TTCT - Kết quả bước đầu từ một nghiên cứu dài hơi ở Mỹ cho thấy "tiền có tác động rõ ràng đến phát triển trí não”. Ảnh: ShutterstockCác nhà thần kinh học 15 năm qua đã thực hiện một số nghiên cứu về trẻ em nghèo và nhận thấy rằng chúng có khác biệt về cấu trúc và chức năng trí não so với những trẻ sống trong điều kiện đầy đủ hơn. Nhưng liệu những thay đổi này có nguyên nhân trực tiếp từ việc thiếu tiền hay từ các yếu tố liên quan khác như sự dạy dỗ của cha mẹ, tác động từ hàng xóm láng giềng? Nghiên cứu Baby’s First Years (BFY - Những năm đầu của trẻ sơ sinh) đang được triển khai ở Mỹ để tìm câu trả lời rõ ràng cho thắc mắc trên.Từ giữa năm 2018, BFY đã tìm chọn trong khoa sản của các bệnh viện ở bốn thành phố 1.000 bà mẹ có mức thu nhập gia đình trung bình khoảng 20.000 USD/năm, dưới mức đói nghèo do chính phủ quy định. Ngay khi vừa sinh con, 435 người trong số trên được chọn ngẫu nhiên để nhận trợ cấp 333 USD/tháng, tương đương 20% thu nhập của gia đình họ, những người còn lại được trợ cấp 20 USD/tháng. Các khoản tiền được trao mà không có điều kiện ràng buộc nào, không xét đến việc các bà mẹ có việc làm hay không, và không có yêu cầu nào về cách sử dụng tiền. Con của họ sau đó được đánh giá hoạt động trí não sau mỗi 12 tháng cho đến 4 tuổi.Trong đợt đánh giá đầu tiên vào giữa năm 2020, kết quả điện não đồ cơ bản EEG của các bé khớp với các dự đoán từ trước của nhà khoa học: So với các bé sơ sinh trong nhóm nhận trợ cấp thấp, các bé nhóm trợ cấp cao có hoạt động não ở tần số cao nhiều hơn và hoạt động não ở tần số thấp ít hơn. Điều này có nghĩa là nhóm trẻ được nhận trợ cấp cao có nhiều hoạt động trí não liên quan đến phát triển nhận thức hơn.“Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy rằng tiền, bản thân nó, có tác động rõ ràng đến phát triển trí não” - người đứng đầu dự án, nhà thần kinh học Kimberly G. Noble (Trường Sư phạm Teachers College, Đại học Columbia University), nhận xét về kết quả bước đầu. Các nhà khoa học vẫn còn phải theo dõi vài năm nữa, để xem các khác biệt về kiểu não của hai nhóm trẻ có dẫn đến những khác biệt về kỹ năng phức tạp hay không. Họ sẽ kiểm tra xem các cha mẹ chi tiêu tiền trợ cấp kia như thế nào, và cố gắng xác định tại sao tiền lại thay đổi phát triển của trí não (có thể do được dùng thực phẩm ngon hơn, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn…).Nghiên cứu BFY cũng lưu ý rằng các chỉ số tính trên trung bình không dự báo các kết quả mang tính cá thể, vẫn có nhiều yếu tố khác bên cạnh các đặc tính trí não ảnh hưởng đến phát triển nhận thức, và nhiều trẻ trong nhóm thu nhập thấp vẫn phát triển và khôn lớn như bạn đồng trang lứa ở các gia đình khá giả hơn. John Gabrieli, một nhà thần kinh học của MIT, nhận xét rằng các bằng chứng về việc tiền trợ cấp làm thay đổi hoạt động não bộ là đáng thuyết phục và “rất quan trọng về mặt khoa học”, nhưng cũng thận trọng cho rằng: “Chúng tôi muốn xem liệu những khác biệt này có dẫn đến những cải thiện về nhận thức không”.Một cố vấn của BFY, tiến sĩ Charles A. Nelson (Đại học Harvard) cũng lưu ý rằng hiệu quả đầy đủ của khoản trợ cấp 333 USD/tháng vẫn chưa rõ ràng cho đến khi những đứa trẻ được kiểm tra về nhận thức khi chúng lớn hơn. “Nếu tôi là nhà hoạch định chính sách, tôi sẽ chú ý đến nghiên cứu này, nhưng còn sớm để tôi thông qua một dự luật để sẽ cấp cho mỗi gia đình 300 USD/tháng” - ông nói. Điều Nelson nhắc đến là chương trình liên bang tạm thời về trợ cấp trẻ em căn theo thuế với mức chi tối đa là 300 USD/tháng/trường hợp. Được thông qua vào năm ngoái và đã cấp tổng cộng 100 tỉ USD/năm cho các gia đình có con nhỏ, ngoại trừ những gia đình thuộc hàng giàu có nhất nước, chương trình này đã kết thúc vào đầu năm 2022.Tổng thống Joe Biden đã thất bại trong việc gia hạn chương trình, vì hầu hết đảng viên Đảng Cộng hòa phản đối trợ cấp hằng tháng, cho rằng nó quá tốn kém và sẽ không thúc đẩy cha mẹ đi làm. Phe tiến bộ dẫn khảo sát cho thấy ngay cả những giai đoạn đói nghèo thời thơ ấu cho dù có ngắn ngủi cũng dẫn đến việc đứa trẻ khi lớn lên có sức khỏe kém hơn và mức thu nhập thấp hơn. Phe bảo thủ lại cho rằng những khoản trợ cấp vô điều kiện gây ảnh hưởng không tốt đến công việc và hôn nhân, làm gia tăng đói nghèo về lâu về dài. Nghiên cứu BFY vì vậy đang gây chú ý cho các nhà lập pháp Mỹ. Phe tiến bộ vui vì nó củng cố các lý lẽ để duy trì trợ cấp cho trẻ em, và quan trọng hơn, các kết quả bước đầu của nghiên cứu cho thấy có thể tin tưởng vào sự hành xử đúng đắn của phụ huynh, trái với lo ngại về chuyện lãng phí hay lạm dụng tiền trợ cấp của phe chỉ trích.Học giả Angela Rachidi của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, nói rằng BFY có thể giúp ủng hộ việc đưa ra chính sách để các bà mẹ có nhiều thời gian cho con mới sinh hơn, bao gồm cả việc trả lương cho những ngày nghỉ hậu sản, còn bất cứ trợ cấp tiền mặt nào cũng nên “nhắm đến những người có thu nhập thấp, ít thời gian, và không gây xói mòn động cơ làm việc trong dài hạn”. Greg J. Duncan, một trong chín đồng tác giả của nghiên cứu, nói rằng ông hy vọng nghiên cứu sẽ điều chỉnh trọng tâm các cuộc tranh luận: Chuyển hướng từ việc nói về nguy cơ cha mẹ có thể sẽ làm ít hơn hay dùng tiền đó một cách nông nổi sang các câu hỏi về việc “liệu các khoản tiền này có lợi cho trẻ em hay không?”.■ Tags: Nghiên cứuTrợ cấpBà mẹ trẻ emPhát triển trí não
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.