TTCT - Vài năm trở lại đây, xã hội Mỹ dấy lên cuộc tranh luận về thói quen đọc sách của nam giới, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết hư cấu. Ảnh: LitHubVài năm trở lại đây, xã hội Mỹ dấy lên cuộc tranh luận về thói quen đọc sách của nam giới, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết hư cấu. Câu hỏi đặt ra không chỉ là liệu đàn ông có ngừng đọc văn chương hay không, mà còn là sự thay đổi này có góp vào tình trạng bất ổn chính trị và xã hội hay không.Giảm thói quen đọc là xu hướng chung trong toàn xã hội Mỹ chứ không riêng gì ở nam giới. Theo dữ liệu từ Gallup, năm 2021, người trưởng thành ở Mỹ đọc ít sách hơn bất kỳ năm nào được ghi nhận. Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew từ năm 2011 đến 2021, người Mỹ đọc trung bình 14 cuốn sách mỗi năm, còn trung vị chỉ 5 cuốn. Phụ nữ đọc nhiều hơn nam giới một chút. Cụ thể, nghiên cứu năm 2021 của Pew cho thấy 73% nam giới nói họ đã đọc một cuốn sách trong năm qua, so với 78% phụ nữ. Một thăm dò năm 2017 của Quỹ Quốc gia về nghệ thuật cho thấy 50% phụ nữ và 33% nam giới đã đọc một cuốn tiểu thuyết hoặc truyện ngắn trong năm.Như vậy, đàn ông Mỹ đúng là có đọc ít tiểu thuyết hơn phụ nữ, nhưng khoảng cách không xa như người ta đồn thổi, và vì thế chuyện đó có phải là một "khủng hoảng" hay không cũng là vấn đề tranh cãi. (Còn ở Anh, Nielsen BookData xác nhận vào năm 2017, phụ nữ Anh mua 63% tiểu thuyết, trong khi nam giới mua 37%)Cái gì ngăn cách đàn ông và tiểu thuyết?Một lập luận đang ngày càng phổ biến trong giới xuất bản phương Tây, theo tờ The New York Times, là tiểu thuyết đương đại không còn "nói lên tiếng lòng của đàn ông". Tiểu thuyết gia Jordan Castro, người chuyên viết về những người đàn ông thất chí, cho rằng: "Tông điệu và quy tắc chung của thế giới văn học chắc chắn không ưa kiểu thể hiện nam tính".Sự chia cách giới tính trong thị trường xuất bản không phải là điều mới. Trong thế kỷ XIX, các tiểu thuyết ăn khách phần lớn do phụ nữ viết cho độc giả nữ, đến mức nhà văn Nathaniel Hawthorne từng phẫn nộ gọi đây là "một đám phụ nữ viết lách đáng nguyền rủa". Tuy nhiên, sau đó văn đàn lại trở thành "cuộc chơi của đàn ông" (boys' club) với những cây bút như Hemingway hay Kerouac. Kể từ những năm 1980, cán cân một lần nữa nghiêng về phụ nữ, với ngành xuất bản bị cho là đã "nữ tính hóa", khi nhóm độc giả chính được giả định là phụ nữ da trắng từ 30 - 65 tuổi.Không chỉ nội dung, cách "khám phá sách" cũng chủ yếu nhắm đến phụ nữ. Các câu lạc bộ sách của người nổi tiếng - Oprah Winfrey, Reese Witherspoon, Dua Lipa hay Kaia Gerber - đều do nữ giới dẫn dắt. #BookTok, cộng đồng sách khổng lồ trên TikTok, cũng phần lớn do phụ nữ giới thiệu sách của các nữ tác giả. Một ngoại lệ hiếm hoi là cựu tổng thống Barack Obama, người công bố danh sách sách yêu thích mỗi năm hay tỉ phú Bill Gates với mục "Trên giá sách của tôi" trên trang cá nhân.Ảnh: Bill GatesJack Kyono, quản lý nhà sách McNally Jackson (New York), ghi nhận sự khác biệt rõ rệt về giới khi nói tới chuyện đọc. "Phụ nữ đến nhà sách theo nhóm, đọc, điểm sách và giới thiệu sách cho nhau. Nam giới thường đi một mình, tản ra các góc riêng biệt" - cô nói với The New York Times. Những khu vực thu hút nam giới bao gồm tiểu thuyết cổ điển Mỹ (Faulkner, Hemingway), khoa học viễn tưởng và văn học dịch từ các tác giả Trung Âu.Vấn đề không chỉ đến từ ngành xuất bản. Theo Vox, định kiến từ thời Victoria vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng rằng tiểu thuyết bị coi là "phù phiếm", dành cho phụ nữ sống trong không gian gia đình; còn đàn ông, những người đối mặt với thế giới bên ngoài, nên đọc báo chí và phi hư cấu để chuẩn bị cho hành động.Cùng lúc đó, "manosphere" (một tập hợp những kênh thông tin đại chúng ủng hộ nam tính độc hại, tư tưởng thù ghét phụ nữ và phản nữ quyền) và "Zynternet bro" dành cho nam giới trẻ đang định hình qua các nền tảng kỹ thuật số và các influencer nam. Điển hình là Andrew Tate - một "đầu lĩnh" của manosphere với hàng tỉ lượt xem trên TikTok - với tuyên bố "đọc sách là dành cho những kẻ thua cuộc sợ học từ cuộc sống". Lối tư duy này cổ vũ cho tinh thần "hành động hơn nghiên cứu", coi trọng bản năng hơn tri thức, một quan niệm dễ hấp dẫn trong thời đại video ngắn, mạng xã hội và trò chơi điện tử chiếm lĩnh sự chú ý."Đối thủ của chúng tôi không phải là các nhà xuất bản khác, mà là mạng xã hội, game, phát trực tuyến. Tất cả đang cạnh tranh để giành thời gian, sự chú ý và nguồn lực tài chính của độc giả" - Sean Manning, nhà xuất bản của Simon & Schuster, ta thán.Cuối cùng, sự vắng mặt của các hình mẫu nam giới yêu văn chương trên truyền thông đại chúng cũng góp phần làm lu mờ hình ảnh "chàng trai văn học" (lit bro). Khi các không gian đọc sách ngày càng mang tính cộng đồng, điều vốn hấp dẫn với nữ giới, thì việc đàn ông thích đọc sách một mình vô tình khiến họ trở nên "vô hình" trong đời sống văn hóa đọc hiện đại.Ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới?Việc nam giới ngày càng rời xa tiểu thuyết - không cứ đàn ông Mỹ nói riêng - thoạt nghe có vẻ chỉ là một thay đổi văn hóa nhỏ, nhưng nhiều nhà nghiên cứu và nhà phê bình cho rằng đây có thể là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn, thậm chí ảnh hưởng đến nền dân chủ và hòa bình xã hội.Nhà thần kinh học Maryanne Wolf cảnh báo rằng việc suy giảm đọc sâu có thể khiến công chúng dễ bị thao túng hơn vì những hy vọng và nỗi sợ hãi giả tạo lấn át lý trí, khiến khả năng tư duy phản biện lùi bước.Trong tiểu luận "Sự xói mòn của việc đọc sâu" cho tờ National Affairs, Garfinkle đi xa hơn khi cho rằng tư duy trừu tượng, yếu tố nền tảng của các khái niệm như pháp quyền, quyền cá nhân hay bất đồng ôn hòa, sẽ dần biến mất nếu xã hội từ bỏ thói quen đọc sâu (deep literacy, khả năng tập trung lâu vào một văn bản dài và nắm bắt được ý đồ của người viết). Ông cho rằng một nền dân chủ nơi đa số cử tri không còn khả năng xử lý các ý tưởng trừu tượng là môi trường thuận lợi cho chủ nghĩa dân túy bài ngoại và giáo điều cực đoan.Tác động xã hội của xu hướng này cũng đang hiện hữu. Dữ liệu thăm dò của Harvard Youth Poll và Gallup cho thấy nam giới gen Z tại Mỹ đang ngày càng hoài nghi các thể chế truyền thống và dễ bị thu hút bởi các hình mẫu nam tính "chống trí tuệ" như Andrew Tate. Thế hệ gen Z nam ở Mỹ tự nhận mình bảo thủ gấp đôi so với thế hệ cha mẹ họ, kết quả nghiên cứu của Gallup chỉ ra. Hơn thế nữa, nhiều người trong số này cho rằng phong trào #MeToo là "quá đà" và cảm thấy bị xã hội bỏ rơi.Nhiều chuyên gia cho rằng tiểu thuyết giúp phát triển sự thấu cảm, khả năng hiểu quan điểm khác biệt, những yếu tố quan trọng cho sức khỏe tâm thần, quan hệ xã hội và ý thức cộng đồng. Khi đàn ông rút lui khỏi tiểu thuyết, họ có thể mất đi một công cụ quan trọng để xây dựng mối quan hệ sâu sắc, đối thoại cảm thông và tự hiểu mình.Đọc tiểu thuyết không phải bổn phậnĐàn ông rời xa tiểu thuyết và sự suy giảm đọc sâu dấy lên nhiều lo ngại, nhưng thay vì chỉ trích, nhiều chuyên gia và chính những người yêu văn hóa đọc đã có những cách tiếp cận đa chiều."Tiểu thuyết hư cấu có thể rất thú vị. Nó có thể khiến bạn giải trí hoặc khiến bạn phải trăn trở, nhưng dù thế nào, bạn cũng trưởng thành qua trải nghiệm ấy. Đó là một con đường dẫn đến sự hoàn thiện bản thân" - nhà văn Jason Diamond viết trên tạp chí GQ.Theo Diamond, cần tránh tiếp thị sách nói chung và tiểu thuyết nói riêng như một "liệu pháp chữa lành" đơn thuần cho sức khỏe tinh thần. Thay vào đó, nhấn mạnh việc đọc là một hành trình khám phá thế giới, mở rộng nhận thức và làm giàu đời sống cá nhân hẳn sẽ hấp dẫn được mọi giới, không chỉ đàn ông. James Folta, nhà văn của trang Literary Hub, cũng đồng tình rằng đọc tiểu thuyết không phải là nghĩa vụ đạo đức, mà là một lựa chọn đáng giá. Một cuốn tiểu thuyết không thể "cứu" tất cả đàn ông, nhưng có thể mở ra một cánh cửa mới.Một câu lạc bộ đọc sách toàn quý ông.Các nhà xuất bản cũng vào cuộc bằng cách làm mới các thể loại vốn gắn liền với độc giả nam, như khoa học viễn tưởng hay tiểu thuyết lịch sử, thêm yếu tố "romantasy" rất thu hút độc giả nữ vào, làm mềm mại các nội dung có phần nam tính. Bắt đàn ông đọc sách chắc là điều khó cưỡng cầu, nên họ có thể đọc bất cứ thứ gì họ muốn. Dịch giả văn học Max Lawton cho rằng nam giới chỉ đọc sách "khô khan" hay "mạnh mẽ" là một định kiến cần bỏ đi.Theo giám đốc cấp cao Shannon DeVito tại Barnes & Noble, sách dành cho nam giới đang được trình bày với diện mạo hấp dẫn hơn, dù không hẳn là một chiến dịch có chủ đích. Còn Nhà xuất bản Simon & Schuster thì mời các nhân vật nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực tham gia quảng bá sách với mong muốn kết nối văn học với văn hóa đại chúng, đưa sách đến gần hơn với nam giới. Chẳng hạn như Lars Ulrich (Metallica) viết lời giới thiệu cho Screwjack của Hunter S. Thompson, và Taylor Sheridan (biên kịch loạt phim Yellowstone) giới thiệu lại Lonesome Dove của Larry McMurtry.Những người yêu văn hóa đọc thì nỗ lực tạo ra các cộng đồng cho nam giới. Yahdon Israel, biên tập viên cao cấp tại Simon & Schuster, đã sáng lập câu lạc bộ sách "The Fiction Revival" để tạo không gian cho đàn ông thảo luận về tiểu thuyết. Với Israel, việc đọc cùng nhau giúp anh đối mặt với những góc khuất của nam tính độc hại và cải thiện quan hệ cá nhân, bao gồm cả hôn nhân, tờ The New York Times ghi nhận.Tương tự, Andy Spackman, một cựu công nhân xây dựng ở Kansas, đã sáng lập một câu lạc bộ sách dành cho nam giới sau khi nhận thấy mình "không có ai để nói chuyện về sách". Những buổi đọc và thảo luận xoay quanh các tác phẩm như Blood Meridian hay The Secret History đã giúp các thành viên kết nối với nhau ở mức độ sâu sắc hơn so với các hoạt động xã hội thường thấy như đi bar hay chơi game.Tóm lại, có muốn những người đàn ông không đọc tiểu thuyết chịu cầm sách lên thì điều đầu tiên phải nhớ là không nên (và cũng không thể nào) ép uổng. Cũng không có phương cách thần kỳ nào. Nhưng Jason Diamond, với tư cách một người viết, tin rằng chúng ta có thể gửi gắm một thông điệp hay hơn."Tôi sẽ nói: bạn có thể đọc sách sử, nhưng nếu muốn hiểu nước Mỹ một cách trung thực hơn, hãy bắt đầu với Moby-Dick, rồi đọc vài cuốn của William Faulkner. Tiếp theo là Toni Morrison, rồi đến Jesmyn Ward. Flannery O'Connor, Cormac McCarthy và Denis Johnson là những cây bút vĩ đại - nếu bạn đọc đủ tác phẩm của họ, có thể bạn sẽ hiểu rõ hơn điều gì khiến con người có thể làm ra những chuyện tồi tệ đến vậy". Trong bài viết cho Vox đầu tháng 6, cây bút văn hóa Constance Grady cho rằng đúng là đàn ông có xu hướng đọc sách ít hơn phụ nữ nói chung, và có lẽ đọc tiểu thuyết hư cấu ít hơn nữa, song không tới mức khủng hoảng gì cả. Theo cô, mọi lo lắng đều là kết quả của "ám ảnh bởi những con số sai lệch và các "sự thật" đáng ngờ". Chẳng hạn, có thống kê cho thấy phụ nữ dành trung bình 0,32 giờ (gần 19 phút) đọc giải trí hằng ngày, trong khi nam giới dành khoảng 0,2 giờ (12 phút). Chênh lệch hơn 6 phút này "có lẽ không đủ để châm ngòi cho một loạt bài viết cho rằng việc đàn ông từ chối đọc là một cuộc khủng hoảng quốc gia".Lại có ý kiến cho rằng "nếu đàn ông chịu đọc tiểu thuyết, có lẽ giờ đây Kamala Harris đã chuẩn bị phát biểu nhậm chức rồi". Nhận định này không phải không có lý. Sau bầu cử, nam giới từ 18-29 tuổi ủng hộ Trump nhiều hơn Harris (49% so với 47%), trong khi phụ nữ cùng độ tuổi lại ủng hộ Harris vượt trội, chênh lệch tới 24 điểm phần trăm. Tuy vậy, Grady cho rằng người ta đang "nâng quan điểm" quá mức câu chuyện này, cũng như "phóng đại và làm lố" những vấn đề liên quan tới chuyện đàn ông không đọc tiểu thuyết. Tags: Đọc tiểu thuyếtTiểu thuyếtVăn học
Mưa dông làm sập 44 căn nhà ở Đồng Tháp, 17 người bị thương ĐẶNG TUYẾT 23/07/2025 Mưa dông ở Đồng Tháp ngày 22-7 đã làm 44 căn nhà bị sập, 17 người bị thương.
Áp thấp nhiệt đới và bão Francisco hình thành gần Philippines CHÍ TUỆ 23/07/2025 Sáng 23-7, vùng áp thấp phía bắc đảo Luzon (Philippines) mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Giảm xe xăng, tăng xe điện: Hạ tầng phải đi trước THU DUNG 23/07/2025 Cần phải nhanh chóng đầu tư hạ tầng cho xe điện, từ phủ sóng trạm sạc, điểm sửa xe đến các tiêu chuẩn sạc ở nhà, chung cư cho an toàn.
Thủy điện Bản Vẽ lý giải tin nước lũ 5.000 năm mới có một lần DOÃN HÒA 23/07/2025 Trên lưu vực hồ chứa thủy điện Bản Vẽ, tỉnh Nghệ An đã xuất hiện trận lũ đặc biệt lớn được đánh giá 5.000 năm mới xuất hiện một lần.