TTCT - Kinh tế thế giới sẽ ra sao khi ông Donald Trump chính thức trở thành tổng thống Mỹ vào ngày 20-1-2025? Ảnh: ABC NewsTrong thời gian này, ông Trump đang bận rộn xây dựng nội các mới với nhiều tin tức và đồn đoán về các vị trí chủ chốt, cũng như vị trí nổi bật mới của Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE) do tỉ phú Elon Musk và cựu ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy lãnh đạo. Cùng lúc, giới phân tích đang bận rộn tìm hiểu xem kinh tế toàn cầu sẽ ra sao trong một thế giới Trump 2.0, và liệu nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam.Có hai chủ đề chính mà nhiều người quan tâm: chiến tranh thương mại và vấn đề lạm phát - lãi suất trên phạm vi toàn cầu.Thương chiến và tăng trưởngChiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng như thế nào? "Còn tùy" là câu trả lời của rất nhiều nhà phân tích. Nhưng tùy vào cái gì?Thứ nhất, tùy vào ông Trump có thể thực thi chính sách đánh thuế lên các nước như đã nói hay không? Liệu đánh thuế 10-20% lên một số nền kinh tế và 60% lên Trung Quốc có khả thi khi nội các mới chính thức tiếp quản di sản lạm phát cao của chính quyền ông Biden? Đó là những câu hỏi mà giới quan sát vẫn còn nhiều bất đồng.Nếu tin rằng chính sách cứng rắn với Trung Quốc là chắc chắn hơn thì con số 60% cũng chỉ là một khái niệm chung chung. Tác động tới từng ngành, từng nhóm hàng sẽ rất khác biệt. Trong khi đó, mức thuế 10-20% mà ông Trump nói về những nước khác sẽ có độ "biến động" nhất định tùy theo nước bị áp thuế đáp trả thế nào hoặc hứa hẹn với ông điều gì?Như giới chính trị gia châu Âu công khai phát biểu và như nhìn nhận của giới phân tích, ông Trump là một chính trị gia kiểu "có đi có lại", nên chính sách áp đặt lên các nước khác, ngoài Trung Quốc, sẽ tùy thuộc vào chuyện ông nhận được, hay có thể bị mất, những gì. Vì vậy, con số 10-20% thuế lên "phần còn lại" vẫn là một ẩn số lớn hơn.Trong bối cảnh đầy bất định như vậy, các tổ chức toàn cầu vẫn phải đưa ra dự báo với nhiều kịch bản khác nhau. Trong đó người ta chú ý đến các kịch bản xấu nhất để còn biết đường mà tính toán. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), với kịch bản thương chiến xấu nhất dưới thời ông Trump, khi một số nước hoặc nền kinh tế, gồm EU, Trung Quốc và nhóm Mỹ Latin, liên kết với nhau đáp trả Mỹ, thì tăng trưởng toàn cầu có thể mất 0,8 điểm phần trăm trong năm 2025 và 1,3 điểm nữa năm 2026.Với mức tăng trưởng 2 năm qua và dự kiến cho năm 2025 là vào khoảng 3%/năm thì mức giảm 0,8-1,3 điểm tương đương gần 1/3 tăng trưởng GDP của thế giới. Nhưng như đã nói ở trên, đây là kịch bản xấu nhất, khi ông Trump khởi phát cuộc chiến thương mại diện rộng trên toàn cầu. Thực tế mọi việc có thể tốt hơn, nhất là khi giờ đây thế giới đã hiểu ông Trump nhiều hơn.Phiên bản 2.0 của ông, theo một số nhà phân tích, dễ đoán hơn phiên bản 1.0 cho cả Mỹ lẫn nước ngoài. Vì vậy, mọi việc có thể không xấu như mong đợi, mà có xấu thì cũng có cách để xử lý.Ảnh: ReutersLạm phát và lãi suấtCâu chuyện thứ hai là về lạm phát và lãi suất. Nhận định chung của giới phân tích là lạm phát có thể tăng lại, còn lãi suất USD có thể neo cao.Đồng USD tăng mạnh so với hầu hết các đồng tiền chính, và ở Việt Nam thì đồng đô la Mỹ cũng lập kỷ lục mới so với nội tệ. Điều này phản ánh kỳ vọng của hầu hết giới kinh doanh tiền tệ và phân tích tài chính rằng lạm phát Mỹ sẽ cao hơn và kết quả là Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ giữ lãi suất cao hơn dự đoán. Thị trường trái phiếu Mỹ phản ánh nhanh nhất kỳ vọng lạm phát nước này qua giao dịch trái phiếu có lãi suất điều chỉnh theo chỉ số lạm phát. Từ giao dịch về giá và lợi suất trái phiếu trên thị trường, người ta tính được "kỳ vọng về lạm phát", được coi là "điểm hòa vốn" của trái phiếu. Theo dữ liệu từ Bloomberg, mức lạm phát kỳ vọng đã tăng từ dưới 1,6% lên gần 2,6% và theo một số dự doán có thể lên đến 3%, nghĩa là tăng gần gấp đôi.Công bằng mà nói, đây chưa chắc là do kỳ vọng về nhiệm kỳ mới của ông Trump. Thực tế kỳ vọng lạm phát đã chạm đáy vào tháng 7 khi số liệu tháng 8 và 9 có hơi bất ngờ, cho thấy lạm phát Mỹ đang "ngừng giảm" và chỉ số giá cả về dịch vụ trở nên cực kỳ "lì lợm" 3 tháng qua, không thèm giảm nữa, mà có dấu hiệu tăng lại.Một phần nó cho thấy kinh tế Mỹ vẫn rất vững vàng. Mặt khác, nó phản ánh kỳ vọng của giới kinh doanh trái phiếu rằng ông Trump thắng cử thì lạm phát sẽ tăng. Ai đặt cược như vậy đã lời nhiều chỉ trong 1 tuần sau khi ông Trump thắng cử vì kỳ vọng lạm phát đã "nhảy" thêm hơn 0,5 điểm, từ 2% lên hẳn trên 2,6%.Như vậy hy vọng lạm phát về dưới 2% để mạnh tay cắt lãi suất của Fed giờ sẽ trở ngại. Nhưng đổ thừa ông Trump là nguyên nhân cũng không đúng. Cùng lắm, ông có thể đổ thêm dầu vào lửa với một gói chính sách giảm thuế trong nước cho doanh nghiệp Mỹ (khiến họ đẩy mạnh đầu tư làm tăng nhu cầu một số mặt hàng), tăng thuế quan (làm hàng nhập khẩu đắt hơn) và đẩy người nhập cư về nước (lao động nhập cư rẻ giúp giảm chi phí lao động ở Mỹ).Vì lạm phát có thể giảm chậm, thậm chí tăng lại lên 3%, dư địa cắt giảm lãi suất USD của Fed ít dần. Lãi suất USD cao khiến dòng tiền đổ vào Mỹ, nâng giá đồng USD. Nay thêm kỳ vọng thị trường cổ phiếu Mỹ khá lạc quan và chính sách đem sản xuất về lại trong nước, hạn chế phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của ông Trump, thì đồng đô la được dự báo sẽ còn lên nữa, sau khi đã liên tục tăng mấy ngày qua ở cả thị trường trong nước và quốc tế.Điều đáng lo ngại là khi lãi suất đồng USD giảm chậm hoặc không giảm, dư địa hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế ở một số nước mới nổi châu Á và Mỹ Latin sẽ thu hẹp. Trump 2.0 là tình thế không hề dễ chịu cho nhóm này về cả chuyện xuất khẩu sang Mỹ lẫn chuyện hạ lãi suất trong nước. Trừ khi họ chấp nhận rủi ro lạm phát tăng và đồng nội tệ mất giá mạnh.Ảnh: ReutersVậy còn Việt Nam?ASEAN không phải là ưu tiên hàng đầu của ông Trump về mặt chính sách, ít nhất là trong năm 2025. Đó là nhận định của đa số giới phân tích quốc tế mà tôi có dịp đọc hay nói chuyện. Ván cờ ông Trump quan tâm vào năm sau nhiều khả năng chủ yếu là Trung Quốc, EU, Canada và Mexico. Các nước khác thì từ từ tính.Điều đó đồng nghĩa ông Trump có thể công bố một gói chính sách thuế quan chung chung cho các nước ngoài những đối tác - đối thủ trọng điểm kia. Khi ông Trump còn bận rộn với Trung Quốc, EU và Mexico thì ASEAN cần tận dụng thời gian để quan sát, chuẩn bị và phản ứng.Ít người nói thẳng ra, nhưng nhiều nền kinh tế ASEAN âm thầm hy vọng các chính sách Trump 2.0 sẽ mở ra những khung cửa mà hàng Trung Quốc "đi đường vòng" và hàng hóa của chính họ có thêm cơ hội vào Mỹ, nghĩa là dòng tiền đầu tư sản xuất tiếp tục chảy khỏi Trung Quốc và đi vào các nước này.Mặt khác, các nước ASEAN cũng cần xem xét cần làm gì để "có đi, có lại" với ông Trump. Một số nước đang bàn việc tài trợ cho hoạt động quân sự có Mỹ tham gia, số khác đang tính đi mua công nghệ, năng lượng của công ty Mỹ để tăng nhập khẩu từ Mỹ, giảm bớt thặng dư thương mại. Việt Nam cũng cần tìm ra thế mạnh để thương lượng cho riêng mình.■ Tags: Ông TrumpKinh tếThế giới Việt NamTăng trưởng
Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghiên cứu áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bảo vệ biên giới, cửa khẩu THÀNH CHUNG 22/01/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Bộ đội biên phòng tập trung nghiên cứu, đề xuất các vấn đề công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu.
Vụ nam shipper Đà Nẵng nghi bị đánh chết: Cuộc gọi, tin nhắn giữa shipper với khách tiết lộ điều gì? THÁI BÁ DŨNG 22/01/2025 Bức xúc vì khách chậm thanh toán, nam shipper Đà Nẵng và nữ khách hàng đã cự cãi. Bên mua hàng lên app đánh 'sao xấu' khiến shipper đối diện mức phạt 500.000 đồng.
Vĩnh Phúc lý giải việc nợ tiền VĐV canoeing số 1 Việt Nam HOÀNG TÙNG 22/01/2025 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông tin chính thức về đơn xin nghỉ tập tại địa phương của VĐV canoeing Nguyễn Thị Hương do chưa nhận được tiền dinh dưỡng, tiền thưởng huy chương.
Ba địa phương đề nghị bộ chủ trì mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận TUẤN PHÙNG 22/01/2025 UBND tỉnh Long An, Tiền Giang và TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận thay vì phân cấp cho địa phương.