'Nghe nói về phát hiện thuyền cổ, tôi 'đùng đùng' bay ra, về Bắc Ninh...'

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 16/04/2025 14:21 GMT+7

TTCT - Nghe tin người dân Bắc Ninh đào ao phát hiện 2 xác thuyền cổ, Kỹ sư hàng hải, nhà nghiên cứu độc lập về tàu thuyền Đỗ Thái Bình tự mình bay ra hiện trường tham dự và đóng góp ý kiến.

Kỹ sư hàng hải, nhà nghiên cứu độc lập về tàu thuyền Đỗ Thái Bình là người dày dạn kinh nghiệm trong hoạt động dịch vụ hàng hải Việt Nam, tác giả nhiều cuốn sách quan trọng và có tính phổ cập về thế giới tàu thuyền nói riêng và hàng hải nói chung, như Sổ tay lắp ráp tàu thủy, Sổ tay sửa chữa tàu, Thuyền buồm Đông Dương (dịch), Trong thế giới tàu thuyền, Sổ tay công nghệ đóng tàu. Kỹ sư hàng hải Đỗ Thái Bình còn là người đeo đuổi bền bỉ những chuyến đi khảo cứu quan trọng, mà thành quả là nhiều cuốn sách sắp ra mắt như Từ điển bách khoa hàng hải, Khảo cổ tàu thuyền, Từ điển hàng hải Trung - Anh - Việt, khảo cứu "Ba nhà nho vượt ngục Guyane"… 

Nghe tin người dân Bắc Ninh đào ao phát hiện 2 xác thuyền cổ và cuộc truy tầm nghiên cứu của giới chuyên môn về hai con thuyền cổ này, ông tự mình bay ra hiện trường tham dự và đóng góp ý kiến. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện với ông sau chuyến đi.

thuyền cổ - Ảnh 1.

Ông Đỗ Thái Bình

Chuyện phát hiện hai con thuyền cổ ở Thuận Thành, Bắc Ninh là sự kiện lớn của ngành khảo cổ. Nhiều cơ quan chuyên môn của Nhà nước đã và chắc chắn sẽ vào cuộc. Ông là nhà nghiên cứu độc lập và doanh nhân tư nhân, có tiếng trong việc nghiên cứu tàu thuyền, lần này có ai "huy động" ông không?

Tôi chẳng ngồi chờ ai mời. Nhiều người giỏi trong giới đã và đang làm việc tại các cơ quan liên quan, các chuyên gia nổi tiếng và có trọng trách trong nghề như các anh Nguyễn Việt, chị Lê Thị Liên… đã gọi tôi trao đổi ngay thông tin. Trong mối quan tâm thời sự lớn đến việc phát hiện "tàu thuyền cổ", người dân còn tới, nữa là tôi - dân trong nghề.

Thế là tôi đùng đùng đi ngay sáng thứ hai ngày 24-3-2025, bay thẳng ra và về Thuận Thành, Bắc Ninh "nhập đoàn" luôn. Không ở một tổ chức, cơ quan nào, tôi ăn ở ngay tại trận. Nhà nghỉ và sinh hoạt khá rẻ, gần chợ Dâu. Tôi chịu được rét miền Bắc 13 độ. Nắng hanh khô. Ăn ngon ngủ yên. Giữa làng quê giờ có cả Winmart, có cả shipper đưa hàng tới tận nhà… 

Thế là tôi đủ công cụ hỗ trợ đảm bảo sức khỏe ở tuổi 84 để tham gia. Anh em đi xe máy, đi bộ ra hiện trường sẵn sàng giúp đỡ, nhưng tôi có một chú xe ôm người làng lúc nào cũng sẵn sàng lên đường, để việc đi lại được độc lập.

Chuyện ở "hội nghị đầu bờ"

Tình hình tại chỗ khai quật ấy như thế nào, nghe nói có cả "hội nghị đầu bờ ", ông có tham gia không?

Hà Nội đã huy động tốt các lực lượng nghiên cứu. Viện Khảo cổ phối hợp với tỉnh Bắc Ninh đã thành lập ngay nhóm khai quật, do tiến sĩ Phạm Văn Triệu đứng đầu. Có lẽ vì nghiên cứu thuyền nên tình cờ các anh em đều có tên bắt đầu bằng chữ T: Triệu, Tiệp, Thắng, Toàn, Tùng, cỡ tuổi trên 40, đều đã "thực chiến" khảo cổ khắp miền đất nước, chỉ có điều là chưa bao giờ khảo cổ dưới nước, khai quật tàu thuyền. 

Tỉnh Bắc Ninh có cô Nguyễn Biển - cán bộ Bảo tàng tỉnh - cùng tham gia. Và đủ các chuyên gia có chuyên môn nền tảng như lịch sử, khảo cổ, mỹ thuật, kiến trúc… làm việc nhiệt tình ngày đêm. 

Với tinh thần trân trọng di tích, như lời dặn của thầy Trần Quốc Vượng "Khai quật khảo cổ là hành động duy nhất, không thể lặp lại được, nó đồng thời là sự tiêu hủy vĩnh viễn di tích khảo cổ" nên anh em rất thận trọng, chỉ khai quật một phần, tức là chỉ vét ruột thuyền để lộ ra tám thân "cụ thuyền" đã nằm dưới nước hàng nghìn năm nay. Sự có mặt của tôi, một kỹ sư đóng tàu nhiều năm nghiên cứu tàu thuyển cổ, có thể bổ sung cho nhóm khai quật một thành phần đáng ra phải coi là thiết yếu.

Ngày thứ tư 26-3 có "Hội nghị đầu bờ", tức là mời các nhà khoa học tham quan công trường và sau đó tổ chức hội thảo mini ngay tại chỗ. Ông có tham gia không? Dưới mắt ông, "hai con thuyền ấy" như thế nào? Ông miêu tả đơn giản cho mọi người đều hiểu được nhé…

Là dân "ngoại đạo", đây là lần đầu tiên tôi được gặp và được nghe những cây "đại thụ" trong ngành khảo cổ của nước ta, những tên tuổi như Tống Trung Tín, Bùi Minh Trí, Hà Văn Cẩn… phát biểu, tất cả đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng mà các bạn có thể tìm đọc. 

Nhưng gần gũi nhất, có nhiều yếu tố "công nghệ" nhất là ý kiến của TS Nguyễn Việt, người mà tôi thân thiết, đã cùng làm chiếc thuyền buồm cánh dơi.

thuyền cổ - Ảnh 2.

Ông Đỗ Thái Bình cầm thước thuyết minh giới thiệu thuyền cổ cho đoàn cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Ảnh: THÂN VĂN TIỆP

Về chiếc "thuyển cổ sông Dâu" này, ta có thể hiểu như thế này. Trước hết, các cụ tiền nhân đốn hai cái cây to lớn dài hơn 10m, đường kính khoảng 1,2 tới 1,5m rồi dùng rìu đục gọt, có chỗ dùng lửa thui đốt cho nhanh. 

Kết quả là khoét được thân cây tạo thành lòng đáy con thuyền. Trong khoảng 5m giữa chiều dài thuyền thì giữ thẳng theo chiều cây, tại hai đầu vát dần lên thành mũi và đuôi thuyền cho lướt trên nước.

Thông thường muốn mạn nhô cao thêm thì phải be ván thêm hai bên hai dải ván cao 2 tấc là cùng. Vậy mà tại đây các cụ đã thực hiện một việc khủng khiếp: be thêm 8 dải cao tới 1,8m ngút đầu người, thành cái hộp chứ không có chỗ ngồi chèo. 

Như vậy có thể nó chỉ là cái phao tạo sức nổi để giữ trên đó phần thượng tầng rộng rãi nằm trên hai con thuyền gắn chặt với nhau như những chiếc thuyền hai thân catamaran đang chạy các tuyến ven bờ, tuyến Sài Gòn - Côn Đảo. 

Trên nền tảng hai cái phao chắc chắn đó, người ta có thể dựng sàn gắn kết hai thuyền lại với nhau. Trên đó có thể là lầu nhỏ để vua quan đi thăm thú, hành lạc. Phía trên thuyền hiện nay không còn dấu vết gì. Người ta đang cố gắng xác định niên đại bằng cách thử C14 các mẫu gỗ, nghiên cứu địa chất đất bùn bám dưới đáy thuyền…

thuyền cổ - Ảnh 3.

Khối gỗ có 4 chấm là khối gỗ trụ đuôi, to dày được đóng xuống thân thuyền bằng 4 cái chốt gỗ to bằng cổ tay để gia cường kết nối hai mạn thuyền, đáy là chiếc độc mộc và cái ván bửng (transom) đuôi thuyền. Ảnh: ĐỖ THÁI BÌNH

Với "thuyền cổ sông Dâu" này, ông có "phát hiện" gì? Ông có xác định được thuyền đóng vào thời nào không? Cái gì chứng tỏ nó cổ?

Xét về mặt công nghệ, ta có thể thấy rằng các cụ kỵ nhà ta đã áp dụng công nghệ cổ xưa nhất, "công nghệ thời Đông Sơn". Đó là chế tác độc mộc, ghép nối bằng đục mộng và nhét chốt, ngàm vào, có đinh gỗ giữ lại. Không có những cong giang - tức cái sườn ép vào giữ các tấm ván lại - một phương pháp chỉ xuất hiện sau này. 

Ngay cái vách cũng chưa hiểu đúng chức năng của nó. Các thanh ngang tại "vách" chủ yếu chỉ để giữ cự ly giữa hai mạn thuyền, sau đó mới đóng góp phần gia cường thuyền. Hai đầu thuyền là hai tấm ván bửng (transom) để kết nối các dải ván hai bên mạn với nhau. 

Vì là độc mộc "khủng" nên cần phải gia cường hai đầu thuyền, vì thế các cụ phát minh ra hai cái khối gỗ to tướng (bow post và stern post) ở hai đầu mũi và đuôi thuyền, được giữ bằng bốn cái chốt gỗ to bằng cổ tay. 

Cái khối gỗ ấy trông rất ấn tượng, đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi đặt chân lên công trường, vì chưa từng thấy con thuyền độc mộc nào được gia cường bằng khối gỗ như thế, trong sách vở và các bảo tàng.

Việc chế tác độc mộc như vậy có thể nói là ở đỉnh cao rồi, nhưng tôi nghĩ các cụ có vẻ "hụt hơi" với dự án này. Việc "gông" các ván be tại đầu mũi, nơi gay go nhất, nơi thử sức tài năng, tại đó còn có lỗi kỹ thuật. 

Chính cái lỗi đó càng chứng tỏ sự cố gắng vượt qua các giới hạn của sự hiểu biết thời xa xưa, và làm câu chuyện bảo tàng, nghiên cứu càng lý thú và có giá trị.

Hoạt động chuyên môn của ông ở hiện trường như thế nào?

(Chỉ vài tấm hình): Đây, tôi đứng cùng công nhân đào bới, vét đất để quan sát thân thuyền và trao đổi với các chuyên viên đo đạc về các kết cấu thuyền. Lúc đoàn của Viện hàn lâm Khoa học xã hội đến hiện trường, tôi cùng các anh em khảo cổ trao đổi, giải thích các thắc mắc. 

Tôi cũng tranh thủ trao đổi với các lão nông nghề đóng thuyền, như nói chuyện ngay qua điện thoại video với lão nghệ nhân đóng thuyền Lê Đức Chắn ở Quảng Yên - người mà tôi đã từng học hỏi nhiều năm khi còn nghiên cứu tàu thuyền suốt vạt Quảng Ninh. Tôi cũng trao đổi thư từ với một vài chuyên gia quốc tế mình quen biết.

Ở "hội nghị đầu bờ" này có những cuộc trao đổi sâu giữa các chuyên gia đầu ngành. Hiện nay vẫn đang giai đoạn nghiên cứu, phát hiện, chờ thêm các kết quả xét nghiệm và cần tham vấn quốc tế.

thuyền cổ - Ảnh 4.

Ông Đỗ Thái Bình cùng TS Phạm Văn Triệu (trưởng đoàn khai quật của Viện Khảo cổ) khảo sát dải ván mũi thuyền số 2. Ảnh: THÂN VĂN TIỆP

Một ước mong về bảo tàng hàng hải quốc gia

Theo ông, sau này nên có cách gì "bảo tàng" tốt nhất cho thuyền cổ vừa phát hiện?

Tôi nghĩ nên làm bảo tàng ngay tại chỗ. Gỗ ngâm dưới đất lâu đời sẽ no nước, đưa lên có nhiều vấn đề về môi trường, thời tiết. Bảo quản "gỗ no nước khảo cổ học" là cực kỳ quan trọng, là cả một môn khoa học mà TS Nguyễn Việt đã có một số kinh nghiệm thực tiễn.

Khu vực phát hiện thuyền cổ này trên sông Dâu, một con sông cổ của Bắc Ninh nổi tiếng xứ quan họ nhiều di tích lịch sử, thu hút du lịch. Địa điểm thuyền cổ này gần các chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Nôm, đền Sĩ Nhiếp, Luy Lâu… là đất văn hóa cổ. Người dân ở đây hiền hòa hiếu khách, đi chợ họ giảm giá ngay khi biết đoàn về phục vụ khảo cổ di tích quê hương.

Tôi từng đi thăm hơn 30 bảo tàng hàng hải trên thế giới. Ba Lan có trung tâm bảo quản xác tàu CKWS tại thị trấn Tczew nhỏ bé, một chi nhánh của Bảo tàng Hàng hải quốc gia Ba Lan tại thành phố Gdansk. Trung tâm này được các nước EU xây dựng, chuyển giao công nghệ tiên tiến nhất. 

Chính các kỹ sư đóng tàu của chúng ta đã giới thiệu tôi tới thăm bảo tàng và trung tâm này, vì các lãnh đạo nơi đây đều là bạn học ngày xưa. Đó là một bảo tàng và trung tâm hiện đại, người xem được tham gia quá trình xử lý xác tàu từ lúc đem khỏi mặt nước, làm sạch, ngâm hóa chất, như PEG, gia cố các phần thiếu cho tới khi trưng bày. 

Kèm theo là các câu chuyện, các trò chơi điện tử gắn liền với lịch sử các con tàu đắm. Có lẽ đó là một mô hình mà chúng ta có thể học hỏi hợp tác.

Việc tham gia sự kiện này có gợi ý ông điều gì trong nghiên cứu?

Ngoài các sách vở về chuyên môn đóng tàu và hàng hải đã được đào tạo, tôi còn dịch một số sách về tàu thuyền truyền thống. Đó là cách tự học tốt nhất từ các người thầy nước ngoài trước khi tự mình nghiên cứu có bài bản. 

Tôi đã dịch cuốn Thuyền buồm Đông Dương của J. B Pietri, Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam của P. Pietri, Gỗ và Thuyền Việt Nam của bà Salnave (sắp xuất bản), Bè tre vượt Thái Bình Dương của Tim Severin, Những di sản tàu cá của Ken Preston (sách ảnh, sắp xuất bản).

thuyền cổ - Ảnh 5.

Gần đây, khi viết ký sự khoa học "Cuộc khai quật tàu cổ Cù lao Chàm" tôi muốn kể lại một sự kiện lớn mà chúng ta đã thực hiện vào năm 1997, sử dụng cả phương pháp lặn bão hòa - cuộc khai quật duy nhất trên thế giới cho tới nay. 

Được tham gia sự kiện này là một may mắn đối với tôi, vì tôi đang hoàn thành cuốn sách Khảo cổ tàu thuyền từ nhiều năm nay. Con thuyền cổ trên sông Dâu này xứng đáng có vị trí trang trọng trong cuốn sách đó.

Một sự kiện như "thuyền cổ trên sông Dâu" này khiến ông thấy mình có điều gì nói với các bạn trẻ?

Có nhiều điều muốn nói, nhưng cái dễ thấy nhất là nghiên cứu cần liên ngành và nhiều đam mê. TS Phạm Triệu đã biết liên ngành, đã huy động cả việc quét 3D để số hóa từ công ty GIT Việt, đó là một việc làm đúng đắn, sử dụng ngay các phương pháp hiện đại trong kỷ nguyên số này. 

Nhiều lần tôi muốn nói với các bạn trẻ đang học đóng tàu chuyện về một trong những người nghiên cứu sâu về tàu thuyền cổ Trung Quốc hiện nay là giáo sư Xi Longfei (席龙飞-Tịch Long Phi). Ông xuất thân từ trưởng bộ môn kết cấu tàu Đại học Vũ Hán. Nhiều chuyên gia có gốc công nghệ hoặc nhà nghiên cứu có học hỏi khoa học đóng tàu hiện có mặt tại Trung tâm Khảo cổ dưới nước của nước này tại Tam Á, đảo Hải Nam. 

Chúng tôi muốn kêu gọi các trường dạy công nghệ đóng tàu nên có bộ môn lịch sử và kết nối với các trường nhân văn. Có thế, chúng ta mới có thể xây dựng ngành khảo cổ dưới nước được tốt đẹp cũng như chuẩn bị cho Bảo tàng Hàng hải quốc gia trong tương lai.

Ông đã nhắc tới Bảo tàng Hàng hải quốc gia. Vậy tại sao với một đất nước có biển rộng sông dài, có truyền thống hàng hải, như Li Tana viết trong cuốn A Maritime Viet Nam (Một Việt Nam Hàng hải) mà tới nay chưa có một bảo tàng như vậy?

Để trả lời câu hỏi này, một vài lời không đủ, cần tới một hội thảo mà báo chí đứng ra tổ chức. Một ngôi nhà to lớn, chứa các vật thu gom được cùng với cầu tàu, bến nước... để phô diễn các tàu thuyền như bảo tàng các nước đã làm, là một việc tốn kém tiền bạc và đất đai nhưng không khó. 

Nhiều địa phương đã dự định cắt đất, cắt bãi biển để làm việc này. Nhưng coi chừng có thể "mắc mưu" các đại gia bất động sản. Ta từng biết, có một bảo tàng Hà Nội hoành tráng nhưng lại vắng như chùa Bà Đanh.

Vấn đề là ai sẽ thổi hồn vào cái công trình bảo tàng đó. Tất nhiên phải là những con người, những trí thức của biển thuộc nhiều chủng loại khác nhau, tức là trông cậy vào giáo dục đào tạo. Cho nên xây dựng Bảo tàng Hàng hải quốc gia không thể vội được, mà phải bắt đầu bằng việc bảo quản, gìn giữ và trưng bày những thứ nho nhỏ, như chiếc "thuyền cổ sông Dâu" này.

Xin cảm ơn ông nhiều.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận