TTCT - Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 8 năm 2015 (*) hạng mục nghiên cứu vừa được trao cho nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân ngày 24-3, ghi nhận đóng góp của ông qua những công trình nghiên cứu xuất sắc về biển Đông. Ông chia sẻ cùng bạn đọc TTCT về công việc của một nhà nghiên cứu độc lập cùng những mong mỏi về con đường phía trước của học giới Việt Nam. Ông Phạm Hoàng Quân - Ảnh: Thanh TùngNGHỀ CHỌN NGƯỜIÔng từng cho biết bắt đầu nghiên cứu biển Đông và các đảo Hoàng Sa - Trường Sa từ năm 2005. Đến khoảng năm 2007, khi đề tài biển đảo nóng lên trong dư luận, người ta nhận ra ông là một nhà nghiên cứu độc lập, chọn một hướng tiếp cận đặc biệt: nghiên cứu từ thư tịch cổ sử Trung Quốc để chứng minh chủ quyền Việt Nam trong lịch sử. Ông chủ ý chọn tư thế là một nhà nghiên cứu độc lập hay vì hoàn cảnh chẳng đặng đừng nào đó khiến ông phải độc lập nghiên cứu?- Để rõ ngọn ngành, đầu tiên phải nói tới công việc nghiên cứu, hay nói cho gọn là nghề nghiên cứu. Người ta thường chia ra hai loại hoàn cảnh hành nghề: một là người chọn nghề và hai là nghề chọn người. Tôi ở trong hoàn cảnh thứ hai.Lúc vào đời tôi khoái ngành mỹ thuật, từng dự thi đại học mỹ thuật nhưng rớt. Trong một sự tình cờ, tôi bước vào nghề nghiên cứu với đề tài lịch sử hội họa và thư pháp Hoa kiều ở Sài Gòn - Chợ Lớn.Từ khởi điểm ấy và thực tiễn mấy năm với công việc ấy, tôi nhận ra nghiên cứu độc lập có lẽ phù hợp với cá tính của mình. Tóm lại, nghề nghiên cứu chọn tôi và tôi chọn nghiên cứu độc lập.Qua công việc và thời gian, ông nhận ra làm một nhà nghiên cứu độc lập có những gì hay?- Tạm cho là có ba điều hay. Điều hay nhất và tôi cũng thấy “đã” nhất là tôi không phải dự các loại hội họp hay đi tiếp khách... như bạn bè tôi làm việc ở các cơ quan nghiên cứu, nghĩa là tôi dành được hết thì giờ cho việc đọc sách. Đọc 10 trang sách đương nhiên là “đã” hơn uống nửa chai rượu hay năm chai bia rất nhiều, ai không tin cứ thử.Điều hay kế tiếp là công việc không bị thúc bách, không bị khống chế bởi thời gian, tôi được chủ động điều độ thời gian trong công việc của mình.Điều hay thứ ba là tôi được chọn lĩnh vực hoặc đề tài mà tôi thích nhất và trong đề tài tôi thích nhất, tôi lại được tự xác định cái nào cần phải làm trước.Một nhà nghiên cứu độc lập như ông phải đối diện với những khó khăn gì và có hạn chế nào thuộc loại đáng tiếc không?- Khó khăn quá đi chứ. Chính những điều tưởng chừng hay ho kể trên đã tạo ra một mớ khó khăn mà phải kể trước tiên là chuyện giải quyết nhu cầu cuộc sống cơ bản, giải quyết được vấn đề này thì kế đến là tài liệu sách vở, kết tập binh mã (như bạn bè tôi có nói vui rằng sách vở tài liệu nghiên cứu về biển Đông cho nhà nghiên cứu cũng giống như binh mã đối với người ra chiến trường).Sách vở tư liệu không phong phú dồi dào thì kiến thức hạn hẹp, làm sao nghiên cứu sâu. Mua sách thì tốn kém vô biên, hoàn cảnh của tôi nhiều lúc tựa như sự khát vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên lần hồi tích góp, bè bạn yểm trợ và cộng thêm sự hào phóng của nhiều thư viện điện tử quốc tế, vụ này cũng tạm ổn.Trở ngại vừa lớn vừa khó là thư viện công ở nước ta trước giờ nói chung khắt khe đối với những người không thuộc cơ quan nghiên cứu công, người nghiên cứu riêng lẻ như tôi đã một thời gian dài không được tham khảo nguồn này. Gần đây tuy có được vài ngoại lệ, nhưng thật đáng tiếc những ngoại lệ này đến chậm.Nhìn chung, trở ngại lớn nhất và khó khắc phục nhất thuộc về khách quan, tức ở chỗ thư viện công, biết ở chỗ đó có tài liệu đó cần lắm mà không được vô đọc, không được sao chụp thì chỉ còn nước ngửa mặt lên trời than rồi đi.Những trở ngại nói trên tuy không thể làm nản lòng, nhưng có điều đáng tiếc là một số công trình phải mất nhiều thời gian hơn dự tính.Ở mảng đề tài biển đảo mà ông đang theo đuổi, nhìn rộng ra hoạt động của học giới khu vực và quốc tế trong giai đoạn sắp tới có nội dung nào ông cho là cần lưu tâm làm ngay?- Tôi chỉ chuyên sâu mảng lịch sử, vốn chỉ là một bộ phận trong tổng thể bộ ba chiến lược - pháp lý - lịch sử, nên có thể tôi nhìn vấn đề không mấy toàn mạo. Theo như nhận biết của riêng tôi về xu hướng nghiên cứu các vấn đề biển Đông của học giả phương Tây hiện nay, vấn đề chiến lược được quan tâm hàng đầu, kế đến là pháp lý, nghiên cứu lịch sử chỉ để làm cơ sở tham khảo cho hai vấn đề kia.Riêng Trung Quốc vẫn xem trọng yếu tố lịch sử trong các chuyên khảo về pháp lý, và những học giả xuất thân là chuyên gia pháp lý tỏ ra rất am tường lịch sử. Mặt khác, một số nhà sử học bẵng đi một lúc bỗng rất rành về luật pháp quốc tế. Tôi thấy đây là điểm rất đáng lưu ý.DỐC TÂM TẬN LỰCÔng từng lên tiếng lo ngại về việc ở ta không chú trọng dịch các tư liệu, các công trình nghiên cứu (xem TTCT số 6 ra ngày 8-2-2015) và các sách công cụ phục vụ công tác nghiên cứu. Đến nay mảng sách công cụ về biển đảo của ta đang trong tình trạng thế nào?- Nói về tình hình chung, trong lĩnh vực nghiên cứu biển Đông, giới sử học trong nước hầu như chưa làm tròn trách nhiệm ở cả ba mảng.Một là, dịch và chú giải tư liệu lịch sử Trung Quốc nhằm để nắm rõ thực hư ý nghĩa của sử liệu.Hai là, dịch các công trình nghiên cứu tiêu biểu của học giới Trung Quốc hiện nay nhằm để coi họ sử dụng, dẫn dụng tư liệu sử có đúng hay không, tài năng/khả năng của họ đã tới chừng mức nào, phương pháp nghiên cứu của họ mới hay cũ, họ tiếp thu nghiên cứu bên ngoài tới đâu, họ đánh giá và nhận định ra sao về nguồn sử liệu Việt Nam, cách thức và lập luận của họ trong phản biện các nghiên cứu mới ở Việt Nam.Ba là, dịch các sách công cụ phục vụ cho nghiên cứu, cụ thể là các sách từ điển nhân danh, địa danh, sách thư mục, từ điển lịch sử, từ điển địa lý, sách tra cứu về cân đong đo lường, cẩm nang chỉ nam hàng hải cổ đại... do người Trung Quốc soạn, mỗi thứ đều phải có thêm phần đối chiếu danh từ, thuật ngữ Trung - Anh. Mặt khác còn phải dịch hoặc phổ biến những sách công cụ đồng dạng nói trên bằng Anh ngữ do học giới phương Tây biên soạn.Tôi điểm lược sơ bộ như vậy, độc giả quan tâm tự truy cập, coi thử sách mới sách cũ khoảng 30 năm qua ở nước ta về ba mảng nói trên thì có thể tự nhận định tình trạng thiếu hụt trầm trọng đến mức nào.Tôi cho rằng người nghiên cứu buộc phải luôn có công trình mới. Ở ta, sự thiếu hụt kiến thức bên ngoài đã dẫn đến tình trạng giới sử học nói mãi chuyện cũ, đề tài cũ.Ngoài việc nỗ lực xây dựng bộ thư mục sách sử Trung Quốc như ông đã công bố một phần, sắp tới ông có dự định gì để “bổ sung nguồn sách công cụ” về lĩnh vực đang nghiên cứu?- Nói về việc của mình, phần việc làm được vừa qua thật chưa thấm vào đâu. Riêng phần nghiên cứu sử liệu Trung Quốc vẫn phải tiếp cho xong bài khảo cứu về bản đồ cổ, bài khảo về mảng sách hàng hải du ký, hai bài này cũng phải tương xứng với hai bài đã khảo về chính sử và phương chí. Bốn bài này hợp lại cũng mới vừa tạm được phần tư liệu cổ.Phần sách công cụ có lẽ tôi chỉ làm cho xong cuốn thư mục, các sách khác như từ điển lịch sử, từ điển địa lý... có lẽ phải chờ một tập thể nào đó. Về dự định lâu dài, cũng qua nguồn sử liệu Trung Quốc, tôi nới rộng phạm vi ra một chút, khảo cứu các tư liệu liên quan đến khu vực Đông Nam Á.Giải thưởng Phan Châu Trinh mang tinh thần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Theo ông, tinh thần này có thể ứng dụng như thế nào vào công việc nghiên cứu nói chung và nghiên cứu biển đảo nói riêng?- Đây là câu hỏi khó đáp nhất và cũng là lý do khiến tôi bối rối khi nhận giải thưởng này. Có thể một phần dư luận sẽ cho rằng việc xét trao giải nghiên cứu lần này do chính trị tác động vì đã chọn một đề tài thời sự chính trị khá nóng. Việc này phần nào có vẻ như chưa bình đẳng trong học thuật, chưa phù hợp lắm với tinh thần khai phóng và ý chí chấn hưng xã hội của cụ Tây Hồ.Mặt khác, cách nhận định như trên cũng không phù hợp với sở nguyện của tôi, bởi từ lúc khởi đầu nghiên cứu đề tài này đến nay, tôi chỉ đơn thuần vì mục đích muốn biết rõ sự thật, vì tò mò, muốn tìm hiểu, kê cứu, đối chiếu, so sánh chỉ để thỏa mãn ham muốn riêng, muốn hiểu biết cặn kẽ và tường tận những ghi chép trong tư liệu thực.Trong lúc đọc hiểu tư liệu cũng như trong lúc phân tích chuỗi sự kiện, tôi không nghĩ mình là người dân của một quốc gia nào, lúc này tôi không cho phép tinh thần dân tộc can dự vào, chỉ có tính khách quan của khoa học dẫn dắt.Cần xác định rõ ràng tôi nghiên cứu đề tài lịch sử biển Đông là do tôi yêu thích, từ lâu đã đặt thành mục tiêu nghiên cứu lâu dài; còn các vấn đề, các biến cố xảy ra theo dòng thời sự nhiều lúc tôi không ngờ tới.Nhìn kỹ lại, trong bối cảnh hiện nay, trình độ nghiên cứu lịch sử nói chung hoặc nghiên cứu chuyên sâu các đề tài lịch sử liên quan đến biển Đông nói riêng chúng ta còn thua khá xa các nước, trong đó đáng ngại đáng lo nhất là chưa theo kịp trình độ của người Trung Quốc.Rất may mắn cho chúng ta là di sản tư liệu lịch sử của người xưa liên quan đến biển Đông tuy ít nhưng chân thực, chắc chắn. Từ kinh nghiệm nghiên cứu sử liệu Trung Quốc, tôi thấy điều mà giới sử học nước ta có thể làm và phải làm thật tốt là nghiên cứu và ứng dụng các tư liệu ấy thật khách quan, phải đặt giá trị học thuật lên trên.Theo kịp mặt bằng học thuật trong khu vực và thế giới có lẽ là mục tiêu không ngoài lý tưởng và ý nguyện của bậc tiền bối mà giải thưởng này vinh dự mang tên. Riêng phần mình, trong lĩnh vực chuyên sâu của mình, tôi tự thấy rằng thành tựu mà tôi đạt được hôm nay thật sự chưa như ý muốn, thật sự còn một khoảng cách khá xa so với bên ngoài.Nên tôi nghĩ rằng giải thưởng này đối với riêng tôi và học giới nói chung, ngoài sự biểu hiện mối cảm thông và sẻ chia trong tinh thần trách nhiệm của một bộ phận xã hội còn là động lực thúc đẩy mỗi người đã chọn nghề nghiên cứu phải dốc tâm tận lực, để mỗi công trình nghiên cứu càng về sau càng có giá trị học thuật cao hơn và càng có tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn. (*): Do Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao hằng năm cho những cá nhân có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực/hạng mục “Nghiên cứu”, “Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục “, “Dịch thuật” và “Việt Nam học” (chỉ dành cho người nước ngoài), đóng góp cho sự nghiệp canh tân văn hóa - giáo dục Việt Nam. Tags: Sử họcGiải thưởng văn hóa Phan Châu TrinhPhạm Hoàng QuânNhà nghiên cứu độc lập
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.