Thuyết "kệ họ": Bớt kiểm soát người, thêm nhẹ lòng mình

KHÁNH NGUYÊN 01/04/2025 15:18 GMT+7

TTCT - Ở một mức độ nào đó, mọi người đều muốn kiểm soát môi trường và hoàn cảnh của mình.

người dân - Ảnh 1.

Ở một mức độ nào đó, mọi người đều muốn kiểm soát môi trường và hoàn cảnh của mình. Nhưng đôi khi, chúng ta đưa bản năng đó đi quá xa thành kiểm soát người khác. Và khi ai đó không cư xử như ta mong muốn thì khó chịu vô cùng. Nếu thử "kệ họ" đi thì thoải mái hơn không?

Lý thuyết kệ họ (let them theory) được nhà văn, người truyền cảm hứng và chủ nhân của kênh podcast Mel Robbins đưa ra vào khoảng năm 2023. Đến tháng 12-2024, Robbins xuất bản cuốn sách The Let Them Theory, với nhan đề phụ, gọi thuyết này là "công cụ thay đổi cuộc sống mà hàng triệu người không ngừng bàn tán". Quyển sách lập tức đứng đầu danh sách bán chạy nhất của The New York Times, bán được 100.000 bản ngay tuần đầu tiên.

Ý tưởng cơ bản của cuốn sách và nội dung của "thuyết kệ họ" khuyến khích mọi người cứ để người khác sống như chính họ, kệ họ làm điều họ cho là đúng vì chúng ta không thể quản được họ, từ đó bớt ý kiến và không để các "drama" tác động đến cuộc sống của mình.

Trước "kệ họ", sau "kệ ta"

Trước thuyết kệ họ, đã có một luật tương tự khuấy động các diễn đàn từ Âu tới Á, đó là "luật buông bỏ". Về cơ bản chúng có chút tương tự nhau. Nhưng luật buông bỏ khuyến khích bạn "cạch mặt" và tránh xa các mối quan hệ độc hại, còn trường phái "kệ họ" mềm mỏng hơn, không xóa bỏ hoàn toàn mối quan hệ mà chỉ mặc kệ, phớt lờ. Đường lối này có phần thực tế hơn, bởi trong cuộc sống, có nhiều mối quan hệ ràng buộc khó lòng mà buông cho được.

Khi áp dụng thực tế, lý thuyết của Mel Robbins cực kỳ đơn giản: cả nhóm bạn rủ nhau đi chơi mà chừa mình ra - thôi kệ họ; đồng nghiệp phòng ban xúm lại xì xầm bàn tán nói xấu ta - thôi kệ họ; vợ/chồng khăng khăng mặc chiếc áo mà bạn không thích để ra ngoài - thôi kệ họ. 

"Bất cứ khi nào cuộc sống khiến tôi bực bội hoặc mẹ hoặc chồng gây khó chịu, tôi sẽ nghĩ thôi kệ" - Robbins nói với tờ Los Angeles Times. Thực hành này khiến bà cảm thấy bình yên ngay, "cảm giác chưa từng có trước đây".

Chỉ tính riêng trên nền tảng TikTok, hashtag #letthemtheory đã có khoảng 30 triệu lượt xem với những video chia sẻ cách mọi người vận dụng thuyết này vào cuộc sống hằng ngày, và những điều tích cực nó đem lại.

Tiến sĩ Terri Orbuch, nhà trị liệu và giáo sư tại Đại học Oakland ở Michigan, cho biết với thuyết kệ họ, ta không từ bỏ quyền kiểm soát mọi thứ mà chỉ ngó lơ những lĩnh vực ta không tài nào kiểm soát được. Thay vì dành hàng giờ liền mỗi ngày cố gắng khiến người khác đáp ứng kỳ vọng của mình thì ta dùng để hiểu cảm xúc và nhu cầu chính mình.

Chia sẻ với Vox, Orbuch cho rằng nếu thực hành đúng, mọi người sẽ ít thất vọng và cảm thấy hạnh phúc hơn. Chưa kể có thể ngủ ngon, ít lo lắng về chuyện người khác cảm thấy thế nào về mình. 

Đồng quan điểm, tiến sĩ Sanam Hafeez, nhà tâm lý học thần kinh, nói thuyết kệ họ còn giúp thắt chặt các mối quan hệ. Bởi lẽ không cố gắng "sửa chữa" mọi thứ cho thấy ta trân trọng đối phương vì chính con người họ, không phải vì họ phù hợp với bức tranh hay tầm nhìn của ta.

người dân - Ảnh 2.

Nói thì nghe đơn giản, nhưng để "kệ họ" được cũng chẳng dễ dàng gì. Buông bỏ là chuyện nói dễ hơn làm, chấp nhận hay mặc kệ cũng vậy.

Xét trên bình diện tâm lý học, ai cũng có nhu cầu được đáp ứng về mặt cảm xúc. Bạn kể chuyện mình cho ai đó nghe, hỉ nộ ái ố gì thì cũng chỉ mong nhận lại sự cảm thông, ủng hộ từ họ. 

Nhưng đời mà, chắc không được như slogan của nhãn hàng nào đó "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu", nên ta dễ rơi vào tuyệt vọng chán chường. Ngoài ra, kỳ vọng "bánh ít đi bánh quy lại" cũng phổ biến, mình tử tế với người cũng mong người tử tế với mình, ai dè lại không phải và thấy tổn thương.

Theo Robbins, phần khó nhất của "mặc kệ họ" là học cách cảm nhận những cảm xúc thô sơ trong ta mà không phản ứng ngay lập tức. Rất nhiều lần, chúng ta đã phản ứng trước khi suy nghĩ, nguyên nhân là vì cảm thấy rằng mình bị mắc kẹt, vì đã trao quá nhiều quyền lực vào tay người khác. 

Thử nhớ lại xem bạn đã có lần nói "muốn làm gì thì làm" với vợ/chồng, con/cháu hay bạn thân/người yêu chưa? Những lúc đó, bạn đã thật sự "kệ họ" như lý thuyết của Robbins hay chỉ đang giận lẫy hờn mát để người ta "rén", không làm điều gì đó nữa.

Robbins chia cuốn sách làm đôi, sau "let them" là "let me". "Mặc kệ họ" chỉ có hiệu quả nếu theo sau là "mặc kệ ta". Nói cách khác, kệ họ không phải là cái cớ để không hành động. Chấp nhận rằng chúng ta không thể kiểm soát hành động của người khác là lời nhắc nhở ta hoàn toàn chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình. 

Thông điệp này gợi nhớ đến quyển Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl: điều duy nhất bạn có thể kiểm soát là phản ứng của bạn đối với những gì đang xảy ra.

Một số chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng nhận thấy thuyết kệ họ giúp mọi người nắm bắt được những khái niệm khó hơn về tâm lý học vì nó đơn giản và mang tính ứng dụng. Selene Burley, một nhà trị liệu được cấp phép tại California, cho biết bà đã chia sẻ lý thuyết này với nhiều khách hàng của mình. 

"Nó đã mở mang tầm mắt cho họ, giúp họ chuyển trọng tâm từ việc kiểm soát hoặc sửa chữa người khác sang chấp nhận những gì nằm trong tầm kiểm soát của bản thân - phản ứng của mình, sự tập trung của mình, sự bình yên của mình" - Burley nói với The Guardian.

Bẫy tự lực và chiêu trò self-help?

Dĩ nhiên một lý thuyết nghe như phần rút gọn của chủ nghĩa khắc kỷ và tổng hợp các tư tưởng của Phật giáo với triết học Hy Lạp sẽ nhận về không ít ý kiến phản biện, trái chiều. Tiến sĩ Hafeez dù ủng hộ "let them" cũng cho rằng điều này có thể đi ngược với kỳ vọng văn hóa và bản năng con người là giúp đỡ người khác, dẫu biết lằn ranh giữa giúp đỡ và kiểm soát là rất mong manh. 

Haffez đánh giá sự bất an cá nhân có thể tăng lên, nỗi sợ bị coi là không đủ năng lực hoặc không quan trọng có thể thúc đẩy bản năng can thiệp trong mỗi người. Nếu ai đó cảm thấy bất an về giá trị hoặc vai trò của mình, họ buộc phải kiểm soát người khác để chứng minh mình có giá trị và năng lực, ông giải thích.

Tác giả Virginia Sole-Smith trong một tập podcast gần đây đã so sánh các mẹo của Robbins với văn hóa ăn kiêng: người ta sẽ chỉ cho bạn cách giảm vài cân để lấy lòng bạn, chứ không mong bạn có thân hình hoàn hảo rồi thôi không tập tành cùng họ nữa.

Rae Jones, một nhà trị liệu tại New York, cho rằng ngành công nghiệp self-help nói chung đang sống nhờ vào sự thiếu tự tin vào năng lực của khách hàng. "Ngành công nghiệp này kiếm hàng triệu USD từ những người cảm thấy tồi tệ về bản thân và tin rằng họ cần phải thay đổi hoặc sửa chữa bản thân theo một cách nào đó" - Jones chia sẻ với Vox trong một bài viết đăng ngày 10-3.

Katie Heaney, một nhà văn và tiểu thuyết gia tự do có một vài phỏng đoán trên tờ The Cut về lý do tại sao Let Them Theory lại được đón nhận nồng nhiệt như thế. Một là vì nó hấp dẫn, đơn giản và nghe có vẻ dễ thực hiện. 

So với những thử thách tập luyện khắc nghiệt và thói quen phức tạp, Robbins bảo phụ nữ chỉ cần dọn giường gọn gàng và vỗ tay khen ngợi mình trước gương mỗi sáng thì đã thay đổi tích cực lắm rồi. Hai là, lý thuyết này khuyến khích những người cam chịu thụ động, muốn buông xuôi, chẳng muốn thay đổi gì, chấp nhận thua từ lúc chưa bắt đầu trò chơi.

Trên Amazon, một độc giả tự nhận đã mua sách nhưng không đọc hết, đánh giá "một sao" cùng nhận định: Robbins đã sa vào cái bẫy quen thuộc của nhiều tác giả sách self-help - "đưa ra một góc nhìn mới, gói gọn nó trong một cụm từ hấp dẫn, chứng minh rằng nó có thể áp dụng ở khắp mọi nơi, rồi viết một cuốn sách dài lê thê trong khi nội dung hoàn toàn có thể được trình bày trong một bài nói 5 phút hoặc một cuốn sổ tay 20 trang".

"Nhà phê bình" này đưa ra kết luận đáng suy ngẫm: 

"Mel Robbins đang viết từ một vị trí đầy đặc quyền. Khối tài sản ròng của cô ấy vào khoảng 8 chữ số, vì vậy cô có nhiều tự do để "kệ họ" hơn rất nhiều so với độc giả trung bình. Có những người trong chúng ta sẽ mất việc, mất đi những mối quan hệ quan trọng, hoặc để người khác làm tổn thương chính họ chỉ vì chúng ta chọn cách mặc kệ và không để bụng. Những lời khuyên như thế này cho thấy Robbins ngày càng xa rời thực tế. Cô ấy, có lẽ, sẽ không phải gánh chịu hậu quả tiêu cực nào từ triết lý của mình. Nhưng với người khác thì không".

Ngoại lệ không thể kệ

Thuyết kệ họ không cổ xúy cho việc cam chịu để người khác muốn làm gì ta thì làm. Trong một tập podcast, tác giả của Let them theory giải thích lý thuyết này không áp dụng trong trường hợp ai đó làm điều gì nguy hiểm hoặc hành động có dấu hiệu phân biệt đối xử, chẳng hạn con cái dính vào tệ nạn hay bạn đời bạo hành.

Với những tính huống này thì nhất định phải lên tiếng. Bên cạnh đó, ta phải luôn tự bảo vệ mình và những gì mình cần - ví dụ như thương lượng mức lương tốt hơn hoặc đòi chế độ bảo hiểm y tế phù hợp và đúng luật. Cuối cùng, ai cũng có giới hạn riêng, nếu ai đó liên tục vi phạm giới hạn này thì vui lòng bỏ qua thuyết kệ họ.

Các bước thực hành Let them theory

Kiểm soát tần suất: tự để ý, đếm số lần bản thân lo lắng về những gì người khác nghĩ về bạn hoặc số lần bạn cố gắng ảnh hưởng đến hành động của họ.

Tự nhắc mình: khi nhận định được, tập nhắc mình "dừng lại' và "kệ họ đi" rồi quan sát phản ứng cảm xúc của bản thân sau mỗi lần như vậy. Lặp lại nhiều lần trong ngày, liên tục ít nhất 21 ngày. Tuy nhiên nên lắng nghe tích cực thay vì cố đưa ra giải pháp.

Vạch ra giới hạn: tạo ra những ranh giới trong các mối quan hệ và chia sẻ với mọi người để họ biết đâu là mức chịu đựng tối đa của bạn, giúp hạn chế việc bị người khác tác động và tổn thương, cũng như can thiệp quá nhiều vào hành động của người khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận