
Ngày 18-7, đơn vị thi công sửa chữa cầu Long Thành vẫn đang làm việc - Ảnh: MINH HÒA
Nhiều tuyến đường huyết mạch nối TP.HCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) kẹt xe nghiêm trọng nhiều ngày qua khi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đóng một làn đường để sửa khe co giãn trên cầu Long Thành.
Tình trạng kẹt xe càng trầm trọng hơn khi đường ĐT 743 giao quốc lộ 1, gần nút giao Tân Vạn cũng bị đóng cùng thời điểm để thi công trụ cầu P8 cầu cạn (thuộc dự án vành đai 3 TP.HCM) khiến dòng xe không có lối thoát hợp lý.
Hàng ngàn xe bị "chôn chân" trên cao tốc và các tuyến đường liên thông, từ quốc lộ 51, quốc lộ 1 đến đường Lý Thái Tổ (Nhơn Trạch), nhiều người phải mất 6-10 giờ để đi quãng đường chưa đến 100km.
Rất nhiều bạn đọc phản hồi liên quan đến vấn đề này.
Kẹt xe, tan ca từ 16h30, 23h mới về tới nhà
Tài khoản có tên Tài Xế mô tả: "Ùn xe kéo dài từ trưa đến giờ. Toàn bộ khu vực quốc lộ 51 đoạn qua Long Thành, Biên Hòa và quốc lộ 1 đoạn từ Tân Vạn đến Suối Tiên, đều kẹt. Đặc biệt, đường Lý Thái Tổ (Nhơn Trạch) tê liệt từ Trường THPT Phú Đông đến phà Cát Lái".
Bạn đọc Minhpham thảng thốt: "Kẹt xe kinh khủng thật, tối qua tôi đi từ Vũng Tàu về khu vực trung tâm TP.HCM phải mất 7 giờ đồng hồ". Còn bạn đọc tên Hoàn viết: "Tôi chuyển hướng đi sang phà Cát Lái, từ 22h30 nhưng đến 3h sáng mới thoát được qua phà".
"Đúng vào mùa hè, người dân đi lại nhiều nhưng ngày nào cũng kẹt xe, mệt mỏi vô cùng", tài khoản tên Bi than.
Không chỉ tài xế, người dân đi lại, công nhân tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai cũng vất vả vì ùn tắc giao thông kéo dài.
Một công nhân chia sẻ: "Chúng tôi - những người làm ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 và các khu công nghiệp lân cận về đến nhà lúc 11h đêm, trong khi tan làm từ lúc 4h30 chiều".
Cùng cảnh ngộ, tài khoản Dat HT kể: "Tối 16-7, mình đi xe 7 chỗ khởi hành từ Vũng Tàu lúc 18h30, về đến nhà ở cầu Chánh Hưng (TP.HCM) là 3h sáng 17-7. Trên đường nhìn các bé ở các xe xung quanh rất tội nghiệp luôn".
Tương tự, tài khoản nguy****@gmail, cho biết đi từ Vũng Tàu (cũ) về Mỹ Tho (cũ) mất gần 9 tiếng, trong khi bình thường chỉ khoảng 3 tiếng. "Sao không tổ chức sửa chữa từng con đường để còn lối đi bình thường khác cho cả một khu vực hoạt động kinh tế và giao thông sôi động nhất cả nước?", tài khoản có tên Lão Gàn gợi ý.

Quốc lộ 1 qua phường Trấn Biên, Đồng Nai kẹt xe kéo dài nhiều cây số do đóng làn đường ĐT 743 để thi công trụ cầu P8 cầu cạn thuộc dự án vành đai 3 TP.HCM (ảnh chụp chiều 16-7) - Ảnh: A LỘC
Nên miễn hoặc giảm một phần phí đường cao tốc
Nhiều ý kiến cho rằng việc đóng một phần đường để thi công nhưng không có sự điều phối, thông báo lộ trình chưa đầy đủ, không tổ chức phân luồng từ xa là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc. Thậm chí việc đóng đồng thời cả hai tuyến chính cao tốc và ĐT 743 được xem là "thiếu tính toán".
Bạn đọc Hoài Nam cho rằng: "Sửa chữa lớn thế này, lẽ ra họ phải làm việc 24/7 để đẩy nhanh tiến độ. Không thể thông báo đóng đường bao lâu là đóng".
Bạn đọc này cũng cho rằng không thể sửa đường gây ùn tắc, tài xế phải tốn xăng tốn dầu nằm trên đường mà vẫn thu phí đầy đủ. Đồng thời đề xuất cần có người điều tiết cho xe chạy làn khẩn cấp để giải tỏa (chỉ ở khu vực sửa chữa).
Tương tự, nhiều bạn đọc đề nghị trong thời gian sửa chữa nên miễn hoặc giảm phí qua trạm thu phí trên cao tốc. Đây là cách tạo áp lực cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ và thể hiện trách nhiệm với người dân.
"Theo tôi khi cao tốc sửa chữa lớn như này, cơ quan chức năng có thể không cho phép thu phí trong thời gian sửa chữa. Khi đó đơn vị thu phí bắt buộc phải có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, hoặc áp dụng tiến bộ kỹ thuật để rút ngắn thời gian sửa chữa", bạn đọc Kiên Giang đề xuất.
Trong khi đó, nhiều bạn đọc gợi ý nên chờ đến ngày 19-8, khi cầu Nhơn Trạch (trên đường vành đai 3 TP.HCM) thông xe rồi mới tiến hành sửa chữa khe co giãn trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đây là tuyến đường kết nối TP.HCM với Đồng Nai, khi thông xe sẽ giảm tải đáng kể cho cao tốc và các tuyến quốc lộ 51, quốc lộ 1.
Bạn đọc TNT đặt vấn đề: "Sửa chữa cầu Long Thành sao không dời lại thời điểm thông xe cầu Nhơn Trạch để hạn chế kẹt xe?".
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng cần thi công khẩn trương hơn, làm việc 24/7, huy động tối đa nhân công, máy móc tham gia. Linh động mở tạm dải phân cách, sử dụng làn khẩn cấp. Cho xe luân phiên sử dụng làn đường ngược chiều theo khung giờ, có cảnh sát giao thông hướng dẫn để tránh xung đột.
Không chỉ gây thiệt hại kinh tế...
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường huyết mạch phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt nối TP.HCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), các khu công nghiệp và cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
Theo một chuyên gia, việc kẹt xe liên tục, kéo dài không chỉ gây thiệt hại kinh tế, tốn xăng dầu, mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và uy tín của đơn vị quản lý hạ tầng.
Do đó cần một quy trình sửa chữa hợp lý, có phối hợp chặt chẽ, minh bạch thông tin, thi công thần tốc và đặt quyền lợi người dân làm trung tâm. Không thể để mỗi đợt sửa chữa là một lần tắc nghẽn toàn diện như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận