TTCT - Có đúng hoa mai vàng là loài hoa được khắc trên Cửu đỉnh - tượng đài văn hóa Việt? Nghị đỉnh - đỉnh thứ hai, hàng bên trái trong bộ Cửu đỉnh. Ảnh bên trái là hình ảnh hoa mơ trên Nghị đỉnh.Trên nhiều trang báo xuân và chương trình truyền hình Tết hằng năm luôn có những bài viết về hoa mai vàng, và thế nào cũng có lời nhận định: đây là loài hoa được khắc trên Cửu đỉnh - tượng đài văn hóa Việt. Có đúng vậy không?Cửu đỉnh là 9 chiếc đỉnh đồng đúc vào thời Minh Mạng, đặt trước Thế Miếu - Hoàng thành Huế, vừa được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới vào tháng 5-2024. Trên thân của mỗi chiếc đỉnh chạm khắc hình ảnh vũ trụ, núi sông, biển cả, muông thú, cây cối, vũ khí, sản vật tiêu biểu của quốc gia, tạo thành bức tranh toàn cảnh của nước Đại Nam thống nhất thời nhà Nguyễn.Đại Nam Thực Lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, cho biết sau khi đúc xong 9 chiếc đỉnh (tháng 5, Bính Thân 1836), vua Minh Mạng "sai chọn thợ khéo chạm khắc hình tượng vào các đỉnh". Trên mỗi đỉnh khắc "đều 17 loại, mỗi loại đều 9 cái".Cụ thể, 9 chiếc đỉnh được khắc hình ảnh của 9 vì tinh tú và hiện tượng của vũ trụ; 9 ngọn núi lớn; 9 con sông lớn; 9 con sông đào và sông khác; 9 biển, cửa biển, cửa quan; 9 con vật linh; 9 con thú lớn; 9 loài chim; 9 loài cá, ốc, côn trùng; 9 loài cây lương thực; 9 loài cây rau củ; 9 loài hoa; 9 loài cây lấy quả; 9 loài cây dược liệu quý; 9 loài cây thân gỗ; 9 loại vũ khí; 9 loại xe, thuyền, cờ.Một loài hoa bị nghĩ nhầm?Chi tiết "hoa mai vàng" bắt đầu xuất hiện trong bài "Les bas-reliefs des urnes dynastiques de Huế" (Những hình chạm nổi trên Cửu đỉnh Huế), đăng trên tạp chí Bulletin de la Société des études indochinoises của Hội nghiên cứu Đông Dương, tập XLIX, số 3-1974, của nhà nghiên cứu người Pháp R. P. Barnouin. Khi chú thích về các hình chạm khắc trên Nghị đỉnh (đỉnh thứ 5 trong 9 chiếc đỉnh đồng), bên cạnh hình ảnh cây mai trổ hoa có khắc chữ 梅 (mai), R. P. Barnouin ghi chú là: 梅 Mai, cây mai (Ochna integerrima).Ochna integerrima là tên khoa học của loài thực vật có hoa, thuộc họ Mai (Ochnaceae), chi Mai vàng (Ochna), tức là hoa mai vàng - loài hoa đặc trưng của ngày Tết ở miền Nam. Theo ghi chú của R. P. Barnouin thì Mai trên Nghị đỉnh là hoa mai vàng. Phải chăng từ thông tin này mà một số nghiên cứu sau đó, về Cửu đỉnh và hoa mai vàng, đã mặc định rằng cây mai trên Nghị đỉnh là hoa mai vàng?Ngay cả trong hội thảo khoa học "Định hướng phát triển mai vàng Huế" do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 10-2-2022, vẫn có một số ý kiến tiếp tục xác định cây mai trên Nghị đỉnh là hoa mai vàng. Mới đây, sau khi Cửu đỉnh được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới, NXB Mỹ Thuật đã ấn hành cuốn Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở hoàng cung Huế do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế biên soạn, cũng ghi chú dưới hình đúc "Mai" 梅 là: (Hoa Mai) Apricot blossom, Ochna integerrima. Nhưng từ năm 2010, đã có nhiều nghiên cứu xác định đây là một sự nhầm lẫn.Trong sách Đất nước Việt Nam qua cửu đỉnh Huế (NXB Tri Thức, tháng 12-2010), tác giả Dương Phước Thu cho biết trong 9 loài cây lấy quả có "cây mai" khắc trên Nghị đỉnh. Tác giả giải thích: Mai (梅) tục danh là cây mơ, dân gian quen gọi là bạch mai, tuyết lý mai... Hoa của cây này đầu xuân đã nở ra 5 cánh mỏng, nở hết hoa rồi mới nẩy lá, quả chua, chín thì có sắc vàng. Quả của cây này có nhiều dược tính, được đông y lấy để chế làm thuốc bổ dưỡng và chữa một số bệnh.Lập luận này có lý, bởi trên 9 đỉnh đã có đủ 9 loài hoa (tử vi, sen, lài, hồng, hải đường, hướng dương, hoa sói, dâm bụt, ngọc lan). Nếu trên Nghị đỉnh là hoa mai vàng thì 9 đỉnh lại có đến 10 loài hoa, và chỉ có 8 loài cây lấy quả. Mặt khác, trên Nghị đỉnh đã khắc hoa hải đường, vậy thì có đến hai loài hoa trên cùng một đỉnh mà lại không có loài cây lấy quả nào cả.Đại Nam Nhất Thống Chí, bộ địa chí nước Đại Nam do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, trong phần chép về loại hoa, cũng đã ghi đủ 9 loại hoa được khắc trên Cửu đỉnh, và loại hoa khắc trên Nghị đỉnh là hoa hải đường. Đại Nam Thực Lục khi chép về việc đặt 9 chiếc đỉnh trước sân Thế Miếu, cũng đã liệt kê đầy đủ các hình ảnh khắc trên chín đỉnh. Trong đó, "Nghị đỉnh khắc các hình: sao Nam Đẩu, cửa biển Thuận An, cửa quan Quảng Bình, sông Bạch Đằng, sông Cửu An, chim uyên ương, con voi, con bướm, cá hoa xanh, hoa hải đường, cây mai...".Nếu nhìn hình còn nghi hoặc thì chữ khắc sẽ minh định. Vì bên mỗi hình khắc trên cửu đỉnh đều ghi tên của hình ảnh đó bằng chữ Hán. Hình ảnh các loài hoa được khắc chữ 花 (hoa): Tử vi hoa, Liên hoa, Mai khôi hoa, Hải đường hoa, Quỳ hoa, Trân châu hoa, Thuấn hoa... Các loại cây chỉ được khắc tên cây. Cụ thể, trên Nghị đỉnh đã khắc: 海棠花 (hải đường hoa), 梅 (mai)... Cốt cách "đạp tuyết tầm mai"Vì dáng cây khẳng khiu và bông hoa năm cánh, lại có chữ 梅 (mai) khắc bên cạnh, nhiều người đinh ninh đó là hoa mai vàng. Nhưng các từ điển Hán Việt đều giải thích danh từ 梅 (mai) nghĩa là cây mơ, hoa mơ.Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu giải thích nghĩa thứ nhất của chữ 梅 là: "cây mơ, đầu xuân đã nở hoa, có hai thứ trắng và đỏ. Thứ trắng gọi là lục ngạc mai 綠萼梅, nở hết hoa rồi mới nẩy lá, quả chua, chín thì sắc vàng".Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh cũng giải thích "Mai: cây mơ, có thứ hoa trắng, có thứ hoa vàng".Hán Việt tân tự điển của Nguyễn Quốc Hùng giải thích: "梅: cây mơ, có hoa trắng năm cánh, nở mùa đông giữa băng tuyết có quả khô, tươi, dùng ăn và nêm nấu hay làm thuốc".Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung (tiến sĩ, phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế), văn chương thời trung đại của các nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam hay nhắc đến "mai hoa" chính là loài hàn mai - tức là cây mơ. Và đề tài trang trí trên các kiến trúc cung đình Huế luôn xuất hiện hình ảnh hoa mai trắng hoặc mai đỏ, không có mai vàng. "Trên Nghị đỉnh trong bộ Cửu đỉnh có hình ảnh cây mai, cũng chính là loài hàn mai đó", ông Hải Trung xác định. Văn chương trung đại Việt Nam, khi nói đến loài hoa mai vàng luôn đi cùng chữ "hoàng" (黃) để thành "hoàng mai" 黃梅. Trong thơ các vua Nguyễn, xuất hiện nhiều hình ảnh hoa mai, đó là loài hàn mai.Trong bài "Mạn đàm chữ Mai" đăng báo Thừa Thiên Huế ngày 19-7-2010, nhà nghiên cứu thực vật học Đỗ Xuân Cẩm (giảng viên Trường đại học Nông lâm Huế) cho biết chữ 梅 (mai) tiếng Trung đọc là "méi", để chỉ cây mơ, có tên khoa học là Prunus armeniaca thuộc họ Hoa hồng - Rosaceae. Loài mai này (tức là cây mơ) ở Trung Quốc ra hoa từ mùa đông, kéo dài đến mùa xuân, trải qua một thời kỳ băng giá, vì thế mới có "đạp tuyết tầm mai" hoặc "mai cốt cách, tuyết tinh thần".Còn cây hoa mai vàng, tên khoa học Ochna integerrima thuộc họ Hoàng mai (Ochnaceae) thì gọi là kim liên mộc (金莲木). Loài kim liên mộc này có ở Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam, nở hoa vào cuối mùa xuân.Trong Trung Quốc thực vật chí (tức khu hệ thực vật Trung Quốc - Flora of China) ghi rõ: kim liên mộc (金莲木) tên khoa học là Ochna integerrima (Lour.) Merr.; hình ảnh đúng là hoa mai vàng. "Như vậy, với chữ Mai (梅) duy nhất trên Nghị đỉnh, phải hiểu đó là bạch mai, tức là cây mơ", nhà nghiên cứu thực vật học Đỗ Xuân Cẩm khẳng định. Trong sách Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca, vua Tự Đức giải nghĩa: "Quất là cây quýt, mai mơ, trà chè". Vua ghi rõ bằng chữ nôm: 梅 麻 (mai - mơ).Sách Thực vật bản thảo khúc viết về các loài thực vật là thực phẩm và dược phẩm xưa (NXB Thuận Hóa 2024), phần viết về "quả bộ" (67 loại quả) cũng viết về quả mơ: "Mai là mơ năng điều khát thủy/thông yết hầu, hạ khí hợp nghi". Dịch giả Lê Minh Khiêm chú giải: "Ý nói trái mơ giải khát, thông cổ, hạ huyết áp". Tags: Hoa tếtHoa MaiCửu ĐỉnhLịch sử
Bí thư Nguyễn Văn Nên thăm hỏi, lì xì gia đình công nhân THẢO LÊ 26/01/2025 Sáng 26-1 (27 Tết), Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức chương trình 'Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, tặng quà công nhân, lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025' cho hơn 200 gia đình công nhân.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Sếp người Thái nhận lương khủng ở công ty nhựa lớn nhất miền Nam BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Ông Chaowalit Treejak - thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc Nhựa Bình Minh - nhận tiền lương, thù lao năm 2024 gần 6,2 tỉ đồng. Mức này cao gấp gần 4 lần thu nhập bình quân lãnh đạo doanh nghiệp sàn chứng khoán 2023, theo dữ liệu của Fiingroup.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.