TTCT - Ngành công nghiệp dược và sản phẩm bảo vệ sức khỏe thế giới - vốn quan hệ trực tiếp đến hoạt động chăm sóc sức khỏe, đặc biệt hoạt động phòng chống dịch - đang đứng trước những thách thức lớn chưa từng có. Ảnh: The Conversation Các báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) - Tổ chức Sở hữu trí tuệ cộng đồng châu Âu (EUIPO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) năm 2020 đã cho thấy một cái nhìn toàn cảnh về các nguy cơ và rủi ro đối với công nghiệp dược trong bối cảnh dịch bệnh SARS-CoV-2 đang mất kiểm soát trên nhiều quốc gia và khu vực.Thiếu nguyên liệu dược, bao bì thành phẩm...Cho đến nay, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn là hai quốc gia cung cấp nguyên liệu dược, các hóa chất trung gian và dược phẩm... chủ yếu cho toàn cầu. Gần hai năm nay, hai nước này và đặc biệt trong năm 2021, Ấn Độ đang vật lộn với các đợt tái bùng phát dịch COVID-19. Do đó, nguồn cung nguyên liệu dược đang suy giảm nặng nề, các nguyên liệu dược trở nên khan hiếm, đặc biệt là các thuốc kê đơn thiết yếu và kháng sinh: amoxicillin, clavulanat, ceptriaxon, meropenam, vancomycin, gentamycin và ciprofloxacin... Mặt khác, nhiều quốc gia đang triển khai các biện pháp “phi thị trường”, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu dược và dược phẩm, sản phẩm bảo vệ sức khỏe để đối phó với dịch bệnh trong nước.Ở Ấn Độ, Liên minh công nghiệp dược (Indian Pharmaceutical Alliance - IPA) kiến nghị chính phủ hạn chế xuất khẩu tất cả dược phẩm, nguyên liệu dược để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Việc thiếu nguồn nguyên liệu đã làm giá thuốc tăng khoảng 10 - 15%, cá biệt có trường hợp lên đến 50%.Trên quy mô toàn cầu, nhiều cơ quan quản lý dược công bố danh mục các thuốc có nguy cơ thiếu hụt, đa số là các thuốc liên quan đến điều trị COVID-19 và viêm phổi... FDA Hoa Kỳ công bố danh mục các thuốc liên quan đến hóa trị liệu COVID-19 như hydroxycloroquin, cloroquin và một số thuốc kê đơn cho các bệnh nhân trong các đơn vị chăm sóc tích cực có dấu hiệu suy hô hấp như: azithromycin, dopamine, dobutamin, fentanyl, heparin, midazolam, protofol và dexmedetomidin. Ở Hoa Kỳ, Hiệp hội Dược sĩ hệ thống y tế (AHSP: Association of Health System Pharmacist) cũng công bố danh mục 11 thuốc hạn chế xuất khẩu chủ yếu bao gồm các kháng sinh (meropenem, ceftazidim, ampicillin and doxycycline) và thuốc gây mê (vecuronium, rocuronium, albuterol and fluticasone).Tác động của nguy cơ thiếu thuốc khác nhau trên toàn cầu tùy thuộc vào kênh hiệu thuốc và bệnh viện, trong khi nhu cầu các thuốc liên quan đến COVID-19 ở kênh bệnh viện (bao gồm thuốc hệ hô hấp, thuốc an thần và giảm đau) có thể tăng từ 100 - 700%.Các dụng cụ, thiết bị y tế liên quan đến COVID-19 bao gồm các dụng cụ bảo vệ cá nhân, kính bảo hộ, tấm che miệng mũi, găng tay, trang phục bảo hộ cá nhân... cũng bị các cơ quan quản lý dược hạn chế xuất khẩu (như nghị quyết của Ủy ban châu Âu số 2020/403 ngày 13-3-2020). Có thuốc tăng 17 lầnTình trạng khan hiếm nguyên liệu dược, dược phẩm và tâm lý hoảng loạn mua sắm, tích trữ thuốc và sản phẩm bảo vệ sức khỏe đã góp phần làm giá thuốc tăng, nhất là ở những quốc gia đang trải qua liên tiếp các làn sóng đại dịch. Người tiêu dùng tích trữ thuốc men, sản phẩm bảo vệ sức khỏe quá mức cần thiết, đặc biệt là thuốc điều trị các bệnh mãn tính như: cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần... Ở Ấn Độ, thuốc kháng virus Remdesivir đã tăng giá từ 27 USD lên 464 USD một ống tiêm.Một báo cáo của Tổ chức GoodRx (chuyên theo dõi giá thuốc) đã phát hiện: năm 2020, các nhà sản xuất dược phẩm đã tăng giá khoảng 800 loại dược phẩm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị đảo lộn vì đại dịch. Ở Hoa Kỳ, trong năm 2020, bất chấp việc chính quyền đưa dược phẩm vào danh sách quản lý giá, giá các dược phẩm liên quan đến gói thuốc điều trị COVID-19 vẫn tăng.Đa số nguyên liệu dược (API), các hóa chất trung gian để sản xuất các dược phẩm điều trị các bệnh tiểu đường, tim mạch, kháng sinh, chống nhiễm khuẩn và các vitamin... được nhập khẩu từ Trung Quốc, có loại chiếm đến 80 - 90%. Tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc năm 2020 đã làm đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng nguyên liệu dược và dược phẩm toàn cầu. Mặt khác, Trung Quốc cũng tăng giá các dược phẩm chủ yếu lên từ 10 - 20%. Gần đây, Trung Quốc tăng giá Heparin (thuốc chống đông máu) lên đến 50% cho đến tháng 9-2021.Thị trường thuốc giả: 80 tỉ USDMột báo cáo của INTERPOL ngày 19-3-2020 cảnh báo: Chiến dịch Pangea XIII (chiến dịch chống tội phạm thuốc giả và buôn bán dược phẩm trực tuyến bất hợp pháp) có sự hợp tác của các tổ chức cảnh sát, hải quan và y tế của 90 quốc gia trên thế giới cho thấy các thuốc kháng virus, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang giả và kém chất lượng được rao bán tràn lan trên mạng. Cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã làm cho hoạt động kinh doanh thuốc và vaccine giả trên thị trường thế giới ngày càng nguy hiểm, khi mà việc mua bán dược phẩm online ngày càng phát triển trong bối cảnh cách ly xã hội trên diện rộng ở nhiều quốc gia.Trong báo cáo “Lợi dụng đại dịch - giới tội phạm khai thác khủng hoảng COVID-19” công bố ngày 27-3-2020, INTERPOL nhấn mạnh rằng những nguy cơ do OECD và EUIPO cảnh báo ngày càng trở nên hiện thực do nhu cầu thuốc, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh tăng vọt trong đại dịch... Vấn đề làm việc từ xa (teleworking) và làm việc tại nhà (homeworking) ngày càng phổ biến làm cho các hoạt động tội phạm có tổ chức khó bị phát hiện hơn.Trong chiến dịch Pangea, các nhà chức trách phát hiện được khoảng 4,4 triệu đơn vị (hộp) thuốc giả trên toàn thế giới, bao gồm: thuốc chống ung thư, thuốc an thần, gây ngủ, các steroid, thuốc giảm đau, thuốc thần kinh, thuốc rối loạn cương dương, vitamin và thuốc ngoài da... Khoảng 37.000 dụng cụ y tế giả cũng được phát hiện, đa số là khẩu trang phẫu thuật, dụng cụ bảo hộ cá nhân, bộ tự xét nghiệm (HIV và đường huyết) và kể cả các dụng cụ phẫu thuật...Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc tây ở TP.HCM. Ảnh: Duyên Phan Chiến dịch này đã xóa 2.500 trang web, trang mạng xã hội, cửa hàng trực tuyến và quảng cáo trực tuyến... liên quan đến thuốc giả. Chiến dịch cũng phát hiện 37 nhóm tội phạm có tổ chức trên lĩnh vực dược phẩm, sản phẩm bảo vệ sức khỏe và dụng cụ y tế.Báo cáo về buôn bán thuốc giả và thuốc bất hợp pháp của OECD và EUIPO năm 2020 cũng chỉ ra: Quy mô thị trường thuốc giả khoảng 80 tỉ USD. Trung Quốc, Hong Kong, Singapore và Ấn Độ là những nơi sản xuất thuốc giả chủ yếu.Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ là các quốc gia có nhiều tổ chức sản xuất thuốc giả thì các Tiểu vương quốc Ả Rập, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc), Yemen và Iran là những thị trường trung chuyển, từ đó thuốc giả có thể xâm nhập châu Phi, châu Âu và cả Hoa Kỳ.Những thách thức và rủi ro về vấn nạn thuốc giả hiện diện khắp nơi trên thế giới, nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, nơi mà các kênh phân phối dược phẩm “phi chính thức” phát triển rất mạnh và không an toàn. Thách thức đối với tất cả các quốc gia càng nghiêm trọng với sự phát triển các “hiệu thuốc trực tuyến” giả mạo, thường bán thuốc giả (fake medicines), thuốc kém chất lượng (substandard medicines) với giá rẻ. Người tiêu dùng nhiều khi cũng không nhận được và không quan tâm đến hậu quả nghiêm trọng khi mua thuốc trực tuyến và sử dụng các dược phẩm giả mạo.Giúp người dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩmNgoài dược phẩm, thị trường sản phẩm bảo vệ sức khỏe cũng tăng vọt do mô hình bệnh tật của Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình các bệnh mãn tính, do tuổi thọ tăng, do thu nhập của người dân tăng và khuynh hướng bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh. Sức hút của thị trường làm cho số nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng vọt. Việc ban hành các quy định về thực hành tốt sản xuất (GMP: Good Manufacturing Practice) thực phẩm bảo vệ sức khỏe chậm hơn 2 thập niên so với quy định GMP trong lĩnh vực dược phẩm làm cho tỉ lệ sản phẩm bảo vệ sức khỏe không đạt tiêu chuẩn trên thị trường khá cao, thậm chí năm 2016, tỉ lệ không đạt chiếm đến 33% trên số mẫu kiểm nghiệm (Đồ thị 1).Đồ thị 1: Tình hình chất lượng thực phẩm bảo vệ sức khỏe 2015 - 2019 -(Nguồn: Viện Kiểm nghiệm TP.HCM) Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch SARS-CoV-2 đã bùng nổ tình trạng kinh doanh sản phẩm bảo vệ sức khỏe online, quảng cáo qua mạng xã hội, Internet, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, chat box..., chuyển hàng qua bưu điện hoặc qua người vận chuyển...Với hình thức này người kinh doanh không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại, gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa sản xuất, kinh doanh sản phẩm không bảo đảm chất lượng và an toàn. Việc giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại và sử dụng hình ảnh các nhân vật nổi tiếng (chuyên gia y dược, nghệ sĩ...) để quảng cáo không đúng sự thật về sản phẩm cũng bùng nổ theo sự phát triển công nghệ nghe - nhìn và phương tiện truyền thông đại chúng.Trong bối cảnh như vậy, các nhà sản xuất chân chính cần đầu tư các giải pháp khoa học - công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm, chống giả mạo...Những diễn biến về tình hình dịch COVID-19 trong những ngày vừa qua cho thấy những nguy cơ hiện hữu đối với nước ta.Thất bại của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong kiểm soát dịch và chống thuốc giả là những bài học cho Việt Nam trong quản lý dược phẩm và kiểm soát, khống chế dịch bệnh.Nghiên cứu của OECD về “Khung quản lý chống thương mại bất hợp pháp” đã xác định 3 lĩnh vực cần khẩn cấp nâng cao năng lực thể chế chống buôn lậu và thương mại bất hợp pháp kể cả việc buôn bán dược phẩm và sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, kém chất lượng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa hạ nhiệt trên toàn cầu. Ba lĩnh vực đó là: Nâng cao hiệu quả của các chế tài trừng phạt; nâng cao khả năng sàng lọc, nhận diện việc tăng số lượng và kích cỡ các gói hàng nhập lậu; loại trừ các hoạt động tội phạm liên quan đến buôn lậu ở các khu vực thương mại tự do.Những khuyến nghị của OECD rất có ích cho các nhà quản lý dược phẩm và y tế nước ta trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường.■ Tags: Ấn ĐộTrung QuốcCOVID-19Thuốc tâyGiá thuốcĐứt gãy nguồn cung ứngGiá thuốc tăng
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.