Lễ Phục sinh 2019 ở Sri Lanka đã đẫm máu của ít nhất 310 nạn nhân chết và hơn 500 người bị thương trong 6 vụ tấn công liều chết tại 3 nhà thờ Thiên Chúa giáo, 3 khách sạn hạng sang ở thủ đô Colombo và 2 vụ tại 1 khu nhà ở và 1 nhà khách. Điều gì làm dấy lên làn sóng bạo lực kinh hoàng ở đất nước này? Những xác người chưa dọn hết trong đền Thánh Anthony, nơi thương vong nhiều nhất trong cuộc tấn công khủng bố hàng loạt tại Sri Lanka. Ảnh: AP Việc một số thành phố ở Sri Lanka bị nhắm làm mục tiêu cho thấy đây là một vụ khủng bố toàn diện đã được lên kế hoạch, chuẩn bị rất tỉ mỉ với mưu đồ gây ra thương vong và sự kinh hoàng lớn nhất. Thủ đoạn tàn độc Cường độ các vụ tấn công thực sự làm rung chuyển cả thế giới. Ba vụ đánh bom tại các nhà thờ ở Colombo diễn ra đồng thời, 8h45 sáng, do giờ lễ nhì hay nhóm sáng chủ nhật thường vào giờ đó. Vụ nổ đầu tiên xảy ra tại đền Thánh Anthony, một nhà thờ lịch sử lâu đời ở thủ đô, khiến hơn 50 người thiệt mạng. Vụ nổ thứ hai là tại nhà thờ Thánh Sebastian, cách Colombo hơn 30km về phía bắc, thuộc khu vực Negombo hầu như Công giáo “toàn tòng”. Đây có thể là vụ nổ chết chóc nhất: ít nhất 93 người thiệt mạng tại nhà thờ này. Vụ nổ tiếp theo là tại đền thờ Zion thuộc Hội thánh Tin Lành Batticaloa, khiến 27 người chết khi đang đi lễ, cho thấy những kẻ chủ mưu không phân biệt giữa Công giáo và Tin Lành. Ba khách sạn Shangri-La, Cinnamon Grand, The Kingsbury - cùng 5 sao, đều nằm trên bãi biển ở trung tâm thành phố Colombo - bị tấn công cùng lúc với các nhà thờ. Vụ nổ ở khách sạn Shangri-La mà khách du lịch nước ngoài chiếm đa số, xảy ra lúc 8h57 sáng, suất ăn sáng đầu tiên trong nhà hàng trên tầng 3 khách sạn. Còn kẻ đánh bom liều chết tại nhà hàng Taprobane trong khách sạn Cinnamon Grand đã đăng ký lấy phòng với tên giả vào đêm hôm trước, khai là “đi làm ăn”. Đáng kinh ngạc là người này đã bình thản cầm đĩa xếp hàng đợi lấy thức ăn trong bữa sáng tự chọn, và chất nổ đeo trên lưng phát nổ khi anh ta sắp tới lượt được phục vụ. Một trong những quản lý khách sạn có mặt chào đón khách vào ăn sáng đã bị giết ngay lập tức. Riêng khách sạn Cinnamon Grand này năm 1984 từng “ăn bom” khi còn mang tên là Lanka Oberoi, khiến một nhân viên thiệt mạng. Không chỉ tập trung ở Colombo và vùng phụ cận, các vụ khủng bố còn diễn ra tại một nhà khách gần sở thú quốc gia Sri Lanka và khách sạn Tropical Inn ở Dehiwala. Mật độ của cuộc tổng tấn công được tính toán kỹ về không gian (8 địa điểm khác nhau) và thời gian: sau 4 vụ đầu tiên lúc 8h45, vụ thứ năm ít lâu sau đó, vụ thứ sáu lúc 9h05. Khó có hệ thống an ninh, cảnh sát nào lại không nao núng khi phải trải lực lượng ra đối phó tại 6 địa điểm khác nhau, trong khoảng thời gian chỉ 20 phút như thế. Khó có hệ thống cấp cứu nào có thể tiếp nhận, nhận dạng và xử trí chừng đó ca cấp cứu trong chừng ấy thời gian. Hình ảnh các tấm drap trắng đắp lên những tử thi nằm dài trong các nhà thờ cho thấy mức độ tàn khốc đã được tính toán trước và đạt được với giá là máu của chỉ vài kẻ cuồng tín tin mình sẽ “tử đạo”. Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardene nói: “Chúng tôi tin rằng đây là những cuộc tấn công phối hợp với một nhóm đứng đằng sau”. Con số 39 người nước ngoài thiệt mạng (gồm các quốc tịch Anh, Ấn Độ, Mỹ, Đan Mạch, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Bangladesh, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Bồ Đào Nha) càng cho thấy những kẻ chủ mưu không phân biệt gì cả, không kể đến cả trẻ em (8 trẻ nhỏ, trong đó thảm thương nhất là 3 trong 4 người con của một nhà triệu phú người Đan Mạch). Theo Chính phủ Sri Lanka, tất cả 7 kẻ đánh bom liều chết đều là công dân Sri Lanka có liên quan tới tổ chức Thowheed Jamath quốc gia, một nhóm phiến quân Hồi giáo địa phương có quan hệ với nước ngoài, trước đây được biết là hay tấn công Phật giáo. Vụ thảm sát có thể tránh được? Trong số những người thiệt mạng có 3 cảnh sát, mà theo New York Times (NYT) ngày 21-4, bỏ mình trong khi truy đuổi những kẻ tấn công tại một khu nhà ở Dematagoda, ngoại ô thủ đô Colombo. Cảnh sát cho biết họ đã tìm thấy chất nổ bên trong một căn hộ ở đó và một vụ đọ súng đã xảy ra giữa cảnh sát và các nghi phạm bên trong tòa nhà. Nếu tin này là xác thực, e rằng nhóm này phải đông và “thiện chiến” để hạ gục ba cảnh sát trong một vụ tấn công mà cảnh sát chủ động. NYT cũng cho biết “một nghi phạm đã kích nổ trong khi bị cảnh sát thẩm vấn trong ngôi nhà ở ngoại ô này”. Cũng theo NYT, “một quan chức cảnh sát cấp cao từng cảnh báo các quan chức an ninh trong một cuộc họp trước đó 10 ngày về mối đe dọa với các nhà thờ từ một nhóm Hồi giáo cực đoan, Thowheed Jamath quốc gia, nhưng không rõ chính quyền có đưa ra biện pháp bảo vệ nào không và nếu có thì được thực hiện như thế nào”. NYT còn ghi nhận rằng hôm 21-4, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremeshinghe đã nói ông không hề được thông báo về những cảnh báo này. Điều đó nêu ra câu hỏi có hay không có một sự phân hóa trong nội bộ Chính phủ Sri Lanka? CNN 22-4 đặt thẳng vấn đề: “Phải chăng đã có thể ngăn chặn các vụ đánh bom ở Sri Lanka?” kèm lý giải: “Khi một loạt vụ đánh bom liều chết xé toạc những nhà thờ và khách sạn khắp Sri Lanka hôm Chúa nhật Phục sinh, hầu hết đất nước và phần còn lại của thế giới hoàn toàn bất ngờ. Nhưng ở thủ đô Colombo, đó không phải là một cú sốc với tất cả mọi người. Từ nhiều tuần trước, một số cơ quan chính phủ đã biết các cảnh báo về một cuộc tấn công tiềm tàng nhắm vào các nhà thờ và các điểm du lịch... Nhưng chẳng cảnh báo nào được quan tâm”. CNN thuật lại tình hình từ đầu tháng 4: “Theo người phát ngôn chính phủ Rajitha Senaratne, hôm 4-4, các cơ quan tình báo nước ngoài đã lên tiếng với các quan chức Sri Lanka về một âm mưu tiềm tàng tấn công liều chết nhắm vào các nhà thờ Thiên Chúa giáo và điểm du lịch. Năm ngày sau, tức 9-4, Bộ Quốc phòng nước này đã thông báo cho tổng Thanh tra Cảnh sát về âm mưu này và gọi tên nhóm được cho là đứng sau kế hoạch này là Thowheed Jamath quốc gia. Bất thường là bản ghi nhớ cũng bao gồm một danh sách các nghi phạm. Qua ngày 11-4, một bản ghi nhớ khác, có chữ ký của Phó tổng Thanh tra Cảnh sát Priyalal Dissanayake, đã được lưu hành rộng rãi đến một loạt cơ quan an ninh và một số bộ trong chính phủ... Bản ghi nhớ đó, mà CNN thấy được một bản sao, nêu ra mối đe dọa và một lần nữa bao gồm một danh sách các nghi phạm”. Hậu quả của sự dửng dưng, theo CNN, là “khi những kẻ đánh bom liều chết bước vào 3 nhà thờ xung quanh Sri Lanka và 3 khách sạn cao cấp ở Colombo, chúng đã không gặp phải vấn đề an ninh nào. Khi các tín đồ nhắm mắt cầu nguyện, khi khách của khách sạn xếp hàng ăn sáng, những kẻ tấn công đã kích nổ thiết bị và hậu quả thật tàn khốc”. Tại sao lại lơ là như vậy? Tại sao ông thủ tướng lại nói ông không hề được thông báo về những cảnh báo này? CNN giải thích: “Sri Lanka bị xâu xé bởi những phân hóa chính trị kể từ cuộc khủng hoảng hiến pháp năm ngoái, khi Tổng thống Maithripala Sirisena tìm cách thay Thủ tướng Wickremeshinghe bằng một ứng viên cánh hẩu với ông. Ông Wickremeshinghe được phục hồi chức vụ vào tháng 12-2018 sau khi có sự can thiệp của tòa tối cao, nhưng chính phủ vẫn cứ chia rẽ sâu sắc. Giờ đã xuất hiện quan ngại rằng mối thâm thù chính trị có thể đã tạo lỗ hổng an ninh dẫn tới thảm họa này”. Người phát ngôn chính phủ đồng thời là Bộ trưởng Y tế Senaratne nói cụ thể hơn, giải thích rằng do thủ tướng đã bị loại ra khỏi Hội đồng An ninh quốc gia nên không được mời tham gia các buổi báo cáo mật. CNN cho biết thậm chí ngay cả sau vụ khủng bố, các thành viên Hội đồng An ninh quốc gia vẫn từ chối tham dự một cuộc họp do thủ tướng kêu gọi. “Tôi nghĩ đây là quốc gia duy nhất trên thế giới mà hội đồng an ninh không đến khi được thủ tướng triệu tập” - ông Senaratne chua xót. Rõ ràng tình trạng đấu đá ở thượng tầng chính trị Sri Lanka có vai trò không nhỏ trong sai sót kinh khủng này, theo cách nói của CNN. Tuy nhiên, nếu vậy, ai là người chịu trách nhiệm sai lầm dẫn đến tổn thất ít nhất là 310 sinh mạng con người, chưa kể hơn 500 người nữa bị thương? ■ Các vụ nổ hôm 21-4 gây bàng hoàng còn bởi Sri Lanka là một quốc gia đa tôn giáo bậc nhất thế giới, với cả Phật giáo tiểu thừa (70% trong dân số hơn 21 triệu người), Thiên Chúa giáo (12,6%), Ấn giáo (9,7%) và Hồi giáo (7,4%). Các tôn giáo này đã tương đối hòa thuận kể từ khi cuộc nội chiến tại đảo quốc Nam Á này chính thức kết thúc 10 năm trước. Đối thoại liên tôn giáo sau đó đã dẫn đến chuyến thăm của Giáo hoàng Francis tới Sri Lanka tháng 1-2015, nơi ông đã gặp gỡ cả các cộng đồng Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo. Đất nước Sri Lanka có sự đa dạng văn hóa và tôn giáo đặc biệt (ảnh: Sra Lanka Tourism) Đến đầu giờ chiều thứ ba 23-4, Hãng tin news.com.au của Úc loan tin trước nhất rằng “một đoạn video chưa thể xác nhận đã được một nhóm liên kết với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đưa lên mạng xã hội dường như cho thấy nhóm Hồi giáo cực đoan này đứng sau vụ đánh bom các nhà thờ và khách sạn ở Sri Lanka. Đoạn video, phát trên kênh truyền thông Al Ghuraba Media, không phải là kênh chính thức của IS nhưng được cho là do những người ủng hộ IS điều hành, mang một thông điệp rùng mình cùng hình ảnh 3 kẻ đánh bom liều chết. Những người đàn ông, được mô tả là “chiến binh Hồi giáo” chứ không phải là người tử đạo, có tên là Abul Barra, Abul Mukhtar và Abu Ubaida xuất hiện trước một lá cờ IS màu đen để chào cờ bằng một ngón tay... Video này được tung ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardene nói rằng cuộc tấn công là sự trả đũa của người Hồi giáo với vụ xả súng vào nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch (New Zealand, khiến 50 người chết, 50 người bị thương hôm 15-3)”. Tags: Hồi giáoKhủng bốPhật giáoSri LankaColomboLễ Phục sinhĐa sắc tộcBạo lực ở Sri Lanka
Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 cá nhân THÀNH CHUNG 24/01/2025 Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 cá nhân.
Đón Tết trong nhà mới ở khu tái định cư CẨM NƯƠNG 24/01/2025 Những hộ dân từng di dời nhà nhường chỗ cho các dự án lớn tại TP.HCM đang hân hoan niềm vui đón cái Tết đầu tiên tại khu tái định cư.
Thông tin mới về yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Việc công bố các quyết định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện sẽ được thực hiện từ ngày 18 đến 20-2-2025.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.