TTCT - Bội chi của nước chủ nhà cho các kỳ thế vận hội thường rất lớn, dù thường bị ém nhẹm. Việc vung tay quá trán thậm chí có thể góp phần vào một cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế rất lớn sau đó, như Hi Lạp với Olympic Athens 2004. Liệu Brazil có tránh được vết xe đổ đó? Không phải người dân Brazil nào cũng háo hức với Olympic, những cuộc biểu tình chống Olympic diễn ra khá thường xuyên-washingtonpost.com Nghiên cứu của Trường kinh doanh Said, Đại học Oxford chỉ ra rằng với chi phí phát sinh trung bình 156% trên thực tế, các kỳ Olympic là loại siêu dự án có mức phát sinh chi phí lớn nhất trên thế giới (số liệu được thu thập từ Olympic mùa hè Rome 1960 và mùa đông Squaw Valley (Mỹ) cũng năm 1960). Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và chính trị, Olympic Rio hiện đã chi tiêu vượt “dự toán” 51% và là một vấn nạn thật sự với quốc gia đông dân nhất Nam Mỹ Brazil. Thấp, nhưng chưa đủ thấp “Tất cả các kỳ thế vận hội đều chi tiêu vượt ngân sách” - Bent Flyvbjerg, giáo sư ở Trường Said, cho hay. Gần một nửa các kỳ thế vận hội thống kê được từ trước tới giờ có ngân sách thực tế vượt quá mức dự toán hơn gấp đôi. Olympic Rio 2016, với chi phí dự kiến ban đầu là 4,6 tỉ USD, có vẻ đang được kiểm soát tốt hơn so với hai kỳ giải trước đó, Olympic mùa hè London 2012 và mùa đông Sochi 2014, báo cáo của Trường Said cho biết. Chi phí phát sinh 51% của Olympic Rio hiện tương đương 1,6 tỉ USD, thấp hơn so với chi phí trung bình của tất cả các kỳ thế vận hội tính tới giờ. Chi phí trung bình liên quan đến thể thao của việc tổ chức thế vận hội trong các thập niên qua là 8,9 tỉ USD. Kỳ thế vận hội mùa hè đắt đỏ nhất là London 2012 với chi phí 15 tỉ USD, còn thế vận hội mùa đông đắt đỏ nhất là Sochi 2014 với 22 tỉ USD. Nghiên cứu này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “Chương trình quản lý kiến thức về Olympic”. Chương trình trên đã tỏ ra hiệu quả trong việc giúp giảm chi phí thông qua chia sẻ kiến thức giữa các thành phố đăng cai. Nghiên cứu cũng chỉ trích các chính phủ sở tại và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vì không minh bạch về chi phí thực và chi phí phát sinh của các kỳ thế vận hội. Ví dụ như Chính phủ Anh tuyên bố Olympic London chi tiêu dưới ngân sách, nhưng chi phí thực tế bị phát sinh của London 2012, theo tính toán của Trường Said, là 76%, tương đương 6,5 tỉ USD. Dễ hiểu là ủy ban tổ chức Thế vận hội Rio 2016 phủ nhận các kết luận của nghiên cứu. “Bản báo cáo này phục vụ mục đích duy nhất: suy đoán về một sự chi tiêu vượt mức và tạo nên dư luận tiêu cực” - ủy ban tổ chức Olympic nói trong một tuyên bố được báo Financial Times dẫn lại. Tình trạng thảm họa tài chính Việc bội chi vượt quá 51% so với dự toán vẫn còn là khiêm tốn khi so với các kỳ đại hội diễn ra trước đó, tuy nhiên điều này xảy ra vào thời điểm không đúng lúc chút nào: Brazil đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nặng nề cả về kinh tế lẫn chính trị. Giáo sư Bent Flyvbjerg, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Những chi phí phát sinh trị giá hàng tỉ USD của Olympic Rio đến vào thời điểm khi quốc gia Nam Mỹ này vốn đã gặp khó khăn trong việc chi trả cho các hạng mục trước đó của thế vận hội. Brazil đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Bang Rio de Janeiro (nơi có thành phố tổ chức Olympic) bị ảnh hưởng đặc biệt bởi suy thoái kinh tế”. “Nhưng Brazil không phải là một trường hợp cá biệt. Tất cả các kỳ Olympic mùa hè và Olympic mùa đông mà chúng tôi tiến hành nghiên cứu đều bị thâm hụt ngân sách - Flyvbjerd nói - Đối với một thành phố hay đất nước, việc tổ chức thế vận hội là một công việc lớn và là một trong những siêu dự án tốn kém và rủi ro tài chính nhất họ có thể nghĩ ra”. Thống đốc tạm quyền của Rio đã phải tuyên bố tình trạng thảm họa tài chính hồi tháng 7. Chính quyền bang cắt giảm chi tiêu trên diện rộng, bao gồm cả ngân sách cho cảnh sát. Ở cấp độ quốc gia, tổng thống thuộc phe cánh tả Dilma Rousseff bị đình chỉ chức vụ vào tháng 5, trong bối cảnh một phiên tòa luận tội bà đang được mở. Phó tổng thống Michel Temper đã tiếp quản vị trí của bà Rousseff. “Khi Rio quyết định đăng cai Olympic, nền kinh tế Brazil đang vận hành tốt” - giáo sư Flyvbjerg phân tích. Nhưng hiện giờ sau một thập kỷ tăng trưởng, kinh tế Brazil đang đứng trước thách thức lớn khiến nước này không còn đủ tiền để trang trải. “Sự phức tạp cùng chi phí khổng lồ của các kỳ Olympic là không giống với bất cứ sự kiện nào khác. Chúng ta cần phải cố gắng và tránh những tình huống như Athens 2004, nó đã góp phần gây ra những vấn đề kinh tế cho Hi Lạp, vẫn còn để lại hậu quả tới ngày nay” - Flyvbjerg nói. Theo các nhà kinh tế, thế vận hội thường đồng hành với khủng hoảng kinh tế sau khi nó đi qua. Sau Olympic 2004, quê hương của các vị thần lún sâu trong khủng hoảng; hậu Olympic Bắc Kinh 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại; Olympic Sochi 2014 qua đi, bão khủng hoảng “hỏi thăm” nước Nga và giờ nền kinh tế vẫn chưa tìm thấy lối thoát. Liệu điều tương tự có lặp lại ở Rio?■ Tags: Bội chi ngân sáchHội chứng olympic
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp quỹ đầu tư Mỹ muốn có tổ hợp giải trí đẳng cấp thế giới tại Việt Nam DUY LINH 23/04/2025 Chiều 23-4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp ông Daniel Rosen, giám đốc điều hành Tập đoàn Rosen Partners, đang có kế hoạch xây tổ hợp giải trí tầm cỡ thế giới tại Việt Nam.
Giá vàng giảm từng phút ÁNH HỒNG 23/04/2025 Tối nay, 23-4, giá vàng giảm từng phút. Chỉ trong hơn 24 tiếng, giá vàng thế giới đã bốc hơi 226 USD/ounce, tương đương giảm 7,12 triệu đồng/lượng.
Thu hồi toàn quốc 12 loại sữa giả DƯƠNG LIỄU 23/04/2025 Ngày 23-4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị sở y tế, chi cục an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trên cả nước thu hồi 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả.
WSJ: Nhà Trắng cân nhắc giảm 50% thuế quan với hàng Trung Quốc KHÁNH QUỲNH 23/04/2025 Theo các nguồn tin của Wall Street Journal, Nhà Trắng đang xem xét cắt giảm thuế đối ứng đối với hàng hóa Trung Quốc, có thể lên đến 50% trong một số trường hợp, nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Bắc Kinh.