17/09/2023 15:30 GMT+7

Vì sao vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành di sản thế giới?

Di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà mang sự đa dạng sinh thái cao của châu Á, sở hữu những hệ sinh thái biển - đảo độc đáo.

Rừng nguyên sinh tại Vườn quốc gia Cát Bà, TP Hải Phòng là môi trường sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm, tạo sự đa dạng sinh học - Ảnh: NAM TRẦN

Rừng nguyên sinh tại Vườn quốc gia Cát Bà, TP Hải Phòng là môi trường sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm, tạo sự đa dạng sinh học - Ảnh: NAM TRẦN

Với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú mang những giá trị nổi bật toàn cầu, là điểm cuối trong quá trình tiến hóa karst và là môi trường sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà chính thức được UNESCO ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới ngày 16-9, trở thành di sản liên vùng đầu tiên giữa hai tỉnh thành tại Việt Nam.

Di sản mới là nơi có rừng trên biển lớn nhất Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Sở Du lịch TP Hải Phòng cho biết vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới bởi vẻ đẹp tự nhiên cùng sự bảo tồn tốt của chính quyền và người dân.

Nơi đây chứa đựng các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ, các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với đặc điểm karst liên quan như mái vòm và hang động phong phú.

Di sản thiên nhiên mới có tổng cộng 1. hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (bao gồm 775 đảo đá vôi thuộc vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc quần đảo Cát Bà) được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà hiện lên như một bàn cờ bằng đá quý với nước non trùng điệp, thanh bình cùng những bãi cát trắng mịn, tinh khôi.

Đây cũng được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu, là nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của Trái đất.

Du khách thả mình khám phá cảnh sắc thiên nhiên tại đảo Cát Bà, TP Hải Phòng - Ảnh: NAM TRẦN

Du khách thả mình khám phá cảnh sắc thiên nhiên tại đảo Cát Bà, TP Hải Phòng - Ảnh: NAM TRẦN

Vùng biển Hạ Long - Cát Bà gồm nhiều hệ tầng trầm tích lục nguyên và cacbonat, có tuổi từ nguyên đại cổ sinh đến tân sinh. Nhiều hệ tầng trầm tích ở khu vực này chứa đựng các vết tích cổ sinh vật dưới các dạng hóa thạch khác nhau, trong đó có những nhóm ngành động, thực vật đã tuyệt diệt hoặc gần như tuyệt diệt trên Trái đất.

Sự hiện diện của rừng nguyên sinh, vịnh và những hòn đảo trên vịnh là minh chứng độc đáo về quá trình vận động, phát triển liên tục của dạng địa hình karst, hệ fengcong (cụm đỉnh chóp nón) và fenglin (các đặc điểm tháp bị cô lập) hình thành qua hàng triệu năm trong điều kiện nhiệt đới, ẩm, diễn tiến lớn từ các dãy núi cao xuống đến biển, nơi địa hình karst cuối cùng đạt tới mực xâm thực cơ bản.

Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là một khu vực tiêu biểu, có mức độ đa dạng sinh học cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển bao gồm: hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái bãi triều; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái đáy mềm và hệ sinh thái hồ nước mặn.

Các hệ sinh thái này đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa, phát triển qua sự đa dạng của các quần xã động thực vật.

Việc vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa đời sống của người dân vùng di sản - Ảnh: NAM TRẦN

Việc vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa đời sống của người dân vùng di sản - Ảnh: NAM TRẦN

Đặc biệt, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà còn là nơi chứa đựng môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm khi sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000ha, là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển (trong số này có tới 198 loài thuộc danh mục đỏ IUCN và 51 loài đặc hữu).

Diện tích rừng nguyên sinh hiện nay khoảng 1.045,2ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của di sản.

Điểm nhấn là loài voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào sách đỏ thế giới. Đến nay, còn khoảng 60-70 cá thể phân bố duy nhất tại Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này.

Ngoài ra, tại đây có nhiều loài thực vật đặc hữu, chỉ thích nghi sống ở các đảo đá vôi mà không nơi nào trên thế giới có được như: thiên tuế Hạ Long (Cycas tropophylla), khổ cử đài tím (Chirita drakei), cọ Hạ Long (Livistona halongensis), hài vệ nữ hoa vàng (Paphiopedilum concolor)...

Quần đảo Cát Bà, TP Hải Phòng cũng là nơi duy nhất trên thế giới hiện nay còn duy trì loài voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) - Ảnh: NAM TRẦN

Quần đảo Cát Bà, TP Hải Phòng cũng là nơi duy nhất trên thế giới hiện nay còn duy trì loài voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) - Ảnh: NAM TRẦN

Nằm cheo leo trên đỉnh núi Vườn quốc gia Cát Bà tại khu vực "Ao Ếch" là sự xuất hiện của kiểu thảm cây ngập nước đặc thù và khá hiếm hoi. Loài cây và nước thường chỉ phát triển, phân bố ở Tây Nam Bộ nhưng lại xuất hiện ở Cát Bà với quần thể gần như thuần loại. Thảm và nước dù có diện tích khiêm tốn nhưng chứa đựng một nguồn gene loài thực vật vô cùng độc đáo.

Tiếp tục phối hợp để phát huy giá trị di sản

Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP Hải Phòng, việc đề cử quần đảo Cát Bà là di sản thế giới nhằm gìn giữ, bảo tồn, duy trì giá trị đặc hữu về đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau.

Việc quần đảo Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Cát Bà cũng như quảng bá và nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước.

Việc mở rộng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà giúp tăng thêm giá trị vốn có của di sản, được minh chứng qua sự hài hòa về cảnh quan, địa chất, địa mạo cùng hệ sinh thái và đa dạng về các loài động thực vật.

Các giá trị nổi bật toàn cầu của khu vực được xác định gồm các kiến tạo vật lý và sinh học, các kiến tạo địa chất, địa lý và là môi trường sống của các loài động, thực vật bị đe dọa theo quan điểm thẩm mỹ, khoa học và bảo tồn.

Di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được xác định nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam với các khu vực tự nhiên có diện tích vùng lõi đạt 65.650ha, vùng đệm có diện tích 34.140ha.

Di sản thiên nhiên thế giới mới có tổng cộng 1. hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (trong đó bao gồm 775 đảo đá vôi thuộc vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc quần đảo Cát Bà) - Ảnh: NAM TRẦN

Di sản thiên nhiên thế giới mới có tổng cộng 1. hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (trong đó bao gồm 775 đảo đá vôi thuộc vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc quần đảo Cát Bà) - Ảnh: NAM TRẦN

Nơi đây sở hữu nhiều danh hiệu quốc gia, quốc tế quan trọng như: di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long; di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà; Vườn quốc gia Cát Bà; vịnh Lan Hạ là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; khu bảo tồn biển; khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà và di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (năm 1994 và 2000).

Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới mới, thời gian tới các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý để duy trì môi trường tự nhiên và thúc đẩy du lịch phát triển.

Hoàn thiện hồ sơ đề cử vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà ghi danh Di sản thế giớiHoàn thiện hồ sơ đề cử vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà ghi danh Di sản thế giới

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh khẩn trương nghiên cứu các khuyến nghị của IUCN để rà soát, cập nhật hồ sơ đề cử di sản.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên