18/01/2025 10:46 GMT+7

Trái đất có 'Mặt trăng thứ hai' trong hai tháng

Một tiểu hành tinh bị lực hút của Trái đất giữ lại và trở thành 'Mặt trăng thứ hai' của chúng ta trong vòng hai tháng.

Trái đất có 'mặt trăng thứ hai'  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: The Azerbaijan State News Agency

Tiểu hành tinh kiêm "Mặt trăng thứ hai" này có tên 2024 PT5, được phát hiện vào tháng 8-2024. Nó bắt nguồn từ vành đai tiểu hành tinh Arjuna, nơi nó quay quanh Mặt trời trong một quỹ đạo độc đáo.

"Mặt trăng thứ hai" trong hai tháng

Các nhà khoa học từ Đại học Complutense ở Madrid (Tây Ban Nha) đã theo dõi tỉ mỉ hành trình của tiểu hành tinh có đường kính khoảng 11m này và xác nhận rằng 2024 PT5 sẽ trở thành "bạn đồng hành" của hành tinh chúng ta trong hai tháng, kể từ tháng 1-2025.

Tiến sĩ Elena Martínez, nhà thiên văn học nổi tiếng tham gia nghiên cứu, bày tỏ sự phấn khích: "Việc nắm bắt một tiểu hành tinh như 2024 PT5 là cơ hội hiếm có. Điều này cho phép chúng ta nghiên cứu các tương tác hấp dẫn giữa Trái đất và các vật thể gần Trái đất với mức độ chi tiết chưa từng có".

Hành trình của 2024 PT5 là minh chứng cho những tiến bộ trong công nghệ phát hiện và theo dõi tiểu hành tinh. Nhờ hệ thống ATLAS đặt tại Sutherland (Nam Phi), các nhà khoa học đã phát hiện và theo dõi tiểu hành tinh này từ rất lâu trước khi nó tiếp cận Trái đất.

Trong 21 ngày, các nhà nghiên cứu đã phân tích quỹ đạo, dự đoán rằng lực hấp dẫn của Trái đất sẽ tạm thời "bắt giữ" 2024 PT5, tạo thành một "tiểu nguyệt" (mini-moon) trong khoảng hai tháng. Trong thời gian này, tiểu hành tinh sẽ đi theo một quỹ đạo hình móng ngựa quanh hành tinh chúng ta, duy trì một mối quan hệ gần gũi nhưng tạm thời.

Hiện tượng này không thể quan sát bằng mắt thường, mà phải thông qua kính thiên văn.

"Các nhà thiên văn nghiệp dư có thể bỏ lỡ sự kiện này nếu không có thiết bị chuyên dụng, nhưng dữ liệu chúng tôi thu thập sẽ vô giá để hiểu rõ hơn về hành vi của tiểu hành tinh và ảnh hưởng hấp dẫn của Trái đất", tiến sĩ Martínez giải thích.

Sau khi rời khỏi quỹ đạo Trái đất, 2024 PT5 sẽ ở trong "khu vực lân cận" của chúng ta thêm vài tháng trước khi trôi dạt đi xa. Dự kiến nó sẽ quay lại sau khoảng 30 năm nữa.

Đóng góp của những "Mặt trăng thứ hai"

Trong lịch sử, Trái đất từng có các "Mặt trăng thứ hai", mặc dù rất hiếm. Ví dụ tiểu hành tinh 2020 CD3 từng bị lực hấp dẫn của Trái đất "giữ chân" trong vài năm trước khi trôi đi vào năm 2020.

Một tiểu hành tinh khác, 2022 NX1, đã trở thành "mặt trăng tạm thời" hai lần - vào năm 1981 và 2022 - và dự kiến quay lại vào khoảng năm 2051.

So với những "người tiền nhiệm", 2024 PT5 lớn hơn và được dự đoán sẽ ở gần Trái đất đến khoảng năm 2055.

Những "Mặt trăng tạm thời" như 2024 PT5 không chỉ là một cảnh tượng thiên văn thú vị, mà còn cung cấp cho các nhà khoa học những hiểu biết quan trọng về các vật thể gần Trái đất và tương tác của chúng với lực hấp dẫn của hành tinh chúng ta.

Theo NASA, việc nghiên cứu những sự kiện này giúp cải thiện hệ thống phát hiện tiểu hành tinh và nâng cao hiểu biết của chúng ta về các mối đe dọa tiềm tàng do va chạm với tiểu hành tinh.

"Mỗi tiểu hành tinh tạm thời mà chúng ta bắt được giúp chúng ta cải thiện các mô hình và chuẩn bị cho bất kỳ cuộc gặp gỡ nào trong tương lai với các tiểu hành tinh lớn hơn. Đây là một bước tiến trong việc bảo vệ hành tinh và mở rộng hiểu biết về Hệ Mặt trời", tiến sĩ Martínez nhận định.

Trái đất có 'mặt trăng thứ hai'  - Ảnh 2.SpaceX phóng 2 tàu đổ bộ của Mỹ và Nhật Bản lên Mặt trăng

Tàu đổ bộ lên Mặt trăng Blue Ghost của Công ty tư nhân Firefly Aerospace (Mỹ) và tàu vũ trụ Resilience của Công ty iSpace (Nhật Bản) đã cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên