TTCT - 17 nguyên tố đất hiếm như dysprosium và praseodymium được sản xuất với số lượng rất ít nhưng lại quan trọng với một loạt sản phẩm công nghệ cao, từ pin, năng lượng tái tạo tới vũ khí và thiết bị y tế, phần lớn xuất khẩu từ Trung Quốc. Mỏ đất hiếm của Mỹ ở Mountain Pass, California. Ảnh: Reuters Đất nước tỉ dân chi phối gần như hoàn toàn chuỗi cung ứng mặt hàng này, thứ nguyên liệu đang nhanh chóng trở thành tâm điểm của cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường kinh tế toàn cầu.Chi phối tuyệt đốiHôm 4-4, đáp trả việc bị Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế, Trung Quốc hạn chế bán 7 loại đất hiếm sang Mỹ. Động thái mới buộc các hãng khai thác phải xin giấy phép xuất khẩu từ Bộ Thương mại Trung Quốc. Đây chưa phải lệnh cấm hoàn toàn, nhưng bước leo thang tiếp theo có thể là vậy. Trung Quốc từng áp lệnh cấm với 3 loại đất ít hiếm hơn nhưng vẫn quan trọng, và siết chặt kiểm soát các loại khác.17 nguyên tố đất hiếm thực tế có nhiều trong tự nhiên nhưng được coi là "hiếm" vì rất khó kiếm được ở dạng tinh khiết và quá trình chiết xuất thường rất độc hại. Dù ít người quen tên các loại đất hiếm như neodymium, yttrium và europium, hầu như ai cũng biết các sản phẩm cần tới những nguyên tố này. Ví dụ, neodymium được dùng làm nam châm mạnh cho loa, ổ cứng máy tính, động cơ xe điện, động cơ phản lực giúp giảm kích thước và tăng hiệu suất máy móc. Yttrium và europium dùng sản xuất tivi và màn hình máy tính nhờ khả năng hiển thị màu của các nguyên tố đó. "Mọi thứ các bạn bật lên và tắt đi khả năng cao chạy nhờ đất hiếm" - đài BBC dẫn lời Thomas Kruemmer, giám đốc Ginger International Trade and Investment.Trung Quốc gần như chi phối tuyệt đối năng lực chiết xuất và làm sạch đất hiếm. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IEA) ước tính Trung Quốc hiện chiếm khoảng 61% năng lực sản xuất và 92% năng lực xử lý đất hiếm, tức chi phối hoàn toàn chuỗi cung ứng lĩnh vực này và có thể quyết định công ty nào được nhận nguồn nguyên liệu.Cả hai quá trình chiết xuất và xử lý đất hiếm đều rất tốn kém và gây ô nhiễm nặng. Nguồn quặng thường cũng chứa nguyên tố phóng xạ nên nhiều nước phát triển, như ở EU, không muốn tham gia sản xuất. "Rác phóng xạ từ quá trình sản xuất đòi hỏi phải xử lý an toàn, quy chuẩn nghiêm ngặt và vĩnh cửu. Tất cả cơ sở xả thải của EU hiện đều chỉ mang tính tạm thời", ông Kruemmer nói.Sức mạnh chi phối của Trung Quốc không diễn ra một sớm một chiều, mà là quá trình nhiều thập kỷ với các chính sách và đầu tư chiến lược từ chính quyền. Mỏ Bayan Obo ở khu tự trị Nội Mông Cổ nước này là một trong những mỏ có trữ lượng lớn nhất thế giới. Ngay từ năm 1992, khi thăm Nội Mông, ông Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố: "Trung Đông có dầu mỏ, còn Trung Quốc có đất hiếm".3 tổn hại lớn"Kể từ cuối thế kỷ 20, Trung Quốc đã ưu tiên phát triển năng lực khai thác và xử lý đất hiếm, thường là với tiêu chuẩn môi trường và chi phí nhân công thấp hơn các nước khác - Gavin Harper, chuyên gia nghiên cứu vật liệu hiếm của Đại học Birmingham, nói - Điều này cho phép họ vượt các đối thủ và xây dựng được sự chi phối gần như tuyệt đối với toàn chuỗi cung ứng, từ khai mỏ, làm sạch tới sản xuất sản phẩm hoàn thiện như nam châm".Hai năm trước, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu gallium và germanium, các nguyên liệu quan trọng để sản xuất chip, radar và vệ tinh. Tháng 12, họ cấm xuất khẩu cả hai loại kim loại này cùng với antimony, một chất chống cháy. Kể từ đó, giá các nguyên liệu này tăng vọt, thị trường toàn cầu chao đảo. Gallium bán ở phương Tây hiện có giá đắt gấp 2-3 lần so với ở Trung Quốc, theo Jack Bedder của công ty tư vấn Project Blue.Rất nhiều công ty đã mua tích trữ đất hiếm từ trước lệnh cấm. Trung Quốc hiện cũng chưa ép các công ty trong nước hủy hợp đồng, vốn có thời hạn nhiều năm. Một số loại đất hiếm hiện vẫn tiếp tục được cung cấp qua nước thứ ba. Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ nói hiện chưa có lo lắng gì về việc thiếu gallium ở Lầu năm góc.Nhưng hạn chế mới từ Trung Quốc sẽ gây ra một loạt tổn hại. Thứ nhất, đất hiếm "nặng" là thứ khó thay thế nhất. Dysprosium và terbium giúp làm mát nam châm ở tuốc bin điện gió ngoài khơi, máy bay phản lực và tàu vũ trụ. "Động cơ càng lớn, càng cần đất hiếm nặng", theo Ionut Lazar của công ty tư vấn CRU. Năm loại đất hiếm khác cần cho chip AI. Một số sử dụng trong máy chụp MRI, laser và sợi cáp quang.Vấn đề thứ hai là Trung Quốc chi phối sản xuất đất hiếm nặng ở quy mô lớn hơn so với các loại khác, bao gồm hầu hết hoạt động khai thác mỏ đang diễn ra, cả ở Trung Quốc và Myanmar, hai nguồn cung chính. Trung Quốc còn xử lý khoảng 98% quặng khai thác được. Giống hầu hết các nguyên tố khác, đất hiếm nặng không tồn tại ở dạng tinh khiết trên vỏ trái đất. Và không giống gallium hay germanium, đây không phải sản phẩm phái sinh từ dập kim loại như nhôm hay thiếc. Đất hiếm cần được tách khỏi các hợp chất hóa học, đòi hỏi chuyên môn đặc biệt và rất nhiều công sức.Điều này dẫn tới vấn đề thứ ba: Trung Quốc có thể kiểm soát lệnh cấm rất chặt. Bắc Kinh có thể đánh dấu từng tấn đất hiếm được khai thác, xử lý và theo dõi xem lô hàng đi tới đâu, theo Ryan Castilloux của Adamas Intelligence. Họ cũng theo dõi được nhu cầu hàng của các công ty trên toàn cầu, nên bất cứ công ty nào muốn nhập khẩu để tái xuất sang Mỹ cũng có thể bị phát hiện.Mỹ khó tìm nguồn thay thếVì những lý do đó, lệnh cấm của Trung Quốc có thể ảnh hưởng nặng tới Mỹ. Giá cả có thể leo thang nhanh khi khách hàng tìm cách trữ hàng. Neha Mukherjee của Benchmark Minerals tính toán giá của dysprosium có thể đạt 300 đô la/kg so với mức 230 đô la hiện tại. Các công ty có dự trữ, nhưng có thể hết trong vài tháng. Sau đó các ngành dân sự sẽ bị tác động đầu tiên. Tuốc bin điện gió có thể sẽ không cạnh tranh được hoặc không thể lắp đặt. Xe điện có thể phải chuyển sang động cơ nhỏ hơn. Công nghiệp quốc phòng cũng sẽ bị ảnh hưởng, theo Gracelin Baskaran của CSIS.Mỹ có thể tăng tốc tìm nguồn thay thế. Hiện nước này chỉ có một mỏ đất hiếm ở California. Họ đang triển khai một số mỏ khác và tài trợ các mỏ ở Brazil và Nam Phi, đồng thời dùng đạo luật về sản xuất quốc phòng 1950 (thời chiến tranh Triều Tiên) để tài trợ cho cơ sở chế biến đất hiếm nặng ở Texas (nhà máy đầu tiên ngoài Trung Quốc). Nhưng cũng giống các nước khác, Mỹ thiếu kinh nghiệm để biến đất hiếm thành nam châm công suất cao - mặt hàng hiện Trung Quốc hạn chế xuất khẩu. Giới chuyên gia tính toán Mỹ sẽ cần 3-5 năm để xây dựng chuỗi cung ứng từ xưởng tới nam châm hơn được Trung Quốc.Tuy nhiên, việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm cũng có thể gây tổn hại cho chính Trung Quốc. Năm 2010, sau tranh cãi về khai thác hải sản, Trung Quốc dừng xuất khẩu đất hiếm tới Nhật Bản. Chỉ vài tháng sau, Nhật nhượng bộ và xuất khẩu được nối lại. Nhưng cùng thời gian đó, các hãng xe Nhật đã kịp thiết kế loại động cơ ít cần đất hiếm hơn. Lần này, Trung Quốc có thể sẽ giảm xuất khẩu một cách có chọn lọc - trừ khi ông Trump muốn tiếp tục leo thang trong thương chiến.Trung Quốc hiện sản xuất phần lớn các loại đất hiếm trên thế giới - nhóm 17 nguyên tố đặc biệt quan trọng trong các công nghệ hiện đại từ nam châm tới laser và màn hình LCD. Bắc Kinh hiện sở hữu khoảng 70% nguồn đất hiếm khai thác được và 90% đất hiếm được xử lý trên toàn cầu. Mỹ là nhà sản xuất lớn thứ 2, nhưng với trữ lượng chỉ đứng thứ 7 thế giới - thua xa sản lượng của Trung Quốc và phụ thuộc vào đại lục về nguồn nguyên liệu.Điều này giúp Trung Quốc có lợi thế nắm yết hầu nguồn cung đất hiếm toàn cầu. Trung Quốc đang dùng lợi thế này để chống trả Mỹ khi Washington tìm cách loại họ ra khỏi những chuỗi cung ứng các ngành chiến lược, như sản xuất chip tối tân. Các hãng xuất khẩu đất hiếm Trung Quốc hiện đã ngưng xuất hàng trong khi chờ giấy phép từ Bộ Thương mại - hệ thống cho phép Bắc Kinh kiểm soát nguồn hàng nếu thương chiến kéo dài. Về dài hạn, Mỹ có thể tăng các hoạt động khai thác và xử lý đất hiếm nhưng điều này cần thời gian, nguồn chi phí đầu tư tài chính lớn. ■ Mỹ hiện có nguy cơ thua trong cuộc đua về công nghệ quốc phòng và một số công nghệ mới. Trong một số mảng, như công nghệ tên lửa siêu vượt thanh, Trung Quốc hiện đã có những lợi thế hơn. Trong lĩnh vực máy bay chiến đấu, việc Mỹ thiếu đất hiếm có thể tạo lợi thế cho Trung Quốc trong triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Một báo cáo của CSIS nói các công nghệ quốc phòng từ máy bay tiêm kích F-35, tên lửa Tomahawk và máy bay không người lái Predator đều cần đất hiếm. Báo cáo nói điều này diễn ra giữa lúc Trung Quốc "tăng sản lượng sản xuất đạn và mua các hệ thống vũ khí hiện đại với tốc độ gấp 5-6 lần Mỹ". Báo cáo của cơ quan địa chất Mỹ tính toán giai đoạn 2020-2023, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 70% hợp chất đất hiếm và kim loại. "Tác động với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ sẽ là rất lớn", theo ông Kroemmer. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Mỹ áp thuế các nước Tiếp theo Tags: Đất hiếm Trung QuốcĐất hiếmMỹXuất khẩuKhai thác
10.500 drone vẽ hành trình phát triển thành phố trên bầu trời sông Sài Gòn THANH HIỆP 28/04/2025 Đông đảo người dân TP.HCM đổ về khu vực trung tâm để theo dõi màn tổng duyệt đầu tiên của màn trình diễn 10.500 drone chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ trưởng Bộ Công an: Dự kiến bố trí mỗi xã 30 - 60 cán bộ công an xã sau sáp nhập THÀNH CHUNG 28/04/2025 Theo Trung tướng Nguyễn Văn Long, đơn vị công an cấp xã sẽ giảm 60 - 70% so với hiện nay. Tùy theo quy mô, dự kiến bố trí mỗi xã 30 - 60 cán bộ công an xã.
Mất điện làm tê liệt Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhiều người kẹt trong thang máy THANH BÌNH 28/04/2025 Sự cố mất điện trên diện rộng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha làm gián đoạn hoạt động hàng không, ảnh hưởng đến một số chuyến bay.
Phóng viên chiến trường: Chúng tôi có tình cảm rất đặc biệt với đất nước này BÌNH MINH 28/04/2025 Chiều 28-4, đoàn phóng viên tham gia Tuần lễ báo chí nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) đã có buổi gặp mặt lãnh đạo thành phố.