TTCT - Bánh mì kẹp sâu cho bữa sáng, sữa gián và sữa ruồi đen luôn sẵn có ở căngtin, và món cháo dế sẽ sưởi ấm những đêm mưa rét. Đây là những loại thực phẩm thân thiện với môi trường, hứa hẹn sẽ cách tân chế độ ăn uống “xấu xí” của loài người trong tương lai. Ảnh: ShutterstockTheo Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO), sản xuất nông nghiệp toàn cầu phải tăng 70% để có thể nuôi sống 9,1 tỉ người - dân số thế giới dự kiến vào năm 2050. Vấn đề là nông nghiệp là một trong những nhân tố thúc đẩy tàn phá tự nhiên nhiều nhất, đe dọa 86% trong số 28.000 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, theo báo cáo mới đây của Tổ chức Chatham House (Anh) và Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc.Trong bối cảnh này, côn trùng được kỳ vọng là một giải pháp thay thế hấp dẫn cho việc chăn nuôi động vật lấy thịt truyền thống, bởi chúng bổ dưỡng và có lợi cho môi trường. Cũng vì những lý do này mà “ăn côn trùng có thể được tận dụng như là một công cụ hiệu quả để chống lại cái đói và suy dinh dưỡng” - Esther Ngumbi, phó giáo sư côn trùng học Đại học Illinois Urbana-Champaign, viết trên trang The Conversation năm 2018.Còn trong 1 bài viết hồi tháng 2-2021, tạp chí Time cho rằng các loại côn trùng như dế có thể là “giải pháp sáu chân cho nạn đói của thế giới”. Bài viết dẫn lời Agnes Kalibata, đặc phái viên của hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực thế giới 2021, cho rằng nuôi côn trùng sẽ mang lại giải pháp đơn giản mà hiệu quả cao cho các khủng hoảng chằng chịt của thế giới: biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, nạn đói và suy dinh dưỡng.Tốt cho tương laiNói chung, côn trùng có thành phần dinh dưỡng giống như thịt: giàu đạm và chất béo, ít carbohydrate (đường, tinh bột và chất xơ). Theo một nghiên cứu mới đây trên tạp chí môi trường Environmental Research Letters, nếu người dân ở châu Phi và châu Á bổ sung thêm 5g thức ăn từ côn trùng vào chế độ ăn uống hằng ngày, họ có thể giảm đáng kể nguy cơ suy dinh dưỡng. Cụ thể, nguy cơ thiếu hụt đạm, kẽm, vitamin B12 và tình trạng thiếu máu có thể giảm.Nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Harvard và ĐH Wisconsin-Madison (Mỹ) cũng cho rằng 5g/người/ngày không phải là con số lớn đối với mỗi cá nhân. Tuy vậy, theo tính toán sơ bộ, sẽ cần đến 25.000 tấn côn trùng (trọng lượng khô) mỗi ngày mới đủ cung cấp cho tổng dân số của các địa bàn thuộc nghiên cứu (khoảng 5 tỉ người). Khả năng sản xuất lượng lớn côn trùng như vậy sẽ cần được nghiên cứu thêm. Nhưng vào lúc này, chúng ta vẫn có thể nhìn vào mặt tích cực: chăn nuôi côn trùng thân thiện với môi trường hơn chăn nuôi truyền thống.Kể từ năm 2003, FAO đã thúc đẩy chuyện ăn côn trùng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Trong tài liệu “Đóng góp của côn trùng vào an ninh lương thực, sinh kế và môi trường”, FAO giải thích: vì côn trùng là loài máu lạnh (nhiệt độ cơ thể thay đổi theo nhiệt độ môi trường), tỉ lệ chuyển đổi thức ăn chăn nuôi (đầu vào) sang thịt (đầu ra) của chúng hiệu quả hơn so với các loài máu nóng như heo, bò. “Trung bình, côn trùng có thể chuyển đổi 2kg thức ăn thành 1kg khối lượng côn trùng, trong khi gia súc cần 8kg thức ăn để cơ thể tăng thêm 1kg”, theo tài liệu trên.Mặt khác, côn trùng sử dụng ít nước và đất hơn so với chăn nuôi truyền thống, đồng thời tạo ra ít khí thải nhà kính hơn. Chúng ta còn có thể nuôi côn trùng bằng phế phẩm của ngành trồng trọt, và rồi dùng phân của chúng để chăm bón ngược lại cho cây trồng. “Vấn đề của hệ thống nông nghiệp của chúng ta là ta không có đủ sự đa dạng để đáp ứng được các vùng khí hậu và cảnh quan khác nhau. Điểm tuyệt vời ở côn trùng là bạn có thể nuôi chúng ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ môi trường nào” - Leah Bessa, thành viên sáng lập Gourmet Grubb - một công ty khởi nghiệp ở Nam Phi chuyên món “kem tươi từ sữa côn trùng”, nói với báo The Guardian. Entomo ở Canada là trang trại nuôi côn trùng để làm thức ăn cho người lớn nhất Bắc Mỹ. Ảnh: Getty ImagesKhông chỉ rào cản tâm lýVới một số nền văn hóa trên thế giới, ăn côn trùng là “chuyện muỗi” mà thôi. Nhưng ở châu Âu hay Mỹ, chăn nuôi và tiêu thụ côn trùng là một cuộc cách mạng tư tưởng, và đang từng bước được công nghiệp hóa. Hồi tháng 5, lần đầu tiên trong lịch sử, Liên minh châu Âu đã thông qua việc lưu hành một loại thực phẩm từ côn trùng, cụ thể là loài sâu bột (Tenebrio molitor). Trong lúc đó, các đầu bếp ở Mỹ thì xôn xao hè về với một loạt độc chiêu thưởng thức ve sầu.Làn sóng sôi động này tất nhiên không thể thiếu các công ty khởi nghiệp. Ở Anh, Small Giants có món snack vui miệng với 15% thành phần là bột dế. Đối thủ Crunchy Critters không kém cạnh với đa dạng sản phẩm chứa từ sâu bột đến châu chấu. Ở Đức, Beat Burger là thương hiệu bánh mì kẹp “thịt” làm từ sâu quy (Alphitobius diaperinus) và đậu... Có thể thấy, cách làm phổ biến là nghiền côn trùng thành bột để chế biến ra các món ăn quen thuộc, thay vì thưởng thức “nguyên con”.Tuy nhiên, thuyết phục người tiêu dùng thử một món làm từ côn trùng là một chuyện, nhưng khiến họ đưa những dế cùng sâu vào danh sách đi chợ hằng tuần lại là chuyện khác. Để tiết kiệm thời gian, ta chỉ cần bàn đến mức độ đón nhận các thực phẩm làm từ côn trùng của công chúng kể từ sau đại dịch COVID-19.Mong muốn tiêu thụ các sản phẩm côn trùng (ví dụ như sữa chua và mứt giàu đạm côn trùng) đã giảm đáng kể trong các đợt phong tỏa vì COVID-19, theo một cuộc khảo sát tại Catalonia (Tây Ban Nha). Được công bố trên tạp chí khoa học thực phẩm Foods, khảo sát trên cũng chỉ ra rằng văn hóa phương Tây tiếp tục gán ghép côn trùng với thực phẩm kém chất lượng và thức ăn của các nước thu nhập thấp.Một phát hiện quan trọng khác là COVID-19 đã khiến người dân quan tâm nhiều hơn đến bệnh truyền nhiễm do virus, và rủi ro mất an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với chuyện ăn côn trùng. Do đó, người tiêu dùng cần được đảm bảo rằng việc tiêu thụ côn trùng là an toàn, thông qua nhãn mác sản phẩm, các chứng nhận và thông tin về nguồn gốc của chúng...Thật ra, phần lớn côn trùng hiện nay được nuôi để làm thức ăn cho các vật nuôi khác - chủ yếu là cá và gà. Cho côn trùng ăn bắp, sau đó cho gà ăn côn trùng... bất kỳ người nào cũng có thể hỏi: tại sao không cho gà ăn bắp ngay từ đầu? Nếu ta duy trì cách làm này, côn trùng sẽ không thể thay thế cho các loại thịt hiện nay, mà chỉ là một nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi.“Càng có nhiều bước trong chuỗi thức ăn thì càng lãng phí năng lượng và thực phẩm” - tiến sĩ côn trùng học Sarah Beynon, người điều hành một trang trại côn trùng ở Anh, chia sẻ trên The Guardian. Nói cách khác: chúng ta nên tự mình tiêu thụ lũ côn trùng đó. Các sản phẩm của hãng Crunchy Critters.Cách ăn uống của ta luôn thay đổiMặt tiêu cực của chăn nuôi công nghiệp, nhận thức về phúc lợi động vật hay chế độ ăn uống “thiên thực vật” phải mất vài thập niên mới được công nhận như hiện nay. Nếu phải so sánh, ngành chăn nuôi côn trùng vẫn còn nhỏ bé, nhưng nếu được phát triển đúng cách và kịp thời, có thể sẽ mang đến những thay đổi to lớn.“Chuyện sẽ không thay đổi sau một đêm và côn trùng sẽ không thay thế 100% thịt, nhưng những người quan tâm đến sức khỏe và môi trường đã bắt đầu tạo ra sự chuyển dịch” - Time dẫn lời nhà sinh học Jenna Jadin, tác giả quyển Cicada-licious, một cẩm nang nấu ăn chuyên về bánh bao và các món khác từ ve sầu.Lịch sử cho ta lý do để lạc quan: văn hóa ẩm thực vẫn luôn thay đổi. 500 năm trước, người Ý nghĩ rằng cà chua có độc; vào những năm 1800, người Mỹ coi tôm hùm là của vứt đi và được mang cho tù nhân ăn; sushi giờ phổ biến khắp nơi trong khi 50 năm trước rất ít nền văn hóa chịu ăn cá sống. Côn trùng có thể đi theo quỹ đạo đó, theo Brian Fisher, chuyên gia về kiến thuộc Viện hàn lâm khoa học California.Chính cả quyển sách của Jadin cũng đã chứng kiến sự thay đổi tư duy đó. Cicada-licious xuất bản năm 2004, khi ăn sâu bọ là một ý tưởng kinh khủng; còn bây giờ, cửa hàng thực phẩm organic nơi Jadin sống có cả một quầy kệ dành riêng cho sản phẩm từ côn trùng: sâu bột phủ sôcôla, mì ống dế, dế chiên và dế viên xốt bơ đậu phộng.“Yếu tố bền vững và khía cạnh sức khỏe sẽ khiến mọi người muốn thử các loại côn trùng có thể ăn được. Sau đó mọi thứ rất dễ dàng... họ sẽ tiếp tục trở lại và ăn thêm, bởi vì nó rất ngon” - Fisher nói với Time.“Thực phẩm của tương lai” thường được hiểu là thực phẩm hứa hẹn nhiều tốt lành cho chúng ta, động vật và môi trường. Thế nhưng, chuyện chăn nuôi này có thật sự tốt lành cho côn trùng, khi mà chúng ta chưa hiểu biết nhiều về khả năng tri giác của chúng? Liệu côn trùng có đau đớn trong các trại nuôi không? So với các trại gà, chuồng heo và bể cá - vốn không thuận tự nhiên, mô hình chăn nuôi côn trùng lại có vẻ gần giống với môi trường sống vốn dĩ của chúng - đông đúc, ẩm ướt và tối tăm, vì thế có ý kiến cho rằng con người có thể chăn nuôi mà không ảnh hưởng đến phúc lợi của chúng, nhưng cũng có người nghĩ ngược lại. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Trên bàn ăn tương lai Tags: Ẩm thựcMôi trườngChuyên đềĂn côn trùngCôn trùngĐói
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.