Di sản của "rắn săn mồi"

HOA KIM 03/02/2025 06:43 GMT+7

TTCT - Có một con rắn đã miệt mài bò khắp các thể loại màn hình, trên đủ nền tảng trong gần 30 năm qua, và để lại sau đó không phải vết bò ngoằn ngoèo mà là một di sản to lớn với ngành công nghệ: con rắn trong trò chơi di động Snake (rắn săn mồi).

Di sản của "rắn săn mồi" - Ảnh 1.

Có một con rắn đã miệt mài bò khắp các thể loại màn hình, trên đủ nền tảng trong gần 30 năm qua, và để lại sau đó không phải vết bò ngoằn ngoèo mà là một di sản to lớn với ngành công nghệ: con rắn trong trò chơi di động Snake, hay rắn săn mồi như nhiều người quen gọi.

Đầu tháng 12-2024, Nothing - hãng điện thoại thông minh của Anh được biết đến với những thiết kế hướng đến tương lai với mặt lưng trong suốt cùng hệ thống đèn LED độc đáo - cho biết người dùng Nothing Phone đã có thể tải xuống một phiên bản làm lại của trò Snake thông qua cửa hàng tiện ích của hãng. 

Gần 30 năm sau lần ra mắt trên điện thoại Nokia 6110 (1997), con rắn ảo này vẫn chưa ngủ yên, trái lại, còn trườn thẳng vào ngôi đền lịch sử công nghệ.

Sức hút từ sự giản đơn

Snake cực kỳ đơn giản với đồ họa chỉ là những chấm đen trắng trên màn hình và các nút điều khiển là 4 phím điều hướng của điện thoại. Khi được cài sẵn trong Nokia 6110 trắng đen, Snake nhanh chóng trở thành hiện tượng vào thời điểm mà khái niệm "chơi game trên điện thoại" vẫn còn khá mới mẻ.

"Tôi vẫn nhớ đã nài nỉ bố cho tôi mượn "cục gạch" 6110 của ông để chơi Snake - cây bút tự do Ayla Angelos hồi tưởng trong bài viết đăng trên trang mạng về sáng tạo It's Nice That - Bố luôn đồng ý, và bằng cách đó chiếc điện thoại của ông đã có thêm công dụng mới ngoài việc nhắn tin và gọi điện liên quan đến công việc như thường lệ".

Angelos vẫn nhớ như in tất cả cảm xúc từ bực tức đến thích thú khi chơi Snake, trò chơi mà cô miêu tả là "khiêm tốn nhưng cực kỳ gây nghiện". 

Di sản của "rắn săn mồi" - Ảnh 2.

Từ việc thao tác trên những phím bấm vật lý thô kệch với âm thanh "bíp bíp" đi kèm kinh điển của các điện thoại xưa cho đến kỹ năng lèo lái con rắn để ăn càng nhiều "mồi" là những điểm ảnh pixel trên màn hình càng tốt trước khi trò chơi kết thúc vì con rắn tự đâm đầu vào thân mình.

"Snake là trò chơi đầu tiên thật sự đưa tôi đến với công nghệ và thế giới của những chiếc điện thoại di động, và đây là một trong những trò chơi phổ biến gợi lại vô vàn ký ức và hoài niệm - Angelos viết - Đó là khởi đầu cho một công dụng mới của điện thoại di động".

Thế hệ lớn lên cùng smartphone sẽ không bao giờ hình dung điện thoại di động từng "thô sơ" thế nào, và hiểu được trong những năm WiFi, 3G chưa phổ biến, điện thoại cục gạch và rắn săn mồi có thể giúp giết thì giờ, diệt chán nản ra sao.

Lựa chọn tình cờ

Có thể nhiều người không biết, ngay từ ban đầu, Snake là game chơi hai người chứ không phải chơi đơn. Nửa cuối thập niên 1990, Nokia bắt đầu đánh giá khả năng phát triển các ứng dụng trò chơi nhằm mở rộng khả năng của điện thoại di động.

"[Snake] được thai nghén từ yêu cầu của nhóm tiếp thị sản phẩm mong muốn có một trò chơi có thể tận dụng tính năng kết nối hồng ngoại sắp được giới thiệu trên các sản phẩm của công ty" - Taneli Armanto, lập trình viên "cha đẻ" của Snake, nhớ lại.

Armanto đến với dự án một cách tình cờ. Với thâm niên hơn 10 năm tại Nokia, ông đã tham gia phát triển giao diện người dùng của những mẫu điện thoại cầm tay đầu tiên của hãng, và là người tạo ra những giai điệu nhạc chuông "gây thương nhớ" của Nokia như Groovy Blue, Kick, Caprice, hay Critter.

Với dự án làm game, một đồng nghiệp của Armanto cho rằng ông là người phù hợp nhất để suy nghĩ ra các "trò chơi nhỏ thú vị" nhằm mở rộng khả năng của điện thoại Nokia. Bắt tay vào việc, Armanto cùng cộng sự phải vượt qua vô số giới hạn về mặt kỹ thuật. 

Đầu tiên, số lượng phím bấm có thể dùng để chơi game chỉ giới hạn trong những phím vật lý trên điện thoại. Mặt khác, màn hình nhỏ của những chiếc điện thoại "cục gạch" đồng nghĩa các kỹ sư chỉ có không gian không quá 48 x 84 điểm ảnh pixel trắng đen để thực thi ý tưởng, chưa kể bộ nhớ máy cũng vô cùng hạn chế.

"Chúng tôi cần một trò chơi 2 người chơi cực kỳ đơn giản (để điều khiển), một trò chơi phù hợp với màn hình điện thoại - Armanto nhớ lại - May mắn thay, tôi từng chơi một trò chơi như vậy trên máy Macintosh trước đó, và nhận ra nó phù hợp một cách hoàn hảo với các tiêu chí mà chúng tôi tìm kiếm".

Di sản của "rắn săn mồi" - Ảnh 3.

Theo Armanto, trò chơi xếp gạch Tetris nổi tiếng cũng là một trong số các ứng viên được cân nhắc để đưa vào điện thoại Nokia, nhưng lại gặp trục trặc ở khâu bản quyền. Trong khi đó, Snake không gặp vấn đề về bản quyền, là một trò chơi đơn giản, không tốn nhiều dung lượng, có thể hiển thị tốt trên màn hình nhỏ, lại chỉ cần những phím bấm tối giản để điều khiển. "Thế là chúng tôi quyết định chọn nó" - Armanto giải thích.

Để chơi đôi, hai điện thoại Nokia phải đặt cạnh nhau và kết nối qua hồng ngoại. Màn hình của hai người chơi sẽ được đồng bộ, mỗi người sẽ phải điều khiển con rắn của mình. Nói một cách nào đó, đây là game mobile kết nối không dây đời đầu. Ngành công nghệ di động sẽ tiến rất xa từ cột mốc này.

Di sản to lớn

Snake được lập trình bằng ngôn ngữ C giống như nhiều phần mềm điện thoại khác cùng thời kỳ, và được "viết tay" 100% bởi thời đó chưa có các công cụ hỗ trợ lập trình viên thuận tiện như bây giờ. 

Trong quá trình kiểm thử để tối ưu cách con rắn di chuyển trên màn hình, Armanto nhận ra với bàn phím điện thoại thì rất khó để người chơi thao tác một cú quay đầu 90 độ nhằm tránh đâm vào 4 cạnh màn hình, không giống như khi sử dụng bàn phím máy tính. 

Ông bèn "lén" giúp người chơi bằng cách tăng thêm thời gian từ lúc đầu rắn chạm vào chướng ngại vật cho đến khi trò chơi thật sự ghi nhận cú va chạm (tức độ trễ so với mắt người chơi nhìn thấy), nhằm cho phép thêm thời gian xử lý. "Có thể nhờ vậy mà người chơi thích trò chơi này hơn một chút" - ông suy nghĩ giản dị.

Có thể khi viết ra trò rắn săn mồi, chính Armanto cũng không nghĩ rằng di sản của nó có thể tồn tại gần 3 thập kỷ với nhiều phiên bản mới vẫn tiếp tục được phát hành cho đến tận hôm nay. 

Theo It's Like That, ngày nay có hơn 420 trò chơi di động tương tự như Snake chỉ tính riêng trên cửa hàng ứng dụng dành cho các thiết bị chạy hệ điều hành iOS. "Tôi đã chơi Snake trên không biết bao nhiêu là thiết bị! Ngay cả chiếc ấm đun nước thông minh mà tôi sử dụng cũng có một phiên bản của trò chơi Snake. Đó là một trong những trò chơi đã tồn tại lâu đến nỗi trong tâm trí tôi nó chưa từng không tồn tại" - Robyn Bremner, nhà sản xuất chính tại Ustwo games, nói.

Di sản của "rắn săn mồi" - Ảnh 4.

Phiên bản Snake hiện đại, chơi trực tuyến nhiều người.

Khi gõ từ khóa "snake game" trên công cụ tìm kiếm Google, người dùng cũng có thể bắt gặp một phiên bản hiện đại khác của trò rắn săn mồi với đồ họa nhiều màu sắc và âm thanh vui nhộn - một cách tri ân đặc biệt đối với tượng đài của ngành game và giới công nghệ. Hay ngay bên dưới là đường dẫn vào snake.io, phiên bản game online nhiều người chơi vô cùng hiện đại.

Snake, ở thời điểm mà nó ra mắt, cho chúng ta thấy những gì có thể làm trên một chiếc điện thoại di động và khiến người dùng khắt khe hơn một chút đối với những gì họ kỳ vọng ở một sản phẩm công nghệ của tương lai. 

"Những chi tiết nhỏ được thêm vào để giúp cuộc sống của người chơi dễ dàng hơn, sự vắng bóng của lỗi lập trình, vẻ đẹp của mã nguồn. Nó hoàn hảo - Armanto dùng nhiều mỹ từ khi hoài niệm về Snake - Và thi thoảng tôi vẫn còn tìm đến trò chơi này".

Nhiều người biết đến trò rắn săn mồi qua chiếc điện thoại Nokia, nhưng trò chơi có nguyên lý tương tự sớm nhất từng được ghi nhận là Blockade, do Gremlin Interactive phát triển năm 1976.

Tương tự như với Snake, hai người chơi Blockade nhấn các phím mũi tên để di chuyển nhân vật, để lại phía sau một vệt chướng ngại vật trên đường. Để giành chiến thắng, họ phải sống sót càng lâu càng tốt mà không đâm đầu vào chướng ngại vật do chính mình hoặc người chơi khác tạo ra.

Trò chơi này đã truyền cảm hứng cho nhiều tựa game khác có lối chơi tương đồng, như Bigfoot Bonkers được phát hành cùng năm, Worm năm 1978 hay Nibbler năm 1982. Nhưng phiên bản nổi tiếng nhất trong số này không nghi ngờ gì chính là Snake.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận