TTCT - Bóng đá Trung Quốc đã trải qua một thời kỳ phát triển nóng - gần như bừa bãi, khoảng 4-5 năm qua, nhờ tiền bạc của các tập đoàn. Nhưng cuộc yến tiệc được dự báo đang sắp đến hồi kết. Từ mùa giải tới, LĐBĐ Trung Quốc (CFA) sẽ áp đặt mức lương tối đa với các cầu thủ ở China Super League (CSL), hạng đấu cao nhất của nước này, mức trần sẽ là 3,63 triệu USD/mùa giải.Luật BeckhamĐó sẽ là dấu chấm hết cho sự nghiệp của các siêu sao bóng đá nước ngoài tại Trung Quốc. Từ Hulk, Oscar, Cédric Bakambu cho đến Graziano Pellè, Marek Hamsik, cùng hàng loạt tên tuổi lừng lẫy khác đang hưởng mức lương trên dưới 20 triệu USD ở CSL sẽ phải giảm đến 80% lương nếu muốn tiếp tục ký hợp đồng với các CLB Trung Quốc.Bóng đá Trung Quốc sẽ sớm phải chia tay các siêu sao nước ngoài tầm cỡ như Hulk. Ảnh: Goal.comQuy định trần lương mới không ảnh hưởng đến những cầu thủ chưa hết hợp đồng, tức Oscar và nhiều ngôi sao khác vẫn sẽ được hưởng mức lương trên trời hiện tại đến khi hợp đồng đáo hạn. Nhưng cũng có những người như Hulk, với hợp đồng cùng Shanghai SIPG chính thức hết hạn đúng vào ngày 1-1-2021, cũng là ngày trần lương có hiệu lực. Hiện tiền đạo người Brazil đã công khai bày tỏ mong muốn rời Trung Quốc trong thời gian tới. Âu cũng là chuyện hiển nhiên, bởi ngoài tiền, chẳng có lý do gì để những ngôi sao như Hulk tới chơi ở một nền bóng đá tầm tầm tại châu Á như vậy, thà sang Mỹ hoặc Úc - những nơi có lối sống Tây phương và nền bóng đá phát triển ngoài châu Âu - còn hơn.Phải so sánh với Mỹ mới thấy bóng đá Trung Quốc đã “ăn xổi ở thì” thế nào. Hiểm họa lạm phát tiền lương mà CFA đang gắng ngăn chặn thì bóng đá Mỹ đã nhìn thấy từ hàng chục năm trước. Không lâu sau khi thành lập Giải bóng đá nhà nghề (MLS) vào năm 1996, giới chức bóng đá Mỹ trải qua nhiều cuộc tranh luận và thống nhất giới hạn mức lương. Theo đó, tổng quỹ lương của một CLB không được vượt một mốc nhất định (vài triệu USD), đồng thời có cả trần lương cho mỗi cầu thủ (vài trăm ngàn USD). Ở đây có một nghịch lý lạ lùng: trong bóng đá, nước Mỹ tư bản chủ nghĩa và tự do cá nhân lại tìm cách đảm bảo bình đẳng và san bằng thu nhập; còn Trung Quốc xã hội chủ nghĩa và tập thể chủ nghĩa lại để sinh ra những cầu thủ triệu phú thu nhập trên trời suốt một thời gian dài.Câu hỏi là nếu không chi đậm, làm sao MLS thu hút được các ngôi sao lớn? Người Mỹ lại tiếp tục ban hành quy định “Cầu thủ chỉ định” (Designated Player) - hay được biết đến rộng rãi hơn với tên gọi thông dụng “luật Beckham”. Sở dĩ nó có tên như vậy là vì năm 2007, quy định này ra đời để đón cụ thể chính David Beckham - lúc đó vừa quyết định rời Real Madrid sang đầu quân cho LA Galaxy với mức lương 6,5 triệu USD/năm (thật ra ngay cả mức lương này vẫn không bõ bèn gì so với số tiền bản quyền hình ảnh lên đến hơn 200 triệu USD mà siêu sao người Anh nhận được ở Mỹ).Quy định mới cho phép mỗi đội bóng có tối đa ba “cầu thủ chỉ định” mà mỗi người ngoài khoản lương thông thường còn được phép hưởng thêm một khoản lương nữa, cũng được trần tối đa (vào năm 2019 là 2,8 triệu USD). Hạn ngạch này cũng được phép trao đổi qua lại giữa ba cầu thủ đó, tức một đội bóng có thể dồn toàn bộ hạn ngạch lương vượt trần của họ vào một người, để thu hút những ngôi sao đặc biệt. Ngoài Beckham, ngôi sao người Thụy Điển Zlatan Ibrahimovic cũng từng nhận lương 7,2 triệu USD khi khoác áo LA Galaxy.Bằng cách này, MLS kiểm soát được tài chính của các đội mà không cần phải can thiệp trực tiếp, đồng thời hạn chế lạm phát tiền lương, cũng như việc một vài đội bóng đại gia vung tiền khuynh đảo giải đấu, nhưng vẫn thu hút được các siêu sao. Những cầu thủ chỉ định nổi tiếng trong lịch sử MLS là Beckham, Denilson, Thierry Henry, Robbie Keane, David Villa, Frank Lampard, Andrea Pirlo, Steven Gerrard, Didier Drogba... Tất nhiên, hầu hết chỉ sang Mỹ khi đã qua thời đỉnh cao.Đại chỉnh đốnBóng đá Trung Quốc bắt đầu vung tiền có lẽ là từ năm 2015, trở thành điểm đến ưa thích nhất với nhiều ngôi sao muốn rời châu Âu, vượt qua những thị trường truyền thống của đối tượng này như Mỹ, Úc, Qatar, Saudi Arabia hay Nhật Bản. Mãnh lực đồng tiền từ Trung Quốc lớn đến mức họ có thể lôi kéo cả những ngôi sao lớn đang ở độ chín sự nghiệp, chứ không chỉ những người hết thời. Chẳng hạn, Jackson Martinez rời Atletico sang Guangzhou Evergrande với giá 42 triệu euro khi 29 tuổi. Một năm sau, Hulk cũng 29 tuổi khi rời Zenit để cập bến Shanghai SIPG. Cũng SIPG đã sở hữu Oscar từ Chelsea khi tiền vệ người Brazil 25 tuổi.Những ngôi sao như danh thủ Brazil Paulinho tới Trung Quốc - khoác áo Guangzhou Evergrande - nhờ tiền bạc của những tập đoàn như Alibaba. Ảnh: The GuardianQuyền lực của đồng tiền đồng thời tạo ra những ảo tưởng với bóng đá Trung Quốc. Năm 2017, CFA đặt ra sáu mục tiêu lớn cho đội tuyển quốc gia các cấp, như giành vé dự Olympic, top 4 châu Á, top 70 thế giới... Nhưng cũng từ đó, chính sách “ăn xổi” của bóng đá Trung Quốc xuất hiện nhiều trục trặc. Sự xuất hiện ồ ạt của các ngôi sao thế giới chỉ mang lại sự hào nhoáng ban đầu, và nó mâu thuẫn với chí hướng muốn phát triển cầu thủ trẻ nội địa của CFA.Thật dễ hiểu, càng nhiều ngôi sao nước ngoài lương cao giá chuyển nhượng đắt thì càng ít cơ hội cho cầu thủ trẻ Trung Quốc. Sự chênh lệch trình độ quá lớn cũng không giúp ích nhiều cho cầu thủ nội địa như mong đợi ban đầu. Ở Mỹ, Ibrahimovic hay Beckham có thể là những ngôi sao, nhưng họ cũng chỉ là một phần của đội bóng. Còn ở Trung Quốc, những Hulk, Oscar, hay Marko Arnautovic - bộ ba lừng lẫy của SIPG - trở thành một “đẳng cấp” riêng, một tập thể ưu tú nhỏ tách biệt khỏi “đám đồng đội bản xứ” chỉ làm nền cho họ.Ngay cả xét sức hấp dẫn của bóng đá với công chúng và công tác quản lý giải đấu, chính sách vung tiền cũng dần đi vào ngõ cụt. Khi các ngôi sao đổ bộ cách đây 5 năm, lượng CĐV đến sân ở Trung Quốc tăng vọt lên mức 25.000 người/trận mùa 2015, nhưng rồi khi những mới mẻ đã qua, con số đó chững lại và giảm dần, còn 23.000 người/trận mùa 2019. Tệ hơn, một số CLB giàu nhất như SIPG, Guangzhou Evergrande, Jiangsu hoàn toàn thao túng CSL, khiến giải dần trở nên nhàm chán. Còn ở AFC Champions League, thành tích của các CLB Trung Quốc cũng không ấn tượng lắm. Đã 5 năm liền không có đại diện nào của họ vô địch đấu trường cao nhất châu lục cấp CLB, trong khi các đội Nhật, Hàn vẫn duy trì thành tích ổn định.Giống như một giấc Nam Kha, sự thức tỉnh của giới chức bóng đá Trung Quốc, dù muộn màng, vẫn là cần thiết. ■Châu Âu cũng học tập MỹGiới quản lý bóng đá châu Âu từ lâu đã phải chật vật xoay xở với các vấn đề lũng đoạn thị trường do sức mạnh đồng tiền của một số ít đội bóng đại gia. Luật công bằng tài chính (FFP) được Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) cho ra đời vào năm 2009 là một nỗ lực nhằm khống chế cơn cuồng mua sắm của các đại gia như Chelsea, Man City hay PSG. Tuy chưa hoàn toàn đạt được mục tiêu đề ra, FFP vẫn được cập nhật sau từng năm và góp phần giảm bớt sự thống trị của các đội nhà giàu. Tags: Trung QuốcBóng đá Trung QuốcHulkBeckhamBóng đá Mỹ
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.