TTCT - Thảm kịch Essex chỉ là phần chóp nhọn đau đớn của một tảng băng chìm khổng lồ, mà có nhìn thấy hết thì mới đủ để đặt câu hỏi đâu là trách nhiệm của những người có trách nhiệm. Bi kịch Essex chỉ là phần nổi của tảng băng buôn người từ châu Á, trong đó có Việt Nam, sang châu Âu. Tất nhiên, các nước liên quan cũng đều có những động thái bài trừ với sự hỗ trợ quốc tế, song rõ ràng là còn cần cố gắng nhiều hơn nữa khi nạn buôn người nay còn được ngụy trang bởi những chiêu trò lừa phỉnh ngoạn mục để các nạn nhân tương lai tự nguyện đóng tiền đi theo hoặc được bơm phồng bởi dư luận đồn thổi cùng những “tấm gương thành đạt” ồn ào.Báo cáo buôn người (TIP) 2018 của Mỹ đã khá thực tế khi nhận xét rằng chính phủ Việt Nam đã cho thấy những nỗ lực ngày càng tăng trong cuộc chiến này, song vẫn chưa đáp ứng trọn vẹn các tiêu chuẩn về việc loại trừ nạn buôn người. Trong số những gì cần tăng cường, nhất định có yêu cầu tăng hiểu biết về các “miền đất hứa”, mà trong trường hợp này là nước Anh, điểm đến “lý tưởng” được chọn lựa.Nạn nhân của sự thiếu thông tinCó một thực tế phát phiền là giữa rừng báo mạng và mạng xã hội hiện nay, những thông tin chính xác về các “chân trời mới” tỉ như nước Anh lại thiếu vắng trầm trọng. Từ đó dẫn đến việc lan truyền lòng tin rằng đó là một điểm đến “thiên đường”.Một số người trong các gia đình liên quan nhất định tin rằng con mình hay con nhà người ta làm nhà hàng tại Pháp, lương 50 triệu đồng/tháng, nay muốn sang Anh làm nail thu nhập gấp ba, bốn lần ở Pháp, và lan truyền những câu chuyện hái ra tiền đó! (Một phần) dư luận cứ thế mà tin và suy nghĩ kiểu sang tới Anh được, “lương 50 triệu, 2 năm hoàn vốn”. Sự chấp nhận đánh đổi đó vẫn còn thấy trong “rừng” bình luận về thảm kịch vừa qua.Một tuần sau khi vụ việc xảy ra, giữa rừng tin tức dịch từ báo Anh là chính về vụ này, vẫn chưa thấy tờ báo nào làm động tác tối thiểu là cho biết ở châu Âu, lương lậu thực sự là bao nhiêu. Tức công việc hướng dẫn quần chúng - “hướng dẫn” là từ thay thế cho “tuyên truyền”, do không mang nhiều ý nghĩa khai trí hơn - vẫn còn thiếu vắng, để soi sáng vấn đề một cách bền bỉ, bao gồm huyền thoại “bỏ ra 1 tỷ, sang Anh làm hai năm là dư trả nợ”, hầu làm giảm bớt nạn thông tin không chính xác về chọn lựa này!Chính do không nắm được thông tin chính xác, các gia đình và những mong muốn đổi đời đã rơi vào cái bẫy của đồng lương “đồn thổi” đầy ảo giác về thu nhập bạc tỷ chỉ sau vài năm ở Anh. Càng không thể tránh khỏi cái bẫy ảo tưởng đó, khi chẳng tay “trung gian” hay “dẫn đường” nào báo trước sẽ phải di chuyển bằng gì từ đâu sang đâu, như thế nào, rằng nếu tới nơi, sau đó cuộc sống sẽ kẹt cứng ra sao vì là nhập cư lậu nên giấy tờ không có! Có phải tour du lịch chính thức đâu mà các tay “cò” phải công khai!Song cơ bản của vấn đề là tại sao chọn qua Anh? Có thể do những truyền khẩu từ một số người sang Anh trước, nhập cư hợp lệ từ một số nước Đông Âu cũ (gọi là A8, gồm những nước gia nhập EU vào năm 2004 là Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Slovakia và Slovenia), do so sánh và nhìn thấy thu nhập ở Anh cho cùng môt công việc cao hơn ở các nước này, và xã hội Anh trước Brexit cũng ổn định và “ngăn nắp” hơn.Được biết, lương tối thiểu ở Anh là ở ngưỡng tương đương 1.400 euro, còn ở một nước A8 như Hungary chỉ là 955 euro (trước thuế) và sau thuế còn lại 635 euro, theo europa.eu. Trong giai đoạn đó, những di dân hợp pháp từ các nước A8 hầu hết đã có nghề nghiệp cũng như tay nghề kha khá, thậm chí vững chắc ở đất nước cũ, nên sang Anh hợp pháp không khó khăn mấy để kiếm được chỗ làm mới, đặc biệt ở một số ngành mới mở và đang khan nhân lực như nghề làm móng hay y tá. Những câu chuyện thành công đó sẽ là động cơ di dân từ các nước châu Á, bao gồm Việt Nam, sang Anh bằng mọi giá mà quên rằng bản thân mỗi người là ai.Biểu đồ dưới đây, trích đoạn, sẽ cho thấy thực tế lương trung bình ở 10 nước đứng đầu châu Âu năm 2018 như thế nào để từ đó xác thực huyền thoại đi Anh kiếm tiền dễ như bỡn: Mượn tạm thu nhập trung bình ở hai nước liên quan là Pháp và Anh năm 2018, sẽ thấy thu nhập sau thuế ở Pháp thực ra cao hơn Anh một chút.Từ đó, câu chuyện “làm ở Anh lương cao hơn ở Pháp ba, bốn lần” không đứng vững. Sở dĩ ở Anh thu nhập bình quân thấp hơn ở Pháp là do ở Pháp số người có thu nhập cao đông hơn ở Anh, nên bù qua sớt lại ở Pháp thu nhập bình quân cao hơn ở Anh.Không có một nỗ lực thông tin nhằm giúp những người đang muốn di cư, dù là hợp pháp hay bất hợp pháp, có thể kiểm tra lại những tin tức đồn thổi, bao gồm những tin tức cơ bản nhất. Lấy ví dụ, sự thật là ở Pháp, lương tối thiểu hàng tháng là 1.386 euro (sau thuế), trong khi ở Anh là 1.263 bảng, tức 1.463 euro (sau thues). Đúng là lương tối thiểu hằng tháng ở Pháp không bằng ở Anh, song khác biệt chỉ không tới 100 euro, chớ không thể nào là ba, bốn lần. Cũng không mấy người biết được sự sai biệt là do ở Pháp tính thu nhập theo 35 giờ/tuần, còn ở Anh là 38,1 giờ/tuần!Trong làn sóng rủ nhau đi Anh đó, sự háo hức về một tương lai sáng lạn đã che lấp thực tế khắc nghiệt là nếu xét khả năng nghề nghiệp, ngôn ngữ, hòa nhập xã hội, cũng như điều kiện giấy tờ cư trú, giấy phép lao động, e rằng những người nhập cư không hợp pháp không tài nào có được (1) chỗ làm hợp pháp (2) đồng lương đúng mực mà không bị “ăn chận” bởi các chủ thuê làm chui.Người viết bài từng làm “plongeur” (rửa chén) ở Pháp trong vài nhà hàng Ấn và Việt mà vào đầu thập niên còn là hiếm hoi, cũng như có người thân mở nhà hàng ở ngoại ô Paris, nên hiểu rất rõ: (1) cho tiền các chủ nhà hàng cũng không dám mướn người làm chui; (2) trừ phi đủ can đảm và ham lời để trả lương “bèo” dưới mức lương tối thiểu, hoặc để “cứu tế” người quen.Các chủ “đường dây” cũng không cập nhật tình hình nhập cư và xuất nhập cảnh ở Anh để các “thân chủ” có thể có cái nhìn chính xác về điểm đến. Trong năm tài khóa 2014-2015 chẳng hạn, số người các nước A8 nhập cư hợp lệ vào Anh đông hơn số người bỏ đi những 51.000 người.Còn năm 2018-2019 vừa rồi, số người nhập cư từ các nước A8 vào Anh lại thấp hơn số người rời đi 7.000 người, theo Forbes 27-8-2019.Từ đó có thể thấy thêm rằng những kẻ “môi giới” hành trình (1) đã rất quen với lộ trình từ Đông Âu cùng tập quán, thói quen “làm ăn”, nên vẫn giữ lộ trình này, và (2) đã không cập nhật cho các “thân chủ” tình hình “đảo chiều” ở Anh, tạo ảo giác nước Anh vẫn là điểm đến “lý tưởng” như trước đây. Thiếu nghiên cứu và phổ biến kết quả nghiên cứuCó một thực tế khác từ cuộc chiến chống nạn buôn người sang Anh nói riêng, và nạn buôn người nói chung là cùng sự thiếu thông tin chính xác, còn thiếu những nghiên cứu chi ly về vấn đề, hoặc thiếu tiếp nhận và phổ biến các kết quả nghiên cứu lẽ ra đã góp phần hóa giải những huyền thoại nêu ở trên.Tỉ như có mấy người, từ nhà chức trách đến giới truyền thông, biết rằng đã có những nghiên cứu như của IRASEC (Viện nghiên cứu Đông Nam Á, có trụ sở tại Bangkok) và tổ chức Terre d’asile (tạm dịch: Đất lành tỵ nạn) của Pháp, có tựa đề là “Lên đường sang Vương quốc Anh. Một nghiên cứu thực địa người di cư Việt Nam”, công bố tháng 3-2017, dầy 122 trang? Nghiên cứu này bắt đầu từ năm 2015, tức sau những tai tiếng ở các “trại tỵ nạn” người Việt mọc lên tại khu vực cảng Calais (Pháp), nơi người ta chen chúc sống chui sống nhủi chờ một đêm “đẹp trời” để đi lậu sang Anh. Các tác giả nêu rõ mục đích của nghiên cứu là để “xác định, thông báo và tư vấn tốn hơn cho những nạn nhân tương lai của nạn buôn người”.Ghi nhận đầu tiên nghiên cứu thực địa này là thật là khó khăn cho tất cả các nhân viên xã hội làm việc tại hiện trường trong việc tiếp cận người Việt Nam trong cuộc vì nhiều lý do: sự kiểm soát rất “mạnh mẽ” của những kẻ buôn người và việc hạn chế phát biểu tự do do những kẻ này đặt ra, bên cạnh rào cản ngôn ngữ, sự khó khăn trong việc tiếp cận những người trong trại, và thực tế hàng đầu là bản thân những người này không yêu cầu hỗ trợ (trang 7).Có những chi tiết trong nghiên cứu đã được công bố này, mà nếu được phổ biến và quan tâm đúng mức bởi những cơ quan và người có trách nhiệm, tối thiểu cũng góp phần làm đổi chiều làn sóng đồn thổi và ra đi.Nếu đồng ý với những nguồn tin về lộ trình của xe container “tang tóc”, di chuyển tới Dunkerque, Lille (Pháp), rồi tới cảng Zeebrugge (Bỉ) vào ngày 22-10 và từ cảng này lên tàu phà qua biển sang cảng Purfleet (Anh), theo báo chí Anh, thì rõ ràng có thể hiểu và đoán ra được xe container này tới Dunkerque, Lille (Pháp) làm gì qua nghiên cứu nêu trên.Theo các tác giả, sau những vụ bắt bớ ở Calais, một số đông người Việt di cư, sau khi bị cảnh sát Pháp nhốt tại trại tạm giam Coquelles ở Pas-de-Calais, tiếp tục “tá túc” tại một trại mới mở cửa ở La Linière (xã Grande-Synthe) vào tháng 3-2016, trước khi cuối cùng tụ tập trong một cánh rừng ở Angres, gần một trạm dừng xe trên xa lộ A26, “mà đa số người Việt di cư đã băng qua, giấu mình trong những xe tải để sang Vương quốc Anh” (trang 12).Những mô tả trên cho thấy đây không hề là một hiện tượng “hiếm lạ” gì! Một chi tiết khác như nhận xét sau trong nghiên cứu càng cho thấy hiện tượng này đến từ đâu: “Đại đa số người di cư kinh tế đến từ các tỉnh miền trung và phía bắc [Việt Nam]… Chúng tôi đã nhận thấy có một sự hiện diện đông đảo vượt trội của những người di cư có nguồn gốc từ tỉnh Nghệ An” (trang 22). Thậm chí nghiên cứu còn ghi nhận cả một đặc điểm của khu vực xuất phát di cư sang Anh: “Có một tỷ lệ đáng kể người Công giáo. Quan sát thực địa của chúng tôi được xác nhận bởi báo cáo của AAT (Alliance Anti-Traffic, Liên minh chống buôn người) nói rằng hơn một nửa số người di cư là người Công giáo” (trang 24). Nghiên cứu còn cho thấy những số liệu thống kê nhân khẩu học rất đáng chú ý từ điều tra số liệu tại các “trại” bị đóng cửa ở Pháp giai đoạn 2015: “Những người di cư mới chủ yếu là đàn ông đã có vợ, từ 25 đến 40 tuổi. Theo báo cáo của AAT, 95% người bị trục xuất là đàn ông; 60% thuộc về nhóm tuổi này [25-40], trong khi 37,1% là trên 40 tuổi và thiểu số (2,9%) từ 18 đến 25 tuổi; 70,7% đã kết hôn trước khi họ bỏ xứ sở ra đi”.Nghiên cứu cũng thử phân tích lý do ra đi của những người di cư: “Ngay cả khi những người di cư quyết định ra đi vì lý do kinh tế, không nhất thiết đó là những người nghèo nhất, trái với những suy nghĩ có sẵn. Các nghiên cứu về di cư tiếp tục xác nhận điều này. Người di cư phải gom một khoản tiền lớn để có thể đến Vương quốc Anh - lên tới 33.000 bảng (khoảng 38.000 euro), theo những người di cư mà chúng tôi đã gặp. Những gia đình nghèo nhất không có khả năng làm điều đó; họ phải chọn những điểm đến rẻ hơn. Khảo sát của AAT cho thấy gia đình những người tị nạn bị trục xuất có mức sống trung bình, một số gia đình thậm chí còn có thể được coi là giàu có khi sở hữu những ngôi nhà lớn, doanh nghiệp, xe hơi, và có thể chi trả cho con cái họ học hành ở Úc. Chỉ 10% số hộ gia đình mà chúng tôi đã đến thăm là thực sự nghèo ở chỗ họ không sở hữu nhà, đang sống ké các thành viên khác trong gia đình, hoặc nhà của họ đã bị các chủ nợ chiếm” (trang 27).“Những người di cư chúng tôi đã gặp có một lộ trình giống nhau. Họ bay từ Hà Nội đến Moscow, sau đó đi qua Belarus bằng xe tải. Họ đi qua những cánh rừng Belarus để đến biên giới Ba Lan. Ở đó, một chiếc xe tải đợi họ và họ tiếp tục đến Warsaw, nơi họ tạm dừng chân, trước khi đi qua Đức và Bỉ để đến Paris…, trước khi chuyển sang một trại gần trạm dừng xe trên đường cao tốc ở Angres - tên gọi “Vietnam City” - và sau đó trực chỉ Vương quốc Anh. Điều kiện của hành trình là vô cùng khó khăn, đặc biệt là đoạn đi bộ từ Nga đến Ba Lan, khi họ phải chịu đựng đói và lạnh” (trang 37).Nghiên cứu còn dài, rất dài, còn gần trăm trang nữa! Song, chừng đó cũng đủ cho thấy rằng thảm kịch Essex chỉ là phần chóp nhọn đau đớn của một tảng băng chìm khổng lồ, mà có nhìn thấy hết thì mới đủ để đặt câu hỏi đâu là trách nhiệm của những người có trách nhiệm. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "DI CƯ LAO ĐỘNG, NẠN BUÔN NGƯỜI & TRÁCH NHIỆM TỐI THƯỢNG Tiếp theo Tags: Nạn buôn ngườiDi dân kinh tế
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.