TTCT - Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nhất trí thỏa thuận thương mại "tốt hơn mong đợi" với Việt Nam, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin các nhà sản xuất Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài đã thở phào nhẹ nhõm. Ảnh: ft.com Trong những năm gần đây, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và thuế quan từ Mỹ gia tăng, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chọn đầu tư xây dựng nhà máy tại các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Ông Bành, một doanh nhân Trung Quốc điều hành nhà máy in thùng các tông ở miền Bắc Việt Nam, nói với SCMP rằng kết quả đàm phán thuế quan Việt - Mỹ tốt hơn dự kiến của ông, và doanh nghiệp của ông có thể tiếp tục hoạt động tại Việt Nam.Đã đến và sẽ ở lạiÔng cho biết sau khi ông Trump áp thuế cao lên Trung Quốc vào năm 2018, ông cũng chuyển nhà máy từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đến Hải Phòng. Sau khi đầu tư 20 triệu nhân dân tệ (gần 73 tỉ đồng) để xây dựng nhà máy mới, công ty của ông Bành cuối cùng đã bắt đầu có lãi vào năm ngoái. Tuy nhiên trong ba tháng qua, do lo ngại mức thuế quan mới sẽ có hiệu lực, các khách hàng Mỹ đã vội vàng đặt hàng trước, khiến lượng đơn hàng cho sản phẩm của công ty ông tăng vọt."Do chính sách của ông Trump, tôi đã đầu tư rất nhiều tiền để chuyển đến Việt Nam, và có lẽ sẽ ở lại dù thuế quan có ra sao", ông Bành nói. Công ty của ông là một trong nhiều doanh nghiệp Trung Quốc góp phần đưa đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc ra nước ngoài. Theo số liệu từ phía Việt Nam, tổng vốn Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam đạt 4,73 tỉ USD trong năm 2024, nâng tổng vốn đầu tư lũy kế kể từ năm 1988 lên 30,83 tỉ USD. Không tính cộng số vốn đầu tư từ Hong Kong, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6 ở Việt Nam.Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Việt Nam cho biết trong quý 1-2025, xét về vốn, các nhà đầu tư Trung Quốc đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Nếu xét về số dự án thì Trung Quốc dẫn đầu, chiếm gần 30% tổng số dự án đăng ký mới.Nhìn chung, sự trỗi dậy của đầu tư sản xuất Trung Quốc ở nước ngoài vừa được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế, vừa chịu ảnh hưởng của địa chính trị và sự tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài nói chung, và Việt Nam nói riêng, cũng chủ yếu tập trung vào sản xuất và chế tạo, đặc biệt là trong các ngành điện tử, dệt may, năng lượng tái tạo và máy móc thiết bị. Các doanh nghiệp nổi tiếng như BYD, Goertek đều đã thành lập hoặc mở rộng các cơ sở sản xuất tại nhiều nước ngoài Trung Quốc. Các tập đoàn dệt may lớn của Trung Quốc như Shenzhou International (Thần Châu quốc tế) cũng đang tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Malaysia và Việt Nam cũng đã trở thành những cơ sở sản xuất sản phẩm quang điện lớn của doanh nghiệp Trung Quốc.Người bán và mua đều lạc quan hơnTất cả các hoạt động này thuộc về xu hướng chung đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong thương chiến, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn thành lập nhà máy ở nước ngoài để phân tán rủi ro và giảm chi phí. Hãng bán lẻ thời trang trực tuyến Trung Quốc Shein đã thành lập kho hàng tại Việt Nam để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đại lục và giao sản phẩm đến thị trường phương Tây nhanh hơn.Công nhân làm việc trong một nhà máy lắp ráp xe hơi Mitsubishi ở Bekasi, Indonesia. Ảnh: ReutersÔng Lưu Kiệt, cố vấn kinh doanh của công ty tư vấn Seamakes tại Việt Nam, nói với tờ SCMP rằng thỏa thuận thuế quan mới "là tin tốt cho các doanh nghiệp Trung Quốc có nhà máy tại Việt Nam". Paul Cosaro, CEO của Picnic Time, nhà cung cấp cho các nhà bán lẻ hàng đầu ở Mỹ như Target, Kohl's và Macy's, thì nói với đài CNBC rằng nếu quay ngược thời gian đến tháng 4 và ông Trump nêu mức thuế quan với Việt Nam như ông đã nói thì "ai cũng sẽ vui vẻ".Trong thập kỷ qua, một số nhà bán lẻ quần áo, đồ thể thao hàng đầu của Mỹ, bao gồm Gap, American Eagle và Nike, đều đã giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc để tự bảo vệ khỏi cả mức thuế cao và bất ổn địa chính trị. Nhiều hãng đã tìm tới Việt Nam, nơi có năng lực sản xuất với chất lượng và giá cả ít nhiều tương đồng. Theo hiệp hội ngành American Apparel & Footwear Association, Việt Nam hiện là nhà cung cấp lớn thứ hai các sản phẩm giày dép, quần áo và phụ kiện bán vào Mỹ, và đang trên đà trở thành nhà cung cấp giày lớn nhất vào năm 2025, theo ước tính từ Footwear Distributors and Retailers of America, một hiệp hội ngành khác.Không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc cảm nhận nhẹ nhõm về thỏa thuận thuế quan đạt được, những nhà mua hàng Mỹ cũng lạc quan hơn. Sonia Lapinsky, đối tác kiêm giám đốc điều hành tại AlixPartners, chuyên tư vấn cho các thương hiệu thời trang, nói với đài CNBC: "Có một chút tích cực và một chút lạc quan rằng tình hình có thể quản lý được. Ít nhất là vậy. Hoạt động kinh doanh sẽ không bị hủy hoại hoàn toàn, điều đó thật tuyệt vời".Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã coi Việt Nam là cơ sở sản xuất và thị trường xuất khẩu quan trọng trong những năm qua. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, chỉ riêng hàng hóa, nguyên vật liệu và máy móc Trung Quốc chiếm tới 38% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Điều này liên quan tới một vấn đề then chốt khác trong các thỏa thuận thuế quan.Bà Mary Lovely, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), một viện nghiên cứu của Mỹ, nói với SCMP rằng những lo ngại về vấn đề trung chuyển qua Việt Nam có thể đã bị phóng đại: "Việc xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng lên, phần lớn trong số đó là nguyên liệu thô để hỗ trợ ngành sản xuất của Việt Nam, chứ không chỉ đơn thuần là 'trung chuyển' để tránh thuế".Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin BBC (Anh), ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội, cũng cho rằng "hàng trung chuyển" là một "thuật ngữ thực thi thương mại mơ hồ và thường bị chính trị hóa". ■ Thương mại tự do cũng có thể tác động theo chiều ngược lại, nếu như Việt Nam cam kết giảm thuế quan cho hàng Mỹ. (Bên cạnh lời hứa về giải quyết các rào cản phi thuế quan, hay tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ). Nếu quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho nông sản Mỹ (thịt gia cầm, thịt lợn, thịt bò) và một số mặt hàng công nghiệp cụ thể được triển khai, "hàng trung chuyển" cũng có thể đi theo hướng ngược lại. Ông Quản Kiến, người phụ trách một công ty luật ở Bắc Kinh, lưu ý với SCMP rằng do Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các sản phẩm của Mỹ có thể vào Việt Nam với thuế suất thấp, sau đó được tái xuất sang Trung Quốc hoặc các quốc gia RCEP khác. Điều này sẽ làm suy yếu các rào cản thuế quan từ Trung Quốc với hàng nhập khẩu Mỹ. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Mỹ áp thuế các nước Tiếp theo Tags: Thỏa thuận thương mạiThương mại tự doĐầu tư vào Việt NamTổng thống Mỹ Donald Trump Trung Quốc
Vụ lật tàu ở Hạ Long: Cố tìm người mất tích trước tối nay; Sẽ có cơ chế hỗ trợ trẻ mồ côi TIẾN NGUYỄN 20/07/2025 Cơ quan chức năng cho biết do thời tiết xấu đã không phát hiện ngay vụ lật tàu. Sau khi nhận tin, tàu cứu hộ đã có mặt chỉ trong 10 phút.
Dự báo bão số 3 tác động mạnh nhất đến ven biển Hưng Yên - Thanh Hóa CHÍ TUỆ 20/07/2025 Dự báo bão số 3 (Wipha) ảnh hưởng trực tiếp Quảng Ninh, Hải Phòng. Còn ven biển tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa chịu tác động gió bão mạnh nhất.
Nghe cuộc gọi lạ chưa đến 1 phút, một gia đình ở Hà Tĩnh mất 1,5 tỉ đồng TTXVN 20/07/2025 Tình trạng lừa đảo qua mạng đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tại Hà Tĩnh, nhiều người dân đã mất tiền oan, thậm chí trắng tay chỉ sau vài phút bất cẩn.
Cận cảnh tàu du lịch bị lật ở Hạ Long trong siêu dông THÂN HOÀNG 20/07/2025 Sau một đêm tìm kiếm người mất tích và trục vớt tàu Vịnh Xanh QN-7105, sáng nay lực lượng chức năng đã lai dắt tàu về khu vực Nhà máy đóng tàu Hạ Long để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra nguyên nhân tàu lật.