Ông Trump nhậm chức: Cơn ngây ngất dưới mái vòm Điện Capitol

H.MINH 27/01/2025 05:26 GMT+7

TTCT - Trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống Mỹ lần thứ hai, ông Donald Trump đã hứa hẹn về "thời đại hoàng kim" cho siêu cường số 1 thế giới, nhưng những ý tưởng trong đó lại gợi nhớ đến một quá khứ cũ kỹ hơn nhiều.

Ông Trump nhậm chức: Cơn ngây ngất dưới mái vòm Điện Capitol - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

"Tôi trở lại với cương vị tổng thống đầy tự tin và lạc quan là chúng ta sẽ khởi đầu một kỷ nguyên mới mẻ huy hoàng", ông nói. 

Và dù cũng liệt kê nhiều thách thức, ông khẳng định những thử thách đó sẽ bị "nghiền nát" dưới bánh cỗ xe Hoa Kỳ. "Thời đại hoàng kim của nước Mỹ", ông đoan chắc, "đã bắt đầu".

Nước Mỹ hùng cường

Bất chấp nhiều cảnh báo về sự nổi lên của Trung Quốc hay mối đe dọa từ Nga, sự thật là nước Mỹ chưa bao giờ hùng mạnh và tự tin như bây giờ. Buổi lễ nhậm chức của ông Trump, diễn ra dưới mái vòm đường bệ của trụ sở quốc hội, tòa nhà Capitol, chính là hiện thân cho sức mạnh đó. 

Vây quanh tân tổng thống là những người giàu có và quyền lực nhất thế giới, những người đang nắm vận mệnh của một phần lớn nhân loại trong tay. 

Elon Musk, Jeff Bezos và Mark Zuckerberg là những người giàu nhất, nhì và ba trên thế giới, cùng với Tim Cook, họ đồng thời là chủ nhân của các công ty nắm trong tay những công nghệ tác động lên đời sống hàng tỉ người.

Thật trớ trêu (hay chính vì), trong khi nước Mỹ hiện nắm ưu thế gần như độc quyền về các công nghệ mới nhất, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), thì bài phát biểu của tân Tổng thống Trump lại đầy rẫy hình ảnh và lý lẽ của chủ nghĩa đế quốc kiểu thế kỷ 19. 

Trump tuyên bố ông sẽ đặt lại tên đỉnh núi cao nhất nước Mỹ, Denali, là núi McKinley, và ca ngợi chính sách áp thuế quan của vị tổng thống thứ 25 này (1897-1901). Ông cam đoan sẽ đặt lại tên vịnh Mexico là "vịnh Mỹ", và hứa hẹn sẽ dẫn dắt nước Mỹ theo đuổi "vận mệnh hiển nhiên hướng tới những vì sao". 

"Vận mệnh hiển nhiên" (manifest destiny) mà ông nói tới từng là khái niệm nền tảng hình thành nên nước Mỹ hiện đại: niềm tin rằng người Mỹ có phận sự và vận mệnh mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương. 

Xuất hiện từ thế kỷ 19, ý tưởng đó biện minh và cổ vũ cho nước Mỹ mở rộng lãnh thổ không ngừng, với tốc độ chóng mặt, bằng cả những biện pháp hòa bình lẫn chiến tranh, suốt từ khi lập quốc, để trở thành siêu cường rộng mênh mông như ngày nay.

Ông Trump nhậm chức: Cơn ngây ngất dưới mái vòm Điện Capitol - Ảnh 2.

Các đại gia công nghệ trong lễ nhậm chức của ông Trump. Ảnh: AFP

Nước Mỹ đáng ngại

Trong thế kỷ 21 này, cùng với Trump, ý tưởng đó đang được khoác tấm áo mới: trước khi nhậm chức, ông đã nhắc lại yêu cầu mua đảo Greenland của Đan Mạch, đùa cợt về việc biến Canada thành tiểu bang thứ 51, và ngay trong bài phát biểu nhậm chức, không quên nhắc lại chuyện chiếm lấy kênh đào Panama, bằng vũ lực nếu cần thiết.

"Tôi đã được Chúa cứu vớt để giúp nước Mỹ lại trở nên vĩ đại - ông nói khi mô tả vụ ám sát ông mùa hè năm ngoái - Tám năm qua, tôi đã trải qua thử thách không ngừng, hơn bất kỳ tổng thống nào trong 250 năm lịch sử của chúng ta". 

Lịch sử đang có nguy cơ lặp lại chính nó, dù dưới một hình thức khác, nếu như những ý tưởng cổ điển và tưởng như đã lỗi thời: vận mệnh hiển nhiên, những dân được Chúa chọn, và chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ (bộ trưởng quốc phòng của ông Trump, Pete Hegseth, đã không kể nổi tên dù chỉ một nước ASEAN khi được hỏi trong phiên điều trần phê chuẩn ở Thượng viện) lại được thúc đẩy để hiện thực hóa lần nữa.

Về mặt lịch sử, các tổng thống Mỹ thường qua bài phát biểu nhậm chức chuyển hướng từ những hứa hẹn cao xa trên đường tranh cử thành thứ ngôn ngữ quản trị nhà nước thực tế hơn. Nhưng ông Trump đang làm ngược lại: ông hứa hẹn còn quá khi tranh cử. ("Ở Mỹ, chúng ta giỏi nhất là làm những việc bất khả thi").

Cũng ngay trong ngày nhậm chức, ông ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp đảo ngược các chính sách của chính quyền tiền nhiệm. 

Ông muốn đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu khí, hứa hẹn áp thuế quan mạnh tay, triển khai binh lính tới biên giới với Mexico, siết chặt quy định nhập cư, quay lại với định danh giới tính truyền thống, đánh bại lạm phát, tinh gọn bộ máy và nhiều chuyện khác nữa.

"Sức mạnh của chúng ta sẽ giúp chặn đứng mọi cuộc chiến tranh và mang tinh thần đoàn kết về lại một thế giới đang đầy giận dữ, bạo lực và hoàn toàn không thể đoán trước", ông khẳng định. 

Chưa thể kết luận ông làm được bao nhiêu trong lời hứa đó, nhưng nếu có thể nói gì về Trump từ khi thắng cử thì đó là chính ông, và nước Mỹ của ông, mới đang trở nên khó đoán hơn bao giờ hết. Mà điều đó chắc chắn là không dễ chịu cho tất cả những ai không được may mắn sống trong thế giới của biệt lệ Hoa Kỳ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận