Nghị định 168 đi vào cuộc sống gần hai tuần qua, nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ vốn là "chuyện thường ngày" trước đây nay giảm thấy rõ.
Tuy nhiên, thực tế giao thông những ngày qua ở những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM gặp không ít những việc cần phải điều chỉnh mà cụ thể là việc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ.
Nhằm góp thêm góc nhìn xung quanh vụ việc, bạn đọc Mạnh Quang có bài viết gửi đến Tuổi Trẻ Online, chia sẻ ý kiến của mình.
Bình thường 15-20 phút, nay 30-40 phút mới tới chỗ làm
Từ sau Tết dương lịch đến nay, nhiều bạn đồng nghiệp của tôi đi làm trễ hơn so với trước đây. Thường tầm 9h là mọi người đã có mặt đầy đủ, nhưng nay phải 9h30 mới tới.
Ai vô cũng than vì gần đây TP.HCM kẹt xe nhiều quá mà nguyên nhân chủ yếu là xe máy không dám rẽ phải khi gặp đèn đỏ.
"Bình thường đi mất 15-20 phút thì nay đi hết 30-40 phút" - anh đồng nghiệp kế bên tôi than thở.
Cũng may công ty không bắt buộc đúng 8h30 có mặt mà đã linh hoạt cho phép nhân viên đi muộn, đặt hiệu quả công việc lên trên thay vì tính theo thời gian.
Một số người đã chủ động điều chỉnh thời gian đi sớm hơn một chút, nhưng ai cũng nghĩ như mình, đi sớm hơn. Vậy là kẹt xe chuyển từ giờ này qua giờ khác, từ đoạn đường này qua đoạn đường khác.
Gần Tết thường là thời điểm xe cộ, giao dịch, buôn bán ở các thành phố lớn như TP.HCM tăng lên, nguy cơ ùn tắc nghiêm trọng lại càng lớn hơn.
Mấy ngày trước nghe đồng nghiệp than, tôi cười thầm trong bụng, tự đắc vì công ty gần nhà nên tôi không mất nhiều thời gian, vất vả đi lại như đồng nghiệp thì mấy ngày qua tôi cũng bị "nếm trải".
Do có việc phải đi công tác ngắn ngày bằng máy bay, dù đã cẩn thận xem trước trên ứng dụng để ước lượng thời gian tới sân bay, rồi cũng đặt xe ôm công nghệ để dễ bề di chuyển.
Tưởng đâu như thế là chu toàn nhưng người tính không bằng... trời tính. Cuối cùng thì đến sân bay trong tư thế vội vội vàng vàng, vừa chạy vừa thở hổn hển, bởi trên đường quá đông xe, đặc biệt là ở các ngã ba, ngã tư, xe cộ bị dồn cục.
Người đằng trước không dám rẽ phải, ngay cả khi có một số nơi có lắp biển báo cho xe máy rẽ phải, nhiều người cũng không để ý, không dám rẽ nên cuối cùng là mất nhiều thời gian hơn dự tính.
May mắn là do có thẻ ưu tiên của hãng hàng không, tôi vẫn kịp chạy ra đến cổng máy bay, là một trong những hành khách cuối cùng bước lên.
Xe cứu thương cũng "đứng bánh"
Mấy ngày gần đây, không dưới hai lần tôi đã chứng kiến cảnh xe cứu thương vất vả thế nào để di chuyển.
Trước kia đường đông nhưng mọi người có thể nhanh chân rẽ phải, hoặc lấn vạch để cho xe cứu thương qua.
Nay ở nhiều đoạn đường, nhất là các đoạn mà khoảng cách giữa hai ngã tư kéo dài, mỗi khi đèn đỏ và có xe cứu thương, người đi xe máy phải phân vân giữa việc có dám rẽ phải, lấn vạch để nhường đường hay không.
Vậy mới thấy việc sớm lắp bảng, cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ có tác dụng giảm kẹt xe như thế nào ở một số thành phố xe cộ đông đúc, như TP.HCM.
Nhiều người khi đi lại thường sẽ chọn các cung đường hoặc lộ trình sao cho có thể rẽ phải nhiều nhất, từ đó giảm thời gian chờ đợi, giảm kẹt xe. Rẽ phải khi đèn đỏ đã phần nào giúp giải tỏa ùn tắc trên đường.
Nhưng từ ngày 1-1-2025, nghị định 168 được áp dụng nghiêm túc. Các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Nhưng ở khía cạnh nào đó, cơ quan chức năng không có giải pháp kịp thời, lắp thêm nhiều biển báo cho phép rẽ phải sẽ làm tăng thời gian "chôn chân" trên đường của người dân TP.HCM nhiều hơn.
Việc "chôn chân" nhiều hơn ngoài việc mất thời gian ở trên đường nhiều hơn, hít khói bụi nhiều hơn, chịu ô nhiễm tiếng ồn nhiều hơn, tốn xăng nhiều hơn... Trong khi đó, cuối năm còn nhiều việc cần giải quyết, nhiều người cần thời gian để đi lại giao dịch, buôn bán...
Nghị định 168 góp phần định hình thói quen văn minh khi tham gia giao thông. Cũng như nhiều người dân, tôi rất ủng hộ việc xử phạt nghiêm. Tuy nhiên, cũng mong cơ quan chức năng sớm có những giải pháp hợp lý.
Cục Cảnh sát giao thông: Nhường đường xe ưu tiên không bị tính vi phạm
Ngày 12-1, Cục Cảnh sát giao thông cho biết lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đang kiểm tra, rà soát tổng thể hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Từ đó có cơ sở kiến nghị thay thế, sửa chữa những cụm đèn hư hỏng, lỗi…
Đối với trường hợp người dân vi phạm vì nhường đường cho xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ, đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định chắc chắn người dân sẽ không bị tính vi phạm và không bị xử phạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận