TTCT - 1. Nhiều người ưa nói: “Xưa tôi học dốt văn lắm”. Họ có vẻ tự hào hoặc làm sang vì điều ấy chứ không ăn năn hối tiếc gì. Họ không vì ngày xưa dở văn mà ảnh hưởng đến công việc hiện tại. Tôi cũng thế, từ bậc tiểu học đến trung học, từ văn tả cảnh trần thuật đến chứng minh phân tích... bài làm của tôi cứ ngắn ngủn, không tài nào kéo dài ra được. Mỗi lần thi làm văn, thời gian hơn hai tiếng, tôi viết không đầy hai mặt tờ giấy manh (khổ A4) chừa lề rất rộng. Tôi luôn bị thầy cô phê “ý nghèo, câu què” và chưa bao giờ được điểm quá 5. Nay làm giáo viên dạy toán, tôi thấy các đồng nghiệp dạy văn đến khổ vì “thành tích” khi bị ban giám hiệu nhắc nhở hoài: “Tại sao điểm văn của học sinh không có điểm chín mười?”. Vì sao? Vì để đạt học sinh giỏi, điều kiện tối thiểu là điểm toán hoặc văn phải 8 chấm trở lên mà điểm trung bình môn văn trên 8 thật không dễ chút nào. Cấp quản lý nói mãi, kiềng riềng mãi, đến nay điểm văn của học sinh đã được rải đều từ 1 đến 10 như toán. Không biết làm thế là tốt hay xấu? Tôi có nói với người dạy văn, với môn toán học trò làm đúng thì cho điểm mười theo thói quen, thật ra nếu bắt bẻ cách lập luận, cách trình bày logic chưa... thì cũng đâu dễ đạt chín mười. 2. Tôi quen anh bạn kỹ sư, phụ trách kỹ thuật đài phát thanh - truyền hình tỉnh. Hằng ngày anh tiếp xúc bài vở cho đài, một thời gian sau anh viết được tạp bút, dựng được kịch bản truyền hình. Anh bảo: “Tôi dân khoa học tự nhiên, xưa học văn rất dở và bây giờ con tôi cũng thế. Tôi đem kinh nghiệm viết văn mới học được chỉ cho con nhưng không đạt kết quả”. Anh kể con anh làm bài văn tả con trâu, cháu hồi giờ chưa thấy trâu, anh chở nó về miền quê để tận mắt thấy. Nó làm bài văn cụt ngủn, cô giáo cho điểm 5, phê “văn khô”. Hỏi sao không viết dài ra được, nó nói chịu. Thế cứ viết hẳn vào bài vì con chưa thấy trâu nên ba chở con về vùng quê ruộng lúa xanh rờn, thấy đàn trâu đủng đỉnh gặm cỏ trên gò cao. Rồi làng quê bây giờ thu hẹp, thiếu cỏ cho trâu ăn nên số lượng trâu hiện còn rất ít... Đó, cứ viết tự nhiên vậy thì bài văn sẽ dài ra. Nó gãi đầu, cười: “Ờ, vậy mà con không dám viết vô bài là sao ta”. Hôm sau nó làm bài tả một buổi gặt lúa, nó cũng được ba chở về nhà dì ở quê xem, rút kinh nghiệm nó viết dài ra. Rốt cuộc bị cô giáo phê: “Mở bài lạc đề, không rõ thân bài và kết luận”. Văn của nó hết “khô”, giờ “ướt” mất rồi! 3. Từ năm 2009, đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh môn văn được “khung” thành ba câu. Trong đó câu 2 được gọi là “câu mở” theo “ý chí” của người ra đề. Dư luận hằng năm chú ý vô câu này, dù chỉ chiếm số điểm 3/10, mà quên hẳn hai câu kia đôi khi cũng còn khuôn sáo. Thôi thì “mở” được bao nhiêu mừng bấy nhiêu! Nhưng theo tôi, độ mở này không phải cho môn văn, mà là môn giáo dục công dân. Chẳng hạn, câu 2 đề thi tốt nghiệp vừa rồi về chuyện cứu người của em Nam, “bó buộc” ngay trong đáp án khi có yêu cầu rằng không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. Vậy câu hỏi mang tính giáo dục công dân đó liệu có “mở” được nữa không? Câu 2 đề thi khối C năm 2013 như sau: “Nhìn lại vốn văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu có nêu một nhận xét về lối sống của người Việt Nam truyền thống là: Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn. Từ nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực của lối sống trên, anh/chị hãy bày tỏ quan điểm sống của chính mình”. Tôi có hai nhận định: (1) Dân gian nói “ăn đi trước, lội nước theo sau” không có ý ca tụng mà cà rỡn sự khôn lỏi. (2) Yêu cầu của câu hỏi không phải “văn” mà là “giáo dục công dân”. Để trở thành đề văn thật sự mở phải mạnh dạn yêu cầu thế này: “Bạn có đồng ý với nhận xét của nhà nghiên cứu không? Bằng kiến thức, bằng vốn văn hóa của bạn, hãy diễn giải, bình luận và đánh giá quan điểm của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu” (thí sinh được phép sử dụng tài liệu tùy ý trong phòng thi). Thế mới văn mở! Tags: Câu chuyện giáo dụcPHÙNG HIVăn khôÝ nghèo
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.