TTCT - Chính quyền Trung Quốc gần đây đã triển khai một chiến thuật mới ở những khu vực biên giới còn tranh chấp trên bộ: xây dựng các làng định cư lưỡng dụng sát biên giới như một bức trường thành. Một ngôi làng mới xây của Trung Quốc ở khu vực biên giới với Ấn Độ. Ảnh: Timesnownews.com Đáng nói là tốc độ xây dựng những ngôi làng này đang tăng tốc nhanh chóng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.Dù cũng thuộc nhóm những quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới nhưng khác với Mỹ, Trung Quốc giáp giới tận 14 quốc gia. Đây được coi là nỗi lo kinh niên về an ninh với lãnh đạo nước này, nhất là khi không phải với lân quốc nào Trung Quốc đều đã hoàn thành phân định biên giới trên bộ.Nỗi ám ảnh vùng biên viễnNỗi ám ảnh về ổn định ở vùng biên viễn đã lâu đời trong lịch sử Trung Quốc. Từ Trường thành thời Tần - Hán đến chuyện Văn Thành công chúa thời Đường được gả cho vua Thổ Phồn (Tây Tạng) Tùng Tán Can Bố, đều là để bảo vệ biên cương. Tuy nhiên, bất chấp quá trình tương tác lâu dài giữa hai dân tộc Tạng - Hán, đến tận ngày nay, do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, khu vực Tây Tạng vẫn không phải nơi dễ sống đối với nhiều người Hán.Địa hình đầy đá, không thích hợp cho nông nghiệp với băng giá đặc biệt nguy hiểm vào mùa đông, đường sá thì nhiều tháng trong năm có thể bị chôn lấp dưới lớp tuyết dày. Không khí loãng và lạnh ở độ cao trung bình 3.000m so với mực nước biển. Nhưng nguồn lực và công nghệ dồi dào, cũng như quyết tâm chính trị to lớn của giới lãnh đạo Trung Quốc đã biến vùng Tây Tạng và núi Himalaya hiện giờ không còn chỉ là nơi được lựa chọn với dân leo núi chuyên nghiệp mà với cả những cư dân tới sinh sống lâu dài, mà chính quyền gọi là "những người bảo vệ biên giới".Báo Mỹ New York Times 8-8 đã đăng một phóng sự tìm hiểu kỹ lưỡng những khu làng sát biên giới này của Trung Quốc qua hình ảnh vệ tinh do Planet Labs chụp. Ngoài xác định vị trí của những khu dân cư này, New York Times còn kiểm tra và đối sánh dựa trên hình ảnh lịch sử, thông tin trên truyền thông nhà nước, bài đăng trên mạng xã hội và hồ sơ công khai. Phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy chính quyền Trung Quốc đã xây dựng hơn 50 ngôi làng mới dọc biên giới ở Himalaya những năm gần đây, với 12 ngôi làng nằm ở khu vực mà các quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền. Ngoài ra, Trung Quốc cũng xây thêm nhà mới cho 100 ngôi làng khác.Trước đó, báo Newsweek tháng 12-2023 cũng có phóng sự nghiên cứu tương tự. Xem xét hình ảnh vệ tinh từ trang web Sentinel Hub của Sinergise, được chụp bởi vệ tinh Sentinel-2 của chương trình quan sát trái đất Copernicus (Liên minh châu Âu), Newsweek thấy rằng mạng lưới làng mạc với nhiều ngôi nhà mái đỏ đang được xây dựng ở thành phố biên giới Nyingchi (Lâm Chi), vùng tây nam Tây Tạng của Trung Quốc, kể từ cuối năm 2020.Các phát hiện của New York Times và Newsweek cho thấy chính quyền Trung Quốc đã thực hiện nhanh chóng chiến lược xây dựng các ngôi làng "khá giả" (tiểu khang) sát biên giới. Theo con số chính thức công khai, Trung Quốc đã đầu tư hơn 30,1 tỉ nhân dân tệ (4,4 tỉ USD) vào khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ ở Tây Tạng theo "Kế hoạch xây dựng các làng khá giả ở biên giới" kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 năm 2017.Theo cách nhìn của phương Tây, những ngôi làng này, thường đi kèm cơ sở hạ tầng quân sự và cố công dụng kép, là "vùng xám" quan trọng cho phép Trung Quốc khẳng định và bảo vệ các yêu sách gần khu vực tranh chấp. Bên cạnh tăng cường phòng thủ, các làng "tiểu khang" còn có tác dụng củng cố lý lẽ của Trung Quốc trong tranh chấp khi đã củng cố cơ sở hạ tầng có tính lâu dài ở khu vực biên giới.Ảnh: aa.com.trĐầu tư lớn từ 2017Năm 2017 thường được coi là mốc khởi đầu chính thức của các "tiền đồn dân sự" này, khi truyền thông nhà nước Trung Quốc tường thuật bức thư Chủ tịch Tập Cận Bình gửi hai chị em người Tây Tạng ở ngôi làng Yume (Ngọc Mạch) hẻo lánh, ở gần khu vực Arunachal Pradesh nơi đang tranh chấp với Ấn Độ. Ông Tập ca ngợi gia đình hai chị em vì đã bảo vệ khu vực này suốt nhiều thập niên, bất chấp địa hình khắc nghiệt: "Tôi hy vọng các bạn tiếp tục tinh thần của người yêu nước và bảo vệ biên giới". Ông Tập khuyến khích họ "định cư ở khu vực biên giới, bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc và phát triển quê hương".Kể từ năm 2017, chính quyền Tây Tạng đã triển khai kế hoạch xây dựng làng biên giới trong chương trình lớn phục hồi nông thôn, gồm xây dựng 628 ngôi làng biên giới ở 112 thị trấn biên giới trên 21 quận biên giới ở các địa khu (đơn vị hành chính đặc biệt ở khu tự trị, tương đương cấp huyện) Shigatse, Lhokha, Nyingchi và Ngari. Địa khu Shigatse đã xây dựng 354/628 làng ở biên giới với bang Arunachal Pradesh. Theo Matthew Akester - nhà nghiên cứu độc lập về Tây Tạng và Robert Barnett - giáo sư Trường SOAS (Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi) ở London, bản đồ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã bố trí ít nhất một ngôi làng mới gần mọi con đèo Himalaya tiếp giáp Ấn Độ và ở hầu hết các con đèo giáp biên giới Bhutan và Nepal.Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ tháng 5-2024, nằm cách biên giới khoảng 26km về phía tây bắc, Á Nhiễu là ví dụ điển hình về một ngôi làng tiểu khang. Khoảng 30 tòa nhà đã được xây dựng tại Á Nhiễu từ năm 2018 đến đầu năm 2022 và đặc biệt tăng tốc từ năm 2022. Hình ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất 65 căn nhà mới có hình dạng giống hệt nhau đã được xây dựng từ tháng 3 đến tháng 11-2022. Một con đường mới được mở đến hai sân bay trực thăng mới ở phía đông làng. Hình ảnh vệ tinh thương mại từ nhiều nguồn cho thấy chính quyền Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng các làng biên giới này, bất chấp môi trường và địa hình khắc nghiệt.Các ngôi làng này về bản chất là dân sự, nhưng cũng có đầy đủ đường sá và dịch vụ hậu cần cho quân đội Trung Quốc nếu họ muốn nhanh chóng chuyển quân. Dân làng còn đóng vai trò "tai mắt" ở những vùng sâu vùng xa, vốn vô cùng quan trọng.Di dân được khuyến khích tới ở những vùng xa xôi này nhờ những biện pháp hỗ trợ kinh tế rất hào phóng. Điều tra của New York Times cho thấy để thuyết phục người dân chuyển đến sống ở đây, chính quyền đã hứa cấp nhà mới giá rẻ, trợ cấp hằng năm và trả thêm tiền cho họ nếu họ tham gia tuần tra biên giới. Các ngôi làng sẽ có đường trải nhựa, trường học, trạm xá thậm chí được kết nối Internet. Cũng theo New York Times, một số dân làng có thể nhận được khoảng 20.000 nhân dân tệ (gần 3.000 USD) mỗi năm để hỗ trợ tái định cư và kiếm thêm được khoảng 250 USD mỗi tháng nữa nếu tham gia tuần tra biên giới.Ảnh: BBCQuân dân dung hợpKhông chỉ đầu tư tiền bạc, Trung Quốc còn thể chế hóa và gắn việc xây dựng làng biên giới với trách nhiệm của chính quyền địa phương. Luật Biên giới trên đất liền của Trung Quốc quy định việc phòng thủ biên giới là trách nhiệm của chính quyền khu vực biên giới, với cương lĩnh "tăng cường xây dựng đội ngũ phòng thủ quần chúng (quần phòng đội ngũ) để duy trì an ninh biên giới". Một bài báo năm 2021 trên tờ Giải phóng quân báo nhấn mạnh "sự cần thiết phải tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới và khuyến khích người dân các dân tộc cắm rễ ở khu vực biên giới, bảo vệ và xây dựng quê hương". Đây cũng chính là chiến lược "quân dân dung hợp" vốn đã được phát triển ở Trung Quốc tận từ những năm 1990 và là nền tảng cho nhiều chính sách quốc phòng của nước này.Do địa hình biên giới ở Himalaya chủ yếu là đồi núi, vị trí chính xác của biên giới Trung - Ấn thì đầy tranh cãi, nhiều ngôi làng đã mọc lên có thể đang nằm ngay trên Đường kiểm soát thực tế (LAC) dài gần 3.500km, vốn được coi là đường phân định lãnh thổ giữa hai nước, hoặc lọt vào trong khu vực mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền. Giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới từng xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu vào năm 1962 ở khu vực LAC này. Ba năm qua, các cuộc đụng độ mới với nắm đấm và vũ khí thô sơ cầm tay thay vì súng ống đã xảy ra ở cả hai bên LAC, làm dấy lên rất nhiều lo ngại trong khu vực.■ Về phần mình, Ấn Độ cũng có kế hoạch tương tự, mà họ gọi là "Những ngôi làng sống động" (Vibrant Villages), nhằm mục đích mang lại sức sống mới cho hàng trăm ngôi làng dọc biên giới. Nhưng về quy mô và mức đầu tư thì Trung Quốc đang vượt xa Ấn Độ, theo nhận xét của Brian Hart, nhà phân tích thuộc Dự án China Power tại CSIS.Tiền Cảnh, người đồng sáng lập Trung tâm Phân tích Trung Quốc tại Tổ chức Asia Society, cho biết các ngôi làng cũng đóng vai trò tuyên truyền: thể hiện sức mạnh và sự vượt trội của Trung Quốc trong khu vực. "Họ muốn người Ấn Độ, Trung Á và những nơi khác thấy và nghĩ rằng các làng Trung Quốc rất tốt, mô hình Trung Quốc đang rất mạnh mẽ".Việc xây dựng các khu định cư gây lo lắng trong khu vực, đặc biệt là ở các khu vực còn tranh chấp. Một khi các khu định cư lâu dài được thiết lập, rất khó để thay đổi hiện trạng trên thực địa. Ngoài ra, nguy cơ thương vong cho dân thường với các bên cũng tăng rất nhiều trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang. Tags: Tập Cận BÌnhĐảng Cộng sản Trung QuốcKhu vực biên giớiNgười Ấn ĐộTRUNG QUỐC
TP.HCM khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ 2025 NHƯ BÌNH 27/01/2025 Tối 27-1, Đường hoa Nguyễn Huệ tại trung tâm TP.HCM chính thức khai mạc, chào đón hàng ngàn lượt khách đến du xuân sớm.
Ông Trump hạ gục nhanh Colombia bằng bài trừng phạt: Thông điệp mạnh cho thế giới DUY LINH 27/01/2025 Ông Trump dường như muốn thông qua Colombia để gởi lời cảnh báo tới các quốc gia khác về cách chính quyền ông sẽ làm để đạt được mục tiêu và lợi ích cho nước Mỹ.
Giá bán nhiều loại rau củ, thịt heo... vẫn giữ ổn định dù vào cao điểm Tết NGUYỄN TRÍ 27/01/2025 Ngày 27 và 28 Tết được xem là hai ngày cao điểm của sức mua nhưng do năm nay mức tiêu thụ tương đối chậm nên giá bán phần lớn ổn định, thậm chí có mặt hàng giảm giá.
Nhóm cảnh sát Thái Lan bắt nhốt 7 người Trung Quốc, đòi tiền chuộc DUY LINH 27/01/2025 Ít nhất 8 người, trong đó có 4 cảnh sát và 1 kiểm lâm Thái Lan, bị cáo buộc đã bắt cóc 7 người Trung Quốc để đòi 2 triệu baht (khoảng 60.000 USD) tiền chuộc.