TTCT - Nếu con người sinh tồn dựa trên bản năng tránh những trải nghiệm tiêu cực thì việc nhạc buồn thảm não "muôn đời thịnh" biết giải thích theo cơ sở nào? Taylor Swift có 26,6 tỉ lượt nghe trên Spotify trong năm 2024, và album The Tortured Poets Department với nhiều ca khúc đau đớn lòng của cô cũng là album được stream nhiều nhất trên nền tảng này. Nếu con người sinh tồn dựa trên bản năng tránh những trải nghiệm tiêu cực thì việc nhạc buồn thảm não "muôn đời thịnh" biết giải thích theo cơ sở nào?Một thử nghiệm công bố trên PLOS ONE hồi tháng 4 cho thấy khi loại bỏ yếu tố gây sầu ra khỏi các ca khúc buồn, người ta không còn thích chúng như trước nữa. "Thật nghịch lý khi nghĩ rằng ta có thể thích thứ mang lại cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng thực nghiệm đầu tiên cho thấy nỗi buồn có thể tác động tích cực và trực tiếp đến sự thưởng thức âm nhạc" - giáo sư Emery Schubert, tác giả nghiên cứu (Trường Nghệ thuật & Truyền thông, Đại học New South Wales) nhấn mạnh.Nghịch lý của bi kịchNếu phải xếp hạng cảm xúc theo lằn ranh tích cực - tiêu cực, có lẽ tất cả chúng ta sẽ xếp nỗi buồn vào nửa sau. Thế nhưng xúc cảm con người chưa bao giờ là thứ rạch ròi. Tự cổ chí kim, con người đã luôn ghi nhận một trạng thái tạm gọi là "buồn đẹp" - nét đượm buồn luôn được tôn vinh trong thi ca nhạc họa, từ các vở bi kịch cổ điển Hy Lạp, đến phim ảnh, tiểu thuyết hiện đại quay lưng với cái kết có hậu như cách làm khán giả nhớ mãi về tác phẩm.Xét về âm nhạc, truyền thống "buồn đẹp" còn trường tồn mạnh mẽ hơn: Từ nhạc dân gian như Fado của Tây Ban Nha, những khúc ai oán (Irish Lament) của người Ireland, đến nhạc bolero vẫn còn được ưa chuộng tại Việt Nam hay nhạc thất tình đã làm nên sự nghiệp triệu bản của danh ca Adele, có thể thấy khán giả toàn thế giới ưa chuộng tiêu thụ sự sầu não qua âm nhạc như thế nào.Nếu con người không thích rơi vào trạng thái buồn thảm trong cuộc sống thật của mình thì tại sao lại thích tiêu thụ nỗi buồn trong âm nhạc như thể một khoái cảm? Đây là "nghịch lý của bi kịch", thứ được Aristotle cũng như các triết gia Athens cổ đại ghi nhận. Họ cho rằng nghệ thuật với các thành tố bi ai đem lại những tưởng thưởng mà các hình thức nghệ thuật khác không có được. Quan sát các vở bi kịch trên sân khấu, Aristotle cho rằng các vở diễn này cho phép khán giả trải nghiệm cảm xúc nhanh, mạnh, từ đó xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực của chính khán giả, còn gọi là trải nghiệm thanh tẩy (catharsis). Sau Aristotle, các triết gia, sau này là các nhà tâm lý học, hầu hết đi theo hướng lý giải sự mê hoặc của con người với bi kịch trong nghệ thuật bằng các tưởng thưởng tâm trí mà các bài hát, vở diễn này mang lại.Adele biểu diễn tại lễ trao giải BRIT Awards 2022. Ảnh: AFPTrong phạm trù nghiên cứu "nghịch lý của bi kịch", các triết gia cũng chia ra hai trường phái lớn: những người theo chủ nghĩa duy nhận thức (cognitivism) cho rằng âm nhạc buồn không kích động những cảm xúc "thật" từ người nghe; tuy nhiên các thành tố trong bài hát vẫn có kích hoạt một số cảm giác nhắc người ta nhớ đến cảm xúc thật mình từng trải qua ngoài đời.Theo thuyết này, các cảm giác trong âm nhạc thường kích thích người nghe liên hồi, dẫn đến một cảm giác trọn vẹn ngang với cảm xúc thật, trở thành một người dẫn đường đưa ta trở về với các xúc cảm cũ. Trái lại, những người theo chủ nghĩa duy xúc động (emotivism) lại cho rằng âm nhạc gợi nên những cảm xúc thật từ người nghe.Trong trường phái duy xúc động, lại còn những tranh cãi nhỏ hơn về nguồn cơn của cảm xúc mà nhạc buồn gợi ra. Một số cho rằng cảm xúc này vẫn khác với cảm xúc thật ngoài đời sống, bởi các yếu tố môi trường ngoài đời thực để các cảm xúc thật diễn ra (ví dụ: một sự mất mát cận kề) không tồn tại khi ta xem phim hoặc nghe nhạc - do đó người nghe có thể tận hưởng các cảm xúc như thăng hoa, choáng ngợp mà không cần trải nghiệm phần tiêu cực. Phía còn lại, trong đó có triết gia Jerold Levinson, thì cho rằng nhạc buồn có gây ra nỗi buồn thực sự, và trải nghiệm này cũng mang lại sự tưởng thưởng nhất định cho người nghe. Ví dụ: Trải nghiệm thanh tẩy, tức sự xóa bỏ các cảm xúc buồn và tiêu cực, đến từ việc thấu hiểu rõ hơn cảm xúc buồn thông qua bài nhạc.Góc nhìn tâm lý họcNhà tâm lý học Johan Schubert cho rằng nhạc có nội dung tiêu cực đều được hiểu là có yếu tố buồn bã, nhưng cách hiểu này không gây nên khó chịu cho người nghe, bởi sự kích thích chúng mang lại được hiểu là "mang tính duy mỹ" và từ đó không thể gây hại. Trong nỗi buồn được làm dịu bớt mà nghệ thuật mang lại, một trải nghiệm dễ chịu được tạo nên - giống như khi nghe và hiểu nỗi buồn của Adele ("Nếu đây là đêm cuối cùng của em và anh, hãy ôm em hơn ôm một người bạn/ Hãy cho em một ký ức để giữ lấy", All I Ask), ta nhớ lại chuyện chính mình và cảm thấy trong mình nhẹ nhõm bớt (cũng là lúc các hormone cảm xúc thay đổi). Theo góc nhìn này, bật nhạc Adele cũng giống như xài một liều morphine tinh thần.Theo hướng nghiên cứu này, trong một bài báo trên Musicae Scientiae (tạp chí của Hiệp hội châu Âu về khoa học nhận thức âm nhạc), nhà tâm lý học David Huron, giảng viên Đại học Ohio State (Mỹ), đề xuất rằng hormone prolactin là nguyên nhân gây ra sự hưng cảm khi nghe nhạc buồn. Prolactin được sản xuất nhờ các nơron nội tiết thuộc vùng dưới đồi của não khi ta khóc hoặc gặp phải các trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống. Trong các tình huống này, prolactic thôi thúc ta tìm kiếm sự kết nối, kết đôi. Huron cho rằng khi nghe nhạc buồn, não bộ bị "lừa" tiết ra prolactin giúp an ủi nỗi buồn, phản ứng lại với nỗi đau tinh thần ở tầm vi tế nhất - mà không cần sự hiện diện của nỗi đau tinh thần như ở ngoài đời thực.Ảnh: UnsplashDù vậy, giới nghiên cứu vẫn chưa đạt được sự đồng thuận với giả thuyết này: Một số nghiên cứu cho thấy prolactin và oxytocin có đóng vai trò khiến nhạc buồn nghe vui hơn, trong khi một nghiên cứu khác lại không tìm thấy bằng chứng cho thấy nhạc buồn kích thích sự gia tăng của prolactin trong cơ thể. Giả thuyết của Huron cũng không giải thích được tại sao âm nhạc lại có sức mạnh độc đáo để an ủi người nghe so với các hình thức nghệ thuật khác. Theo Huron, các kích thích khác, như tranh ảnh có hình mặt buồn, hoặc các lời chia sẻ thân mật có nội dung buồn, cũng sẽ có tác động tương tự. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2001 đã chỉ ra rằng nếu so với trải nghiệm nghe nhạc buồn, sự hưng cảm giảm hẳn khi các đối tượng nghiên cứu chỉ được xem hình ảnh mặt buồn.Nhạc buồn nhưng không cô đơn!Nhìn chung, giới nghiên cứu, dù có ở phía nào của tranh luận, đều đồng thuận rằng cảm xúc của con người khi nghe nhạc là hết sức đa chiều - khi nghe một bản nhạc tuyệt đẹp, người ta không chỉ thấy vui đơn thuần, và khi nghe nhạc buồn thì cũng tương tự.Năm 2016, một khảo sát 363 người nghe nhạc cho thấy cảm xúc được gợi nên bởi các bản nhạc buồn rơi vào 3 nhóm chính: sự tức giận, nỗi sợ và mất kiểm soát; âu sầu (melancholia) - nỗi buồn nhẹ nhàng và mang hơi hướng khát khao, thương thân; và "nỗi buồn đẹp", một cảm xúc tương đối tích cực, mang tính an ủi và khích lệ. Hầu hết người nghe khi nghe nhạc buồn đều mô tả sự tổng hòa của cả 3 cảm xúc trên.Patrik Juslin, nhà tâm lý học âm nhạc tại Đại học Uppsala (Thụy Điển), đồng tác giả một số nghiên cứu về nỗi buồn trong âm nhạc với David Huron, đặt giả thuyết: con người có các cơ chế nhận thức, trong đó nỗi buồn là một trong các cảm xúc có thể được sinh ra khi nghe nhạc buồn. Các phản ứng vô thức của cuống não, sự đồng điệu của âm nhạc với các nhịp điệu trong cơ thể, phản xạ có điều kiện với một số âm thanh, các ký ức được gợi mở - cơ chế này có thể bao gồm tất cả các điều trên. Vì nỗi buồn luôn là cảm xúc mạnh mẽ, sự hiện diện của nỗi buồn có thể tạo nên các phản ứng thấu cảm mãnh liệt: Việc cảm nhận được nỗi buồn của người khác - tức "buồn lây" - có thể chạm đến những phần sâu trong tâm trí ta.Mario Attie-Picker, triết gia tại Đại học Loyola (Chicago), phần nào xuôi theo ý tưởng này. Ông cho rằng con người nghe nhạc không phải vì các phản ứng cảm xúc. Một số đối tượng nghiên cứu trong công trình "Về giá trị của nhạc buồn" (tập san Journal of Aesthetic Education, tháng 4-2024) cho biết nhạc buồn, dù mang tính nghệ thuật, lại không thực sự dễ nghe với họ; có lẽ họ nghe nhạc vì muốn được kết nối với người khác. Ứng vào nghịch lý của nhạc buồn: Chúng ta yêu nhạc buồn không phải vì thích nỗi buồn, mà vì trân quý sự kết nối giữa người với người.Thế nhưng, cảm xúc luôn phức tạp, và từ đây nhiều câu hỏi mới lại mở ra: Vậy thì ta đang kết nối với ai? Là người nghệ sĩ, là chúng ta của ngày xưa, hay một người bạn tưởng tượng? Và tại sao chỉ riêng âm nhạc lại có sức ảnh hưởng độc đáo, sâu rộng đến vậy?Gần như mỗi nhà nghiên cứu thuộc đề tài này đều công nhận sự phức tạp của vấn đề, và giới hạn của các nghiên cứu hiện có. Tuy nhiên, Attie-Picker khi bảo vệ kết quả nghiên cứu của mình với tờ The New York Times, cũng đưa ra một câu trả lời ngắn: "Nghe hợp lòng người là được". Một số nhà tâm lý đã nghiên cứu cách mà các thành tố trong tâm nhạc (nhịp độ, nhịp điệu, âm sắc, tông trưởng - thứ) ảnh hưởng đến cảm xúc của người nghe. Các nghiên cứu này cho thấy một số cấu trúc âm nhạc có tác động mang tính phổ quát đến người nghe: xuyên suốt các đất nước và nền văn hóa, điệu hát ru luôn mang một số thành tố âm thanh giống nhau, mang lại cho trẻ em và người lớn cảm giác an toàn. Tuy vậy, Juslin cho rằng các nghiên cứu này đóng góp không nhiều vào cuộc thảo luận khoa học hiện tại xoay quanh tác dụng của nhạc buồn. Trong một nghiên cứu, ông viết "Họ chỉ dời gánh nặng giải thích từ mức độ "Tại sao chương hai của giao hưởng Eroica của Beethoven gợi cảm giác buồn?", sang "Tại sao nhịp độ chậm gây cảm giác buồn?". Tags: Âm nhạcNhạc buồnNghiên cứu âm nhạc
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 95 năm ngày thành lập Đảng THÀNH CHUNG 03/02/2025 Sáng 3-2, đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt vòng hoa, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ nhân 95 năm ngày thành lập Đảng.
Ông Nguyễn Thanh Nghị làm bí thư Đảng bộ các cơ quan Đảng TP trực thuộc Thành ủy TP.HCM CẨM NƯƠNG 03/02/2025 Sáng 3-2, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị công bố các quyết định thành lập, kết thúc, giải thể tổ chức Đảng theo kế hoạch số 427 ngày 28-1-2025 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.
Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng ban CẨM NƯƠNG 03/02/2025 Ông Nguyễn Mạnh Cường - trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM (cũ) - giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.
Taylor Swift, Cardi B, Billie Eilish và dàn sao tỏa sáng trên thảm đỏ Grammy 2025 THƯỢNG KHẢI 03/02/2025 Dưới ánh đèn flash chớp nháy liên hồi, thảm đỏ Grammy 2025 trở thành sàn diễn thời trang, quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Taylor Swift, Cardi B, Billie Eilish, Chappell Roan...