
Các mặt hàng được trưng bày trong một cửa hàng bán lẻ tại Manhattan, TP New York (Mỹ) ngày 15-7 - Ảnh: AFP
Số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 15-7 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 tại Mỹ đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức cao nhất kể từ tháng 2 năm nay. Chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 2,9%.
Ảnh hưởng tới ví tiền
Những rủi ro trong chiến lược kinh tế của ông Trump bắt đầu lộ rõ vào ngày 15-7 khi số liệu mới cho thấy lạm phát tăng trong tháng 6.
Giá cả tăng rõ rệt đối với các mặt hàng như đồ gia dụng, quần áo và đồ nội thất - những sản phẩm chịu ảnh hưởng nặng do mức thuế ông Trump đã áp lên hàng nhập khẩu từ Canada, Trung Quốc...
Báo cáo về lạm phát đã làm suy yếu những khẳng định lặp đi lặp lại của ông Trump rằng người dân Mỹ sẽ không phải gánh chịu tác động tài chính từ chính sách thương mại của ông.
Ông Daniel Hornung, phó giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia dưới thời tổng thống Joe Biden, nhận định số liệu cho thấy "những dấu hiệu ban đầu rõ ràng về tác động của thuế quan". Ông dự đoán: "Nhìn về phía trước, khả năng cao những tác động đó sẽ tiếp tục gia tăng".
"Trước báo cáo này, người ta còn có thể lập luận rằng lạm phát đang trên đà giảm. Nhưng giờ thì chúng ta đang trên đà tăng", ông Padhraic Garvey, trưởng nhóm nghiên cứu châu Mỹ của Công ty ING, bình luận.
Ông Garvey cho rằng báo cáo trên chưa hẳn là đòn chí mạng đối với chính quyền ông Trump, nhưng xu hướng này không phải là tín hiệu tích cực cho Nhà Trắng, và sẽ ngày càng khó khăn hơn để ông Trump phủ nhận việc chính sách của mình đang ảnh hưởng đến giá cả.
Nhà Trắng đã chọn cách giảm nhẹ tác động của báo cáo lạm phát lần này. Ngày 15-7, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho rằng lạm phát vẫn phù hợp với dự báo của các nhà phân tích. "Các con số rất tốt, vẫn nằm trong biên độ dự kiến. Vì vậy, chúng ta không hề có lạm phát. Tất cả những gì chúng ta đang làm là kiếm bộn tiền", ông Trump sau đó nói với các phóng viên.
Chuyện gì tiếp theo?
Số liệu mới giống như hồi chuông cảnh báo với ông Trump khi ông chuẩn bị công bố thêm các mức thuế mới với hàng chục quốc gia trong khoảng hai tuần nữa, trong đó có mức thuế 30% áp lên hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU).
Một số chuyên gia cho rằng lạm phát tăng có thể là điềm báo cho những đợt tăng giá đáng kể nếu ông Trump tiếp tục triển khai kế hoạch.
Cùng với EU, nhiều đối tác thương mại khác của Mỹ có thể sớm phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu tăng mạnh kể từ ngày 1-8. Thuế đánh vào một số mặt hàng của Canada sẽ tăng lên 35%, trong khi hàng hóa từ Mexico có thể chịu mức thuế 30%. Nhiều nước khác như Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... cũng nằm trong danh sách bị áp thuế cao.
Ông Gregory Daco, chuyên gia kinh tế tại Công ty tư vấn EY-Parthenon, ước tính mức thuế trung bình có thể tăng lên khoảng 21% sau ngày 1-8, và điều này có thể tạo ra "rủi ro lớn đối với nền kinh tế".
Các nhà kinh tế học đã nhiều tháng cảnh báo thuế quan của ông Trump có thể gây bất ổn cho nền kinh tế Mỹ, khiến thị trường tài chính chao đảo, kìm hãm tăng trưởng và ảnh hưởng tới thị trường lao động. Nhưng ông Trump liên tục bác bỏ những cảnh báo đó, đồng thời nhấn mạnh thuế quan đang mang lại hàng tỉ USD cho Chính phủ Mỹ.
Trong tháng này các nhà phân tích tại Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng người tiêu dùng sẽ phải gánh thêm chi phí do thuế quan của ông Trump khi chính sách này được thực hiện đầy đủ. Đến tháng 12 tới, xu hướng này có thể khiến tỉ lệ lạm phát tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm so với mức nếu không có thuế cao.
Tuy nhiên ông Trump tiếp tục phớt lờ các số liệu khi đăng lên mạng xã hội ngày 15-7: "Giá tiêu dùng vẫn thấp". Ông đăng bình luận này kèm theo yêu cầu quen thuộc rằng Cục Dự trữ liên bang (Fed) phải ngay lập tức hạ lãi suất.
Ngay cả một số đồng minh của ông Trump cũng thừa nhận việc cắt giảm lãi suất dường như khó xảy ra trong tháng này, khi có bằng chứng rõ ràng cho thấy thuế quan của ông Trump đã tác động đến giá cả khắp nền kinh tế.
Ông Stephen Moore, nhà kinh tế bảo thủ và từng là cố vấn của ông Trump, dự đoán Fed có khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tiếp theo.
Ông Moore cảnh báo Nhà Trắng cần thận trọng bởi nếu lạm phát tăng lên mức 3% hoặc 4%, người tiêu dùng và giới đầu tư có thể sẽ lo lắng, cho rằng "chính sách này thất bại". Ông Alan Detmeister, cựu chuyên gia kinh tế tại Fed, dự báo áp lực giá cả sẽ còn tăng lên trong suốt mùa hè.
"Kỷ nguyên mới" với Indonesia
Ngày 16-7, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã ca ngợi "kỷ nguyên mới" trong quan hệ thương mại giữa nước này với Mỹ sau khi ông Trump thông báo đã đạt thỏa thuận thương mại giúp giảm thuế quan áp với Jakarta từ mức 32% xuống còn 19%.
Để được giảm thuế như vậy, Indonesia đã cam kết chi hàng tỉ USD để tăng nhập khẩu năng lượng, nông sản và hàng hóa từ Mỹ, và mua 50 máy bay Boeing. Bên cạnh đó, hàng Mỹ vào Indonesia sẽ được miễn thuế và các rào cản phi thuế quan khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận