19/02/2025 17:27 GMT+7

Rác thải tràn ngập đường quê, ai cũng muốn nhà sạch, chỗ công cộng thì sao?

Tại nhiều xã ven biển ở Quảng Trị, người dân mang rác thải sinh hoạt ra vứt thành những bãi rác tự phát lớn, gây mùi xú uế. Nhiều nơi, chính quyền cắm biển cấm đổ rác còn bị nhổ vứt luôn vào bãi rác.

Rác thải tràn ngập đường quê, ai cũng muốn nhà sạch, chỗ công cộng thì sao? - Ảnh 1.

Rác thải tập kết không đúng nơi quy định ở xã Hải Khê - Ảnh: HOÀNG TÁO

Đi ngang con đường nhựa rộng đẹp ở thôn Thâm Khê (xã Hải Khê, Hải Lăng, Quảng Trị), nhiều người phải tăng ga, bịt mũi vì mùi hôi thối nồng nặc từ bãi rác tự phát bên đường xộc vào mũi.

Sạch nhà, bẩn xóm làng

Trên con đường nhựa ở thôn Thâm Khê hình thành bãi rác khổng lồ tự phát dài khoảng 100m. Đủ loại rác thải sinh hoạt được 2/3 người dân xã Hải Khê đưa ra vứt ở đây.

Rác tập kết sát hai bên đường, người dân tiện đâu vứt rác đó. Mùi hôi nồng nặc, ruồi nhặng dày đặc.

Tương tự, ở con đường bê tông dẫn vào thôn Mỹ Thủy (xã Hải An, huyện Hải Lăng), một bãi rác tự phát dài hàng chục mét hình thành lâu nay. Giữa bãi rác có một vạt cháy sém, nhiều rác thải nhựa cháy quăn lại. Ngay cạnh đó là nhiều bao rác to nhỏ vừa được vứt xuống, gió thổi rác bay khắp nơi.

Tại vỉa hè quốc lộ 9 đoạn qua thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), ngay dưới chân tấm biển "cấm đổ rác" kèm thông tin mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng là đống rác lớn phải 3 xe tải mới chở hết.

Rác chất đống trên vỉa hè ngập cỏ, tràn ra cả lòng đường. Nhiều tuyến đường khác ở thị trấn này cũng xuất hiện hàng loạt bãi rác tự phát tương tự.

Rác thải tràn ngập đường quê, ai cũng muốn nhà sạch, chỗ công cộng thì sao? - Ảnh 2.

Rác thải đổ ngay dưới tấm biển cấm đổ rác của thị trấn Cửa Việt - Ảnh: HOÀNG TÁO

Ông Trương Xuân Tính - phó chủ tịch UBND xã Hải Khê - thông tin đoàn thể, thôn tuyên truyền, canh gác để ngăn tình trạng đổ rác tràn lan nhưng vẫn hình thành cả núi rác.

Hằng năm, xã này được cấp 20 triệu đồng để thuê xe tải chở rác đi đổ nhưng không thấm tháp so với lượng rác thải ngày càng nhiều.

"Tiền thuê mỗi xe là 1,5 triệu đồng nên chỉ chở được vài xe là hết kinh phí. Số rác còn thừa xã buộc phải đốt chứ cũng không thể chôn lấp", ông Tính nói.

Về rác thải tự phát tràn lan, ông Nguyễn Công Tuấn - phó chủ tịch UBND xã Hải An - thừa nhận ý thức người dân còn hạn chế, dù xã liên tục tuyên truyền đổ rác đúng nơi quy định. Biển cấm đổ rác vừa cắm xuống cũng bị người dân nhổ vứt.

"Xã được cấp 20 triệu đồng nên chỉ chở được khoảng 15 xe, trong khi lượng rác phát sinh hằng năm khoảng 50 xe. Số rác còn lại xã phải tự hủy, đốt hoặc chôn lấp", ông Tuấn nói.

Rác thải tràn ngập đường quê, ai cũng muốn nhà sạch, chỗ công cộng thì sao? - Ảnh 3.

Rác thải sinh hoạt được người dân vứt ở các điểm công cộng - Ảnh: HOÀNG TÁO

Đề xuất gắn camera để xử phạt

Ông Nguyễn Công Tuấn đề xuất gắn camera để ghi lại hành vi đổ rác không đúng nơi quy định làm căn cứ xử phạt, đẩy mạnh tuyên truyền gắn với mô hình phân loại rác thải tại nhà.

"Rác hữu cơ người dân tái chế làm phân bón, từ đó làm giảm lượng rác, rác vô cơ tập kết đúng nơi quy định thì xã mới có thể chở đi hết được.

Xã cũng sẽ phối hợp với công an sớm xử phạt vi phạm hành chính với người dân đổ rác không đúng nơi quy định để răn đe", ông Tuấn nói.

Phó chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh thông tin địa phương này có hợp đồng với trung tâm môi trường đô thị huyện Gio Linh để thu gom rác thải sinh hoạt, nhưng mỗi tuần chỉ 1 - 2 lần.

"Do rác thải tập kết lâu ngày ở nhà hôi thối nên người dân lén lút mang vứt ở nơi không đúng quy định. Thị trấn sẽ tuyên truyền kết hợp gắn camera để xử phạt. Trước mắt, chúng tôi thuê xe chở hết rác ùn ứ, trả lại mỹ quan đô thị", ông Minh nói.

Tình trạng rác thải tự phát ở vùng quê diễn ra tại nhiều huyện như Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh…

Trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới, nhiều xã ở vùng quê Quảng Trị đẩy mạnh đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, lực lượng thu gom rác chuyên nghiệp chưa có, kinh phí ít cộng với ý thức người dân chưa cao dẫn đến việc hình thành nhiều bãi rác ra khắp vùng quê.

Rác thải tràn ngập đường quê, ai cũng muốn nhà sạch, chỗ công cộng thì sao? - Ảnh 5.

Rác thải ùn ứ dọc con đường rộng đẹp ở xã Triệu Cơ - Ảnh: HOÀNG TÁO

Rác thải tràn ngập đường quê, ai cũng muốn nhà sạch, chỗ công cộng thì sao? - Ảnh 6.Rác thải ngập phiên chợ họp mỗi năm một lần

Các loại rác thải như túi ni lông, ly nhựa, hộp xốp, trái cây nát bấy tại chợ cầu may họp mỗi năm một lần vào ngày mùng 6 Tết ở tỉnh Thanh Hóa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên