Siết dạy thêm, đừng để giáo viên đổi lớp cho nhau ở trung tâm rồi thu tiền cao

Ủng hộ quản lý chuyện dạy thêm nhưng nhiều bạn đọc đề nghị cần kiểm soát chặt hơn nữa, tránh biến tướng giáo viên hoán đổi học sinh ở trung tâm và thu tiền cao.

dạy thêm - Ảnh 1.

Phụ huynh chờ đón học sinh đi học thêm trong con hẻm trên đường Đoàn Văn Bơ, phường 9, quận 4, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Dưới bài viết "Phó chủ tịch Quốc hội: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu thêm việc dạy thêm, học thêm", nhiều bạn đọc đã có ý kiến góp ý thêm về vấn đề này.

Vẫn là thầy cô trong trường dạy thêm, chỉ khác học ở trung tâm

Hiện tại, thông tư 29 quy định ở bậc tiểu học không được tổ chức dạy thêm các môn văn hóa, trừ các lớp kỹ năng sống, thể thao hoặc nghệ thuật. 

Ở bậc THCS và THPT, việc dạy thêm trong trường chỉ áp dụng cho học sinh yếu, học sinh giỏi hoặc học sinh cuối cấp, và không được thu học phí. 

Nếu muốn dạy thêm ngoài nhà trường giáo viên phải đăng ký kinh doanh hợp pháp, đồng thời không được thu tiền từ học sinh chính khóa, dù là tại nhà hay tại trung tâm.

Nhiều bạn đọc cho rằng dạy thêm hiện nay đã được siết chặt và bước đầu có hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn tình trạng biến tướng tràn lan, gây áp lực lớn cho học sinh và làm méo mó hoạt động dạy học chính khóa. 

Do cấm dạy thêm trong trường nên các trung tâm bên ngoài mọc lên như nấm.

Một bạn đọc chia sẻ: "Gần nhà tôi, sau khi thông tư 29 có hiệu lực, các trung tâm lập tức gửi đơn chào mời tận lớp, giá 40.000 đồng/buổi. 

Vẫn là các thầy cô trong trường đi dạy, chỉ khác là chuyển ra ngoài. Cha mẹ lại càng khó kiểm soát hơn".

Bạn đọc Nguyệt Trần cho rằng: "Nếu năm cuối cấp có nhu cầu học thêm thì cho phép tổ chức trong trường và thu phí rõ ràng. Còn việc cấm dạy thêm trong trường để rồi giáo viên đưa học sinh ra trung tâm, phụ huynh vẫn phải trả thêm tiền thì chỉ là thay đổi hình thức".

Bạn đọc Nguyễn Thanh nhìn nhận: "Trung tâm dạy thêm mọc lên rất nhiều. Giáo viên đổi lớp cho nhau rồi dạy ngoài trung tâm, thu tiền rất cao".

Bạn đọc Trương Tài bày tỏ mong muốn giáo dục phổ thông nên được thiết kế lại một cách căn bản: "Nên viết bộ sách giáo khoa đầy đủ nhưng cốt lõi, để học sinh chỉ cần học trong sách là đủ".

Nhiều phụ huynh cùng nhắc lại nỗi lo ngại dạy thêm học thêm khiến trẻ mất cơ hội phát triển toàn diện. Bạn đọc Thanh Tùng viết: "Học sinh đã học cả ngày trên lớp rồi, về nhà nên được chơi, luyện tập năng khiếu. 

Một nền giáo dục tiến bộ là nơi học sinh đủ thời gian học chính khóa, sau đó được rèn luyện thể chất, kỹ năng sống, thay vì tiếp tục bị cuốn vào học thêm".

Cấm hay kiểm soát dạy thêm?

Không ít bạn đọc cho rằng nên phân biệt rõ giữa nhu cầu tự nguyện của phụ huynh với việc giáo viên ép buộc học thêm. Bởi vấn đề không nằm ở bản chất của việc học thêm, mà ở chỗ cách tổ chức và giám sát.

Bạn đọc Tien Thuy phân tích: "Không phải gia đình nào cũng có điều kiện như nhau. Nếu phụ huynh tự nguyện cho con học thì tại sao lại cấm? 

Vấn đề là làm sao để giáo viên không thể lợi dụng việc kiểm tra đánh giá ép học sinh học thêm".

Bạn đọc này đề xuất tách biệt vai trò kiểm tra đánh giá ra khỏi giáo viên dạy chính, đồng thời tăng lương để giảm áp lực thu nhập.

Bạn đọc [email protected] phản ánh thực tế: "Cha mẹ sợ con ngồi nhầm lớp thì tìm lớp học thêm cho con. Đó là nhu cầu rất thực tế, cấm sao được?".

Theo bạn đọc Cương Phạm: "Cấm thì nên cấm các môn văn hóa như toán, tiếng Việt, chứ tiếng Anh hoặc kỹ năng sống nên được khuyến khích. Trẻ nhỏ càng cần được gieo đam mê từ sớm với ngoại ngữ".

Bạn đọc Ngọc cho rằng: "Chương trình học hiện nay quá nặng, thi cử vẫn mang tính đánh đố, học sinh không thể không học thêm. Muốn cấm triệt để phải cải cách chương trình, thi cử trước".

Bạn đọc Hang Vinh đề xuất siết quản lý bằng các biện pháp cụ thể: "Cần giám sát chặt việc tuân thủ thông tư 29. Các trung tâm dạy thêm cần có camera, báo cáo định kỳ, minh bạch hoạt động để tránh lách luật".

"Khi nào các trường không còn tuyển đầu vào, không còn áp lực cạnh tranh thì học thêm mới tự biến mất. Còn nếu còn thi, còn đua thì phụ huynh vẫn tìm cách cho con học thêm, dù có cấm hay không" - bạn đọc Long kết luận.

Dạy thêm học thêm: Cấm hẳn hay kiểm soát chặt? - Ảnh 3.Mùa hè không học thêm hay ba tháng 'văn ôn võ luyện'?

Trong khi nhiều ý kiến ủng hộ việc siết chặt dạy thêm, học thêm để trẻ có mùa hè đúng nghĩa, không ít ý kiến cho rằng nhu cầu học thêm vẫn là thực tế khó thay đổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên