Câu chuyện của thủ thư: Tìm kiếm trật tự trong thế giới hỗn loạn

TRẦN QUỐC TÂN 23/04/2025 14:59 GMT+7

TTCT - Đằng sau những kệ sách ngăn nắp ấy là dấu ấn của các nhà thư viện học tiên phong, những người đã làm thay đổi cách nhân loại tổ chức, tìm kiếm và khám phá tri thức.

Câu chuyện của thủ thư: Tìm kiếm trật tự trong thế giới hỗn loạn - Ảnh 1.

Tủ thẻ thư mục của Mundaneum ở Mons, Bỉ

Thử hình dung ta bước chân vào một phòng thư viện mênh mông, với những hàng sách trải dài bất tận, xếp ngay ngắn với sự chính xác đến từng centimet. Trật tự ấy, vốn được xem là hiển nhiên ngày hôm nay, từng là giấc mơ táo bạo và không tưởng, một niềm khát khao chinh phục sự hỗn loạn. 

Đằng sau những kệ sách ngăn nắp ấy là dấu ấn của các nhà thư viện học tiên phong, những người đã làm thay đổi cách nhân loại tổ chức, tìm kiếm và khám phá tri thức.

Trong truyện ngắn Thư viện Babel, Jorge Luis Borges hình dung về một thư viện khổng lồ chứa vô số phòng hình lục giác, xếp đầy những cuốn sách được tạo thành từ tất cả các cách kết hợp của chữ cái, ký hiệu và khoảng trắng. 

Thư viện này chứa mọi nội dung mà con người có thể tưởng tượng ra - từ những tác phẩm văn chương xuất sắc nhất đến các dòng chữ hoàn toàn vô nghĩa. Thư viện Babel là một ẩn dụ, thể hiện nỗ lực không ngừng của con người trong việc tìm kiếm trật tự và ý nghĩa giữa một thế giới tri thức bao la và hỗn loạn.

Hệ thống phân loại sách phổ biến nhất hiện nay thực ra đơn giản hơn nhiều so với ý tưởng kỳ lạ của Borges. Khung phân loại thập phân Dewey (hay DDC) do Melvil Dewey (1851-1931) sáng tạo khi còn là sinh viên kiêm thủ thư tại trường Amherst College, Massachusetts. 

Được công bố năm 1876, khung phân loại Dewey mang nét đặc trưng của tinh thần sáng tạo và tiến bộ thời đại Victoria, thời của các khu vườn thực vật rộng lớn hay bộ sưu tập đồ sộ của các bảo tàng: đó là niềm tin rằng tri thức có thể được sắp xếp trong một cấu trúc phân cấp nghiêm ngặt, giống như cái cây khổng lồ, mỗi lĩnh vực đều có "cành nhánh" riêng và mã số duy nhất.

Vào cuối thế kỷ 19, sách nằm rải rác không có hệ thống gây khó khăn cho các thư viện ở hầu khắp nước Mỹ. DDC ra đời châm ngòi cho cuộc cách mạng trong khoa học thư viện. "Tri thức là sức mạnh - Dewey thường nói - Nhưng chỉ khi bạn có thể tìm thấy nó". Mối ám ảnh của ông với tính hiệu quả vượt ra ngoài thư viện - ông có nhiều đóng góp trong việc đơn giản hóa cách viết (đổi tên mình từ Melville thành Melvil), ủng hộ hệ thống đo lường mét, thậm chí cố gắng cải cách tiếng Anh. 

Song trên tất cả, hệ thống phân loại thập phân của ông đã trở thành di sản lâu dài.

Bản thiết kế cách mạng

Bước đột phá của Dewey đến từ sự quan tâm đặc biệt đến cách tổ chức, một điều mà ông đã rất quan tâm từ thời thơ ấu. Ông có thói quen dành nhiều giờ sắp xếp nhà bếp của mẹ mình, lập hệ thống phân loại cho mọi thứ, từ gia vị đến dụng cụ nấu ăn. Xu hướng trọng trật tự này hẳn đã góp phần hình thành cách tiếp cận mang tính cách mạng của ông với việc phân loại sách.

DDC chia tri thức nhân loại thành 10 lớp chính (từ 000 - 999), dùng chữ số Ả Rập và dấu thập phân để ký hiệu. Chẳng hạn, mục 500 thể hiện các ngành khoa học tự nhiên, 510 dành riêng cho toán học, 512 cho đại số và 512.7 dành cho lý thuyết số. Cách làm này cho phép mở rộng không giới hạn theo chiều ngang, giúp việc phân loại ngày càng chi tiết khi có thêm các chủ đề mới, mà vẫn đảm bảo tính logic.

Trong khi Dewey cách mạng hóa thư viện ở Mỹ, bên kia Đại Tây Dương, một luật sư người Bỉ tên Paul Otlet đã ấp ủ tầm nhìn còn lớn hơn. Năm 1895, cùng với Henri La Fontaine (1854-1943, sau này được giải Nobel hòa bình năm 1913), Otlet thành lập Văn phòng quốc tế về thư mục và bắt đầu xây dựng Mundaneum - một dự án đầy tham vọng nhằm thu thập và phân loại tất cả kiến thức của nhân loại, ngày nay còn được nhắc đến như là "Internet trên giấy".

"Mundaneum là một thành phố tri thức - Otlet viết vào năm 1935 - Nơi toàn bộ ký ức của thế giới được tập hợp lại". Hệ thống của Otlet và La Fontaine sử dụng các thẻ chỉ mục kết hợp với hệ thống phân loại phức tạp có tên là Bảng phân loại thập phân bách khoa (UDC), được mở rộng từ hệ thống của Dewey.

Tầm nhìn của Otlet thật đáng kinh ngạc. Ông hình dung ra một loại máy có tên "kính viễn vọng điện" (electric telescope) cho phép mọi người tìm kiếm qua hàng triệu tài liệu, sách và hình ảnh được liên kết với nhau từ nhà của họ. Cỗ máy này thể hiện ý tưởng của Otlet về một mạng lưới tri thức toàn cầu, cho phép con người truy cập một lượng thông tin khổng lồ từ xa - một khái niệm mà nhiều người coi là tiền thân của Internet hiện đại. 

Người dùng sẽ truy cập thông tin này từ một trạm làm việc nơi họ có thể đọc, viết ghi chú và yêu cầu tài liệu từ kho lưu trữ trung tâm. Với Paul Otlet, Mundaneum dù đầy tham vọng nhưng đã vượt quá khả năng thực tế của thời đại ông sống. Phần lớn công trình này bị phá hủy khi Đức quốc xã xâm lược Bỉ vào năm 1940, khiến di sản của ông chìm vào quên lãng.

Phân loại học hiện đại: Di sản kết nối

Hơn một thế kỷ trước khi Melvil Dewey và Paul Otlet định hình khoa học thư viện, Carl Linnaeus (1707-1778), nhà sinh học người Thụy Điển, đã đối mặt với một thách thức phân loại hoàn toàn khác - không phải tổ chức sách hay tri thức trừu tượng, mà là mang lại trật tự cho thế giới tự nhiên với hàng ngàn loài sinh vật chưa được hệ thống hóa.

Linnaeus sáng lập ra danh pháp nhị thức, cho phép định danh thế giới tự nhiên bằng cách gán cho mỗi loài một tên Latin gồm hai phần (tên chi + tên loài) - ví dụ, Homo sapiens là loài "người tinh khôn", Tyrannosaurus rex là "vua thằn lằn" (tức khủng long bạo chúa) - một bước ngoặt vượt ra ngoài lĩnh vực sinh học và y học. 

Câu nói nổi tiếng thời bấy giờ, "Chúa tạo ra, Linnaeus tổ chức" không chỉ là lời tán tụng: nó phản ánh thực tế rằng ông đã mang lại trật tự cho sự hỗn loạn của tự nhiên, đặt nền móng cho tư duy phân loại hiện đại.

Di sản của Linnaeus không dừng lại ở các loài cây cỏ hay động vật, hệ thống phân cấp logic và chi tiết của ông đã trở thành hình mẫu cho việc tổ chức tri thức trên mọi lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà tiên phong về thư viện học như Dewey và Otlet sau này.

Bằng chứng cho tầm ảnh hưởng của Linnaeus nằm ở chính sự bền bỉ và tính tiếp nối trong phương pháp của ông. Hệ thống phân loại theo cấp bậc (từ giới, ngành, lớp, bộ, họ, chi, đến loài) không chỉ giúp các nhà khoa học thế kỷ 18 hiểu rõ mối quan hệ giữa các sinh vật, mà còn truyền cảm hứng cho cách Dewey xây dựng DDC để phân loại sách theo chủ đề, hay cách Otlet phát triển UDC để liên kết tri thức đa chiều.

Câu chuyện của thủ thư: Tìm kiếm trật tự trong thế giới hỗn loạn - Ảnh 3.

Pho sách cổ Systema Naturae, ấn bản thứ tư (1744), trưng bày ở Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Bergamo (Ý). Nguồn: WIKIMEDIA COMMONS

Sự tỉ mỉ của Linnaeus khi lập danh mục từng loài (ghi chép chi tiết trên các thẻ chỉ mục - một thực hành tiên phong vào thời điểm đó) chính là tiền thân của hệ thống biên mục hiện đại, nơi mỗi mục thông tin được gắn với từng bản ghi và truy xuất một cách chính xác. 

Khi ông phân loại hơn 10.000 loài thực vật và động vật trong Systema Naturae (1735), Linnaeus đã cho thấy một hệ thống logic, có cấu trúc và tôn ti rõ ràng có thể biến sự phức tạp thành thứ dễ hiểu - một nguyên tắc mà Dewey áp dụng cho thư viện công cộng và Otlet mở rộng thành mạng lưới tri thức toàn cầu.

Thế mạnh của hệ thống thập phân Dewey nằm ở sự đơn giản nhưng linh hoạt. Bằng cách dùng dấu thập phân ngăn cách các số nguyên, Dewey tạo ra khả năng mở rộng tới vô hạn; chẳng hạn, mã số 574.9 có thể dễ dàng mở rộng thành 574.91, 574.92 và tiếp tục khi có chủ đề mới mà không làm đảo lộn thứ tự ban đầu. Sự linh hoạt này giúp DDC có mặt rộng khắp đến tận kỷ nguyên số ngày nay.

Paul Otlet tiến xa hơn nữa với mong muốn tạo ra một mạng lưới thông tin có cấu trúc chặt chẽ, được nhiều người coi là phiên bản giấy của siêu liên kết (hyperlink) trong thời đại số. Năm 1895, Otlet và La Fontaine cùng nhau thiết lập "Kho thư mục phổ quát" (Universal Bibliographic Repertory, UBR) nhằm thu thập và phân loại tất cả các ấn phẩm trên toàn thế giới. 

Bắt đầu với 400.000 thẻ chỉ mục trong năm đầu tiên, đến những năm 1930, hệ thống này đã mở rộng lên đến 18 triệu bản ghi, trở thành một trong những dự án thư tịch tham vọng nhất của thời đại.

Khía cạnh con người trong xây dựng hệ thống

Các hệ thống tổ chức tri thức tuy có vẻ trọng logic và khô khan, nhưng phía sau là những động lực nhân văn từ chính những nhà khởi tạo.

Melvil Dewey bị chứng nói lắp từ nhỏ, tìm kiếm sự an ủi trong việc sắp xếp và tổ chức thế giới xung quanh mình khi ngôn từ không thể diễn đạt trôi chảy. Thư từ cá nhân của ông tiết lộ một con người luôn ám ảnh bởi nỗi sợ hỗn loạn, từng viết cho bạn bè rằng: "Hỗn loạn là kẻ thù của tiến bộ. Mỗi phút dành để tìm kiếm là một phút mất đi cho việc học tập".

Paul Otlet lại phát triển tầm nhìn của mình từ bi kịch thời thơ ấu, mẹ ông qua đời lúc ông chỉ mới ba tuổi, thúc đẩy một khao khát mãnh liệt để bảo tồn và tổ chức thông tin, dẫn tới sự ra đời của Mundaneum - cũng là cách ông hiện thực hóa giấc mơ tạo nên "một cuốn sách tri thức phổ quát".

Câu chuyện của thủ thư: Tìm kiếm trật tự trong thế giới hỗn loạn - Ảnh 2.

Thư viện công cộng, được gọi là ngọn núi sách ở thành phố Spijkenisse. Hà Lan.

Tuy nhiên, không một hệ thống nào hoàn hảo. Các nhà tiên phong phải đối mặt với không ít chỉ trích. Hệ thống phân loại của Dewey từng bị phê phán mạnh mẽ vì thiên vị phương Tây và Kitô giáo, đặc biệt thể hiện rõ trong mục 200 về tôn giáo, nơi phần lớn không gian (từ 220 - 289) được dành riêng cho Kitô giáo. 

Để giải quyết vấn đề này, năm 2019, tổ chức hợp tác thư viện toàn cầu OCLC đã đề xuất cách sắp xếp mới cho mục 200 - 299: tổ chức các tài liệu về tôn giáo theo trình tự lịch sử và khu vực địa lý, thể hiện rõ hơn sự đa dạng của các tôn giáo và giảm bớt thiên lệch so với cách phân loại trước đây.

Ngoài ra, di sản của Dewey còn phức tạp bởi nhiều tranh cãi xoay quanh cá nhân ông, bao gồm quan điểm bài Do Thái và việc phân biệt đối xử với phụ nữ tại nơi làm việc, khiến những đóng góp nghề nghiệp của ông bị phủ bóng bởi các vấn đề đạo đức.

Linnaeus gặp vấn đề với hệ thống phân loại của mình theo một cách khác. Tác phẩm Species Plantarum, xuất bản năm 1753, đã đặt nền móng cho hệ thống phân loại thực vật hiện đại. Lấy một ví dụ trong đó, "hoa cúc" được định danh là "Chrysanthemum indicum": Chrysanthemum là tên chi, chỉ chung nhóm hoa cúc, còn indicum có nghĩa là "nguồn gốc từ Ấn Độ". 

Thực tế, loài cúc này xuất phát từ Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, chứ không phải từ Ấn Độ. Việc dùng tên loài "indicum" cho thấy hạn chế trong kiến thức địa lý của thời bấy giờ, đồng thời minh họa rõ nét những thách thức mà các hệ thống phân loại sơ khai thường gặp phải.

Danh pháp nhị thức của Linnaeus, dù mang tính cách mạng trong việc tạo ra trật tự rõ ràng cho các loài, đôi khi lại áp đặt những danh mục chủ quan và thiên kiến lên thế giới tự nhiên. Ví dụ rõ ràng nhất là khi Linnaeus phân loại con người thành các nhóm chủng tộc riêng biệt dựa trên các đặc điểm bên ngoài như màu da, đặc tính văn hóa hay vị trí địa lý. 

Ý tưởng này có ảnh hưởng lớn tới lịch sử ngành nhân học, để lại nhiều hệ quả sâu rộng đối với xã hội loài người, bao gồm việc định hình các quan điểm tiêu cực về những dân tộc ngoài châu Âu và dùng để biện minh cho các hành động sai trái như chế độ nô lệ hay chính sách gây tổn hại đến các cộng đồng bản địa.

Từ thư viện đến kỹ thuật số

Các hệ thống danh mục thư viện ngày nay không còn dừng lại ở những hộp phiếu hay tủ đựng thẻ chỉ mục đơn giản, mà đã phát triển thành các cơ sở dữ liệu trực tuyến đồ sộ, phản ánh rõ những ý tưởng và nguyên tắc mà Paul Otlet và các nhà tiên phong đã đề ra.

Internet, với mạng lưới siêu liên kết phức tạp, đã hiện thực hóa tầm nhìn ban đầu của Otlet về khả năng tiếp cận thông tin đa chiều. Thậm chí những công nghệ mới như blockchain - hoạt động dựa trên nguyên tắc "chuỗi khối", tức các khối dữ liệu được liên kết tuần tự, ghi lại rõ ràng và không thể thay đổi - cũng chịu ảnh hưởng từ các nguyên lý cốt lõi về tổ chức thông tin, mà Dewey và Otlet tiên phong. 

Tương tự cách thư viện dùng hệ thống phân loại và lập chỉ mục để đảm bảo việc truy cập và xác minh thông tin, blockchain cũng giúp người dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, kiểm chứng thông tin.

Hệ thống định danh của Carl Linnaeus, từ những thẻ chỉ mục viết tay cho đến cấu trúc danh pháp rõ ràng, đã đặt nền móng cho tính chính xác và trật tự khoa học, vẫn tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành thư viện và công nghệ ngày nay.

Cùng mạch nguồn đó, Melvil Dewey với hệ thống phân loại thập phân kín kẽ và phổ biến, Paul Otlet với tham vọng xây dựng một thư mục tri thức toàn cầu, và Louise Noëlle Malclès với khả năng biến thư mục học từ một lĩnh vực kỹ thuật khô khan thành một ngành đầy sức sống, tất cả đều minh chứng rằng tổ chức thông tin là một quá trình đổi mới không ngừng, luôn thích ứng để duy trì sự gắn kết chặt chẽ với những biến động không ngừng của thời đại.

DDC và UDC: sự đơn giản đối đầu tính đa chiều

Khung phân loại thập phân Dewey (DDC) cung cấp một bộ mã số đơn giản, trực quan giúp thủ thư dễ dàng tổ chức và tra cứu sách. Tuy nhiên, do chú trọng sự tiện lợi, DDC không thực sự kín kẽ trong việc xử lý những khu vực thiểu số.

Chẳng hạn, văn học Việt Nam được đánh ký hiệu 895.922, một tiểu mục nhỏ trong văn học Đông Á và Đông Nam Á (895), trong khi toàn bộ phân khu 810 dành riêng cho văn học Mỹ.

Bảng phân loại thập phân bách khoa (UDC) do Paul Otlet và Henri La Fontaine xây dựng từ năm 1895 trên nền tảng của DDC, phức tạp và linh hoạt hơn, phản ánh tham vọng tổ chức toàn bộ tri thức nhân loại.

UDC sử dụng các ký hiệu đặc biệt như dấu hai chấm (:) để biểu thị mối quan hệ, dấu cộng (+) để kết nối chủ đề, và ngoặc đơn ( ) để xác định bối cảnh địa lý hoặc khía cạnh cụ thể, qua đó diễn đạt chính xác các liên kết đa chiều.

Ví dụ, tài liệu về "tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất cà phê ở Việt Nam" được ký hiệu là 633.73:551.583(597), trong đó 633.73 chỉ canh tác cà phê, 551.583 chỉ biến đổi khí hậu và (597) xác định địa lý Việt Nam.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận