
Trên tàu xe, công viên, trường học... là những nơi đông người, cần có ứng xử chuẩn mực - Ảnh: AN VI
Bài viết "Nói to nơi công cộng do thói quen hay muốn thu hút sự chú ý?" trên Tuổi Trẻ Online thu hút nhiều ý kiến tranh luận từ bạn đọc.
Tình trạng nói chuyện quá lớn, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh dễ bắt gặp nơi công cộng như bệnh viện, trường học, công viên, trên tàu, xe…
Nói to để rao giảng đạo lý hay khoe mẽ?
Bạn đọc Hoàng Thanh Bình cho biết bài viết phản ánh chính xác thói quen của một số người khi nói chuyện điện thoại to, bất chấp sự khó chịu của người khác.
Bài viết gợi lại câu chuyện khó chịu của bạn đọc Gia Linh. Bạn đọc này kể sáng nay vừa đi xe buýt và gặp một chị nói chuyện điện thoại như đang ở nhà riêng, kể từ chuyện nhà đến chuyện con cái học hành.
“Tới nỗi tôi muốn hỏi chị ơi con chị học trường nào... Thiệt tình, nghe nói to mà muốn… độn thổ”, bạn đọc Gia Linh để lại ý kiến.
Bạn đọc Thuận An chia sẻ: “Nhiều khi tôi tự hỏi có phải các "diễn viên không chuyên" này đang tập dượt cho một vở kịch đường phố không nhỉ?... Nhớ bữa đi ăn, có anh kia nói chuyện làm ăn mà như muốn rao giảng đạo lý".
Tuy nhiên bạn đọc Đồng Dao cho rằng một số người nói lớn tiếng không phải cố tình, họ không muốn gây chú ý, mà do chưa biết cách sử dụng âm lượng nhỏ.
“Giống như lúc mình đi xem phim, có người nói thầm mà cả rạp nghe rõ mồn một vậy. Hay là mình nên tặng loa kiểm soát âm lượng cho họ nhỉ? Chắc lúc đó họ mới nhận ra giọng mình "vang" cỡ nào”, bạn đọc Đồng Dao viết.
Trong khi đó, bạn đọc Nam cho rằng nói to có khi do yếu tố như người có thính giác kém, họ thường nói to hơn và muốn được nghe người khác nói to lại.
Bạn đọc Nam nhấn mạnh thêm “ngoài nói to, con người còn nhiều tật xấu khác như: khạc nhổ, hỉ mũi bừa bãi ngoài đường, hút thuốc phà khói từa lưa cho người khác hít... Những cảnh tượng này gây mất thiện cảm cho người đối diện hơn cả nói to nhiều".
Bạn đọc Dân Vũ lý giải về câu chuyện nói to của thế hệ mình: “Thế hệ 195x hay 196x có nhiều người nói to trong giao tiếp và gần như khó sửa. Tôi nghĩ vì môi trường sống ngày trước thoáng đãng như ruộng rẫy, núi đồi, biển cả, công trường hay thậm chí trên trận địa đều cần phải nói to riết rồi thành thói quen”.
"Muốn yên tĩnh tốt nhất ở nhà, vào phòng đóng cửa"?
Bạn đọc Minh đặt ra câu hỏi, đồng thời nêu quan điểm: Phải xác định là nơi công cộng nào?
“Đến công viên, bến xe, quán nhậu, quán cà phê nhạc mà yêu cầu phải nói năng nhỏ nhẹ thì tôi cũng chịu với quan điểm của các bác. Muốn yên tĩnh để suy nghĩ tốt nhất nên ở nhà, vào phòng đóng cửa để suy nghĩ và làm việc thì bảo đảm sẽ không có ai làm phiền”.

Ngoài việc nói to, còn có tình trạng ứng xử thiếu tế nhị trên metro - Ảnh: AN VI
Ngoài việc nói to, nhiều bạn đọc cũng chia sẻ những trường hợp ứng xử nơi công cộng thiếu tế nhị.
Bạn đọc có tài khoản e-mail leho****@gmail.com đưa ra ví dụ về trường hợp đóng cửa nhà ở chung cư: “Cứ mỗi lần ra khỏi nhà đóng cửa rầm rầm. Không phải một nhà, nhiều nhà như thế. Tôi cũng ở chung cư bên Singapore, họ đi về tôi không biết, còn ta đi về giờ nào biết giờ đó. Nhiều lần tôi canh họ về, tôi mở cửa, đóng cửa nhà mình nhẹ nhàng như thế cho họ biết, nhưng họ vẫn ầm ầm mỗi khi đóng cửa”.
Còn bạn đọc Lê Tiên Sinh chia sẻ anh ngại nhất người ở nơi công cộng mở điện thoại lướt, xem TikTok mà âm thanh to.
“Ám ảnh với cái giọng cười ấy, hình như ông nào mở loa lớn hồi kiểu gì cũng nghe clip ấy. Nó sao sao á, vô quán ăn cũng gặp cảnh một người cầm điện thoại xem clip cười hô hố, một tay ăn. Mà xem mắc gì không đeo tai nghe hoặc mở vừa đủ nghe, bữa vô bệnh viện gặp bao người như vậy”, bạn đọc Lê Tiên Sinh nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận