
Trung Quốc tăng trưởng xuất khẩu sang ASEAN và EU, bù đắp sụt giảm tại Mỹ do thuế quan cao - Ảnh: AFP
Theo số liệu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 9-5, trong bốn tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước này đạt 14,14 nghìn tỉ nhân dân tệ (khoảng 1.954 tỉ USD), tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 4, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc đạt 3,84 nghìn tỉ nhân dân tệ (khoảng 530,5 tỉ USD), tăng 5,6%.
Kênh CNBC ngày 9-5 cho biết đà tăng trưởng xuất khẩu này được thúc đẩy chủ yếu nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ các nước Đông Nam Á, như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan trong tháng 4, với mức tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này bù đắp cho sự sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu sang Mỹ do tác động của thuế quan cao.
Đáng chú ý, xuất khẩu của Trung Quốc sang Indonesia tăng 37%, trong khi sang Thái Lan tăng 28%, và sang Liên minh châu Âu cũng tăng 8,3%.
Theo báo cáo của CNBC, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 4 đã giảm hơn 21% (tính theo USD), trong khi nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm gần 14%.
Các chuyên gia nhận định mức thuế quan 145% mà Mỹ áp lên hàng hóa từ Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giá tiêu dùng Mỹ tăng vọt do thuế quan
Trong một buổi phỏng vấn với Đài CNN ngày 6-5, giám đốc điều hành cảng Los Angeles, ông Gene Seroka, cho biết lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm mạnh.
Ông Seroka cũng cảnh báo giá hàng hóa tiêu dùng tại Mỹ đã tăng gấp 2,5 lần do chi phí nhập khẩu tăng cao, còn hàng hóa được nhà nhập khẩu tích trữ từ tháng 3 đang cạn dần.
Tình hình tại cảng Seattle cũng trở nên nghiêm trọng khi không có tàu container nào cập cảng trong ngày 7-5, theo CNN.
Giám đốc cảng Seattle, ông Ryan Calkins, mô tả đây là dấu hiệu rõ ràng về tác động của thuế quan, cho thấy sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Theo phân tích từ trang Axios, các biện pháp thuế quan của Mỹ có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế, gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy giá hàng hóa tiêu dùng lên cao.
Hậu quả này không chỉ ảnh hưởng đến thương mại mà còn tác động đến việc làm và thu nhập của người lao động Mỹ.
Trung Quốc thắt chặt dữ liệu về thị trường lao động
Theo báo cáo của Bloomberg ngày 9-5, thị trường lao động Trung Quốc có thể đang đối mặt với khó khăn khi Zhaopin.com, một trong những nền tảng tuyển dụng trực tuyến lớn nhất nước này, đã ngừng công bố dữ liệu lương thường kỳ.
Zhaopin.com đã không phát hành báo cáo về mức lương trung bình của nhân viên mới tại 38 thành phố lớn trong hai quý liên tiếp.
Những năm trước, nền tảng này thường công bố dữ liệu trong vòng một tháng kể từ khi kết thúc quý. Lần gần đây nhất Zhaopin công bố các dữ liệu liên quan là vào đầu tháng 10-2024.
Hãng tin Bloomberg nhận định việc thiếu vắng các dữ liệu này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu minh bạch của Trung Quốc trong việc công bố thông tin về tỉ lệ thất nghiệp, mức giảm lương và tình trạng sa thải trên diện rộng.
Bloomberg dẫn các chuyên gia kinh tế cho rằng triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc hiện phụ thuộc phần lớn vào khả năng bảo vệ thị trường lao động trong nước.
Chính phủ Trung Quốc hy vọng kích thích tiêu dùng nội địa có thể bù đắp tác động của thuế quan Mỹ, nhưng tăng trưởng thu nhập chậm lại có thể làm giảm nhu cầu tiêu dùng, kéo theo sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Goldman Sachs ước tính khoảng 16 triệu việc làm tại Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nếu xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục đình trệ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7-5 thông báo hai nước sẽ tổ chức buổi thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại tại Thụy Sĩ từ ngày 9 đến 12-5. Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao động thái này, với kỳ vọng rằng Mỹ và Trung Quốc có thể sớm đạt được thỏa thuận giảm thuế theo từng giai đoạn, theo CNBC.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận