![Người bán hàng online chật vật sinh tồn trên sàn - Ảnh 1. Người bán hàng online chật vật sinh tồn trên sàn - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/8/edit-ban-hang-truc-tuyen-read-only-1739027917110447345544.jpeg)
Bên cạnh chất lượng sản phẩm, nhà bán hàng còn phải đầu tư vào tiếp thị, thương hiệu, hậu mãi... để phát triển thương mại điện tử - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng này là thực tế khắc nghiệt mà nhiều nhà bán hàng, đặc biệt là các cửa hàng nhỏ lẻ, đang phải đối mặt khi có đến 165.000 shop online đã phải rời bỏ thị trường.
Đẩy hết áp lực cho người bán
Buôn bán trên một sàn TMĐT lớn, chị Đan Chi (TP.HCM) cho biết hệ thống "sao quả tạ" là nỗi ám ảnh của không ít nhà bán hàng cá nhân. Theo đó, "sao quả tạ" là điểm phạt được sàn sử dụng để đánh giá hiệu quả của cửa hàng online.
"Bị dính nhiều "sao quả tạ" sẽ ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh. Vì sẽ không được tham gia chương trình khuyến mãi của sàn, bị giới hạn traffic (lượt tiếp cận khách hàng)...", chị Đan Chi cho hay.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhà bán hàng bị ăn "sao quả tạ" khi vi phạm về tỉ lệ đơn hàng không thành công, tỉ lệ giao hàng trễ, đăng bán sản phẩm cấm theo quy định của sàn và Nhà nước Việt Nam, đăng bán hàng giả/nhái hoặc vi phạm bản quyền, lừa đảo...
Ngoài ra sàn còn có các hình phạt hạn chế, cấm hoặc khóa tài khoản vĩnh viễn khi phát hiện dính vào cạnh tranh không lành mạnh, thực hiện giao dịch ngoài... Phạt nặng nhưng nhiều khi các lỗi vi phạm lại rất mơ hồ khiến nhà bán hàng luôn trong tâm thế "hồi hộp".
Ngoài việc phải tìm hiểu rõ về các quy định của sàn để tránh ăn phạt, người bán còn phải cân đối giữa giá vốn, các chi phí phải bỏ ra và giá bán, để không rơi vào tình trạng "làm không công" hoặc thua lỗ.
Cũng có không ít trường hợp oái ăm đến từ phía khách hàng gây ra. "Mình bán đồ lót, họ mua về mặc đến ố vàng vậy mà đành đoạn trả lại với lý do hàng lỗi! Mình khiếu nại với sàn không thành, vừa mất phí vận chuyển, mất bộ đồ do khách đã mặc rồi, vừa phải trả lại tiền cho khách. Hết biết luôn" - chị Nguyễn Thị Phượng, nhà bán hàng ở TP.HCM, ấm ức.
Trong khi đó, không ít nhà bán hàng than thở đã gửi hàng đầy đủ, nhưng khách báo về sàn là trong hộp chỉ có giẻ rách hoặc gạch đá. Do không có video quay lại quá trình đóng gói, nên người bán đành mất tiền và ôm về bài học.
Theo ghi nhận, hiện chi phí kinh doanh trên sàn TMĐT đang dao động khoảng 15%, bao gồm: phí hoa hồng cố định cho sàn, phí thanh toán, phí tham gia gói miễn phí vận chuyển. Song song đó, người bán còn phải mất thêm khoảng 10 - 20% khoản tiền khác liên quan đến: thuế, voucher (phiếu quà tặng), quảng cáo, hộp và công đóng gói...
Như vậy, nếu tính toán không chắc, các tiểu thương bán hàng online sẽ bị lỗ. Chưa kể, khách thanh toán qua cho sàn, sàn có khi "ngâm" tiền lên đến nửa tháng, dẫn đến người bán thiếu hụt vốn xoay.
Người bán hàng phải thay đổi
Báo cáo của Metric về toàn cảnh thị trường TMĐT Việt Nam cho thấy năm ngoái, tổng sản lượng tiêu thụ trên 5 sàn TMĐT lớn nhất của Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop đạt 3.421 triệu sản phẩm, tăng mạnh đến 50,76%.
Thế nhưng, số lượng cửa hàng phát sinh đơn hàng lại giảm 20,25%. Không chỉ số doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng cao mà nhiều người bán hiện rơi vào tình trạng kiệt quệ, chật vật duy trì hoạt động.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Kiều Trang - chuyên viên phân tích của Metric, nhận xét rằng đằng sau con số hơn 165.000 shop rời bỏ thị trường đã cho thấy sự phát triển của ngành bán lẻ trực tuyến đang chuyển sang một cấp độ khác.
"TMĐT không còn là một thị trường "dễ vào - dễ thắng" như trước đây. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khi những nhà bán hàng thiếu chiến lược hoặc không đủ nguồn lực dần bị đào thải.
Những nhà bán hàng duy trì được vị thế là những doanh nghiệp có khả năng tối ưu vận hành, xây dựng thương hiệu và tận dụng hiệu quả các công cụ quảng cáo, khuyến mãi từ nền tảng. Với bối cảnh đó, những ai không đầu tư bài bản rất khó có thể cạnh tranh lâu dài", bà Trang nhận định.
Bên cạnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, theo ông Đặng Phú Vinh - CEO Công ty marketing Adsota, một trong những lý do chính dẫn đến nhiều người bán hàng phải rời bỏ sàn TMĐT có thể là do chính sách thuế mới.
"Quy định mới giúp việc cạnh tranh trên các sàn TMĐT công bằng và đúng pháp luật hơn, nhưng cũng dẫn đến một bộ phận người bán trước đây làm chưa đúng khó có thể tiếp tục trong thời gian tới", ông Vinh nhận định.
Cũng theo ông Vinh, lý do thứ hai là sau một thời gian tăng trưởng nóng, số lượng các nhà bán hàng trên các sàn TMĐT bắt đầu bão hòa, việc cạnh tranh cũng không khốc liệt hơn.
Cuối cùng, người dùng hiện đại đã hình thành thói quen mua hàng trên sàn từ những người bán có uy tín và có lượt bán cao, dẫn đến những người bán mới hoặc có lượt bán thấp khó cạnh tranh.
"Đã đến lúc người bán phải làm đúng hướng dẫn của các cơ quan pháp luật, đặc biệt là cơ quan thuế, để cân đối được giá bán thích hợp hơn cho người tiêu dùng. Hay nói cách khác là phải tìm hiểu kỹ hơn về luật của thuế trên các sàn TMĐT để cấu thành giá bán hợp lý hơn.
Ngoài ra, người bán cần có một chiến lược phát triển dài hạn hơn trên các sàn TMĐT, vì khi lượng cạnh tranh đủ cao, các sàn thường sẽ giảm organic (tối ưu bằng SEO) và hướng tới người bán cần quảng cáo nội sàn/ngoại sàn nhiều hơn", ông Đặng Phú Vinh góp ý.
Hàng nhập khẩu trỗi dậy trên sàn thương mại điện tử
Trong khi nhà bán hàng nội địa chật vật thì năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể của hàng nhập khẩu qua các sàn TMĐT.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, những năm gần đây các nhà bán hàng ở Trung Quốc đã năng nổ kết nối với các sàn để đẩy trực tiếp hàng về Việt Nam, không thông qua trung gian, gây nên áp lực lớn cho các đại lý thứ cấp.
Hàng ngoại, nổi bật là hàng Trung Quốc cũng đang bán khá rầm rộ trên Shopee, TikTok Shop, Lazada... Không ít cá nhân, doanh nghiệp nước bạn còn thuê cả người Việt để livestream bán hàng Trung Quốc trên các sàn.
Đây là áp lực không nhỏ với doanh nghiệp Việt. Sự thay đổi này xuất phát từ một số yếu tố chính như hệ thống logistics được cải thiện giúp thời gian vận chuyển nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro thất lạc hoặc giao hàng chậm.
Theo thống kê của Metric, năm 2024 chỉ riêng sàn Shopee có 31.500 nhà bán hàng nước ngoài hiện diện (chiếm 11% tổng số shop), mang về doanh thu hơn 14.200 tỉ đồng, tương đương đã bán ra hơn 324,1 triệu sản phẩm, mức tăng trưởng sản lượng và doanh số lần lượt 37,9% và 42,9% so với cùng kỳ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận