
Trường THPT Hoàng Diệu (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) - Ảnh: PHÙNG KIM PHÚ
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, TS Phùng Kim Phú - hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng) - đã gửi thư ngỏ, tha thiết mong quý thầy cô, phụ huynh và học sinh của trường chung tay nói không với tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định như hiện nay.
Đặc biệt, thầy Phú mong các em học sinh của mình hãy mạnh dạn nói không với học thêm tràn lan và "nói với thầy nếu thấy dấu hiệu vi phạm, để cùng nhau chấn chỉnh".
Nhiều bạn đọc gửi ý kiến ủng hộ cách làm của thầy Phùng Kim Phú và cho rằng điều này cần được nhân rộng.
Học nhân cách, tự nhiên "gấp triệu lần thành tích từ dạy thêm học thêm
Bạn đọc Không dạy thêm bày tỏ: "Hoan hô thầy hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Diệu, TP Sóc Trăng". Bạn đọc này cho biết mình đang là giáo viên dạy môn hóa học, đã giảng dạy 28 năm, tuyệt đối không dạy thêm.
"Dạy thêm tràn lan gây ra nhiều tiêu cực, lãng phí thời gian, phí công sức, đánh mất tuổi thơ, đánh mất sự phát triển nhân cách, phát triển tâm sinh lý của học sinh một cách tự nhiên.
Dạy thêm không đánh giá và lựa chọn được nhân tài, chỉ chọn lựa con người đã biết trước, các kỹ năng tư duy, so sánh, phán đoán, phân tích, suy luận của học sinh", bạn đọc này chia sẻ thêm.
Không tiếc lời khen thầy hiệu trưởng, bạn đọc Hoàng Quốc Việt viết: "Hiệu trưởng có tâm, mong toàn thể quý thầy cô đều có tâm như vậy".
Bạn đọc này nêu thực trạng phát sinh sau thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo: hiện có nhiều trường hợp giáo viên lách quy định, nhờ người khác đứng tên xin giấy phép kinh doanh, dạy chéo đổi nhau, nhằm tránh dạy trực tiếp học sinh của mình.
Phụ huynh và giáo viên dạy môn phụ bức xúc vì con cháu đi học cả ngày, tốn tiền, mất an toàn giao thông mà không dám nói.
"Mong rằng tất cả phải chấp hành thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mong địa phương các cấp và ban đại diện cha mẹ học sinh cùng tham gia kiểm tra, quy trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng dạy thêm.
Ngoài ra hiệu trưởng, ban giám hiệu cũng phải chịu trách nhiệm, có như vậy tập thể nhà trường mới quản lý, chấn chỉnh được", bạn đọc Quốc Việt hiến kế.
Đồng tình với các ý kiến trên, bạn đọc Nguyễn Văn Tạo kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên lấy việc làm của thầy Phú làm tấm gương điển hình để nhân rộng ra cả nước.
"Điều này chắc chắn sẽ góp phần đào tạo nên một thế hệ có tính sáng tạo, tự chủ, đủ sức khỏe, tinh thần, thể chất và nhân cách, góp phần đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình", bạn đọc Nguyễn Văn Tạo kỳ vọng.
Cùng quan điểm, bạn đọc Phạm Ngọc Hoàng viết: "Rất ủng hộ, học nhân cách, tự nhiên gấp triệu lần thành tích". Bạn đọc có tài khoản hoan***@gmail.com cho rằng "học thêm chỉ làm trẻ thụ động hơn". Còn bạn đọc Quan chu bày tỏ: "Nhà trường và hiệu trưởng thực hiện như vậy là nghiêm túc. Rất hoan nghênh".
Bạn đọc Con ngủ chưa đề xuất bộ, sở và các trường nên có đường dây nóng, hộp thư góp ý đặt ở trường, sở, bộ để người dân phản ánh, góp ý về dạy thêm, học thêm.
Ở góc nhìn khác, bạn đọc Jun cho rằng cần những người quản lý có tâm như thầy Phú. Bạn đọc này kể có đồng nghiệp có con là lớp trưởng, chỉ học môn toán, văn để đi thi học sinh giỏi. Nhưng cô dạy công nghệ cũng muốn cháu học thêm môn của cô, cháu không đi học nên bị cô gây khó dễ.
"Còn tôi, nhà không có điều kiện cho con học thêm, nhưng thấy các bạn của con đi học thêm, tôi rất sốt ruột và cũng muốn cho con đi…", bạn đọc này cho biết.
"Tố" hay không "tố" thầy cô, khó xử cho học sinh quá?
Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ việc thông báo thầy cô dạy thêm sai quy định, nhiều ý kiến cho rằng chuyện học thêm là nhu cầu chính đáng của nhiều người.
Theo bạn đọc Nguyễn Thị Hiếu, học thêm là nhu cầu, người dạy thêm cũng phải đổ mồ hôi, công sức và nhiệt huyết mới dạy được học sinh. Đây là lao động chất xám của những người có năng lực, họ làm việc và được quyền có thu nhập cao hơn, những giáo viên khác đừng ganh tị.
"Muốn học giỏi thì phải có thầy tốt, phải được ôn luyện học thêm. Vậy nên đừng phản đối làm gì, đừng gay gắt làm gì. Nếu không muốn thì không cho con học thêm, có ai bắt buộc đâu", bạn đọc này nêu quan điểm.
Bạn đọc qltt cho biết làm như vậy chẳng khác nào lại kêu gọi học sinh tố thầy cô.
Cùng suy nghĩ, bạn đọc BaSam băn khoăn: "Không tố thầy cô thì không chấp hành quy định của trường. Tố thầy cô thì mất đạo đức".
"Nghe mấy từ cấm dạy thêm lòng tôi buồn đến quặn đau, còn gì là tôn sư trọng đạo (tôi đang rơi nước mắt đó bạn). Ngày xưa ông bà ta rước thầy về nhà để dạy các con, kính trọng thầy là thế…", bạn đọc Lê Thị Tuyết Loan trải lòng.
Theo bạn đọc Lê Thị Tuyết Loan, chương trình học bây giờ khá nặng, cụ thể là môn toán. "Những năm 1980 tôi học toán đại số, chỉ có mấy phần như: khảo sát học sinh, giải phương trình, phân tích. Còn bây giờ đưa vào nhiều quá, học sinh kham không nổi thì phải tìm người hơn mình giúp đỡ, đó là học thêm", chị Loan chia sẻ.
Cuối lá thư ngỏ, thầy Phùng Kim Phú - hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng) - đã viết: "Việc chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định là lương tri, là trách nhiệm và danh dự của những người làm giáo dục. Chúng ta hãy cùng nhau hành động vì một nền giáo dục minh bạch, nhân văn và vì sự phát triển toàn diện của các thế hệ học sinh thân yêu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận