Ông bà và "nhà đài" YouTube

HOA KIM 16/04/2025 10:34 GMT+7

TTCT - Người lớn tuổi dễ tin những video họ thấy trên mạng, và càng xem càng bị cuốn vào những nội dung tương tự mà thiếu kỹ năng phân biệt thật - giả trong thế giới số.

y - Ảnh 1.

Nền tảng chia sẻ video YouTube có phiên bản dành cho trẻ em với những biện pháp kiểm duyệt chặt chẽ về mặt nội dung để đảm bảo không có video "xấu" bị trẻ vô tình xem được. 

Thế nhưng YouTube không có biện pháp bảo vệ tương tự nào đối với những người dùng lớn tuổi - thế hệ còn lạ lẫm với không gian mạng và chưa quen với việc phải cảnh giác với những gì mình thấy ở một nơi đầy rẫy thông tin sai lệch.

Làm sao trang bị cho ông bà, cha mẹ khả năng tự bảo vệ mình trên mạng mà không vô tình khiến họ cảm thấy tổn thương là điều khiến nhiều con cháu vô cùng trăn trở.

Đồng hành thay vì thuyết giảng

Trong thư gửi đến chuyên mục tư vấn của tạp chí Slate tháng 10-2024, bạn đọc với biệt danh A.I. Headache bày tỏ lo lắng khi ông bà mình - những người đã bước sang tuổi bát tuần - ngày càng tiếp xúc với nhiều nội dung thất thiệt là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI) trên các nền tảng như Facebook hay YouTube: 

"Cứ mỗi 10 phút bà lại mở cho tôi xem một bức ảnh do AI tạo ra về một chính khách nào đó, còn ông thì dán mắt vào những video tự nhận là "tường thuật bí mật" về nhiều cuộc chiến mà hình ảnh trong đó chỉ là sự kết hợp giữa AI, cảnh trong trò chơi điện tử, video minh họa và những cảnh quay cắt ghép từ nhiều bộ phim khác nhau".

Dù đã nhiều lần cố gắng giải thích với ông bà mình rằng những nội dung này không phải sự thật, A.I. Headache thường chỉ nhận lại sự thờ ơ hoặc phản ứng tức giận, còn tình hình thì không mấy cải thiện. "Ngày càng khó để duy trì một cuộc trò chuyện với ông bà mà không nói với họ rằng điều họ thấy không có thật" - người cháu tận tâm giãi bày.

Trong phần trả lời, chủ mục Molly Olmstead bày tỏ đồng cảm với cả bạn đọc lẫn hai ông bà, và cho rằng không chỉ người già mà mọi độ tuổi đều có thể cảm thấy bối rối trước "sự gia tăng đột ngột của những thứ vô nghĩa do AI tạo ra trên Internet". Vì thế, trước tiên người trẻ có thể nói một cách thật lòng rằng mình cũng bối rối không kém trước những thông tin thất thiệt do AI tạo ra, để ông bà không tự trách thân.

Chúng ta biết ngồi trước màn hình nhiều là không tốt cho trẻ em, nhưng theo Carolyn Aldwin, giám đốc chương trình lão khoa tại Đại học bang Oregon, việc này cũng có tác hại không kém với người lớn tuổi. 

Cụ thể, tiếp xúc với các nội dung trên YouTube và các trang web tương tự đòi hỏi não phải lấp đầy những khoảng trống thông tin bị thiếu, điều đó có thể đặc biệt gây mệt mỏi cho người lớn tuổi bị suy giảm nhận thức.

Một giải pháp đơn giản là lái cuộc trò chuyện sang chủ đề khác để đưa người lớn tuổi "trở lại thực tại" mỗi khi các "tin tức YouTube" được đề cập, theo Olmstead. "Anh bồ câu" này cũng tham khảo ý kiến của các chuyên gia khi đưa ra lời khuyên rằng hãy bắt đầu bằng cách lắng nghe người lớn tuổi một cách cẩn thận và kiên nhẫn thay vì lập tức cho rằng niềm tin của họ là sai. 

"Hãy tiếp cận cuộc trò chuyện bằng sự đồng cảm: hành vi của họ có thể xuất phát từ mong muốn hiểu biết thế giới và quan tâm đến gia đình cũng như cộng đồng của mình" - Olmstead viết. Điều quan trọng là để những người thân lớn tuổi cảm thấy con cháu là người đồng hành thay vì là người thuyết giảng, và đôi bên đều đang cùng nhau tìm hiểu về một lĩnh vực mới mẻ với cả hai.

Thế hệ dễ tổn thương

Theo số liệu công bố năm 2024 của Cơ quan thống kê quốc gia, người cao tuổi là một nhóm dân đang gia tăng ở Canada với hơn 7,5 triệu người nằm trong độ tuổi từ 65 trở lên. Họ ngày càng hiện diện nhiều hơn trên mạng: cứ 10 người cao tuổi ở Canada thì có 5 người thường xuyên sử dụng mạng xã hội và 8 người biết sử dụng Internet, theo cùng thống kê.

Theo hai nhà nghiên cứu Claire Ahn và Natalia Balyasnikova, những định kiến cho rằng người lớn tuổi "mù" công nghệ, dễ tin vào thông tin sai lệch trên mạng, hoặc cần phải được hướng dẫn từng chút một chỉ càng làm tăng thêm khoảng cách về kỹ năng số giữa họ và các nhóm tuổi khác. 

"Trong thực tế, người lớn tuổi rất muốn sử dụng các công cụ kỹ thuật số khi họ được đào tạo và hỗ trợ phù hợp" - Balyasnikova nói với Radio Canada International (RCI). Những người cao tuổi tham gia nghiên cứu của Ahn và Balyasnikova tỏ ra rất quan tâm về vấn đề tin giả và cách tốt nhất để chuẩn bị cho bản thân cũng như chia sẻ thông tin đó với bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng của họ, Ahn cho biết.

y - Ảnh 2.

Ảnh: The Business Standard

Dù suy giảm nhận thức thường được viện dẫn như là lý do người cao tuổi dễ bị tác động bởi tin giả, chuyên gia nghiên cứu về nhận thức Nadia Brashier của Đại học California ở San Diego cho rằng vấn đề không đơn giản như thế. Một mặt, người lớn tuổi có nhiều trải nghiệm và kiến thức tổng quát về thế giới hơn người trẻ, điều mà đáng lẽ phải giúp họ phân định tốt hơn điều gì là thật và điều gì là giả trên mạng. 

Tuy nhiên, họ lại thường ít có những mối quan hệ "lỏng lẻo" trên mạng xã hội hơn người trẻ - nôm na là những người mà ta kết bạn hoặc theo dõi nhưng còn chưa gặp đối phương ngoài đời bao giờ. 

Chính vì vậy, theo Brashier, khi tham gia mạng xã hội người lớn tuổi kỳ vọng sẽ nhìn thấy những nội dung đáng tin cậy, bởi lẽ "chẳng thể nào mà bạn bè thân thiết và gia đình tôi lại chia sẻ những điều sai trái".

Người lớn tuổi cũng thường gặp khó khăn trong việc nhớ những chi tiết mang tính ngữ cảnh về nội dung mà họ xem được, chẳng hạn dù một video có gắn nhãn cảnh báo tin giả nhưng thứ mà họ nhớ chỉ là… nội dung của tin giả thay vì cảnh báo ấy, Brashier lưu ý.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science năm 2019 do Đại học New York và Đại học Princeton thực hiện cho thấy trong số những người dùng Facebook tại Mỹ, nhóm từ 65 tuổi trở lên chia sẻ bài viết từ các trang tin giả nhiều gấp gần 7 lần so với nhóm từ 18-29 tuổi. 

Còn theo Báo cáo xã hội số Singapore năm 2024, dù nhóm người cao tuổi (từ 60 tuổi) đang dần thích nghi với các công cụ kỹ thuật số, chỉ có 44% cảm thấy "tự tin vừa phải" hoặc hơn về khả năng nhận biết lừa đảo của mình. 

"Những lo ngại như vậy có thể ngăn cản người cao tuổi truy cập Internet và tận hưởng những lợi ích của công nghệ kỹ thuật số" - báo The Straits Times dẫn lời Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm, đơn vị thực hiện báo cáo.

Người lớn tuổi có thể hiểu lầm rằng tất cả những gì họ xem được trên YouTube đều là "tin tức của nhà đài", thành ra đáng tin cậy. Thế hệ lớn lên không có Internet có lẽ khó hình dung một xã hội nơi bất cứ ai cũng có thể sản xuất và đăng tải thông tin đến toàn thế giới.

Những đại sứ của cộng đồng

Một bạn đọc giấu tên của tạp chí The New York Times Magazine chia sẻ câu chuyện người bố trên 80 tuổi của mình ngày càng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng chính trị cực đoan kể từ khi vợ mất và ông chỉ còn biết bầu bạn với chiếc máy tính bảng cùng những video trên YouTube. 

Độc giả này băn khoăn không biết có nên đăng nhập vào tài khoản YouTube của bố mình để… xóa lịch sử xem video của ông rồi xem một loạt video mới với nội dung tích cực hơn. "Lý lẽ của tôi là nếu ông ấy đang bị tẩy não bởi thuật toán thì tôi cũng có thể sử dụng chính thuật toán đó để đưa ông ấy trở về con người cũ của mình" - độc giả này biện luận.

Rõ ràng lo ngại của người này là chính đáng khi đã có nhiều lời phàn nàn rằng công cụ đề xuất video của YouTube khiến người dùng càng xem về một chủ đề thì lại càng thấy chủ đề ấy xuất hiện dày đặc đến mức không còn lối thoát. 

Muốn được đề xuất nội dung đa dạng trở lại, chỉ còn cách xóa hết lịch sử xem hoặc cố tình tìm kiếm nội dung mình muốn để dần "chỉnh" lại thuật toán - những điều mà người lớn tuổi khó lòng biết cách thực hiện. Giải pháp căn cơ hơn là phải cải thiện kỹ năng tự bảo vệ mình trên mạng của người lớn tuổi.

Tại Canada, Thư viện công cộng Toronto đang triển khai chương trình mang tên Seniors E-Connect nhằm hỗ trợ những công dân cao tuổi của thành phố xây dựng kỹ năng số và khám phá những khả năng vô hạn của Internet.

Các tình nguyện viên của chương trình như Adriel Lumampao, 15 tuổi, sẽ ngồi cạnh bên để hỗ trợ những người lớn tuổi trong lúc họ thao tác trên web, thỉnh thoảng cung cấp một số mẹo vặt hoặc khích lệ khi họ làm đúng. 

"Tôi chỉ họ cách luôn luôn kiểm tra nguồn tin, kiểm tra xem thông tin mà mình đang tiếp nhận đến từ đâu" - Lumampao nói với RCI. Từ khi tham gia chương trình, bà Susan Goldstein cho biết đã tích lũy hàng giờ luyện tập gõ bàn phím, lướt web, thao tác với các trình duyệt web, và nhiều kỹ năng khác trên máy tính dưới sự hướng dẫn của các tình nguyện viên.

Ông bà và "nhà đài" YouTube - Ảnh 3.

Ảnh: Pict Rider / iStock

Tại Mỹ, dự án xóa mù kỹ thuật số mang tên MediaWise for Seniors do Viện Poynter thực hiện đã cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí từ năm 2018 để giúp người cao tuổi phát hiện và chống lại thông tin sai lệch trên mạng, theo The New York Times. 

Ban đầu dự án hướng đến thanh thiếu niên và sinh viên, nhưng sau đó quyết định "có một bước nhảy vọt" về đối tượng để tập trung vào người lớn tuổi, người điều hành chương trình Katy Byron cho biết.

Bà Lindsay Dina (75 tuổi), một trong những người tham gia chương trình, kể từng 2 lần bị lừa mất tiền trên mạng nhưng giờ đây đã tự tin hơn về khả năng nhận biết tin giả của mình. Giờ đây Dina chỉ chia sẻ bài viết từ những cơ quan báo đài uy tín, và thậm chí còn biết sử dụng những công cụ như trang web Snopes.com để kiểm chứng một nội dung mình thấy là đúng hay sai.

Dù những nỗ lực như Seniors E-Connect hay MediaWise for Seniors chỉ mới được triển khai ở phạm vi nhỏ, chúng được kỳ vọng sẽ có tác động dây chuyền khi những người cao tuổi được hỗ trợ sẽ tiếp tục truyền tải những kỹ năng mà họ học được đến cho cộng đồng. 

"Chúng ta có thể cử họ làm những đại sứ trong cộng đồng của mình" - Alex Mahadevan, phóng viên truyền thông cấp cao tại Poynter, nói với The New York Times.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận