TTCT - "Khi các phương pháp thăm dò dư luận ngày càng thay đổi, ranh giới giữa kết quả đáng tin cậy và những con số hư vô trở nên mờ nhạt" Ảnh: Pew Research CenterKhông gì có thể biện minh cho cách khảo sát khó đỡ như dừng xe người dân trên quốc lộ để lấy ý kiến (*), nhưng thăm dò qua mạng - phương thức tưởng tiện lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn - cũng gặp nhiều trắc trở."Khi các phương pháp thăm dò dư luận ngày càng thay đổi, ranh giới giữa kết quả đáng tin cậy và những con số hư vô trở nên mờ nhạt" - Tạp chí Undark viết trong bài "Kỷ nguyên mới của khoa học khảo sát" tháng 6-2024.Bài viết lấy ví dụ: một khảo sát của tạp chí The Economist và công ty nghiên cứu thị trường YouGov (đều của Anh) tháng 12-2023, khẳng định cứ 5 người trẻ Mỹ thì có 1 người tin rằng cuộc thảm sát người Do Thái trong Thế chiến thứ II (Holocaust) chỉ là chuyện hư cấu. Kết quả gây sốc này khiến mạng xã hội dậy sóng, báo chí xôn xao. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, "anh cả" trong ngành khảo sát - Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) - tuyên bố vỗ mặt: con số đó sai bét.Nguyên nhân, theo Pew, khảo sát sử dụng phương pháp opt-in, tức ai muốn thì tham gia cho ý kiến, lại còn được quà. Khảo sát kiểu đó thì chuyện ra kết quả lệch pha là điều không thể tránh. Pew tái kiểm tra bằng phương pháp chọn mẫu xác suất truyền thống và phát hiện: chỉ có 3% người trẻ thực sự tin câu chuyện Holocaust là bịa.Theo Jon Krosnick, nhà khoa học chính trị từ Đại học Stanford, các cuộc thăm dò truyền thống - dựa trên phản hồi từ một nhóm người được chọn ngẫu nhiên để đại diện cho toàn bộ dân số - vẫn là tiêu chuẩn vàng để thăm dò dư luận vì kết quả có độ tin cậy cao, song ở thời khó tiếp cận người dân qua điện thoại (ai cũng ngán số lạ), tỉ lệ phản hồi đã giảm mạnh, khiến chi phí thực hiện các khảo sát này tăng vọt. Trong khi đó, các cuộc thăm dò trực tuyến rẻ tiền nhưng kém chính xác lại nở rộ. Khảo sát opt-in hoạt động như phát phiếu trúng thưởng - được ăn được nói lại còn được gói mang về - nhưng cũng vì vậy mà có nhiều "kết quả khảo sát" khiến ai đọc vào cũng tự hỏi "thiệt hả trời": 12% người trẻ Mỹ nói họ từng lái tàu ngầm hạt nhân hay 7% dân Mỹ nghĩ sữa sôcôla làm từ bò màu nâu.Theo giáo sư Sunshine Hillygus từ Đại học Duke (Mỹ), những kết quả thống kê này không khó giải thích. Người chịu tham gia khảo sát trực tuyến opt-in thường là những người có nhiều thời gian rảnh, hoặc có nhiều động lực kiếm tiền. Một số người "kiếm sống" bằng chuyện làm thăm dò dạo, sẵn sàng tạo nhiều tài khoản, đổi tên, đổi tuổi, thậm chí đổi cả sắc tộc. Số khác chỉ đơn giản là những kẻ phá bĩnh (troll), chọn đại mọi câu trả lời, chỉ để qua cửa nhận thưởng. Hậu quả là những con số vô nghĩa được báo chí trưng lên như sự thật.Các khảo sát liên quan đến thuyết âm mưu thường là mảnh đất màu mỡ cho những tay phá bĩnh nói trên. Từng có khảo sát cho thấy "rất nhiều người Mỹ tin vào Pizzagate", một thuyết âm mưu vô lý về đường dây buôn người điều hành từ tiệm pizza. Nhưng khi các nhà nghiên cứu kiểm tra kỹ, hơn 50% số người "tin" vào điều này hóa ra là những kẻ trả lời khảo sát không nghiêm túc.Dù vậy, cũng đừng vội "xóa sổ" khảo sát trực tuyến. Các hãng nghiên cứu thị trường tất nhiên có biết bất cập của phương pháp opt-in và cố gắng hạn chế tốt nhất có thể. Như YouGov có áp dụng hơn 100 chỉ số để xác định xem ai đang trả lời nghiêm túc và ai đang bốc phét. Trong khảo sát Holocaust, họ đã nới lỏng tiêu chuẩn với nhóm người trẻ để đủ mẫu và kết quả là một nửa dữ liệu đáng ra phải bị loại. Sau khi Pew chỉ ra sai sót, YouGov đã siết lại quy trình. Muộn còn hơn không.Trong khi đó, Gary Langer, với hơn 30 năm làm trong ngành khảo sát, vẫn một lòng tin tưởng vào khảo sát xác suất. Ông ví von đầy hình ảnh: múc một vá súp từ nồi súp thập cẩm đã khuấy đều, bạn sẽ thấy đậu, cà chua, cải xanh. Một mẫu nhỏ nhưng đại diện toàn nồi. Trong khi khảo sát opt-in thì giống như vớt cá từ dòng sông Internet, loài gì trồi lên là vớt. Không phân biệt cá thật hay cá nhựa.Tất nhiên, không thể loại trừ hết mọi lỗi trong khảo sát, nhưng quan trọng ở chỗ lỗi đó có thể kiểm soát được hay không. Khảo sát xác suất giống như nấu ăn theo công thức, đôi khi hơi nhạt, đôi khi hơi mặn, nhưng ít khi… độc. Còn khảo sát opt-in như món "ngẫu hứng TikTok", lúc trúng lúc trật, nhưng luôn đủ màu mè để khiến bạn phải dừng lại xem.Không dừng lại ở sai số, điều đáng lo với các khảo sát opt-in là kết quả của nó được báo chí tung hê như sự thật hiển nhiên, trong khi những khảo sát chuẩn, làm bài bản, tốn công sức lại không đủ "giật gân" để được nhắc tới trên TikTok hay dòng thời sự 6h tối. Pew có thể công bố một nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng, nhưng bài báo The Economist với tiêu đề "Giới trẻ và thuyết âm mưu Holocaust" mới là cái được chia sẻ rần rần. Đến tháng 3, The Economist mới âm thầm thêm ghi chú công nhận nghiên cứu của Pew. Nhưng nội dung bài thì vẫn còn nguyên như chưa từng có gì xảy ra.* Nhiều người dân đi trên quốc lộ 13 qua địa bàn tỉnh Bình Dương bất ngờ khi bị dừng xe, để trả lời phiếu khảo sát liên quan dự án tuyến đường sắt đô thị (metro). (Tuổi Trẻ Online, 12-4-2025) Tags: Thăm dò dư luậnThăm dòKhảo sátKhoa học
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp quỹ đầu tư Mỹ muốn có tổ hợp giải trí đẳng cấp thế giới tại Việt Nam DUY LINH 23/04/2025 Chiều 23-4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp ông Daniel Rosen, giám đốc điều hành Tập đoàn Rosen Partners, đang có kế hoạch xây tổ hợp giải trí tầm cỡ thế giới tại Việt Nam.
Giá vàng giảm từng phút ÁNH HỒNG 23/04/2025 Tối nay, 23-4, giá vàng giảm từng phút. Chỉ trong hơn 24 tiếng, giá vàng thế giới đã bốc hơi 226 USD/ounce, tương đương giảm 7,12 triệu đồng/lượng.
Thu hồi toàn quốc 12 loại sữa giả DƯƠNG LIỄU 23/04/2025 Ngày 23-4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị sở y tế, chi cục an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trên cả nước thu hồi 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả.
WSJ: Nhà Trắng cân nhắc giảm 50% thuế quan với hàng Trung Quốc KHÁNH QUỲNH 23/04/2025 Theo các nguồn tin của Wall Street Journal, Nhà Trắng đang xem xét cắt giảm thuế đối ứng đối với hàng hóa Trung Quốc, có thể lên đến 50% trong một số trường hợp, nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Bắc Kinh.