Trong khi Big Alcohol - những đại gia trong ngành đồ uống có cồn, từ nhà sản xuất, tiếp thị, phân phối cho tới hãng bán lẻ - sở hữu nguồn lực gần như vô hạn để tác động, thậm chí là thao túng chính sách, thì lời kêu gào từ giới chuyên gia y tế và truyền thông có trách nhiệm thường chỉ như đá ném ao bèo. “Trong khi nhiều người ý thức về tỉ lệ tử vong cao mà thuốc lá và đồ ăn không lành mạnh gây ra, ít người biết tới tác động kinh khủng của đồ uống có cồn” - giáo sư về y tế công của Trường Y tế công New York, Mỹ Nicholas Freudenberg viết trong cuốn sách Gây chết người, nhưng hợp pháp. Cuốn sách "Gây chết người nhưng hợp pháp của Nicholas Freudenberg Thiên hình vạn trạng Theo đó, ngành đồ uống có cồn thực chất là ngành chế tạo bệnh tật: từ các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, tới lây nhiễm và gây chết người như viêm gan, lao phổi... Đó là chưa kể những tác động tiêu cực khác như làm tăng nguy cơ thương tật do tai nạn, bạo lực, thương tổn tâm thần, tăng tỉ lệ tự sát, làm giảm chất lượng sống... Vấn đề nằm ở chỗ Big Alcohol đã tập hợp thành những liên minh tài chính và chính trị rất mạnh mẽ để ngăn cản nhiều chính sách công gây phương hại cho họ, dù tốt cho sức khỏe cộng đồng. Các bằng chứng khoa học từ lâu đã cho thấy nguy cơ từ đồ uống có cồn nghiêm trọng hơn nhiều so với những lợi ích của việc “sử dụng điều độ”. Bất chấp điều đó, ngành này vẫn nỗ lực gieo rắc những ngộ nhận về sản phẩm của họ và tác động của chúng, cũng như lan truyền sự nghi ngờ lên các bằng chứng khoa học. Cũng cần biết rằng Big Alcohol là bạn bè thân thiết của ngành thuốc lá, trong nhiều năm đã học hỏi cả sai lầm lẫn thành công trong việc vận động của ngành thuốc lá, để cải thiện khả năng vận động hành lang của chính họ. Trong một mạng lưới rộng hơn, hai ngành đó, cùng thực phẩm chế biến, dược phẩm, vũ khí và xe hơi, tạo thành một đại tổ hợp tiêu dùng - một mạng lưới các tập đoàn đa quốc gia, định chế tài chính, ngân hàng, hãng thương mại, quảng cáo, vận động hành lang, công ty pháp lý... chuyên thúc đẩy sự tiêu dùng thái quá, một hình thức cực đoan của chủ nghĩa tư bản thị trường. Với việc lập nên những tổ chức được xếp loại phi lợi nhuận, cố tình gây nhầm lẫn bằng những cái tên như Trung tâm Quốc tế chính sách về đồ uống có cồn (International Center for Alcohol Policies, ICAP) hay Quỹ Thúc đẩy sử dụng đồ uống có cồn có trách nhiệm (Foundation for Advancing Alcohol Responsibility), cũng như đổi tên thường xuyên, các liên minh những hãng đồ uống có cồn gây rối trí cho truyền thông, người hoạch định chính sách, người tiêu dùng và đôi khi cả giới khoa học. ICAP được đăng ký là phi lợi nhuận, nhưng do 15 hãng sản xuất đồ uống có cồn hàng đầu thế giới bỏ tiền, phần lớn cũng có tên trong Liên minh Các nhà sản xuất đồ uống có cồn toàn cầu (Global Alcohol Producers Group, GAPG). Một ví dụ khác là Liên minh Quốc tế uống có trách nhiệm (International Alliance for Responsible Drinking, hay IARD), một sự hợp nhất giữa ICAP và GAPG. Bất chấp cái tên rất đạo đức, IARD thực chất là nhóm 12 tập đoàn đa quốc gia chuyên đồ uống có cồn lớn nhất thế giới, bao gồm cả 3 ngành chính: rượu vang, bia và rượu mạnh. Dân nhậu Việt Nam chắc chắn sẽ biết tới tên của không ít sản phẩm của các tập đoàn thuộc IARD: Beam Suntory (rượu Jim Beam), Moslon Coors (bia Becks), Carlsberg, Kirin Holdings Company (Jonny Walker đen), Bacardi, Diageo (Hennessey, Guiness, Baileys), Brown-Forman Corp. (Jack Daniel’s), Heineken... Việc sở hữu chéo các nhãn hiệu và cổ phần cũng là phổ biến trong các tập đoàn này. Ảnh: Crave Ví dụ Diageo Diageo là công ty có trụ sở tại London, từng là nhà sản xuất rượu mạnh lớn nhất thế giới trong một thời gian dài, cho tới khi bị hãng Trung Quốc Kweichow Moutai (Quý Châu Mao Đài) qua mặt vào năm 2017. Dẫu vậy, Diageo vẫn là nhà sản xuất whisky lớn nhất thế giới và sản phẩm của họ có tính quốc tế hóa hơn nhiều so với Moutai. Các nhãn hàng của Diageo bao gồm Smirnoff, Johnnie Walker, Baileys, và Guinness. Tập đoàn này cũng sở hữu 37% thương hiệu Moët Hennessy của hãng đồ xa xỉ Pháp LVMH. Diageo bán sản phẩm ở hơn 180 nước và có văn phòng ở 80 nước trong số đó, với doanh thu năm 2018 là 15,5 tỉ USD. Công ty này đã dính vào đủ loại bê bối vì hành vi kinh doanh phi đạo đức, từ các cáo buộc trốn thuế ở Anh và Pháp tới các vụ hối lộ ở Ấn Độ, Hàn Quốc. Ở Ấn Độ, từ 2003 tới 2009, công ty bị cáo buộc đã chi hơn 1,7 triệu USD các khoản không minh bạch cho hàng trăm quan chức chính quyền chịu trách nhiệm việc mua hay cấp phép để bán sản phẩm của Diageo. Ở Hàn Quốc năm 2009, một số nhân viên của công ty này đã bị truy tố vì đưa hối lộ và trốn thuế. Năm 2011, Diageo chấp thuận trả các khoản phạt tổng cộng hơn 16 triệu USD Mỹ, dù không thừa nhận cũng như không phủ nhận các sai phạm trong kinh doanh theo cáo buộc của Ủy ban Chứng khoán Mỹ. Giai đoạn 2004 tới 2008, Diageo bị cáo buộc chi trả khoảng 12.000 USD mỗi tháng tiền “phí tư vấn” trong 5 tháng cho một quan chức chính phủ Thái Lan, người vận động giúp họ liên quan tới một vụ tranh chấp thuế và hải quan. Ở Mexico, Diageo vận động trong chính quyền để ngừng đánh thuế sản phẩm rượu mạnh theo giá mà chuyển sang đánh thuế dựa trên hàm lượng cồn. Ivan Menezes, giám đốc điều hành của Diageo, trực tiếp đề cập tới chương trình thuế này ở các cuộc gặp tổng thống và bộ trưởng tài chính Mexico lúc bấy giờ. Kết quả: doanh số tequila, loại rượu mạnh phổ biến nhất ở Mexico, vào năm 2014 là 1,14 tỉ USD. Đánh thuế được cho là phương pháp hữu hiệu nhất trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng liên quan tới những tác hại của đồ uống có cồn (so với các biện pháp khác như giới hạn độ tuổi kèm phạt - vốn khó thực thi, tuyên truyền giải thích - vốn thiếu nguồn lực và hiệu quả, hay các biện pháp hành chính). Các nghiên cứu khoa học cho thấy bằng chứng nhất quán là giá đồ uống có cồn và thuế đánh vào các đồ uống này tương quan ngược với lượng tiêu thụ và những tác hại đi kèm. Các kết quả đúng ở những quốc gia, thời gian nghiên cứu, nhóm mẫu và cách phân tích khác nhau. Mức độ tập trung thị trường Sức mạnh của các tập đoàn đồ uống có cồn lớn ở chỗ thị trường này, sau nhiều thập kỷ cạnh tranh, đã trở nên cực kỳ tập trung với nhiều vụ thâu tóm lớn. Chẳng hạn những năm 1960, Heineken đã mua lại Amstel, còn Carlsberg mua Tuborg. Năm 1971 chứng kiến sự hợp nhất của Hãng sản xuất champagne Moët & Chandon với Công ty rượu cognac Hennessy. Rồi suốt từ 1980 tới nay, khi toàn cầu hóa tăng tốc, các tập đoàn đa quốc gia mua lại hàng loạt hãng đồ uống có cồn địa phương ở châu Phi, Mỹ Latin, châu Á (vụ bán lại thương hiệu bia Sài Gòn cho ThaiBev, hãng đồ uống lớn nhất Đông Nam Á, vào năm 2017, là sự tiếp tục dòng chảy đó)... Hiện chỉ vài siêu tập đoàn hoạt động ở quy mô toàn cầu thống trị thị trường đồ uống có cồn đóng chai, nhất là thị trường bia, nhưng cả rượu mạnh và rượu vang nữa. Mức độ tập trung đó đã tạo ra sức mạnh tài chính và chính trị chưa từng có tiền lệ cho ngành này. Năm 2010, 10 hãng bia lớn nhất thế giới kiểm soát 66% thị phần tính theo doanh số toàn cầu, tăng 28% so với giai đoạn 1979-1980. Với rượu mạnh, con số này là 59%. Bằng sức mạnh đó, năm 2010 chẳng hạn, 6 hãng đồ uống có cồn lớn nhất đã chi tổng cộng 2 tỉ USD chỉ riêng cho việc tiếp thị sản phẩm. Đối mặt với những hạn chế về quy định quảng cáo - tiếp thị gần như trên toàn thế giới, Big Alcohol vay mượn chiến lược của ngành thuốc lá, với những điều chỉnh quan trọng. “Có bằng chứng cho thấy các công ty thuốc lá và rượu... sử dụng những chiến lược cực kỳ giống nhau trong nỗ lực để tiếp thị sản phẩm và ngăn chặn cũng như trì hoãn các chính sách y tế công có hiệu quả, trong một số trường hợp họ còn hợp tác với nhau” - bản tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2012 lưu ý. Nhưng việc tiếp thị này cũng thay đổi cùng thời đại. “Ngành đồ uống có cồn đã phát triển và tiếp thị các sản phẩm nhắm vào những công chúng mới: thanh thiếu niên, phụ nữ, người da đen và Latin” - Freudenberg viết trong cuốn Gây chết người, nhưng hợp pháp. Các chiến lược mới bao gồm việc tính dục hóa phụ nữ, mô tả phụ nữ như công cụ, đào sâu định kiến giới (uống bia, rượu mới là nam tính, hấp dẫn). Một poster của IOGT International chống sự lũng đoạn của các tập đoàn rượu bia Thống kê của IOGT International, một tổ chức chống bia rượu ở Thụy Điển, cho thấy quảng cáo ở các tạp chí với đối tượng độc giả trẻ là đáng kể (ít nhất 15%) thường xuyên xuất hiện cảnh uống rượu bia vô tội vạ. Big Alcohol cũng lách luật bằng cách đưa các thương hiệu đồ uống có cồn vào trò chơi điện tử, phim ảnh, Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác, vốn nhắm rõ ràng vào người trẻ.■ Đủ chiêu trò trốn thuế Bởi thuế là công cụ mạnh nhất để kiểm soát các công ty bia rượu, cuộc chiến né, tránh và trốn thuế giữa các công ty này và chính quyền cũng rất phức tạp. Ở Úc chẳng hạn, một báo cáo của Quỹ Nghiên cứu và giáo dục về đồ uống có cồn (FARE) cho thấy người dân đóng thuế nước này đã tài trợ 1,4 tỉ USD cho ngành rượu vang qua đường ngân sách. Không như bia hay rượu mạnh được đánh thuế theo nồng độ, rượu vang chịu thuế theo giá bán sỉ. Kết quả là rượu vang giá rẻ có thuế thấp hơn nhiều so với bia hay rượu mạnh. Báo cáo nói nếu rượu vang cũng bị đánh thuế giống bia và rượu mạnh, ngân sách Úc sẽ thu được thêm 1,4 tỉ USD. Chương trình Thuế rượu vang bình đẳng (WET) của chính phủ khiến 3.500/3.800 hãng sản xuất rượu vang ở nước này gần như không phải đóng thuế. Chỉ 23 hãng sản xuất trả gần 90% tổng số thuế 800 triệu USD của cả ngành. “Phần lớn người dân Úc đóng thuế thu nhập cá nhân còn nhiều hơn các nhà sản xuất và bán sỉ rượu vang đó. Thật lạ lùng khi người dân Úc bình thường tiếp tục trả tiền cho những chi phí y tế và xã hội nghiêm trọng của đồ uống có cồn, trong khi phần lớn hãng sản xuất rượu vang thu lợi từ chương trình thuế ưu ái cho họ và khuyến khích sản xuất đồ uống có cồn giá rẻ” - Michael Thorn của FARE nói. Xem ra đó không phải là tình trạng của mình nước Úc. The Lancet: Mức tiêu thụ rượu tăng 90% ở Việt Nam trong 7 năm Nghiên cứu “Tiếp xúc với đồ uống có cồn trên toàn cầu từ 1990 tới 2017 và dự báo tới năm 2030” vừa xuất bản trên tạp chí y khoa danh giá The Lancet ngày 7-5-2019 cho thấy lượng tiêu thụ đồ uống có cồn trung bình mỗi năm ở người trưởng thành trong giai đoạn 1990-2017 đã tăng từ 5,9 lít lên 6,5 lít. Nghiên cứu cũng cảnh báo các chính phủ sẽ thất bại trong thực thi các chính sách toàn cầu để giảm việc sử dụng thức uống có cồn và gợi ý các hành động cụ thể. Mức tiêu thụ tăng trên toàn cầu nhiều khả năng là do sự gia tăng ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Giai đoạn 2010-2017, mức tăng tiêu thụ rượu trên đầu người tăng mạnh ở các nước Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, riêng ở Việt Nam tăng tới 90%, từ 4,7 lên 8,9 lít. Nghiên cứu dự báo mức tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng lên thành 7,6 lít năm 2030 và một nửa người trưởng thành trên thế giới sẽ sử dụng đồ uống có cồn, khoảng 1/4 sẽ uống ít nhất 1 lần/tháng. Cùng lúc, trên toàn cầu có khoảng 237 triệu đàn ông và 46 triệu phụ nữ mắc những rối loạn liên quan tới đồ uống có cồn, cao nhất là ở châu Âu (15% và 3,5% cho nam và nữ trong tổng dân số) và Bắc Mỹ (11,5% và 5%). Dựa trên dữ liệu này, “mục tiêu của WHO nhằm giảm tác hại của rượu bia còn 10% vào năm 2025 sẽ không thể đạt được” - tác giả nghiên cứu Jakob Manthey thuộc ĐH Công nghệ Dresden (Đức), kết luận. K.L. Cuộc chiến ở Utah Theo tạp chí Mother Jones, tại Mỹ, chỉ bang Utah có chính sách rõ ràng nhằm hạ thấp giới hạn cồn trong máu được phép lái xe (BAC). Chính sách này được thông qua vào tháng 3-2017, sẽ giảm BAC với lái xe từ 0,08% (80mg/lít khí thở) xuống còn 0,05%. Để dễ hình dung, một người đàn ông nặng 81kg, uống 4 ly bia sẽ đạt tới BAC là 0,08%, chỉ cần 2 ly là đạt tới 0,05% và có thể ít hơn với phụ nữ. Đây là luật được xem là nghiêm khắc nhất liên quan tới việc say rượu lái xe ở Mỹ. Một số bang khác ở Mỹ cũng đang cân nhắc học theo Utah, gồm Delaware, New York, Hawaii và Washington. Ủy ban An toàn giao thông Mỹ lần đầu tiên khuyến nghị hạ BAC xuống 0,05% vào năm 2013 (ở Việt Nam hiện luật rất chặt: trên 0,00% đã là phạm luật với người lái xe hơi, và các mức phạt càng cao theo nồng độ càng tăng, cho các mốc 0,05% và 0,08%). Ủy ban dẫn bằng chứng rõ ràng từ phòng thí nghiệm và dữ liệu thực tế để cho biết sự mất khả năng kiểm soát tay lái xảy ra ngay sau khi uống ly đầu tiên. Hầu hết lái xe đều sẽ có vấn đề ở mức BAC 0,05%, và lái xe với BAC từ 0,05-0,079% sẽ có nguy cơ tử vong vì tai nạn cao gấp 7 lần so với người chưa uống. Tháng 1-2019, Hiệp hội Các viện khoa học, kỹ thuật và dược Hoa Kỳ (NASEM) nhắc lại những phát hiện này trong một báo cáo mới nhằm thúc đẩy chiến dịch đối phó với tình trạng say rượu lái xe, vốn đang có nguy cơ đình trệ ở Mỹ. NASEM ước tính nếu mọi bang hạ mức BAC xuống 0,05%, những vụ thiệt mạng do say rượu lái xe sẽ còn 11%, giúp cứu gần 1.800 mạng người mỗi năm. Tuy nhiên, tại Utah, ngành kinh doanh thức uống có cồn đã phản ứng dữ dội ngay từ khi đạo luật mới được giới thiệu năm 2017. Viện Đồ uống Mỹ (ABI) - tổ chức phi lợi nhuận ở Washington, D.C. đại diện cho ngành nhà hàng và quầy rượu - mở chiến dịch “Utah: Khi đến là để nghỉ ngơi, khi về bị pháp luật sờ gáy”. ABI đăng một quảng cáo kín trang trên nhật báo hàng đầu ở Mỹ USA Today và các báo địa phương tại Nevada và Idaho, nhắm vào các du khách tiềm năng tới Utah, ngụ ý rằng uống 1 ly vào bữa tối có thể khiến một phụ nữ trở thành tội phạm một khi ngồi sau tay lái. ABI lập luận rằng mức BAC 0,05% “khiến việc thực thi pháp luật không tập trung vào những người vi phạm lái xe khi say rượu thường xuyên, mức BAC cao nguy hiểm, những người này mới chịu trách nhiệm về gần 70% cái chết do tai nạn giao thông liên quan tới thức uống có cồn”. Michael Scippa - người phát ngôn của nhóm vận động chính sách phi chính phủ chống bia rượu Alcohol Justice - bởi thế đã thừa nhận: “Đây là cuộc chiến lâu dài. Một chiến dịch kéo dài 10 năm”. Khổng Loan Tags: Tác hại rượu biaTập đoàn rượu bia lũng đoạnChống bia rượuTrốn thuế bia rượu
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Chiều 25 Tết, các điểm đầu TP.HCM ken đặc, hành khách xếp hàng ở sân bay nhiều giờ THU DUNG 24/01/2025 Chiều 24-1, người dân bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đường phố TP.HCM càng về chiều càng đông, cuộc xuân vận bắt đầu diễn ra.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Mỹ bắt đầu trục xuất hàng trăm người nhập cư lậu, tuyên bố 'chiến dịch trục xuất lớn nhất lịch sử' KHÁNH QUỲNH 24/01/2025 Ngày 23-1, chính quyền mới của ông Trump đã bắt hàng trăm người nhập cư trái phép và trục xuất nhiều người ra khỏi nước Mỹ bằng máy bay quân sự.