
Người tiêu dùng Việt ngày càng quen với mua sắm online - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều doanh nghiệp Việt tìm hướng đi mới để tồn tại thay vì lao vào cuộc chiến giá.
Những tháng đầu năm 2025, hàng loạt thương hiệu Việt, nhất là ngành hàng thời trang, tiếp tục đóng gian hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) do không thể cạnh tranh với hàng nhập giá rẻ, chủ yếu là hàng Trung Quốc, chưa kể chính sách mới về phí sàn buộc người bán phải tăng giá bán sản phẩm để bù đắp.
Trước đó, trong năm 2024, theo dữ liệu từ nền tảng thống kê Metric, có khoảng 165.000 gian hàng trên 5 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop) đã ngừng hoạt động.
Hàng Trung Quốc phủ sóng kênh online
Thông qua tài khoản có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội, mới đây TikToker Hannah Nguyễn (HannahOlala) đã chia sẻ về chuyến đi tới Hàng Châu, Trung Quốc để gặp nhà sáng lập một thương hiệu mỹ phẩm, đồng thời khẳng định sản phẩm của doanh nghiệp này có "chất lượng tốt không thua bất kỳ thương hiệu cao cấp nào trên thế giới"!
Để tăng uy tín, TikToker này còn chia sẻ thước phim quay cảnh cô được đưa đi tham quan "viện nghiên cứu sản phẩm" cũng như văn phòng rộng lớn của doanh nghiệp. Dù khẳng định không ký kết quảng cáo để đăng các video về nhãn hàng này, nhưng cô cũng tận dụng cơ hội để liên kết bán các loại mỹ phẩm Trung Quốc cho khách Việt thông qua kênh online.
Chỉ mới được quảng cáo rầm rộ vài tháng trở lại đây, nhưng riêng sàn TikTok Shop đã có hơn 14.000 sản phẩm doanh nghiệp Trung Quốc này được bán ra, thu về doanh số lớn, với các sản phẩm như kem nền (cushion), phấn phủ, kem dưỡng da, son môi...
Nhiều "đại gia" khác cũng đổ tiền lớn để mời những người có tầm ảnh hưởng trên mạng như "chiến thần" bán hàng online Võ Hà Linh, TikToker Trương Nhã Dinh, TikToker Call Me Duy (Vũ Duy)... đến công ty bên Trung Quốc để quảng cáo sản phẩm. Với sự đầu tư bài bản, quảng cáo sống động, nhiều thương hiệu mỹ phẩm Trung Quốc dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt, nhất là giới trẻ...
Ngoài các sản phẩm mỹ phẩm, nhiều sản phẩm của các ngành hàng thời trang, đồ gia dụng, thực phẩm... cũng được quảng bá sôi động. Bên cạnh các "ông lớn" lắm tiền nhiều của, không ít cá nhân Trung Quốc, không chỉ những người sành sỏi tiếng Việt, mà cả không rành tiếng Việt cũng tự tin bán trên TikTok với sự trợ giúp của phần mềm dịch ngôn ngữ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM, nhìn nhận làn sóng hàng ngoại, đặc biệt là hàng Trung Quốc đang đổ mạnh vào thị trường Việt Nam qua kênh TMĐT. Trong đó, thông qua những người Việt có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng, nhiều sản phẩm "made in China" được người tiêu dùng Việt yêu thích.
Theo ông Huân, có những mẫu đồ chơi Trung Quốc bỗng chốc trở thành "niềm mơ ước" của không ít khách Việt, nhất là khách hàng trẻ tuổi, nhờ được lăng xê bài bản với lời lẽ "có cánh" và video quảng cáo hào nhoáng, khác với tâm lý "dị ứng" với "hàng Tàu" giá rẻ và chất lượng kém của người tiêu dùng Việt trước đây.
Tìm hướng đi sau khi rời "cuộc chiến" giá rẻ
Sáng lập thương hiệu thời trang nữ Edini, mở nhiều cửa hàng ở TP.HCM, Quyên Nguyễn cho biết sau hơn 12 năm gắn bó với những thiết kế mang tính thường nhật và xu hướng (casual, trendy...), Edini chính thức nói lời chia tay dòng sản phẩm này. Thông báo được công bố rộng rãi cho khách hàng trên kênh online nắm tình hình.
"Đây là một quyết định không dễ dàng nhưng cần thiết, vì chúng mình không thể tiếp tục chạy theo sự thay đổi chóng vánh, giảm chất lượng sản phẩm để cạnh tranh giá, hay tham gia vào những chiêu trò giá từ các kênh trung gian. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến Edini, mà còn khiến nhiều thương hiệu Việt, những cái tên làm rất tốt từ giai đoạn 2011, phải rời cuộc chơi", cô chia sẻ.
Với chiến lược mới, thương hiệu này "quay về với cốt lõi", phát triển những thiết kế truyền thống, đậm bản sắc, cá nhân hóa, giữ vững chất lượng sản phẩm, không sản xuất đại trà. Một trong những sản phẩm được doanh nghiệp này phát triển nằm trong hướng đi mới là áo dài. Có những mẫu áo dài được đính kết từ kim sa tinh xảo, toát lên vẻ cuốn hút.
Đại diện thương hiệu thời trang Metanoia (trụ sở ở Hà Nội) nhìn nhận trên thị trường tồn tại thực trạng người bán tìm mọi cách để giảm giá thành.
Thông qua việc cắt giảm công đoạn sản xuất, lược bỏ bước xử lý vải hay may lót - những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhưng quyết định độ bền, sự thoải mái và cả tuổi thọ sản phẩm.
Chọn loại vải rẻ tiền, pha ni lông, dễ sờn rách, dễ tích điện và... "dễ lừa mắt người mua khi còn mới".
Đôi khi nhóm này còn dùng hình ảnh, thiết kế na ná các thương hiệu lớn, "vay mượn ánh hào quang của những tên tuổi đã mất nhiều năm gây dựng, để bán sản phẩm với giá rẻ đến giật mình". "Tất cả những điều đó giúp "chạy doanh thu". Nhưng điều này không mang lại giá trị bền vững", vị này nói.
Thay vì chăm chăm vào hàng giá rẻ, liên tục chạy theo xu hướng, nhiều thương hiệu Việt đang dần thay đổi, đánh mạnh chất lượng và tính khác biệt. Theo nhận xét của nền tảng Metric, người tiêu dùng Việt ngày càng ưu tiên các cửa hàng chính hãng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và độ tin cậy của dịch vụ.
Tâm lý tiêu dùng ngày càng khắt khe, đề cao sự an tâm khi mua sắm trong bối cảnh hàng hóa kém chất lượng tràn lan.
Hàng nhập khẩu qua sàn TMĐT ngày càng tăng
Theo báo cáo của nền tảng phân tích dữ liệu Metric, chỉ riêng quý 1-2025, hàng nhập khẩu qua sàn TMĐT Shopee vào Việt Nam đạt doanh số 3.600 tỉ đồng với hơn 80 triệu sản phẩm bán ra, tăng hơn 12% doanh số và hơn 7% sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng nhập khẩu hút khách nhờ lợi thế giá rẻ, mẫu mã đa dạng và phù hợp thị hiếu.
Cũng theo nền tảng này, giá trị trung bình mỗi sản phẩm trên sàn TMĐT trong thời gian qua chỉ khoảng 45.200 đồng, cho thấy người tiêu dùng chuộng mua sắm số lượng lớn với chi phí thấp.
Xu hướng này đang gia tăng sức ép cạnh tranh cho nhà bán hàng trong nước, đặc biệt ở nhóm sản phẩm phổ thông, buộc nhà bán hàng trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm và chiến lược giá phù hợp để giữ thị phần.
Và theo dự báo, sau khi Mỹ chấm dứt chính sách miễn thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc có giá trị dưới 800 USD kể từ ngày 2-5, cùng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt, nhiều chuyên gia dự báo hàng Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, càng gây khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng Việt ngay tại thị trường nội địa.
Tăng cường livestream bán hàng Việt
Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và nông dân địa phương quảng bá các sản phẩm đặc trưng, nhiều sàn TMĐT lớn tại Việt Nam đang đẩy mạnh các chương trình livestream cho các sản phẩm Việt.
Mới đây, sàn Shopee công bố dự án "Tinh hoa Việt chung sức" gồm những trải nghiệm mua sắm kết hợp giải trí mới mẻ hơn với nhiều thương hiệu "made in Vietnam" chất lượng, đa dạng ngành hàng. Trong đó, một số phiên livestream dành riêng để tôn vinh bản sắc văn hóa của nhiều địa phương và khai thác các chủ đề độc đáo.
Ông Trần Tuấn Anh, giám đốc Shopee Việt Nam, cho biết dự án nhằm giúp cộng đồng người bán hàng kết nối các giá trị và đặc trưng địa phương với tệp người dùng rộng hơn qua kênh TMĐT, cùng doanh nghiệp và người dùng tôn vinh sản phẩm Việt, "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt".
Trong khi đó, sàn TikTok Shop tổ chức chương trình GreenUP là các tour tham quan nhà máy của những doanh nghiệp Việt có quy trình sản xuất bền vững, với một số nhãn hàng được lựa chọn hỗ trợ như APG ECO (lúa gạo), Phong Phú (khăn bông), TH True Milk (sữa)..., nhằm hỗ trợ quảng bá thương hiệu và sản phẩm xanh.
Cụ thể, sàn kết nối các nhà sáng tạo nội dung, nhà bán hàng thực hiện các phiên livestream ngay tại nhà máy của các doanh nghiệp nhằm cho thấy tiềm năng phát triển rộng mở mà TMĐT mang lại cho các thương hiệu Việt phát triển theo định hướng bền vững và sự đón nhận của cộng đồng với xu hướng tiêu dùng xanh.
Cũng nhằm mục đích hỗ trợ người bán hàng tại Việt Nam, sàn Lazada cung cấp công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo với những tính năng GenAI (AI tạo sinh) mới giúp người bán hàng cải thiện cách hiển thị sản phẩm trên sàn, tinh giản vận hành cũng như thúc đẩy tỉ lệ chuyển đổi khách hàng.
Không để chính sách bị lợi dụng, ảnh hưởng sản xuất trong nước

Ngoài giá rẻ, hàng Trung Quốc còn có lợi thế logistics hiện đại giúp giao nhận hàng hóa thuận lợi - Ảnh: B.MAI
Sau khi hủy bỏ chính sách miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu có giá trị 1 triệu đồng qua sàn TMĐT, có hiệu lực từ 18-2-2025, phía Bộ Tài chính lại đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho các đơn hàng trị giá dưới 1 triệu đồng, kèm điều kiện là tổng mức miễn thuế không quá 48 triệu đồng/năm cho mỗi tổ chức, cá nhân.
ThS Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, giảng viên Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng việc giới hạn 48 triệu đồng/năm là biện pháp kiểm soát để tránh gian lận, ngăn chặn hiện tượng trục lợi, chia nhỏ đơn hàng để trốn thuế, đảm bảo việc miễn thuế chỉ phục vụ mục tiêu tiêu dùng cá nhân.
Việc miễn thuế này cũng nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng Việt trải nghiệm hàng hóa nước ngoài, khuyến khích tiêu dùng hợp pháp thay vì hàng xách tay trôi nổi, đồng thời gián tiếp tạo áp lực tích cực lên nhà sản xuất nội địa phải cải tiến chất lượng và có chính sách giá phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, cần phải cân nhắc những tác động đến sản xuất và kinh doanh nội địa, bởi chính sách miễn thuế này có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.
Trong thực tế, hàng sản xuất trong nước phải chịu đủ các loại thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế phí bảo vệ môi trường...), trong khi hàng nhập khẩu giá trị nhỏ lại được miễn thuế, điều này sẽ tạo ra bất bình đẳng.
Hơn nữa, dù miễn thuế cho đơn hàng nhỏ và giới hạn số tiền mua hàng được miễn thuế trong một năm nhưng nếu không kiểm soát tốt, có thể bị lợi dụng chia nhỏ đơn hàng để tránh thuế.
Đặc biệt, phải xem cơ sở hạ tầng số của cơ quan hải quan có đủ để xác định được người mua đã đạt ngưỡng miễn thuế 48 triệu đồng/năm hay chưa, có phân biệt được hàng tiêu dùng cá nhân với hàng hóa kinh doanh trá hình hay không?...
"Vấn đề cốt lõi cần cân nhắc là làm sao để chính sách không bị lợi dụng, không làm tổn thương sản xuất trong nước, nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng và giảm gánh nặng hành chính. Giải pháp không nên là "miễn hoặc không miễn thuế", mà là miễn có điều kiện, có giới hạn và có kiểm soát bằng công nghệ hiện đại", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận