TTCT - Zakhar Prilepin, nhà văn trẻ nổi tiếng được xem như một “hiện tượng” ở Nga không chỉ trong lĩnh vực văn học. Tháng 2 -2017, ông thành lập một tiểu đoàn ở Donetsk để chiến đấu cho Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) đông Ukraine. bia sách Quyển sách mới nhất của ông Trung đội (Взвод) như một lời giải thích cho quyết định này. Được sự chấp thuận của tác giả, TTCT giới thiệu bài nói chuyện mới nhất của ông trước sinh viên khoa ngôn ngữ Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva (MGU) nhân ngày ra mắt quyển sách. Công ty cổ phần (của tờ báo) mà tôi từng làm việc thuộc về Sergey Vladilenovich Kiriyenko, người không quan tâm tôi làm gì giữa các kỳ bầu cử, vì thế tờ báo trong tay tôi khá ác chiến. Ở vùng Nizhenovgorod của chúng tôi khi đó, ông Boris Ephimovich Nemtsov làm thống đốc, nhưng ông đã chuyển lên Matxcơva và chuẩn bị trở thành tổng thống. Khi đó tôi đã viết hai bài báo chỉ trích ông ấy kịch liệt. Tác giả là Yevgheni Stongard và Yevgheni Lavlinsky (các bút danh khác của Prilepin - ND), còn Zakhar Prilepin không viết gì về ông ta. Nemtsov đã gọi điện cho tôi, lệnh: “Sa thải ngay Yevgheni Stongard và Yevgheni Lavlinsky, làm ơn, ngay lập tức, không cần lý do gì, còn Zakhar Prilepin thì để lại” (khán phòng cười). Và thế là người ta để Zakhar Prilepin lại. Tôi cứ thế vui chơi trong ba năm rồi nhận thấy nghề báo bắt đầu hơi nhàm chán, nên quyết định viết sách. Một quyển sách về tình yêu, đương nhiên rồi. Nhưng khi bắt đầu viết, tôi hiểu ý tưởng về tình yêu không đủ cho suốt quyển sách, nên quyết định viết một chút về tình yêu, một chút về chiến tranh. Kết quả thành ra một quyển sách về chiến tranh. Như ở nước Nga ta hay nói: làm gì thì làm, cuối cùng cũng ra súng Kalashnikov (khán phòng cười). Đó là quyển tiểu thuyết đầu tay của tôi Bệnh lý... Tôi nghĩ, tôi đã sinh con trai, đã trồng cây, đã xây nhà, vậy thì viết một quyển sách - và mọi việc sẽ trở lại bình thường. Tôi viết xong quyển sách, ngay lập tức nó được dịch sang tiếng Pháp và lọt vào danh sách “bán chạy nhất nước”, thậm chí tôi còn được trả tiền - khá nhiều. Thế là tôi nghĩ, công việc hay đấy chứ - nhà văn! Khi đó tôi 30 tuổi, giờ tôi đã 41 và tôi đã viết được 17 quyển sách. Về nghề báo Có thể học nghề báo rất nhanh. Một số nhà văn khá phản ứng với nghề này, như Bulgakov căm thù nó. Nhưng với một số người khác, như Hemingway thì không chỉ nghề báo, mà thói quen tư duy đủ các loại đề tài song song với những văn bản nghệ thuật, trong ý nghĩa nào đó sẽ giúp tăng sức sống. Tôi, có lẽ sẽ không thể trở thành nhà văn bình thường nếu không có kinh nghiệm xử lý nhanh những văn bản báo chí, bởi ở đó bạn phải cắt bỏ những từ - ký sinh, từ thừa, văn bản phải cô đọng hoàn hảo. Ý này chuyển sang ý khác không cần có những câu từ uốn éo này. Nghề báo dạy tôi rất nhiều và hiện nay, khi đã làm việc với văn chương, bạn biết cần phải vứt bỏ những gì. Ngoài ra, tôi còn có một quan điểm con người, chính trị và công dân khá tích cực, nếu không muốn nói là có tính công kích, vì thế có những thứ mà trong văn xuôi tôi sẽ không bao giờ viết hay nói, bởi văn xuôi được xây dựng trên những nền tảng hoàn toàn khác, nó luôn phải thông minh hơn và phức tạp hơn tác giả với những quan điểm chính trị của anh ta... Thí dụ, tiểu thuyết Bệnh lý nói về chiến tranh ở Chechnya. Và mặc cho thái độ rất rõ ràng của tôi với cuộc chiến này, nhiều người ở Nga và phương Tây coi đây là tiểu thuyết phản chiến, rằng thật tệ khi nước Nga tiến hành chiến tranh, điều đó kinh khủng làm sao, mặc dù tôi không áp đặt những ý nghĩa như thế. Như một nhà văn, tôi nằm ngoài văn cảnh đó. Cũng như thế với tiểu thuyết Sankya dành cho những người cực đoan và cấp tiến trẻ thập niên 1990. Nhiều người cho rằng đó là quốc ca của những nhà cách mạng, người khác cho rằng đó là lời lăng mạ chống cách mạng của những tay côn đồ trẻ liều lĩnh. Tiểu thuyết cuối cùng của tôi Tu viện viết về các trại tù Solovetsky. Với một số người đó là thuyết giáo chống chủ nghĩa Stalin và chống độc tài, với người khác là lời biện hộ và tán dương chế độ Xô viết. Ở mỗi trường hợp, tôi hiểu là tôi đã hoàn thành công việc nhà văn, bởi tôi đã đưa vào đó tất cả những chủ đích và văn bản này, như chúng ta được dạy ở khoa ngữ văn, từ nay sẽ có số lượng vô hạn các diễn giải... Còn trong công việc báo chí, trong chính trị học, tôi luôn thẳng đuột như cái xẻng. Tôi nghĩ sao viết vậy và rất thường, những người đọc sách tôi rồi, nói: “Chúa ơi, cậu thông minh làm sao trong sách, nhưng những gì cậu nói...”. Vâng, đó là hai việc làm khác nhau của chỉ một người. “Bảo vệ số phận Nga” Tôi thành lập tiểu đoàn không phải để chiến đấu với Ukraine, mà để bảo vệ người dân Nga, ngôn ngữ Nga, văn học Nga, số phận Nga và mùa xuân Nga - tất cả những lời này không phải ngẫu nhiên. Người dân ở đó đã chịu đựng ba năm dày vò, đau khổ, hàng ngàn người chết. Với tôi, chiến tranh với Ukraine và chính nước Ukraine là điều tôi quan tâm ít hơn. Tôi chỉ quan tâm tới những họ hàng, ruột thịt, người thân trong ý nghĩa rộng nhất của từ này, những người muốn trở thành công dân nước tôi. Tôi không có gì chống lại họ và cho rằng, theo các nguyên tắc dân chủ bất kỳ, họ có quyền này. Vì thế tiểu đoàn của tôi được thành lập để bảo vệ dân chủ trên thế giới... ...Văn học Nga được xem như người truyền bá những nguyên tắc nhân đạo vĩ đại. Định đề này cứ kêu vo vo bên tai chúng ta... Nhưng khi nổ ra thời khắc nghiệt trong lịch sử Nga, bỗng nhiên ta thấy ở đó (văn học Nga - ND) còn có những ý tưởng khác, mặc dù một số đã quen và đã chứng minh rằng nhà văn Nga luôn vì hòa bình, họ là những người theo chủ nghĩa hòa bình và trong đầu họ không thể có gì khác. Tôi là người hay gây chiến, từ đầu tất cả những sự kiện Donbass và Syria này tôi đã tích cực hoạt động và theo dõi sát, rồi sau đã nhập cuộc. Nikolai Karlovich Svanidze, sử gia, có lần đã nói Zakhar Prilepin bị bệnh “cuồng chiến”, bởi các nhà văn Nga, như Svanidze nói, chỉ chiến đấu trong Chiến tranh vệ quốc 1812 và 1941-1945, sau đó họ từ bỏ chiến tranh và cho rằng chiến tranh chẳng tốt đẹp gì... Nhưng lấy ví dụ như thế kỷ vàng (của văn học Nga), tôi muốn nói rõ là vào thời đó nữ hoàng Ekaterina II đã bãi bỏ nghĩa vụ quân sự bắt buộc và tất cả giới quý tộc có quyền không phục vụ quân đội. Họ có thể đơn giản ngồi trong thái ấp của mình, chạy theo các cô thôn nữ, uống sữa tươi và chẳng làm gì. Nhưng dẫu thế, có 9 trên 10 nhà văn, ở một giai đoạn nào đó trong đời đều có liên hệ với việc phục vụ quân đội. Tất cả các nhân vật trung tâm của văn học Nga, ngoại trừ Puskin, người vài lần thử trở thành binh sĩ và có lần thật sự trở thành lính tình nguyện trong cuộc chiến tranh Nga - Thổ, hơn một tháng rưỡi chiến đấu thực thụ. Còn những con người đó - Derzhavin, Phyodor Glinka, Denis Davydov, Batiushkov, Baratynsky... đến tận Griboyedov, cả tác giả “Từ điển lớn của Nga” Vladimir Dal - đều là quân nhân, nhiều người trong số họ đã chiến đấu, thậm chí chiến đấu liên tục: Chiến tranh Kavkaz, Phần Lan, khởi nghĩa Ba Lan, chiến tranh Nga - Thổ... và đã viết nhiều về những việc này. Các công trình chính luận, triết học, văn xuôi, thơ ca, ở đó chủ nghĩa nhân đạo quả tình hiện ra ít hơn, ở đó bộc lộ một điều gì đó khác... Hãy đọc quyển sách này, Trung đội, tôi khẳng định sau khi đọc xong, tấm màn che của chủ nghĩa nhân đạo thừa thãi của văn học Nga sẽ bay đi, dù nó không bác bỏ điều rằng vẫn có chủ nghĩa nhân đạo. Có chủ nghĩa nhân đạo, nhưng cũng có đam mê bành trướng, chủ nghĩa quân phiệt, sẵn sàng bất cứ lúc nào lên ngựa, cầm roi xông pha đâu đó... HÃY YÊU VĂN HỌC DẠI CUỒNG Hãy yêu văn học dại cuồng, đơn giản là dại cuồng. Cuồng si, đọc không ngừng, phân loại, học thuộc, am hiểu các ngữ cảnh văn học thế giới. Đó đúng là trường hợp mà số lượng những gì bạn đọc được có thể tạo ra chất lượng những gì bạn viết. Trong văn học thế giới có những trường hợp khi những nhà văn không thiên bẩm lắm nhưng nhờ siêu trí tuệ của mình (chẳng hạn như Valeri Briusov) đã đạt được những thành tựu phi thường... Đừng ganh tị với ai, đừng phản ánh. Cần phải biết là trong văn học, các không gian đều rộng mở. Con người có thể thành công và chiếm bất kỳ chỗ đứng nào... Cho dù là thơ ca, viễn tưởng, văn xuôi hiện thực, chiến tranh - văn chương luôn có những hốc tường của mình. Cần tìm ra bạn bè mình, nhóm của mình, giải thưởng văn học của mình, hội thảo văn học của mình và được chọn vào đó. Dĩ nhiên, bạn cũng cần phải hiểu cuộc sống, có thể làm người gác cổng một năm, hay phục vụ hành khách đâu đó trên tàu - bạn sẽ nhận được những kinh nghiệm sống tuyệt vời, đơn giản là đáng kinh ngạc. Tôi đã vài lần làm giáo viên ở các hội thảo văn chương. Và tôi rất buồn mà nói rằng 98% văn bản những bạn trẻ viết hiện nay - đó chỉ đơn giản là những cuộc phiêu lưu tình dục phi thường. Ôi những Don Juan - chỉ có người này ác liệt hơn người khác! Ở thế hệ chúng tôi, có một đặc trưng là ảnh hưởng của Limonov. Nhưng họ quên rằng Limonov ngoài cơ quan sinh dục còn có những cơ quan khác. Não ông ta cực kỳ phát triển và trái tim cực kỳ nhạy cảm. Còn những người này đi thẳng vào văn chương chỉ bằng một bộ phận, rồi nhảy nhót (khán phòng cười)... Phan Xuân Loan (trích dịch) Zakhar Prilepin sinh năm 1975, là nhà văn, nhà báo, đạo diễn và nghệ sĩ. Từng tham gia quân đội Nga, phục vụ trong đội cảnh sát đặc biệt OMON, tham chiến ở Chechnya thập niên 1990. Các tác phẩm văn học đầu tay xuất hiện từ năm 2003. Liên tục ông nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng Sách bán chạy quốc gia (2005, 2006, 2008), vào chung kết giải Sách Nga với Sankya (2007), giải Sách của năm (2014 với Tu viện), nhà văn của năm 2015... Năm 2016, ông được giải thưởng 1 triệu rúp của Chính phủ Nga trong lĩnh vực văn hóa (với tiểu thuyết Tu viện). Các tác phẩm của ông đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng. TTCT đã giới thiệu hai truyện ngắn của ông (Ô vuông trắng; Bà, ong vò vẽ, dưa hấu). Nói Zakhar Prilepin là một “hiện tượng” bởi ngoài thành công trên văn đàn, năm 2010 ông từng tham gia nhóm đối lập viết thư đòi V. Putin từ chức. Nhưng tháng 10-2014 ông tuyên bố “hoãn chiến cá nhân với chính quyền”. Từ năm 2014 Prilepin bắt đầu tham gia vào cuộc xung đột quân sự ở đông Ukraine bằng cách tổ chức cung cấp hàng từ thiện cho người dân Donetsk. Năm 2015, ông trở thành cố vấn cho người đứng đầu DPR A.Zakharchenko và năm 2016 là thiếu tá của tiểu đoàn đặc nhiệm chuyên trách nhân sự cho DPR. Tags: Zakhar PrilepinNgười viết trẻNhững cuộc phiêu lưu tình dụcNhà văn hiện tượng Nga
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tổ chức bộ máy công an 3 cấp 'bộ, tỉnh, xã', không tổ chức công an cấp huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị khẩn trương triển khai đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương.
Trung ương Đảng cho ý kiến giới thiệu nhân sự lãnh đạo một số cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 THÀNH CHUNG 24/01/2025 Trung ương Đảng cho ý kiến về giới thiệu nhân sự lãnh đạo một số cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 để Bộ Chính trị chính thức giới thiệu Quốc hội bầu, phê chuẩn theo quy định.
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).