TTCT - Cuộc hẹn lúc 11g trưa, Q.1, TP.HCM. Nữ danh ca Lê Uyên nhan sắc một thời với cuộc tình huyền thoại nay đã ở tuổi ngoài 60 nhưng vẫn giữ phong thái trẻ trung, đầy cá tính qua phong cách thời trang và trang điểm. Ca sĩ Lê Uyên chụp tại ngôi nhà cũ trên đường Võ Tánh (nay là đường Bùi Thị Xuân), thành phố Đà Lạt cuối tháng 10 vừa qua - Ảnh: DL Duy Chị thân thiện đón tiếp người khách trẻ đến thực hiện cuộc trao đổi hứa hẹn sẽ lan man nhiều chuyện chẳng liên quan lắm đến sô diễn sắp tới. Chị đặc biệt tỏ ra hào hứng, sôi nổi khi tôi muốn nói về Đà Lạt, nơi những năm cuối 1960 đầu 1970 đôi tình nhân Lê Uyên và Phương đã nắm tay nhau đi vào nền tân nhạc Việt Nam. Có một “tinh cầu xa lạ” * 16 tuổi, cô nữ sinh Lâm Phúc Anh (tên thật của Lê Uyên) rời Chợ Lớn lên Đà Lạt học. Ấn tượng ban đầu của chị về thành phố ấy? - Ca sĩ Lê Uyên: Một xúc cảm vừa dễ thương vừa lạ lùng mà trước đó tôi chưa từng có. Xa đời sống rộn ràng, bận rộn ở Chợ Lớn, Sài Gòn, khi bước chân lên Đà Lạt tôi thấy mình như đang lạc vào một thế giới nào đó không thuộc về Trái đất này - một thế giới đầy ắp thiên nhiên, còn con người sống tốt lành, hồn nhiên, lịch thiệp và rất tự do. Thời đó, tôi là dân trường Tây, học chương trình Pháp, quen với môi trường giáo dục khai phóng, nên khi đến Đà Lạt thật sự tôi đã nghĩ rằng đây, chính cái “tinh cầu xa lạ” này là của mình, tâm tính của mình đã thuộc về nó rồi! * Những năm 1960-1970, tư tưởng hiện sinh từ phương Tây du nhập mạnh mẽ vào các đô thị miền Nam Việt Nam. Anh Lê Văn Lộc (nhạc sĩ Lê Uyên Phương) là một giáo viên dạy triết, hẳn đã biết cách đưa không khí hiện sinh ấy hòa trộn vào tâm thế, tình cảm của tuổi trẻ đô thị đang bất an trước cuộc chiến tranh... - Đúng là vậy. Điều đó thể hiện rõ nhất trong ca khúc Hãy ngồi xuống đây. Tuy là người thoát khỏi lệnh tổng động viên vì lý do gia cảnh (con trai một) và sức khỏe (có những khối u ở ngón tay, không thể bóp cò súng được), nhưng được miễn quân dịch không có nghĩa là an tâm với mọi thứ. Anh Phương lúc bấy giờ nhìn thấy bạn bè xung quanh, hiểu tâm trạng bất an của tuổi trẻ đứng trước một ngày mai không có lối thoát, anh đã viết Hãy ngồi xuống đây, có những đoạn như vầy: “Hãy ngồi xuống đây, trên con vực này ngó xuống thương đau” hay: “Hãy ngồi xuống đây, trên lưng cuộc đời, thách đố thương đau”. Đối với anh, nghịch cảnh hay thương đau là một phần của đời sống, hãy biết cách chấp nhận nó một cách tự nhiên nhất, không nên tuyệt vọng hay bi lụy. Lúc đó anh mới 26 tuổi nhưng đã đọc Krishnamurti (*), đã có cái nhìn đời sống thấu đáo và sâu sắc như vậy. Một khi nhìn nhận được như thế, người ta sẽ có thái độ sống trọn vẹn hơn với phút giây hiện tại, với tình yêu, với con người. * Những trải nghiệm của chị khi hát lên những ca khúc nồng nàn nhưng cũng giàu triết lý đó? - Dĩ nhiên mới 16, 17 tuổi, tôi còn quá nhỏ, chưa thể có trải nghiệm sâu. Những gì là đời sống, suy tư, âm nhạc... lúc ấy tôi tiếp thu được qua anh Phương. Anh Phương là người nói cho tôi nghe từng chuyện một, từng khía cạnh của cuộc đời nên tôi đã cảm nghiệm và chuyển tải trọn vẹn tinh thần đó qua những ca khúc do anh viết ra. Hơn nữa, đây là những ca khúc mà chúng tôi viết và hát cho nhau nên mang hơi thở tình yêu mà chúng tôi dành cho nhau trong cuộc tình tuyệt vời của mình. Thời ở Đà Lạt, chúng tôi chưa từng nghĩ viết hay hát ca khúc nọ ca khúc kia để được nổi tiếng, được người khác đón nhận, mà tất cả chỉ để làm tình yêu dành cho nhau thêm sâu sắc, mặn nồng. Về sau thì những điều chân thực ấy mới chạm vào, lan tỏa trong trái tim nhiều người. * Không khí đô thị Đà Lạt thời bấy giờ cũng là một thành tố quan trọng làm nên loại âm nhạc Lê Uyên - Phương? - Đà Lạt quan trọng vô cùng. Với chúng tôi, đó là tất cả. Bởi vì đó là nơi chúng tôi hít thở hằng ngày, là nơi chúng tôi ghi nhận cái đẹp trong thiên nhiên, trong cuộc đời mà với những con người bình thường có thể không để ý vì mãi lo toan tính đời sống. Với tâm cảm nghệ sĩ thì một cái cây hôm nay ra chiếc lá non cũng là điều mới, vì sao hôm nay ở vùng này chim hót nhiều đến vậy cũng là một sự kiện, một sự chuyển động... Tất cả trải nghiệm thiên nhiên đó đem lại cho chúng tôi một đời sống nội tâm giàu có. Ngày đó, ngay cả khi đã cùng nhau về Sài Gòn hát và được công chúng biết đến rộng rãi, chúng tôi vẫn không nghĩ sẽ có ngày xa được Đà Lạt. Chúng tôi hát vài tuần, một tháng ở các phòng trà, sân khấu Sài Gòn, có tiền rồi thì ngưng, quay về Đà Lạt. Để làm gì? Chẳng làm gì hết. Mỗi sáng thức dậy pha một bình trà, rồi viết nhạc, rồi kéo nhau ra phố ăn phở, uống cà phê, gặp bạn bè, kéo nhau lên đồi tán dóc... Sung sướng quá. Rồi lại tới lúc Sài Gòn kêu réo “ông bà phải về, bọn tôi đang chờ dưới này” thì lại cùng nhau xuống Sài Gòn. Sau hai, ba tuần lại lên Đà Lạt, cứ như thế... Lê uyên & Phương tại Đà Lạt cuối thập niên 1960 - Ảnh nhân vật cung cấp Vì tình yêu không có tuổi * Và nghe đâu vợ chồng chị đã mang không khí Đà Lạt đầy lý tưởng đó sang Mỹ. Có người kể rằng sau khi anh Phương mất (năm 1999), chị đã mua ngôi nhà có những cây thông Đà Lạt để tái hiện một Đà Lạt ở Nam Cali? - Căn nhà chúng tôi sống ở Mỹ vẫn có những góc không gian như căn gác gỗ thời ở Đà Lạt. Anh Phương mất được 10 năm, một hôm nọ tôi tình cờ nhìn thấy một ngôi nhà gỗ khác trông rất Đà Lạt, nhìn bên ngoài đã thích rồi. Nhưng khi bước vào bên trong, ra phía sau, tôi sững sờ khi thấy những cây thông Đà Lạt cổ thụ ngoài vườn, bên những cây phong xào xạc. Tôi đã nghĩ rằng đây đúng là nơi anh Phương chọn để chúng tôi tiếp tục về ở với nhau. Tôi đã mua căn nhà đó, làm một khoảng sân lớn, một cái hồ và một trà thất, kê cái bàn thấp, đặt một cây đàn như thể anh vẫn còn đó, hiện diện bên tôi, uống trà và viết nhạc. Và trong không gian tĩnh lặng ấy ngày nào tôi cũng thấy anh, cũng được trò chuyện với nhau giữa một Đà Lạt của riêng mình ở khu Garden Grove, Nam California. Chúng tôi vẫn sống bên nhau, trong thành phố ký ức của mình. * Lần trở lại Đà Lạt vào cuối tháng 10-2014, chị có thăm lại căn nhà cũ số 18 Võ Tánh (nay là đường Bùi Thị Xuân)? Nghe nói chủ nhà vẫn giữ lại toàn bộ không gian sống và cấu trúc căn nhà y như cách đây 40 năm chỉ vì quá yêu mến Lê Uyên - Phương... - Tôi chỉ biết cảm ơn, cảm động và thật sự không sao hiểu được điều kỳ diệu ấy. Tất cả là một cái duyên mà chính chị chủ nhà cũng không thể hiểu nổi. Tôi đã hỏi chị ấy tại sao chị không thay nền gạch, cái cửa, căn phòng này... trong khi xung quanh mọi thứ đã xây dựng khác hết rồi, chị ấy chỉ nói rằng: “Tôi cũng không biết vì sao mình muốn giữ lại mọi thứ cũ kỹ như vậy”. Căn phòng ngày trước tôi ở, chị ấy đóng kín cửa và giữ lại mọi thứ bên trong, từ những thùng sách phủ bụi đến những miếng ván trên cửa sổ mục nát, cái cầu thang ọp ẹp... Sự thay đổi của thành phố đang diễn ra nhanh chóng, nhưng trong đời sống ký ức, mỗi người vẫn còn gì đó rất riêng tư cho mình. Với tôi, ấn tượng về Đà Lạt trong quá khứ quá đẹp và mạnh mẽ, đủ để xua đi tất cả những gì đổi thay hiện tại. Tôi về Đà Lạt như trở về nhà mình. * Chị có dự định gì với Đà Lạt sau chuyến trở về vừa rồi? - Một dự định chưa rõ ràng lắm, nhưng xin chia sẻ thế này: tôi muốn tìm một mảnh đất thật yên tĩnh, thật thiên nhiên, dựng một căn nhà gỗ và đưa anh Phương về đó nằm. Trong những tháng năm còn lại của cuộc đời, tôi sẽ đi về thường xuyên, có thể mỗi năm được vài tháng sống ở thành phố mà chúng tôi đã được gặp nhau, yêu nhau và mơ ước sống bên nhau mãi mãi. * Còn với âm nhạc, sau live show Sol vàng? - Những ngày tháng tươi đẹp thanh xuân chỉ còn trong ký ức. Với tôi, thiếu anh Phương là thiếu tất cả. Tôi chỉ mong muốn làm sao để có thể giữ gìn, đưa những đứa con tinh thần của anh Phương (đặc biệt là những ca khúc viết sau này) ra bên ngoài, với người trẻ bây giờ, như một cách cho họ còn thấy được sự hiện diện của Lê Uyên Phương trong đời sống này. Vì những gì anh ấy viết ra đem lại biết bao điều tốt đẹp, là sự tôn vinh tình yêu trong đời sống này. Mà điều tốt đẹp và tình yêu thì không có tuổi, không có thời gian. Nếu giữ được những điều ấy thì đời sống chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao. Lê Uyên tên thật là Lâm Phúc Anh, sinh năm 1952 tại Hà Nội, lớn lên ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Năm 16 tuổi cô lên Đà Lạt học và gặp Lê Văn Lộc, tức nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Vượt qua nhiều trắc trở, họ đến với nhau, thành vợ chồng (năm 1968) và là đôi tình nhân tỏa sáng trong đời sống âm nhạc những năm cuối 1960 đầu 1970 với những bản tình ca, du ca đầy say đắm, nồng nàn, đậm chất hiện sinh. Hát nhạc do chồng sáng tác, Lâm Phúc Anh lấy một nửa bút danh của chồng làm nghệ danh của mình. Sau năm 1975, vợ chồng Lê Uyên - Phương rời Đà Lạt về Sài Gòn và năm 1979 rời Việt Nam sang Mỹ định cư. Phương qua đời năm 1999 tại Mỹ vì ung thư phổi. Ca sĩ Lê Uyên trở lại Việt Nam biểu diễn vài lần trước đây. Lần này cô trở lại hát trong live show Sol vàng chủ đề Dạ khúc cho tình nhân, diễn ra vào 20g ngày 8-11 tại nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), truyền hình trực tiếp trên VTV9. Tại live show này, Lê Uyên trình bày những ca khúc quen thuộc, nổi tiếng gắn với tên tuổi Lê Uyên - Phương những năm 1970. Chương trình có ba chương: Tình khúc cho em, Nghìn trùng xa cách và Dạ khúc cho tình nhân. Ngoài ra, phần sau của sô diễn này, khán giả có mặt tại nhà hát Hòa Bình sẽ được thưởng thức thêm chương trình đặc biệt chủ đề Kỷ niệm với các ca khúc của Phạm Duy, Lam Phương, Trịnh Công Sơn... do chính Lê Uyên trình bày. (*): Jiddu Krishnamurti (1895-1986), triết gia, nhà diễn thuyết Ấn Độ nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Tags: Đà LạtSol vàngLê Uyên PhươngCa sĩ Lê Uyên
Thông tin mới về yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Việc công bố các quyết định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện sẽ được thực hiện từ ngày 18 đến 20-2-2025.
Đón Tết trong nhà mới ở khu tái định cư CẨM NƯƠNG 24/01/2025 Những hộ dân từng di dời nhà nhường chỗ cho các dự án lớn tại TP.HCM đang hân hoan niềm vui đón cái Tết đầu tiên tại khu tái định cư.
Tin tức thế giới 24-1: Ông Trump: 'Chiến sự Nga - Ukraine là cuộc thảm sát'; Mỹ có giám đốc CIA mới NGỌC ĐỨC 24/01/2025 Washington sẽ áp dụng các mức thuế mới với "những mức độ khác nhau" với mọi nước; Mỹ đảm bảo năng lượng cho châu Âu.
Cầu Rạch Miễu kẹt xe từ sáng sớm MẬU TRƯỜNG 24/01/2025 Sáng 24-1 (tức ngày 25 tháng chạp) hàng ngàn xe máy, ô tô bị ùn ứ tại hai đầu đường dẫn lên cầu Rạch Miễu.