Lên non "đón mật"

THÁI BÁ DŨNG 23/04/2015 05:04 GMT+7

Tây nguyên được xem như “vựa mật” trải dài trên bình nguyên bao la từ các thung lũng trắng xóa hoa cà phê lên tận đỉnh Ngọc Linh huyền bí với các loài hoa của núi rừng.

Bà Thảo, chủ trại ong, dựng trại “đón mật” tại rừng cao su xã Ia Chim (TP Kon Tum) - Ảnh: B.D.

Tháng 3, “mùa con ong đi hút mật” cũng là mùa chứng kiến một cuộc di cư lạ lùng từ khắp nơi đổ về: hàng ngàn đàn ong được đóng kín trong thùng gỗ vượt đường xa ngược lên Tây nguyên tìm mật.

Ở Tây nguyên mùa này, đi vào các vườn cà phê đang độ bung hoa trắng xóa, giữa mùi thơm ngào ngạt của hoa hay dưới các hàng cao su bạt ngàn chạy hun hút vào thung lũng, đâu đâu cũng thấy cảnh người nuôi ong tất bật trong hành trình “đón mật”.

“Lộc trời”

Trận mưa hiếm hoi vào những ngày tháng 3 nóng bỏng, khát khô khiến khu rừng cao su ở xã Ia Chim, nơi chỉ cách trung tâm TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) chừng 25km nhưng heo hút như ở chốn rừng sâu, như hồi sinh trở lại. Sau nhiều tháng ngủ vùi trong khô khát, những thân cao su hôm trước còn xác xơ bỗng bừng tỉnh, lá non đâm tua tủa.

Bà Nguyễn Thị Thảo bật dậy sau giấc ngủ mỏi nhừ trong túp lều, nhìn ra đám cao su rồi khẽ lay chồng: “Ông ra mà coi, chuyển ong thôi”. Bao ngày rong ruổi khắp các cánh rừng để tìm vùng mật, ông Đinh Khắc Nghị - chồng bà Thảo - cũng không tin nổi vào mắt mình khi lô cao su chỉ sau một trận mưa đã “lột xác” phơi chồi tơ mơn mởn.

Đối với người nuôi ong, đây là khoảnh khắc hiếm hoi được chờ đợi nhất. Lá cao su vừa nhú ra là giai đoạn cuống lá cho nhiều mật hơn bao giờ hết. Nhìn bằng mắt thường sẽ không thấy được các “sợi” mật nằm khuất lấp dưới cuống và gân lá, nhưng đối với loài ong, chỉ cần ngửi thấy mùi là cả đàn kéo nhau bay về đánh chén thỏa thích.

Trại ong của vợ chồng ông Nghị đặt giữa lô cao su của Nông trường Ia Chim. Cứ vào đầu tháng 3 trở đi, những người nuôi ong như ông ở khắp nơi lại cất công đánh xe máy đi thám thính vùng mật rồi chọn một địa điểm ưng ý nhất để đặt trại. “Có những năm hạn kéo dài, cây cối héo rũ, hoa ra không đạt nhưng tôi vẫn kiên trì đưa ong đến đây bởi vùng này như là nhà của chúng tôi rồi” - ông Nghị nói.

Những ngày đầu tháng 3, sau nhiều tháng cho đàn ong dưỡng mật tại các vườn cà phê ở gần nhà, vợ chồng ông lại chuẩn bị cho một hành trình rong ruổi dài ngày qua các vùng đất cao nguyên để tìm mật. Con cái, nhà cửa gửi lại cho hàng xóm, vợ chồng ông chất ong lên thùng xe rồi lặng lẽ rời đi trong đêm hướng về các khu rừng cao su.

“Ong là loài rất nhạy cảm, nuôi chúng cực chẳng khác gì nuôi con mọn nên từ việc vận chuyển cho đến nơi đặt trại tôi đều phải hết sức kỹ càng. Đàn ong phải được “di cư” trong đêm khi chúng còn ngon giấc và có mặt ở điểm tập kết vào sáng sớm. Sau vài tuần nghỉ ngơi để thích nghi với môi trường mới, chúng bắt đầu đánh mật” - ông Nghị cho biết.

Túp lều tạm bợ của người nuôi ong dựng giữa rừng cao su - Ảnh: B.D.

Giữa lô cao su đang khoe mầm non mơn mởn, túp lều dã chiến của cặp vợ chồng người nuôi ong nằm cạnh hàng trăm thùng ong được đặt san sát, thẳng tắp. Cả một cánh rừng cao su bạt ngàn không một bóng người. Thỉnh thoảng vài cán bộ bảo vệ lại ghé vào trại ong để thăm hỏi, chuyện trò.

Ông Tư Hợi, một chủ trại ong, bộc bạch: “Chúng tôi dựng lán giữa rừng, chẳng biết người quen kẻ lạ mà người dân vẫn coi như đồng bào nghèo với nhau. Người nuôi ong coi mật là lộc trời, làm ăn thắng lợi thì chúng tôi mời dân một bữa nhậu hay vài lít mật coi như cái lễ. Hết mùa hoa lại lên đường nhưng lúc nào cũng có cảm giác muốn trở lại”.

Trại ong của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thiệp, chị Đặng Thị Thanh (Sơn Tây, Quảng Ngãi) cách túp lều của vợ chồng ông Nghị một lô cao su. Một buổi sáng, chị Thanh và bà Thảo tình cờ ra ngã ba đầu đường mua thức ăn thì gặp nhau. “Suốt ngày chúng tôi lầm lũi với ong, có khi mấy ngày chẳng thấy mặt người. Thấy chị Thanh mua cá khô, nước mắm nhiều hỏi ra mới biết cùng là người nuôi ong với nhau nên mừng lắm” - bà Thảo nói. Vợ chồng chị Thanh cũng đưa ong từ vùng núi xa xôi của Quảng Ngãi ngược lên Tây nguyên để “đón mật”.

“Chúng tôi đi khắp nơi, chỗ nào có hoa là đến, nhưng với Tây nguyên thì năm nào cũng có mặt bởi ở đây hàm lượng và chất lượng mật rất cao” - chị Thanh nói.

Đang mùa rộ mật nên hầu hết lô cao su được các chủ ong cắm chốt dựng lán. Anh Thái Khắc Tuấn - cán bộ quản lý của Nông trường cao su Ia Chim - nói cứ đến mùa này vườn cao su gần như được “phân lô”. Chủ trại ong khắp nơi từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi cho đến Bình Dương, Cần Thơ... tìm đến các trạm bảo vệ cao su để xin đặt ong.

Rừng cao su bạt ngàn, heo hút. Cán bộ nông trường khi thấy người nuôi ong đến xin cũng háo hức và đồng ý ngay. “Có họ, chúng tôi cũng đỡ buồn, thỉnh thoảng đến uống nước, nói chuyện cho bớt nhớ nhà” - anh Tuấn tâm sự.

Đi tìm vựa mật

Người nuôi ong cho biết trong tất cả các loại mật thì mật nhãn, mật từ hoa cà phê, chồi non cao su có giá và được ưa chuộng nhất. Tuy nhiên những vùng nhãn ở tận Bắc Giang hay đồng bằng sông Cửu Long chỉ có chủ ong ở lân cận mới đưa ong đến, chứ người ở xa ít ai mạo hiểm do rủi ro quá cao.

Bởi vậy, đối với người nuôi ong khắp nơi, khi cây cà phê, cao su ở Tây nguyên đâm chồi, bung hoa cũng là thời điểm đẹp nhất để đưa ong đi đánh mật. Đây cũng là mùa các nông trại trên cao nguyên trở thành những vựa mật bất tận cho người nuôi ong.

Ông Nguyễn Văn Liêm vui mừng bên những thùng mật thu hoạch đầu mùa - Ảnh: B.D.

Anh Phan Bá Ngọc, chủ trại ong ở Kon Tum, cho biết từ trước tết hai vợ chồng anh đã lên đường đưa ong lên vùng cà phê để chuẩn bị cho vụ khai thác mật. Hành trang mang theo chỉ gồm chăn màn, gạo muối và một chú chó. Để chống ruồi muỗi, anh Ngọc cùng vợ cắt những tấm vải màn lớn rồi bao quanh căn lều.

Trại ong của anh Ngọc chỉ hơn 300 thùng nhưng từ đầu mùa cao su đến nay đã cho gần 2 tấn mật. “Không nơi đâu bình yên, an toàn cho ong mà mật lại nhiều như ở Tây nguyên. Mỗi mùa đánh mật, nếu suôn sẻ, ong khỏe mạnh, chăm chỉ thì hai vợ chồng tôi kiếm được cả chục tấn mật, trừ chi phí còn cầm trong tay vài trăm triệu đồng” - anh Ngọc cho biết.

Giữa nắng vàng như rót mật ở Tây nguyên, chúng tôi chạy xe đi dọc tuyến quốc lộ 25 từ Gia Lai về Phú Yên, quốc lộ 19 từ Pleiku về biên giới giáp ranh với Campuchia đâu đâu cũng thấy bạt ngàn hoa cà phê trải thảm, oằn trĩu các thung lũng. Nơi nào có hoa cà phê, nơi đó có ong. Giữa Tây nguyên bao la, được nghe giọng nói đặc trưng của người từ các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Quảng Ngãi... bỗng thân thương đến lạ.

Ông Tư Hợi nói: “Anh em chúng tôi để vợ con ở nhà, đưa ong từ An Giang lên Đức Cơ (Gia Lai) đánh mật. Cái nghề này nó thế, đi khắp nơi cũng lãng mạn lắm. Ở đâu có hoa, có mật là đi”. Cùng đi với ông Hợi còn có bốn người nuôi ong khác. Họ tập hợp ong lại rồi thuê xe tải đưa ong lên Tây nguyên từ vài tháng trước để dưỡng ong, đợi mùa mật về.

“Chúng tôi lên đây từ trước tết. Mỗi lần nghe điện thoại con gọi ba mà ứa nước mắt, nhớ nhà lắm nhưng phải theo ong thôi” - người nuôi ong tại trại ông Tư Hợi nói.

Tháng 1, tháng 2 trở đi, khi cây cà phê bắt đầu bung hoa, đàn ong tỏa đi khắp nơi bắt đầu một mùa mật mới. Người nuôi ong từ thời điểm này tất bật cả ngày đêm, vừa chăm cho ong mạnh khỏe, vừa canh tổ để lấy mật. Ông Hợi cho biết ở Tây nguyên hoa lá mênh mông nên nguồn mật rất dồi dào, chỉ cần vài ba tuần là người nuôi lại thu hoạch (quay ong) một đợt.

Ông Hợi kể về các vựa hoa của Tây nguyên mà ông thuộc nằm lòng như chính người Tây nguyên: “Người nuôi ong lên Tây nguyên muốn lấy mật cao su thì phải tìm đến Chư Sê, Chư Prông (Gia Lai), Đắk Hà, TP Kon Tum (Kon Tum). Còn muốn đón mật cà phê thì qua Krông Ana, Buôn Hồ, Krông Năng (Đắk Lắk), lấy mật hoa điều thì vào Đức Cơ, Chư Prông (Gia Lai)...”.                      

Săn mật rừng   

Ngoài việc tìm nguồn mật từ các loài hoa cà phê, cao su, nhiều người nuôi ong ở các nơi còn cất công đưa ong lên vùng rừng núi ở thung lũng Ngọc Linh (huyện Đắk Glei, Kon Tum) và xã Ngọc Tem (Kon Plông, Kon Tum) để đón các loại mật từ cây hoa dại. Người nuôi ong cho biết mật từ hoa rừng có màu đẹp và thơm ngon không thứ mật nào sánh bằng, bán rất có giá. Tuy nhiên việc đưa ong lên núi còn ít người làm vì ong nhà không quen môi trường mới, thường bị các loài ong lớn khác giết hại dẫn đến giảm số lượng bầy đàn.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận