TTCT - Những cuộc quy cố hương lúc này, với nhiều cảnh đời chỉ khiến xót xa đầy trăn trở. Bức tranh Về quê của họa sĩ Thành Chương.Bạn nói chắc dạo này tuổi già đã cập bến mình rồi, nên đọc gì, nhìn thấy gì hơi mủi lòng là mắt rưng rưng ứa lệ. Có cái gì đó cắt ngang qua tim bạn, làm nó đau từng cơn. Đau như lúc đọc những thông tin trong hội giúp nhau, ai đó vẫn kêu cứu giữa đêm khuya, ai đó đã mất liên lạc và không còn cơ hội gặp lại người thân yêu của mình đâu nữa. Những cuộc rời nhà một mình, chống chọi một mình và ra đi một mình, đã khiến những mất còn trở thành mong manh hơn bao giờ hết. Đau như lúc bạn nghĩ, rằng trong nhiều cuộc chia ly, có ai đó đã kịp chào nhau trước đó, và bao nhiêu người đã kịp siết một vòng tay ôm lấy người thân.Bạn ướt nước mắt, là hình ảnh người từng đoàn lũ lượt về quê, mà báo vẫn đưa tin từ mấy hôm nay. Những em bé cùng ba với mẹ ngồi kẹt cứng giữa những bao bịch hành lý và đồ đạc. Cả gia đình gồng gánh chở nhau trên chiếc xe máy hay bất cứ phương tiện nào, vạn dặm tìm đường về nhà. Ở đó còn có những cuộc đi bộ, đi miết thì cũng tới nhà thôi. Ở đó, có em bé mới 9 ngày tuổi đỏ hồng như một cái kẹo, mắt vẫn ngủ trong giấc của trẻ sơ sinh, còn chưa mở ra để “thương nhìn cuộc đời”. Em nằm im ru trong chiếc áo khoác ba gói mình vào, để cùng trở về. Dù nhà, với em lúc này, sẽ là bất cứ nơi nào mà ở đó, em được ở với ba với mẹ. Rồi bạn nhớ, ở phòng trọ nào đó, đứa cháu họ nhắn tin, rằng hôm nay con về quê nghen dì, dì ở lại mạnh giỏi. Hỏi sao về lúc này, đứa cháu nói ở trên này thì còn khổ hơn, về quê con có gì ăn nấy.Những cuộc quy cố hương lúc này, với nhiều cảnh đời chỉ khiến xót xa đầy trăn trở. Bạn nhớ hồi đầu mùa dịch, người anh ở quê gọi điện, dặn đi dặn lại nếu trên ấy nghỉ làm thì về quê, đừng sợ chi hết, về có gì ăn nấy. Bạn không biết anh nói sợ là sợ gì, chắc là sợ ở quê thì đói. Nhưng bạn biết rõ, anh đã chuẩn bị đổ đầy hũ gạo của nhà mình, thấp thỏm vào ra chờ đợi như bà mẹ già chờ mấy đứa con xa xôi. Thẻo đất ông bà để lại, có ngôi nhà xưa với bao “chiến tích” và đầy kỷ niệm tuổi nhỏ của mấy anh em, chỉ còn có anh trụ lại. Đất nơi ấy bạc màu, anh làm gì cũng thất bát, cuộc sống nhiều phần khó khăn và vất vả. Nhưng, như người mới sinh ra đời đã phải gánh một trách nhiệm, anh vẫn ở đó để canh một mảnh tâm hồn cho những đứa em. Anh biết chúng dù luôn khao khát khám phá, nhưng cũng chọn đây là bến cuối để trở về. Quê nhà là nơi cuộc đất quen mang vong linh người thân đã khuất và cái tình của người còn ở lại. Rời cuộc bon chen, nhiều khi chỉ để rớt nước mắt khi nghe mùi cỏ non mọc mới bên vườn.Bạn nhớ, như nhớ sau nhiều lần về quê, vẫn được nghe câu: có cực khổ thì về nhà nghen. Về nhà là về quê, về với má, với bến nước cũ, với căn nhà qua bao nhiêu đời. Trên chuyến đời mưu sinh, nhiều cuộc ra đi và nhiều lần quay lại, bội bạc vẫn diễn ra thường xuyên trên những mảnh đất nghèo. Vậy mà, quê nhà, như bà mẹ già, vẫn từ tốn và bao dung, ôm hết thảy những đứa con vào lòng, mặc kệ chúng xông xênh hay là xác xơ tơi tả. Dù chúng chỉ nghĩ đến việc trở về, khi phần đời đã nhiều phen mất mát và khổ hạnh.Bạn nhớ, bạn đã chú ý những gương mặt khắc khổ, những bàn chân như cái cây bị héo rũ, trong đôi dép nhiều ngày bụi đường. Bạn thầm mong ước và nguyện cầu, sau từng ấy những gian nan, ai cũng sẽ được đặt chân bước vào cổng nhà mình. Phía sau cái cổng nhà đó, là nơi cất giấu những bùa thiêng, họ sẽ lấy lại năng lượng của mình, chữa trị cho cuộc “khánh kiệt đời trong cuộc bể dâu”.Về, dù chắc gì đã bình yên, nhưng hễ còn sống, là còn tiếp tục thắp lên những cuộc hy vọng nhỏ nhoi và cảm nhận sâu xa hơn về lòng trắc ẩn. Bởi trên đường về quê xứ, đã có ai đó mình chưa hề quen biết, đưa một chai nước uống, một chiếc áo mưa, một hộp cơm đỡ đói. Rằng, còn có bao người nghĩa hiệp muốn giúp nhau nhiều hơn thế nữa.Và, bạn ướt nước mắt, khi nghe đứa bạn nói rằng, điều đầu tiên sẽ làm khi hết dịch là về ôm mẹ. Đứa bạn làm bạn giật mình, quay sang hỏi má mình: má có nhớ nhà không? Lỡ chuyến về quê từ hồi đầu mùa dịch, người má già ít khi giãi bày những mong muốn hay tâm sự của mình với con cái, đã lặng lẽ gật đầu. Gắng gượng cười và quay đi, má giấu đôi mắt buồn hiu, nhưng bạn biết, lát nữa thôi, đôi mắt đó sẽ rớm lệ. Tags: Dịch bệnhTạp bútĐô thịDi cưVề quê
10.500 drone vẽ hành trình phát triển thành phố trên bầu trời sông Sài Gòn THANH HIỆP 28/04/2025 Đông đảo người dân TP.HCM đổ về khu vực trung tâm để theo dõi màn tổng duyệt đầu tiên của màn trình diễn 10.500 drone chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ trưởng Bộ Công an: Dự kiến bố trí mỗi xã 30 - 60 cán bộ công an xã sau sáp nhập THÀNH CHUNG 28/04/2025 Theo Trung tướng Nguyễn Văn Long, đơn vị công an cấp xã sẽ giảm 60 - 70% so với hiện nay. Tùy theo quy mô, dự kiến bố trí mỗi xã 30 - 60 cán bộ công an xã.
Mất điện làm tê liệt Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhiều người kẹt trong thang máy THANH BÌNH 28/04/2025 Sự cố mất điện trên diện rộng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha làm gián đoạn hoạt động hàng không, ảnh hưởng đến một số chuyến bay.
Phóng viên chiến trường: Chúng tôi có tình cảm rất đặc biệt với đất nước này BÌNH MINH 28/04/2025 Chiều 28-4, đoàn phóng viên tham gia Tuần lễ báo chí nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) đã có buổi gặp mặt lãnh đạo thành phố.