TTCT - Tại sao trở về, hay thậm chí đơn giản là ý nghĩ được trở về nhà, nhất là dịp lễ Tết, luôn khiến lòng người quanh năm tha hương nhộn nhạo đến như vậy? Tại sao trở về, hay thậm chí đơn giản là ý nghĩ được trở về nhà, nhất là dịp lễ Tết, luôn khiến lòng người quanh năm tha hương nhộn nhạo đến như vậy? Và có thể bạn không để ý, khi về lại ngôi nhà từng lớn lên, ta sẽ hành xử - và bị đối xử - như vẫn còn là đứa trẻ ngày xưa. Điều này không phải lúc nào cũng mang lại cảm giác tích cực.Dù biết giá vé xe, vé máy bay sẽ tăng, nhưng người Việt Nam ta khó có thể bỏ qua cảm giác đoàn tụ bên người thân vào dịp đón năm mới. Ném đi đôi giày cao gót, quẳng vào góc chiếc áo đồng phục, tạm quên bảng tên gắn trên ngực áo, chúng ta không còn phải tỏ vẻ mạnh mẽ và chỉn chu để trở thành một bộ phận của tập thể không chung dòng máu nào đó. Ngày Tết chính là thời điểm khiến chúng ta khao khát ý nghĩ trở về làm chúng ta với phiên bản được yêu thương nhiều hơn.'Qua Tết rồi tính'Thật khó mà tự hiểu tại sao chúng ta lại trở nên giàu cảm xúc mỗi độ Tết đến xuân về, nhưng khoa học lại dễ dàng giải thích chuyện này, nhất là với nguyên nhân cốt lõi - sự hoài niệm. Hoài niệm mỗi khi về nhà hệt như tình cờ nghe lại một bản nhạc cũ cách đây mười năm trong một quán cà phê vắng tanh nơi góc phố quen thuộc, nhìn thấy bức tường chi chít những nét gạch thể hiện chiều cao khi nhỏ, hay vô tình tìm ra một bức ảnh cũ khi ta còn đầy đủ ông bà. Đó là cảm giác vừa mang lại hạnh phúc không sao đếm được, vừa mang lại nước mắt chan chứa nỗi buồn không rõ lý do.Cảm giác hoài niệm, theo Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ, chỉ đơn giản được lý giải bằng việc não bộ chúng ta tiết ra hormone hạnh phúc dopamine, tạo cảm giác hưng phấn tự nhiên, khiến chúng ta giảm bớt cô đơn, lo lắng và trầm cảm. Hoài niệm khiến ta lạc quan hơn với tương lai và thỏa mãn hơn với cuộc sống hiện tại.Chính ở Việt Nam, khi có một quyết định to lớn, ta hay nghĩ "đợi qua Tết rồi tính", bởi dịp sum vầy mang đến tổ ấm vững chãi với sự chở che của mẹ cha. Cần đổi việc, chờ qua Tết rồi tính. Định học một ngôn ngữ mới, thôi qua Tết rồi tính. Đã tới lúc bắt đầu giảm cân, nhưng qua Tết rồi tính. Có lẽ, bất kể quốc gia và dòng máu, khi đối diện với những thời điểm khó khăn, ta cũng giống hệt nàng Scarlett O'Hara xinh đẹp trong Cuốn theo chiều gió: quay trở về nhà. Khi bị Rhett rời bỏ, trong cơn đau cực độ, Scarlett đã nghĩ đến ấp Tara - một "không gian thoáng cho nỗi đau bung ra, một nơi yên tĩnh để liếm những vết thương, một bến náu để vạch kế hoạch tiếp tục chiến đấu". Đối với nàng, nhà đem lại "bàn tay mát rượi, âu yếm vỗ về trái tim nàng", và Mammy sẽ có mặt ở đó để an ủi ôm lấy nàng.Văn học phần nào đã phản ánh được thực tế mà khoa học phải dùng con số để thể hiện. Theo khảo sát trên 2.000 người Mỹ vào tháng 11-2023, hoài niệm có thể là một động lực tâm lý mạnh mẽ. Phần lớn người tham gia đồng ý rằng hoài niệm nhắc nhở họ về những điều quan trọng nhất trong cuộc sống, là nguồn an ủi và cảm hứng khi cuộc sống gặp khó khăn, với con số "biết nói" lần lượt là 84%, 77% và 72%.Có thể nói những thứ thuộc về ngày xưa mang lại cho ta năng lượng và ý nghĩa để tiến lên phía trước. Thậm chí, cứ 10 người thì khoảng 6 người tin rằng những ký ức ngày xưa sẽ dẫn đường khi ta lạc lối, hệt như suy nghĩ của nàng Scarlett.Khi ai cũng nghĩ mình bé dạiKhi từ phương xa về đến nhà, chúng ta làm sống lại phiên bản tuổi thơ của chính mình một cách tự nhiên. Một phụ nữ vẫn thường thức dậy lúc sáu giờ sáng chuẩn bị đồ ăn sáng cho chồng con, nhưng sẽ ngủ đến mười giờ khi ở nhà mẹ. Ta giận dỗi càu nhàu với mẹ cha về món thịt nêm không vừa miệng, trong khi thường ngày ta dễ dàng ăn hết những món ăn tệ hơn mua ngoài đường. Ta thường được đồng nghiệp khen dễ chịu và rộng rãi khi cho mượn đồ, mà cũng chính ta lại nhanh chóng càu nhàu cô em gái quay về chia sẻ chung một gian phòng ngủ.Bước qua khung cửa nhà sau một năm xa cách hệt như đi vào cỗ máy thời gian, khiến đứa trẻ trong ta đột ngột xuất hiện. Mùi đồ ăn quen thuộc, tiếng rao của những cô hàng rong, đến tấm poster của một thần tượng từ thời xa xưa... khiến não bộ của chúng ta phản ứng và trở về phiên bản trẻ tuổi.Thậm chí, ngoài thói quen, chúng ta trở về với cả những vai trò quen thuộc trong gia đình. Ngay từ khi sinh ra đời, chúng ta đã nằm trong những "hệ thống" khác nhau: một hệ thống giữa chúng ta và cha mẹ, một hệ thống khác với các anh chị em... Ở đó, chúng ta luôn nằm trong vai trò là "con", là "anh cả", là "chị hai", hay là "em út", bất kể những thay đổi về tuổi tác. "Con dù lớn vẫn là con của mẹ", dù ta có năm mươi, sáu mươi tuổi với hai đứa con cùng ba đứa cháu, cha mẹ vẫn sẽ xem ta là một đứa trẻ. Như cố vấn sức khỏe tâm thần Stephen Graves khẳng định: "Nếu bạn đóng vai người anh cả luôn phụ trách ra quyết định, khi lớn lên, khả năng cao bạn vẫn sẽ là người đưa ra quyết định trong nhóm anh chị em".Nhưng không phải ai quay trở về thời thơ ấu một cách tích cực. Đôi lúc, họ hàng và người thân trong gia đình cư xử kém lịch thiệp với chúng ta như lúc chúng ta còn nhỏ, khiến chúng ta cảm thấy khó chịu và bức bối.Rời đại học về nhà. Stevan Dohanos vẽ cho tờ Saturday Evening Post (Mỹ) năm 1948.Gloria Chavez là sinh viên đại học. Khi trở về sau hai năm xa nhà, cô sinh viên 20 tuổi bỗng quay ngược quá khứ, trở thành thiếu nữ Chavez 15 tuổi, nhưng không phải vì được sung sướng như bé thơ mà vì bị đối xử như đứa trẻ. Chavez kể với CNN những người họ hàng quanh cô dường như cũng quay về quá khứ cùng cô. Họ đưa ra những lời bình luận khiếm nhã và mang lại cảm giác khó chịu, khiến Chavez phải "phòng thủ" với một số người nhất định.Một hiện tượng quen thuộc khác khi quay về nhà: những đứa trẻ nay đã lớn trở nên cáu kỉnh khi bị cha mẹ góp ý quá nhiều, bực bội khi họ hàng liên tục đặt câu hỏi hay xét nét nọ kia. "Con dạy cháu như vậy là sai rồi!", "Món này phải nêm ngọt hơn!", "Sao còn chưa dọn dẹp phòng?"... là những câu hỏi dễ khiến người trẻ "nổi điên", nhất là khi họ luôn tự làm những việc này một cách tự chủ lúc sống riêng. Họ căng thẳng đến mức dễ dàng gắt gỏng hay im lặng buông xuôi, dù lúc bình thường họ vẫn dễ dàng giải quyết vấn đề với những đồng nghiệp tọc mạch hay khách hàng khó tính. Một số thậm chí còn cắn móng tay, bứt tóc, mân mê vạt áo... một cách vô thức như khi còn nhỏ.Hiện tượng này còn được khoa học đặt cả một cái tên: holiday regression. Đây là cơ chế phòng vệ của tâm lý, được kích hoạt vào dịp lễ, khi chúng ta đối mặt với không gian và con người quen thuộc và có cách cư xử hay cảm xúc hệt như lúc còn nhỏ. Cơ chế này nhằm đối phó với những lo lắng hay căng thẳng do chính những người thân quen hay không gian gia đình gây ra.Theo cố vấn sức khỏe tâm thần và trị liệu tâm lý Debbie Missud, ta không thể tránh được trạng thái lo lắng khi quay trở về môi trường tạo ra căng thẳng. Dù vậy, vẫn có cách để giải quyết vấn đề này. Bạn có thể giả định trước một số tình huống có thể xảy ra để đáp lời nếu cuộc trò chuyện chuyển sang chủ đề gây khó chịu. Hoặc như nhà tâm lý học lâm sàng Lisa Firestone gợi ý, thi thoảng bạn có thể đi bộ, vào nhà vệ sinh hoặc ghé những căn phòng vắng người để định kỳ nghỉ ngơi và suy nghĩ về trạng thái tinh thần của mình."Ta không cần chịu đựng bất kỳ điều gì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cũng như hoàn toàn có thể từ chối những cuộc hội thoại ta không muốn" - CNN dẫn lời tư vấn của Missud.Thật ra, về những bậc sinh thành, những gì cha mẹ thật sự muốn nói không phải là chê trách chúng ta. Có đôi khi, đây chỉ là cách để cha mẹ tiếp tục sinh hoạt với chúng ta như ngày xưa, như một gia đình. So với những đứa con, cha mẹ dường như chính là người khó chấp nhận hai tiếng "trưởng thành" hơn nhiều. Bởi vì, trưởng thành chính là cột mốc đánh dấu cho thời điểm con cái xa rời cha mẹ. Ngay thời điểm chúng ta cảm thấy lo âu hay tức giận, chính cha mẹ cũng đang hoang mang và buồn phiền trước thái độ thay đổi của những đứa con. Chính con cái thường cảm thấy dễ nổi giận với cha mẹ hơn người khác, vì trút nỗi muộn phiền lên bạn bè, đồng nghiệp hay cấp trên thường mang lại rắc rối nhiều hơn.Nói cho cùng, đôi lúc gia đình khiến ta phát điên lên được, nhưng xa nhà lại khiến nỗi nhớ trong ta trở nên da diết không thôi. Ta cứ nhớ những gì cần nhớ, quên những điều cần quên. Bằng bậc thang hoài niệm, hãy để bước chân đi đến năm 2025 trở nên ngày một nhẹ nhàng hơn. Vào thế kỷ thứ 17, hoài niệm từng bị coi là một căn bệnh tâm thần thấm đẫm nỗi buồn, lo lắng và cả niềm nhớ nhà. Ngày nay, nhờ những nghiên cứu của giáo sư Krystine Batcho, ta biết rằng hoài niệm nhắc nhở chúng ta về mục đích, giá trị sống, lý do chúng ta bắt đầu - những thứ dễ dàng bị lãng quên khi chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống. Đôi lúc, quá khứ mang lại một số cảm giác khó khăn với những kỷ niệm không hạnh phúc, nhưng lại là bài học để giúp ta tiến lên phía trước. Thay vì khiến chúng ta chìm đắm trong quá khứ, cảm giác hoài niệm như đòn bẩy nâng chúng ta đi xa hơn ở hiện tại. Đó là lý do nỗi nhớ vào dịpTết có thể là một liều thuốc tự nhiên cho tâm lý của chúng ta, nhắc nhở chúng ta về khả năng mạnh mẽ bước qua quá khứ một lần nữa. Tags: Lễ tết
Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghiên cứu áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bảo vệ biên giới, cửa khẩu THÀNH CHUNG 22/01/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Bộ đội biên phòng tập trung nghiên cứu, đề xuất các vấn đề công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu.
Vụ nam shipper Đà Nẵng nghi bị đánh chết: Cuộc gọi, tin nhắn giữa shipper với khách tiết lộ điều gì? THÁI BÁ DŨNG 22/01/2025 Bức xúc vì khách chậm thanh toán, nam shipper Đà Nẵng và nữ khách hàng đã cự cãi. Bên mua hàng lên app đánh 'sao xấu' khiến shipper đối diện mức phạt 500.000 đồng.
Vĩnh Phúc lý giải việc nợ tiền VĐV canoeing số 1 Việt Nam HOÀNG TÙNG 22/01/2025 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông tin chính thức về đơn xin nghỉ tập tại địa phương của VĐV canoeing Nguyễn Thị Hương do chưa nhận được tiền dinh dưỡng, tiền thưởng huy chương.
Ba địa phương đề nghị bộ chủ trì mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận TUẤN PHÙNG 22/01/2025 UBND tỉnh Long An, Tiền Giang và TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận thay vì phân cấp cho địa phương.