ứng phó thiên tai, do hầu như không có thảm họa tự nhiên nào xảy ra đơn lẻ: “họa vô đơn chí”. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Đối mặt thiên tai Tiếp theo Tags: Trung QuốcThiên taiLũ lụtQuản trị thiên tai
Phá sập đường dây lừa đảo xuyên biên giới chuyên giả danh công an, cán bộ thuế, lừa hơn 13.000 người HÀ QUÂN 25/01/2025 Theo cơ quan công an, băng nhóm người Việt lừa đảo ở Campuchia đã mạo danh công an, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân cập nhật thông tin để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Thời tiết hôm nay 25-1: Đêm nay không khí lạnh mạnh về Bắc Bộ, Nam Bộ vẫn nắng nóng LÊ PHAN 25/01/2025 Từ đêm nay, Bắc Bộ sẽ đón đợt không khí lạnh rất mạnh, trời chuyển mưa rét. Nam Bộ thời tiết ngày nắng, Trung Bộ nhiều mây.
Tin tức thể thao sáng 25-1: Djokovic úp mở chuyện giải nghệ trong năm nay ĐỨC KHUÊ 25/01/2025 Djokovic có thể không trở lại thi đấu ở Giải Úc mở rộng và úp mở chuyện giải nghệ; Kyle Walker rời Man City tới cuối mùa... là những tin tức thể thao chính sáng 25-1.