TTCT - Người Việt ta có câu "Đói quanh năm, no ba ngày Tết" nhưng chuyện sắm sửa cho coi được vào những ngày lễ Tết là thói quen chung trên toàn cầu, ta và Tây đều thế. Giấy gói quà có thể là một phần lãng phí của mùa lễ Tết. Ảnh: ShutterstockNhiều nghiên cứu đã chỉ ra: trước và trong mùa lễ hội, khi say sưa tiêu tiền, mọi người kể cả những nhà hoạt động môi trường, ít nghĩ đến mua sắm "xanh" do tâm lý đãi ngộ bản thân, hoặc "lễ mà".Mùa ưa tiêu thụỞ phương Tây, Giáng sinh là thời điểm các gia đình chi tiêu nhiều nhất trong năm nhưng dịp lễ này cũng để lại nhiều gánh nặng môi trường, từ quà tặng, lãng phí thực phẩm, thắp sáng cây Noel và trang trí.Người Anh lãng phí ít nhất 30% thực phẩm, lượng rác thải sinh hoạt cũng tăng 30% dịp Giáng sinh so với các thời điểm khác trong năm. Ở Canada, 540.000 tấn giấy gói và túi quà bị vứt đi sau mỗi Giáng sinh. Thắp sáng mùa Giáng sinh ở Mỹ (đo năm 2008) tốn lượng điện nhiều hơn lượng điện mà El Salvador, quốc gia Mỹ Latin, sử dụng trong cả năm. Rác sinh hoạt tăng khoảng 25% trong thời gian từ Giáng sinh đến năm mới ở Mỹ. Ở Canada và các nước khác cũng tương tự.Theo nghiên cứu và dự báo của công ty tư vấn chiến lược Pureprofile về nhu cầu mua sắm cho Giáng sinh năm nay, người Anh sẽ chi 461 USD cho quà tặng, thêm 403 USD cho đồ ăn và đồ uống. Người Mỹ dự kiến sẽ tiêu trung bình khoảng 2.100 USD, tăng 7% so với năm 2023. Ngoài quà tặng, tiêu dùng trong dịp Giáng sinh còn mở rộng sang thực phẩm, đồ dùng cho tiệc Giáng sinh, đồ trang trí… Những khoản mua sắm theo mùa này làm nên tinh thần mùa lễ nhưng cũng đi kèm chi phí tâm lý, tài chính và môi trường khổng lồ.Tiến sĩ Byungdoo Kim, nhà nghiên cứu tại Trung tâm thương mại bền vững (Trường kinh doanh King) cho rằng ngay cả những người yêu môi trường cũng sẽ ít "kiên định" với niềm tin và thói quen bền vững của mình khi mua sắm Giáng sinh. Xu hướng này cũng được khẳng định trong luận văn thạc sĩ của Antonia Langhof và Vivien Deuringer tại Đại học Lund, Thụy Sĩ hồi năm 2020 có tên "Xung đột niềm tin: Tôi yêu môi trường nhưng cây Giáng sinh thì sao?".Các chuyên gia tâm lý cho rằng điều này có thể giải thích do tâm lý không muốn làm tổn thương tình cảm của người thân, tôn trọng các chuẩn mực và truyền thống xã hội hoặc miễn cưỡng chấp nhận do phải tham dự các sự kiện được mời vì trong mùa Giáng sinh, quan hệ gia đình và xã hội thường được ưu tiên hơn quan tâm về môi trường. Nhưng những yếu tố tâm lý sâu sắc khác như tâm lý so sánh, tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ)… cũng khiến nhiều người tiêu dùng dễ mua sắm quá tay.Lý thuyết so sánh xã hội, được Leon Festinger giới thiệu gần 70 năm trước, cho rằng chúng ta xác định giá trị xã hội và cá nhân của mình dựa trên so sánh với người khác. Lý thuyết này tiếp tục có giá trị cho đến ngày nay. Với mạng xã hội, so sánh xã hội càng nặng nề và phổ biến hơn bao giờ hết.Trước và trong lễ Giáng sinh, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh những buổi tiệc lung linh, những món quà xa xỉ và những buổi họp gia đình đẹp như tranh vẽ. Chúng vô tình đặt ra tiêu chuẩn bất thành văn về một Giáng sinh 'đúng nghĩa' và gây áp lực về việc chuẩn bị, chi tiêu cho nhiều người.Với hội chứng FOMO, không nơi nào ứng dụng chúng triệt để hơn các sàn thương mại điện tử. Các chiến dịch flash sale có thời hạn, sớm kết thúc, tạo cảm giác nếu không mua ngay, bạn sẽ bỏ lỡ một deal vô cùng hời, có thể không lặp lại. Chi tiêu mạnh tay trong mùa lễ hội có hậu quả môi trường đáng kể và sâu rộng. Theo trang The Oxford Blue, hơn 100.000 tấn bao bì nhựa bị vứt đi mỗi dịp Giáng sinh, cùng một lượng lớn thủy tinh, thiệp và bìa cứng. Ở Anh, ước tính khoảng 365.321km giấy gói quà Giáng sinh được sử dụng mỗi năm và hầu hết được đưa ra bãi rác sau đó.Mặc dù một lượng nhỏ có thể được tái chế nhưng phần lớn chắc chắn sẽ được đưa đến bãi rác. Ngoài ra, khoảng 15% các món quà Giáng sinh (không được yêu thích) sẽ bị trả lại. Tỉ lệ trả hàng khá cao này không chỉ làm tăng lượng rác mà còn làm tăng lượng khí thải carbon, do chi phí vận chuyển hai chiều. Nhưng đồ trang trí nhất thời ta thấy đẹp nhưng chỉ sử dụng trong thời gian ngắn tiếp tục góp phần làm tăng lượng rác về tổng thể.Mơ một mùa lễ hội xanhVẫn biết là khó vì "Giáng sinh mà", "Tết mà"… nhưng liệu chúng ta có thể mua sắm có trách nhiệm hơn trong mùa lễ hội không? Daniel Hoornweg, giáo sư tại Đại học Công nghệ Ontario, Canada, cho biết suy nghĩ "ba bảy hai mốt lần" trước khi mua là bước đầu tiên. "Khi bạn mua một thứ gì đó, hãy nghĩ xem nó đến từ đâu và nó sẽ đi về đâu. Vậy là đã nỗ lực được một nửa rồi" - Hoornweg, người đã nghiên cứu về rác thải trong bốn thập kỷ, nói với The New York Times.Một gợi ý hữu ích khác được các chuyên gia khuyến khích: đừng để quà tặng là áp lực cho cả túi tiền, tâm trí bản thân lẫn môi trường. Chúng ta thường dè dặt và sợ bị đánh giá khi tặng đồ có ý nghĩa tinh thần, tự tạo áp lực phải mua một vài món quà mới để thể hiện mình cũng sẵn sàng chi tiền cho những người thân yêu. Julian Givi, giáo sư tiếp thị tại Đại học West Virginia, Mỹ, cho biết tâm lý này phần lớn là lo hão. "Với những quà tặng đã qua sử dụng, người nhận cởi mở hơn với chúng so với những gì người tặng mong đợi" - ông nói với trang Grist.Givi cho biết những món quà có ý nghĩa tinh thần hoặc giá trị tình cảm như đồ gia truyền, đồ thủ công, một bức ảnh đóng khung - gần như chắc chắn sẽ khiến người nhận hạnh phúc hơn so với một món đồ trang trí trị giá 20 USD chọn bừa. Tuy nhiên, ngay cả khi rút ra những kết luận này từ nghiên cứu của chính mình, Givi thừa nhận rằng ông cũng không tránh được áp lực phải mua quà mới mỗi năm. Đó là một dạng tình huống khó xử vì chúng ta luôn lo sợ mình sẽ trông thật kỳ cục khi những người khác trong gia đình tặng quà đắt tiền.Có một xu hướng khác là thay quà vật chất bằng những trải nghiệm như vé sự kiện, phí thành viên câu lạc bộ, vé xem hòa nhạc hoặc các hoạt động chung như lớp học chụp ảnh, nấu ăn, một chuyến dã ngoại, hoặc trải nghiệm nghệ thuật. Nhà tâm lý học Thomas Gilovich cho biết người nhận hài lòng và thích món quà là trải nghiệm lâu hơn so với món quà vật chất. Trải nghiệm không mất đi sức hấp dẫn theo thời gian và cũng ít bị so sánh.Người tiêu dùng có thể góp phần tạo nên một mùa lễ hội xanh với những lựa chọn xét đến môi trường và giảm lãng phí thực phẩm. Bài viết trên shots.net cho thấy tín hiệu vui khi người tiêu dùng ở Vương quốc Anh có xu hướng trả nhiều tiền hơn cho những món quà thân thiện với môi trường hoặc sản xuất có đạo đức. Họ cũng có xu hướng mua ít hơn, thay vào đó là tự làm quà tặng hoặc mua đồ cũ.Theo bài viết, với quà tặng thân thiện với môi trường, khả năng tái sử dụng của sản phẩm là quan trọng nhất. Bao bì thân thiện với môi trường là yếu tố quan trọng thứ hai. Điều thú vị là với người tiêu dùng, bao bì "xanh" còn quan trọng hơn nhiều so với việc sản phẩm được làm bằng vật liệu tự nhiên hoặc hữu cơ.Giáng sinh không nên gắn với mua sắm và tiêu dùng để trở nên đặc biệt. Suy cho cùng, chính những khoảnh khắc nhỏ, cùng nhau cười vui, khoảng thời gian bên những người thân yêu mới là thứ khiến Giáng sinh trở nên đáng nhớ. Tranh cãi muôn thuở: thông thật hay thông nhựa?Năm nào cũng có tranh luận và công trình nghiên cứu mới về chuyện này. Năm nay, nghiên cứu của Đại học Sheffield (Anh) gợi ý rằng cây Giáng sinh thật là một lựa chọn thân thiện với môi trường hơn so với cây thông nhựa. Theo nghiên cứu, cây Giáng sinh nhựa phải được tái sử dụng hơn năm lần để lượng khí thải carbon ít hơn so với cây thật.Chuẩn bị cây thông Noel tại chợ hoa ở Hong Kong năm 2022. Ảnh: AFPTheo tiến sĩ Stuart Walker, nghiên cứu viên cấp cao về đánh giá tính bền vững của Đại học Sheffield, có hai yếu tố chính ảnh hưởng đáng kể đến tính bền vững trong việc lựa chọn cây Giáng sinh: số lần cây được tái sử dụng và cách xử lý cuối cùng.Tiến sĩ Walker cho biết: "Khi cây thật lớn lên, chúng hấp thụ khí CO2 và lưu trữ trong tế bào cây. Sau khi thắp sáng đêm Noel, nếu cây bị đốt, nó sẽ giải phóng CO2 và tạo ra các chất ô nhiễm bổ sung, như bồ hóng. Tuy nhiên, nếu đem ủ để làm phân compost sẽ cho phép giải phóng CO2 chậm hơn và hấp thụ một phần CO2 vào đất. Quá trình này làm cho cây thông thật tốt cho môi trường hơn cây thông nhựa. Cây thông Noel trong chậu có lợi ích môi trường tốt nhất vì nó sẽ tiếp tục hấp thụ carbon chừng nào còn sống và tiếp tục được sử dụng để trang trí Giáng sinh".Nghiên cứu nhấn mạnh cần xem xét phương án về xử lý sau cùng đối với cây Giáng sinh thật. Các phương pháp bền vững, như đảm bảo cây được tái chế, ủ phân hoặc trồng lại đúng cách sẽ tốt cho môi trường. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Giáng sinhMôi trườngQuà tặngTiêu dùng quá mứcBền vững
Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghiên cứu áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bảo vệ biên giới, cửa khẩu THÀNH CHUNG 22/01/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Bộ đội biên phòng tập trung nghiên cứu, đề xuất các vấn đề công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu.
Vụ nam shipper Đà Nẵng nghi bị đánh chết: Cuộc gọi, tin nhắn giữa shipper với khách tiết lộ điều gì? THÁI BÁ DŨNG 22/01/2025 Bức xúc vì khách chậm thanh toán, nam shipper Đà Nẵng và nữ khách hàng đã cự cãi. Bên mua hàng lên app đánh 'sao xấu' khiến shipper đối diện mức phạt 500.000 đồng.
Vĩnh Phúc lý giải việc nợ tiền VĐV canoeing số 1 Việt Nam HOÀNG TÙNG 22/01/2025 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông tin chính thức về đơn xin nghỉ tập tại địa phương của VĐV canoeing Nguyễn Thị Hương do chưa nhận được tiền dinh dưỡng, tiền thưởng huy chương.
Tin tức sáng 23-1: Sẵn sàng nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết và các lễ hội TUỔI TRẺ ONLINE 23/01/2025 Một số tin tức đáng chú ý: Bình Phước xử lý nghiêm những lỗi vi phạm dịp sát Tết; Nam Định duy trì 5 vòng đảm bảo an ninh trật tự Lễ hội Khai ấn Đền Trần; Thêm công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng...